Đó là một trong những thông tin nổi bật được các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến Triển vọng kinh tế - thương mại Việt Nam: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh.
Đề cập đến mối quan hệ hai nước Việt Nam - Vương quốc Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, sau hơn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Vương quốc Anh, quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại song phương không ngừng được củng cố và phát triển.
Theo đó, trao đổi thương mại song phương năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng 3,5 lần trong 10 năm. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương có xu hướng chậm lại. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,61 tỷ USD, giảm 1,64%. Trong đó xuất khẩu đạt 5,75 tỷ USD, giảm 0,38%, nhập khẩu đạt 857 triệu USD, giảm 10,67%.
Đáng chú ý, dưới tác động của dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 2,57 tỷ USD, giảm 19,87%. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 2,23 tỷ USD, giảm 19,8%, nhập khẩu đạt 337 triệu USD, giảm 20,25% so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, hiện nay, Vương quốc Anh đang có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vùng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Với những con số ấn tượng kể trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Vương quốc Anh là thị trường quan trọng và luôn là đối tác ưu tiên hợp tác của Việt Nam. Đặc biệt, thị trường hai nước có mức độ bổ sung rất lớn.
Vương quốc Anh là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời Việt Nam là thị trường cửa ngõ để các doanh nghiệp Anh có thể tiếp cận thị trường khu vực rộng lớn.
Khẳng định cơ hội hợp tác giữa hai nước là rất lớn, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành KPMG Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng đặc thù mà không phải nước nào cũng có được, trong đó phải nhắc tới thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn lực...
Ông Cragi Pitt nhấn mạnh, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, đây là điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp Anh quốc đầu tư vào Việt Nam, thâm nhập thị trường.
Giới thiệu về thị trường Anh, ông Craig Pitt - đại diện doanh nghiệp cà phê tại Anh lưu ý, cà phê là một trong những mặt hàng mà thị trường Anh rất ưa chuộng và có nhu cầu khá lớn. Hiện có 43% khách hàng Anh hoàn toàn đồng ý chi trả cho cốc cà phê chất lượng cao. Thời gian gần đây, có rất nhiều cửa hàng, quán cà phê được mở mới tại thị trường này. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp cà phê Việt Nam, bởi thương hiệu cà phê của Việt Nam đã có uy tín và là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới.
“Tuy nhiên, để chinh phục thị trường Anh quốc, các công ty cà phê Việt Nam cần lưu ý về nguồn gốc, chất lượng cà phê, bởi người tiêu dùng ở Anh đặc biệt quan tâm đến quy trình trồng cà phê, nguồn gốc xuất xứ có đảm bảo”, ông Craig Pitt khuyến cáo.
Kỳ vọng sớm ký kết FTA song phương
Chia sẻ về những triển vọng kinh tế thương mại giữa Việt Nam - Vương quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, tới đây, khi Anh rời EU, để khai thác thị trường một cách tốt nhất, Hiệp hội mong muốn Chính phủ Việt Nam và Anh sớm ký kết được Hiệp định thương mại tự do.
Bởi, một FTA song phương tiêu chuẩn cao và thế hệ mới, tương tự như EVFTA, sẽ có tác động tích cực đến thương mại giữa hai nền kinh tế. Các sản phẩm vốn là lợi thế của Việt Nam như điện tử, da giày, dệt may, đồ gỗ nội thất, thủy sản - cũng là các sản phẩm mà Anh có nhu cầu lớn - sẽ tăng mạnh trong trung và dài hạn.
Mặt khác, cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Anh trong các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm, ô tô… thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi rất mong muốn hệ thống tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài sẽ là cầu nối khai thác tốt thị trường. Các Cục, Vụ thuộc các Bộ ngành tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị.
Nói rõ hơn về tiến trình đàm phán FTA song phương Việt Nam – Vương quốc Anh, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay, Việt Nam và Anh quốc đang cố gắng tối đa kế thừa Hiệp định EVFTA.
Đàm phán giữa hai bên đã đi vào giai đoạn cuối cùng và còn một ít vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, hai bên đều kỳ vọng, việc ký kết FTA song phương này sẽ được triển khai vào cuối năm 2021 và có hiệu lực từ đầu năm 2021, ông Lương Hoàng Thái thông tin.
Trong khi đó, ông Gareth Ward, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam bày tỏ, Hiệp định FTA thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh là rất quan trọng và Anh đang rất quan tâm tới vấn đề này.
“Tôi có một thái độ lạc quan là sẽ có thành công trong năm nay vì Vương quốc Anh đã ra khỏi Liên minh châu Âu và bây giờ sẽ có một Hiệp định song phương với Việt Nam để thương mại có thể phát triển hơn nhanh hơn giữa hai nước...,” Đại sứ Gareth Ward nói.
Hiện Việt Nam và Vương quốc Anh không ngừng nỗ lực thiết lập các khuôn khổ pháp lý về thuận lợi hóa thương mại song phương, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, tránh gián đoạn các hoạt động kinh doanh thương mại và đầu tư của doanh nghiệp như xem xét áp dụng EVFTA trong giai đoạn chuyển tiếp và đàm phán FTA song phương Việt Nam - Anh.
Với nền tảng phát triển vững chắc và tiềm năng sẵn có của hai nước cũng như nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, quyết tâm của cơ quan nhà nước, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đạt được những mục tiêu và kỳ vọng mà Chính phủ hai nước đặt ra trong Tuyên bố về đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh đã ký giữa hai nước năm 2010 và 2020.