Quý III, tăng trưởng GDP nước ta đạt 2,62%. Đây là một kết quả nằm ngoài dự đoán, cao hơn ước tính trước đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong đó, Công nghiệp và Xây dựng tăng 2,95% và Dịch vụ tăng trở lại 2,75% sau khi tăng trưởng âm trong quý 2.
Tính chung 9 tháng, GDP tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2019, động lực tăng trưởng chính đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo (+4,6%) và Xây dựng (+5,02%)
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 2,3% so với tháng 8 và tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 0,1% so với tháng trước và giảm 5,7% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất tháng 9 đã tăng so với tháng 8 như sản xuất dệt tăng 2%; sản xuất trang phục tăng 13,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,5%;
Sản xuất chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 5,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,8%; sản xuất kim loại tăng 6,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 4,4%;
Sản xuất xe có động cơ tăng 3,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 1,8%.
Có thể nói, sản xuất công nghiệp tháng 9 có sự khởi sắc và đang dần khôi phục. Bộ Công Thương dự báo, từ tháng 10/2020, nếu đà kiểm soát dịch bệnh được duy trì như hiện nay, sản xuất sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm.
Cùng với đó, tổng mức bán lẻ vẫn đạt tăng trưởng khá tích cực với 4,5% trong quý 3, cao hơn mức tăng 3,2% trong quý 1. Mức tăng này chủ yếu nhờ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa, bởi lẽ du lịch lữ hành vẫn phục hồi chậm.
Tính chung quý III/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với quý trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.022,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% và tăng 8,3%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý III/2020 đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34% so với quý II năm 2020 (tăng 26,6% so với quý I); có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu;
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%; có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%).
Như vậy, xuất khẩu cùng với sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hóa là động lực tăng trưởng quý III/2020 vượt ngoài mọi dự đoán.