Đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề tại tỉnh An Giang trong những năm gần đây

ThS. LÊ THỊ KIM CHI (Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề ở An Giang đạt kết quả khá tốt. Nhờ thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, chú trọng đào tạo gắn với giải quyết việc làm dưới nhiều hình thức, lao động đã qua đào tạo tìm được việc làm chiếm tỉ lệ cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động. Bài viết đánh giá thực trạng và hiệu quả của công tác đào tạo nghề ở An Giang trong thời gian qua.

Từ khóa: Đào tạo nghề, việc làm, lao động, tỉnh An Giang.

1. Đặt vấn đề

An Giang là tỉnh có dân số đông, trên 2,1 triệu người (đứng thứ 6 cả nước). Dân số trong độ tuổi lao động (LĐ) chiếm khoảng 60% trong cơ cấu dân số của tỉnh. Hàng năm, bình quân có trên 20.000 người bước vào tuổi LĐ. Với cơ cấu độ tuổi này, An Giang đang ở thời điểm dân số vàng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng của đội ngũ lao động trẻ tại địa phương. Tuy nguồn LĐ dồi dào, song trình độ học vấn, tay nghề của đa số người LĐ còn thấp, cơ hội tìm kiếm việc làm ở doanh nghiệp (DN), khu chế xuất hiện nay còn hạn chế.

Do đó, tận dụng thời điểm dân số vàng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm là những vấn đề rất bức thiết đối với An Giang. Thời gian qua, An Giang đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lên phương án xắp sếp, nâng cấp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Các hạn chế của công tác đào tạo nghề cho LĐ, đặc biệt là LĐ nông thôn đã được triển khai khắc phục; Quan tâm gắn đào tạo nghề với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với giải quyết việc làm cho người LĐ; Chương trình đào tạo dạy nghề đảm bảo để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lao động sau đào tạo không tìm được việc làm phù hợp; Thường xuyên kiểm tra, giám sát lớp, kiểm tra đầu ra của học viên để nâng cao chất lượng đào tạo tại địa phương. Nhờ đó, chất lượng nguồn lao động đã qua đào tạo tại An Giang thời gian qua đã được cải thiện rõ rệt, lao động qua đào tạo nghề về cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

2. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Những năm qua, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế của tỉnh, An Giang đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động các nguồn lực tập trung phát triển công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.

Đặc biệt, nhằm hoàn thành mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 về đào tạo nghề lao động nông thôn (LĐNT) là 65.000 lao động (lĩnh vực nông nghiệp là 22.100 lao động, lĩnh vực phi nông nghiệp là 42.900 lao động), tỉnh An Giang đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, như: Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, của cán bộ, công chức và người lao động về vai trò của đào tạo nghề nghiệp đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tiếp tục kiện toàn bộ máy nhân sự, cơ sở vật chất của các trường sau khi sắp xếp, sáp nhập; Tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả; Tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động, ưu tiên dành kinh phí từ Đề án đào tạo nghề cho LĐNT để ký kết hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng; triển khai tốt Kế hoạch Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường; khuyến khích các nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Song song đó, tỉnh tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy tích cực cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên để không ngừng nâng cao chất lượng công tác giảng dạy; tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trường, Trung tâm Dạy nghề đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Một trong những giải pháp đổi mới đào tạo nghề là đưa DN trở thành chủ thể tham gia đào tạo nghề, chủ động tích cực tham gia vào hệ thống này với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình. Để thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với DN, thị trường LĐ được coi là giải pháp đột phá trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc học nghề, tạo việc làm để tự vươn lên thoát nghèo thường xuyên được quan tâm thực hiện.

Cùng với các giải pháp hàng năm nhằm nâng cao chất lượng nguồn LĐ qua đào tạo, UBND tỉnh An Giang đã triển khai Đề án “Đào tạo LĐ có tay nghề, đáp ứng yêu cầu DN, giai đoạn 2017 - 2020”.  Đề án chỉ rõ, trong bối cảnh tiến bộ khoa học và hội nhập kinh tế, LĐ phổ thông giá rẻ không còn là ưu thế, các DN đầu tư nhiều trang thiết bị, dây chuyền hiện đại phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh và có xu hướng ưu tiên tuyển dụng LĐ có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của quy trình sản xuất và an toàn, vệ sinh LĐ. Vì vậy, việc đào tạo nguồn LĐ có tay nghề đáp ứng yêu cầu của DN là vấn đề cấp thiết hiện nay.

3. Đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề tại An Giang

Với hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề như cơ cấu lại hệ thống dạy nghề, đảm bảo hợp lý về quy mô ngành nghề đào tạo nhằm đổi mới hệ thống giáo dục dạy nghề, thời gian qua, công tác đào tạo nghề ở An Giang có nhiều đổi mới. Cơ cấu lao động chuyển đổi phù hợp với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, việc đào tạo nghề theo nhu cầu người lao động đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của thị trường lao động. Thông qua đó tránh được lãng phí tài chính, thời gian trong công tác đào tạo nghề.

Đến nay, tỉnh An Giang có 33 cơ sở đào tạo nghề nghiệp, gồm: 2 trường cao đẳng (Cao đẳng Nghề, Cao đẳng Y tế An Giang), 6 trường trung cấp nghề, 8 trung tâm có chức năng đào tạo nghề và 17 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Hàng chục ngàn lao động đã được đào tạo nghề, có việc làm ổn định, trong đó có hàng ngàn người là LĐNT.

Năm 2017, tỉnh An Giang tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 25.150 người, trong đó, đào tạo nghề LĐNT cho 12.190 học viên. Tỉnh đã cấp 16.500 chứng chỉ nghề cho học viên tốt nghiệp, số học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm 13.320 người (đạt tỷ lệ 72%). Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp từ 38,8% năm 2016 lên 42,5% năm 2017, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 53,3% lên 56,6% năm 2017.

Để đạt được kết quả trên, An Giang đã tổ chức thực hiện các chương trình, dự án dạy nghề, giải quyết việc làm được lồng ghép với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương. Công tác giáo dục nghề nghiệp đã được phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong tỉnh. Người dân cũng đã nâng cao nhận thức về việc làm, về thu nhập, nên đa số đã tự tạo việc làm hoặc đi tìm việc làm trong hay ngoài tỉnh, không còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Không chỉ vậy, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo ra "chất xúc tác" giúp nhiều lao động là đối tượng đặc thù, yếu thế vượt qua khó khăn để có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tiếp đó, Tỉnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, cụ thể, như: tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên; miễn giảm học phí; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề ngắn hạn cho các đối tượng đặc thù. Triển khai danh mục đào tạo nghề, mức chi phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện; chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, tỉnh An Giang còn tiếp tục phát huy tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị trong công tác đào tạo nghề, có quyết định điều chuyển thiết bị đào tạo nghề đã được đầu tư nhưng khai thác sử dụng chưa hiệu quả; Tăng cường các giải pháp cải thiện chỉ số thành phần về đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, định hướng đến năm 2020; triển khai thực hiện có hiệu quả đào tạo nghề nghiệp theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động; gắn đào tạo nghề LĐNT vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến năm 2018, theo số liệu từ Sở Lao động Thương binh - Xã hội An Giang, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 25.000 người, trong đó, LĐ nữ được học nghề hơn 10.300 học viên, chiếm tỷ lệ 41,5%. Cụ thể, đào tạo trình độ cao đẳng 1.400 sinh viên; trình độ trung cấp 1.200 học sinh; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 22.400 học viên (trong đó, đào tạo nghề cho LĐNT ký 340 hợp đồng, 390 lớp, trên 12.000 học viên, kinh phí trên 7 tỷ đồng). Năm 2018, Tỉnh cũng đã tổ chức 30 lớp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của 5 doanh nghiệp, với 1.050 học viên. Người lao động sau khi học nghề được doanh nghiệp bố trí việc làm tại doanh nghiệp chiếm trên 90%.

Bên cạnh đó, ước thực hiện cấp 19.000 bằng, chứng chỉ nghề cho học viên tốt nghiệp các khóa đào tạo. Riêng hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, toàn Tỉnh đã ký 11 hợp đồng với Công ty TNHH May mặc Lu An, Công ty TNHH NV Apparel, Công ty TNHH Thủy sản Đông Á, Công ty TNHH may Xuất khẩu Thành An và Công ty TNHH may Xuất nhập khẩu Đức Thành, tổng cộng tổ chức 31 lớp với 1.085 học viên, kinh phí hỗ trợ 1,3 tỷ đồng.

Trong đó lĩnh vực phi nông nghiệp, toàn tỉnh tổ chức được 238 lớp, đào tạo nghề cho 6.617 học viên. Lĩnh vực nông nghiệp tổ chức 186 lớp đào tạo nghề cho 5.383 học viên. Đã tạo được 7 mô hình đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn 7 địa phương, như: An Phú, Thoại Sơn, Châu Thành, Chợ Mới, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên, với kinh phí hỗ trợ 84 triệu đồng. Từ các nguồn hỗ trợ, tại một số địa phương đã nổi lên một số mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm hiệu quả, có khả năng nhân rộng. Đó là mô hình chăn nuôi heo ở huyện An Phú; mô hình nuôi lươn không bùn tại TP. Châu Đốc. Các mô hình phi nông nghiệp, như: xây dựng dân dụng, may công nghiệp ở 4 địa phương đã chủ động ký hợp đồng 3 bên. Trong đó, trách nhiệm của doanh nghiệp là tuyển dụng lao động sau khi học xong với mức lương khởi điểm từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, đồng thời bao tiêu sản phẩm do người lao động làm ra, hỗ trợ máy móc, thiết bị, cán bộ kỹ thuật và nguyên liệu thực.

Nhờ rút kinh nghiệm từ số hạn chế của những năm trước, nên công tác đào tạo nghề cho LĐNT năm 2019 có nhiều thuận lợi.  Năm 2019, An Giang đã tổ chức được 461 lớp đào tạo nghề cho 12.000 học viên LĐNT; bồi dưỡng sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho 90 giáo viên, giảng viên. Rà soát nhu cầu đào tạo nghề và tổ chức tư vấn học nghề, việc làm cho trên 15.000 LĐNT, người khuyết tật. Mỗi địa phương và cơ sở đào tạo nghề phải xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm sát với thực tiễn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động sau khi học nghề có thể tự tạo việc làm hoặc được tư vấn, giới thiệu, cung ứng đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tổng kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh năm 2019 là gần 26,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí Trung ương hỗ trợ gần 24,2 tỷ đồng, nguồn kinh phí địa phương khoảng 2 tỷ đồng. Đến nay, An Giang có 22 cơ sở đào tạo nghề tham gia đào tạo cho LĐNT, trong đó có 5 trường trung cấp; 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 10 cơ sở khác tham gia đào tạo nghề. Đến cuối năm 2019, danh mục nghề đào tạo cho LĐNT có 63 nghề, trong đó có 15 nghề nông nghiệp và 48 nghề phi nông nghiệp. 

Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp lựa chọn cơ sở đào tạo nghề đủ điều kiện tổ chức đào tạo để ký hợp đồng đào tạo; chủ động lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.

Theo báo cáo của các cơ sở đào tạo nghề, số lao động tạo được việc làm sau đào tạo đạt tỷ lệ khoảng 80% so với tổng số lao động đã đào tạo, còn khoảng 20% đang tìm việc làm. Ngoài ra, trong năm 2019, An Giang cũng đã tổ chức thực hiện 56 lớp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của 8 doanh nghiệp với 1.955 học viên, kinh phí hỗ trợ gần 2,4 tỷ đồng. Người lao động sau khi học nghề xong được doanh nghiệp tiếp nhận bố trí việc làm tại doanh nghiệp chiếm trên 90%.

Nhìn chung, kết quả đào tạo nghề cho LĐNT năm 2019 đạt khá tốt, chất lượng đào tạo được quan tâm nên có tiến bộ hơn, đặc biệt quan tâm việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Nhiều địa phương đã quan tâm tuyên truyền vận động, huy động học viên đến lớp học nghề... Công tác đào tạo nghề cho LĐNT được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú đã tạo điều kiện thuận lợi để người lao động đăng ký tham gia học nghề; nhiều lao động học nghề xong đã tự tạo được việc làm tại địa phương hoặc được tư vấn giới thiệu việc làm ở các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. 

Năm 2020, tỉnh An Giang đặt mục tiêu tổ chức khoảng 469 lớp đào tạo nghề cho 12.000 học viên LĐNT, phấn đấu tối thiểu có trên 80% số lao động sau khi học nghề có việc làm. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT 200 lớp, cho 5.000 người; đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT 269 lớp, cho 7.000 người.

Song song đó, tỉnh cũng tập trung bồi dưỡng sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học; kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho 150 giáo viên, giảng dạy; bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho 450 cán bộ quản lý cấp tỉnh, huyện, xã, cơ sở đào tạo nghề. Tỉnh cũng tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề; đảm bảo tạo được việc làm, tăng thu nhập của lao động vùng nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.  

Để đạt được mục tiêu đào tạo nghề cho 12.000 LĐNT, tỉnh An Giang cũng yêu cầu việc hỗ trợ đào tạo nghề tại các địa phương phải thực hiện đúng đối tượng, đúng chính sách theo quy định. Trong quá trình tư vấn, xét tuyển đầu vào để đào tạo nghề, cần đặc biệt chú trọng đến trình độ học vấn, sức khỏe, điều kiện của người lao động có phù hợp với nghề sẽ học để đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo. Tỉnh An Giang cũng yêu cầu từng địa phương phải rà soát nắm nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động để giải quyết việc làm tại chỗ, nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, ngành nghề cần đào tạo… để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm sát với thực tiễn. Các địa phương và cơ sở đào tạo nghề tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động sau khi học nghề có thể tự tạo việc làm hoặc được tư vấn, giới thiệu, cung ứng đi làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Theo kế hoạch, việc đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho LĐNT trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ tập trungvào: Đào tạo nghề cho LĐNT theo hướng nhân rộng các lớp nghề đã tổ chức hiệu quả; đào tạo tại doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh; gắn đào tạo với liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn để người lao động sản xuất tự tạo việc làm. Đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp, tập trung tổ chức đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động hoặc tổ chức làm việc cho LĐNT theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đối với đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung tổ chức đào tạo cho các đối tượng là nông dân nòng cốt tại địa phương, đủ điều kiện áp dụng kiến thức nghề sau khi học, phải có mô hình hướng dẫn thực hành thì mới được xem là đủ điều kiện đào tạo...

Để thu hút đông đảo LĐNT tham gia đào tạo nghề, tỉnh An Giang cũng sẽ có chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cho người học nghề, như: Người khuyết tật có giấy xác nhận khuyết tật hoặc thẻ xác nhận là người khuyết tật hoặc sổ lĩnh trợ cấp hàng tháng sẽ được hỗ trợ tham gia học nghề tối đa là 6 triệu đồng/người/khóa học. Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tối đa là 4 triệu đồng/người/khóa học. Người dân tộc thiểu số; người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh mức hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học. Người thuộc hộ cận nghèo, mức hỗ trợ tối đa là 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Người học là phụ nữ; LĐNT không thuộc các đối tượng nêu trên mức hỗ trợ tối đa là 2 triệu đồng/người/khóa học.

Ngoài ra, LĐNT thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; lao động nữ bị mất việc làm được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học và hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng lao động là người khuyết tật và người học cư trú ở xã thuộc vùng khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ là 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên.

Đặc biệt, LĐNT học nghề được vay tín dụng theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. LĐNT làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay tín dụng để học nghề. LĐNT sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về Việc làm để tự tạo việc làm.

4. Kết luận

Ngoài việc thực hiện đồng bộ, lồng ghép có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, thì công tác dạy nghề, giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng, mang tính quyết định vào việc giảm nghèo bền vững ở An Giang.

Một trong những tiêu chí hàng đầu thực hiện việc giảm nghèo bền vững của tỉnh là đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong đó mục tiêu phấn đấu là tạo mọi điều kiện để ổn định phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Với tiêu chí ấy, bằng nhiều nguồn lực, Tỉnh đã nỗ lực giải quyết việc làm mới và đào tạo đúng hướng theo kế hoạch đề ra.

Nhờ đó, An Giang đã hạn chế được tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, đồng thời đã tăng cường được sự hợp tác, tạo điều kiện đưa người lao động qua đào tạo đi làm việc ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh, ngoài nước. Như vậy, hướng đào tạo nghề theo nhu cầu thiết thực của người lao động đã đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động. Vì vậy,người lao động qua đào tạo nghề đã có nhiều cơ hội để tìm việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo, thông qua đó, ngày càng khẳng định các chương trình mục tiêu về dạy nghề gắn kết chặt chẽ với giảm nghèo bền vững đã và đang được tiếp tục triển khai đồng bộ với những hành động thiết thực, góp phần khơi dậy các nguồn lực trong công tác tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. www.laodongxahoi.net 
  2. www.angiang.gov.vn
  3. www.ldxh.vn
  4. www.mpi.gov.vn
  5. www.agts.edu.vn
  6. Nghị quyết 38/2016/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017 của hội đồng nhân dân tỉnh An Giang, khóa IX, kỳ họp thứ 3.
  7. Nghị Quyết 21/2018/NQ-HĐND quy định mức thu, chế độ thu, miễn, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nước mặt trên địa bàn tỉnh An Giang.
  8. Chương trình hành động số 09-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

ASSESSING THE EFFICIENCY OF AN GIANG PROVINCE’S VOCATIONAL TRAINING IN RECENT YEARS

● Master. LE THI KIM CHI

Faculty of Economics - Business Management

An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

In recent years, vocational training in An Giang has achieved good results with a high employment rate of trained workers thanks to the effective implementation of vocational training programs, focusing on training associated with job creation in many forms. This article assesses the status and efficiency of An Giang province’s vocational training in recent years.

Keywords: Vocational training, job, labor, An Giang province.