Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh An Giang

TS. TÔ THIỆN HIỀN (Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) - ThS. NGUYỄN NHỰT KHANG (Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh An Giang)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu hệ thống hóa về quản lý rủi ro tín dụng (RRTD) trong Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) gắn liền với nền kinh tế thế giới, hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM, thực trạng quản lý RRTD tại VietinBank - Chi nhánh An Giang (VietinBank An Giang) giai đoạn 2015 - 2017 và đánh giá chung về công tác quản lý RRTD của đơn vị. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hoàn thiện công tác quản lý RRTD tại VietinBank An Giang trong thời gian đến năm 2022, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh của NHTM, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Từ khóa: Quản lý rủi ro tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh An Giang, VietinBank.

1. Đặt vấn đề

Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tài chính của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường ngân hàng nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới ngày càng chất lượng của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, với đặc thù của một lĩnh vực kinh doanh đầy nhạy cảm, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cả trực tiếp và gián tiếp, rủi ro ngân hàng lớn là yếu tố không thể tránh khỏi và có khả năng trở thành nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các ngân hàng nói riêng, thị trường tài chính và nền kinh tế nói chung. Trong đó, hoạt động cho vay của các NHTM đã góp phần cung ứng vốn cho các pháp nhân, cá nhân, giúp hệ tuần hoàn của nền kinh tế hoạt động một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả cao.

Trên thực tiễn, hoạt động tín dụng của VietinBank An Giang thời gian qua cho thấy RRTD của đơn vị chưa được kiểm soát tốt và đang có xu hướng ngày một gia tăng. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện được một cơ chế kiểm soát nội bộ phù hợp và hiệu quả sẽ cho phép các NHTM chống đỡ tốt hơn về RRTD. Chính vì vậy, RRTD phải được quan tâm quản lý, kiểm soát một cách bài bản và có hiệu quả, đảm bảo chất lượng tín dụng hoạt động trong phạm vi rủi ro chấp nhận được, hỗ trợ việc phân bổ vốn hiệu quả hơn, giảm thiểu các thiệt hại phát sinh từ RRTD và tăng thêm lợi nhuận kinh doanh, góp phần nâng cao uy tín và tạo ra lợi thế cạnh tranh của ngân hàng và đặc biệt đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Từ đó, các tác giả đã chọn đề tài: “Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý RRTD tại VietinBank An Giang” để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý RRTD và hoạt động kinh doanh tại VietinBank An Giang, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

2. Khái quát cơ sở lý thuyết về quản lý RRTD trong VietinBank

2.1. Khái niệm rủi ro tín dụng

Theo Nguyễn Văn Tiến (2010): "RRTD phát sinh trong trường hợp ngân hàng không thu đủ được đầy đủ gốc là lãi khoản vay, hoặc việc thanh toán nợ gốc lãi không đúng kỳ hạn. Nếu tất cả các khoản đầu tư của ngân hàng được thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi đúng hạn thì ngân hàng không chịu bất cứ RRTD nào. Trong trường hợp người vay tiền phá sản thì việc thu hồi gốc lãi tín dụng đầy đủ là không chắc chắn, do đó, ngân hàng có thể gặp RRTD".

Còn theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 01/VBHN-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành: "RRTD trong hoạt động ngân hàng là tổn thất có khả năng xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết".

2.2. Quản lý rủi ro tín dụng

Theo Nguyễn Quang Thu (2008), "Quản lý rủi ro là một chức năng quản trị chung để nhận ra, đánh giá và đối phó với những nguyên nhân và hậu quả của tính bất định và rủi ro của tổ chức. Mục đích của quản lý rủi ro là cho phép tổ chức tiến đến những mục đích của nó bằng con đường trực tiếp, có hiệu năng và hiệu quả nhất”. Quản lý RRTD là quá trình kiểm soát tác động của các sự kiện liên quan đến RRTD trên cơ sở tài chính, bao gồm các công việc xác định, đo lường mức độ tổn thất tiềm năng và thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại cho các tổ chức tài chính. Theo cách hiểu tại các ngân hàng Việt Nam thì “RRTD là khả năng xảy ra tổn thất trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết".

2.3. Các nhiệm vụ chủ yếu của công tác quản lý RRTD

Một là, nhận diện và phân loại rủi ro: Phải theo dõi, xem xét môi trường hoạt động kinh doanh và quy trình cho vay để thống kê các dạng RRTD, nguyên nhân đã xảy ra và dự báo những nguyên nhân tiềm ẩn có thể gây ra RRTD.

Hai là, đánh giá mức độ rủi ro: Cần phải thu thập số liệu và phân tích dựa trên các tiêu chuẩn đã đặt ra. Các đối tượng cần đánh giá mức độ rủi ro bao gồm: Nội bộ ngân hàng, khách hàng, danh mục đầu tư.

Ba là, phòng chống và dự phòng rủi ro: Theo BIS (2000), kiểm soát rủi ro là việc sử dụng các biện pháp, kỹ thuật, công cụ, chiến lược và các chương trình hoạt động để ngăn ngừa, né tránh, giảm thiểu rủi ro.

Bốn là, theo dõi, đánh giá và điều chỉnh phương pháp phòng chống rủi ro: Việc báo cáo kịp thời, theo đúng yêu cầu về rủi ro là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro [4].

3. Thực trạng quản lý RRTD tại VietinBank An Giang giai đoạn 2015 - 2017

3.1. Kết quả hoạt động kinh doanh

Bảng 1. Số liệu các chỉ tiêu cơ bản tại VietinBank An Giang

giai đoạn 2015 - 2017

ĐVT: Triệu đồng

Số liệu các chỉ tiêu cơ bản tại VietinBank An Giang giai đoạn 2015 - 2017

Nguồn: VietinBank An Giang, Báo cáo thường niên các năm 2015 - 2017

Số dư nợ cho vay: Công tác cho vay của VietinBank An Giang luôn tăng trưởng trong giai đoạn 2015 - 2017. Cụ thể, đến cuối năm 2017, tổng dư nợ cho vay của đơn vị là 162.170 triệu đồng, tăng 40.880 triệu đồng so với năm 2015. Dư nợ tại đơn vị tăng là do đơn vị luôn nỗ lực phát triển khách hàng tiềm năng, giữ chân khách hàng truyền thống. Ngoài ra, đơn vị còn có nhiều gói lãi suất cho vay ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tình trạng nợ xấu: Năm 2015, nợ xấu ở mức 2.984 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 2,46% trên tổng dư nợ năm 2015 (121.290 triệu đồng), đến năm 2017 là 1.833 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 1,13% trên tổng dư nợ năm 2017. Qua đó, cho thấy tình hình hình nợ xấu của VietinBank An Giang có chiều hướng giảm qua các năm. Đó là sự nỗ lực rất lớn của cả đơn vị trong công tác lựa chọn khách hàng, thẩm định các dự án đầu tư, kinh doanh, cho vay và xử lý nợ.

Lợi nhuận: Qua Bảng 1 cho thấy, năm 2015 lợi nhuận trước thuế là 3.930 triệu đồng; đến năm 2016 giảm xuống còn 2.337 triệu đồng; năm 2017 giảm còn 2.120 triệu đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế của đơn vị cũng giảm nhẹ qua các năm. Nguyên nhân, từ năm 2016 - 2017, VietinBank An Giang thay đổi địa điểm kinh doanh, xây dựng và mua sắm tài sản cố định, cải thiện và hoàn chỉnh hệ thống nhận diện thương hiệu; bên cạnh đó chi phí đầu tư hệ thống thẻ tín dụng, các chương trình khuyến mại theo kế hoạch cũng tiêu tốn khá nhiều chi phí của VietinBank An Giang.

3.2. Thực trạng quản lý RRTD

3.2.1. Thực hiện cấp tín dụng lành mạnh

Tại VietinBank An Giang, việc tìm hiểu kỹ khách hàng về năng lực tài chính, mục đích vay vốn, uy tín của khách hàng chưa thật sự góp phần vào công tác phòng ngừa RRTD. Áp lực chỉ tiêu, doanh số phần nào đã "cuốn" nhân viên tín dụng chạy theo thành tích nên buông lỏng công tác thẩm định khách hàng từ buổi đầu. 

Bảng 2. Ý kiến chuyên gia về thực hiện cấp tín dụng lành mạnh

Ý kiến chuyên gia về thực hiện cấp tín dụng lành mạnh

Nguồn: Kết quả do tác giả thực hiện tại VietinBank An Giang

Thực tế hiện nay cho thấy, do thu thập không đầy đủ và thiếu thông tin trung thực về khách hàng nên ngân hàng luôn xem nặng phần tài sản thế chấp/cầm cố như là giải pháp để phòng, chống RRTD, từ đó dẫn đến việc lạm dụng tài sản thế chấp trong quản lý rủi ro khoản vay thay vì phải đánh giá tính khả thi của phương án vay vốn, khả năng tài chính của khách hàng nên tâm lý chủ quan trong cho vay cũng khó tránh khỏi. Việc chưa phân loại nhóm khách hàng cũng là nội dung cần sớm xây dựng để hạn chế rủi ro. Việc thẩm định khách hàng chưa nghiêm túc tạo nên những rủi ro tiềm ẩn nên khâu đề xuất biện pháp phòng ngừa trong tờ trình thẩm định tín dụng chưa phù hợp và thiết thực.

3.2.2. Duy trì quá trình quản lý, đo lường và theo dõi tín dụng phù hợp

Thực tế hiện nay, VietinBank An Giang chỉ quản lý rủi ro tín dụng định hướng theo Basel II và việc áp dụng Basel đòi hỏi sự chuẩn bị về nhiều phương diện nên việc chưa hoàn thiện là không thể tránh khỏi.

Từ việc nâng cấp từ Goldriver đã góp phần cho việc quản lý dư nợ được chính xác, kịp thời hơn. Corebanking là xương sườn cho mọi hoạt động nên VietinBank đã đầu tư hệ thống quản lý số liệu được đánh giá là hiện đại hiện nay.

Bảng 3. Ý kiến chuyên gia về duy trì quá trình quản lý, đo lường và theo dõi tín dụng phù hợp

Ý kiến chuyên gia về duy trì quá trình quản lý, đo lường và theo dõi tín dụng phù hợp

Nguồn: Kết quả do tác giả thực hiện tại VietinBank An Giang

Qua Bảng 3 khảo sát và kết quả phỏng vấn chuyên gia cho thấy việc chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng chưa được rà soát, cập nhật, sửa đổi và bổ sung định kỳ để phù hợp với tình hình thực tế; việc chấm điểm tín dụng chỉ được thực hiện theo thủ tục. Với mức vay từ 500 triệu trở lên mới tiến hành chấm điểm tín dụng là chưa đảm bảo an toàn cho khoản vay. Chấm điểm tín dụng là một trong những thước đo lường rủi ro khách hàng mà ngân hàng cần hết sức quan tâm, tuy nhiên chưa mang lại kết quả như mong muốn.

3.2.3. Đảm bảo quy trình kiểm soát đầy đủ đối với RRTD

VietinBank An Giang cũng đang chuẩn hóa bộ máy cấp tín dụng chuyển dần từ mô hình quản lý tín dụng phân tán thành quản lý tín dụng tập trung. Sự tách biệt này nhằm mục tiêu giảm thiểu rủi ro một cách thấp nhất, đồng thời chuyên môn hóa từng vị trí cán bộ làm tín dụng. Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá chưa cao công tác hỗ trợ đơn vị kinh doanh trong việc hạn chế và khắc phục sai sót mà kiểm soát nội bộ nêu ra việc kiểm tra, giám sát khắc phục rủi ro chưa được chú trọng nên tính hiệu lực của kiểm soát nội bộ chưa cao.

3.4. Đánh giá chung về quản lý RRTD tại VietinBank An Giang giai đoạn 2015 - 2017

3.4.1. Kết quả đạt được

Đã xây dựng chiến lược, chính sách định hướng cho công tác quản lý RRTD: Luôn cập nhật và xây dựng được các chính sách quan trọng liên quan đến quản lý RRTD. Mô hình tổ chức theo hướng tập trung cho quản trị rủi ro bước đầu đã được hình thành: Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2010, ban hành vào ngày 09/6/2010 và có hiệu lực thi hành vào ngày 01/1/2011, đã đưa ra nhiều quy định mới về tổ chức quản trị điều hành trong ngân hàng và định hướng theo các yêu cầu của Basel II; đồng thời đã có bước chuẩn bị để chuyển dần sang mô hình quản trị RRTD tập trung, và xây dựng được các sản phẩm và hướng dẫn cụ thể cho từng sản phẩm vay thuộc loại hình cho vay.

3.4.2. Hạn chế:

Công tác quản lý RRTD chưa đúng mức, thực hiện thẩm định khoản vay sơ sài, vi phạm các quy định trong quản lý RRTD.

Công tác nhận diện phân tích RRTD vẫn chưa được hỗ trợ bởi hệ thống nên chưa thực sự chủ động. Công tác quản lý rủi ro tín dụng chưa hoàn thiện bộ máy cấp tín dụng theo mô hình cấp tín dụng tập trung: cán bộ tín dụng làm tất cả các công đoạn từ tìm kiếm, tiếp xúc khách hàng đến phân tích thẩm định tín dụng, theo dõi hồ sơ vay đến khi tất toán khoản vay nên vừa không tránh khỏi những sai sót, thiên kiến vừa dễ xảy ra những rủi ro tác nghiệp. Công tác quản lý RRTD theo hiệp ước Basel II chưa đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh.

Nguyên nhân: Về phía Ngân hàng đang từng bước chuẩn hóa hệ thống văn bản nội bộ và chuyên môn hóa từng vị trí để thực hiện tốt hơn việc phân tích các khoản cho vay, những tổn thất đã xảy ra, cảnh báo để rút ra bài học kinh nghiệm. Ngoài các nhân tố chủ quan xuất phát từ phía ngân hàng, còn có nhân tố khách quan xuất phát từ phía khách hàng dẫn đến RRTD.

  1. Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý RRTD tại VietinBank An Giang giai đoạn đến năm 2022

4.1. Nhóm giải pháp chính hoàn thiện công tác quản lý RRTD

Một là, nhận diện và phân loại rủi ro: Thực hiện thẩm định khoản vay chặt chẽ, đúng các quy định trong quản lý RRTD là điều kiện tiên quyết và rào cản rủi ro hữu hiệu và ít tốn kém nhất, nhất là đối với hồ sơ vay vốn, hồ sơ tài sản đảm bảo, hồ sơ giải ngân và kiểm tra. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro sớm và hoàn thiện hệ thống cảnh báo rủi ro.

Hai là, đánh giá rủi ro hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ: Cải thiện các phương pháp nhận diện, phân tích, đo lường RRTD tại đơn vị ngân hàng áp dụng nhưng chưa mang lại hiệu quả cao. Xây dựng lại Quy định chấm điểm khách hàng và xếp hạng tín dụng để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Xây dựng chương trình phần mềm chấm điểm khách hàng và xếp hạng tín dụng trên hệ thống và online trong hệ thống để làm cơ sở cho việc khai thác thông tin khách hàng tại đơn vị.

Ba là, phòng chống và dự phòng rủi ro: Cải thiện, áp dụng các giải pháp dự phòng rủi ro tín dụng tại đơn vị, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo về quản lý rủi ro tín dụng tại đơn vị. Thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và chính xác phản ánh đúng tình trạng nợ của mỗi NHTM. Hoàn thiện hệ thống kiểm soát và nâng cao tính hiệu lực của kiểm soát và cho công tác quản lý RRTD.

Bốn là, theo dõi đánh giá và điều chỉnh phương pháp phòng chống rủi ro: Hoàn thiện bộ máy cấp tín dụng theo mô hình cấp tín dụng tập trung: Hoàn thiện cơ cấu tổ chức NHTM theo hướng tập trung cho quản trị rủi ro. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho các NHTM Việt Nam nói chung và VietinBank An Giang nói riêng trong thời gian tới là phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo xu hướng quản trị ngân hàng hiện đại, dựa trên tinh thần của Ủy ban Basel.

4.2. Nhóm giải pháp hỗ trợ cho công tác quản lý rủi ro tín dụng

Một là, công tác đào tạo: Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, trao đổi về các tình huống tín dụng đã xảy ra để rút kinh nghiệm chung; tổ chức các buổi hội thảo, thảo luận về kiểm soát rủi ro tín dụng, nhấn mạnh các sai phạm và hậu quả gặp phải trong toàn hệ thống để phòng tránh. Nâng cao nhận thức cho cán bộ tín dụng về ý nghĩa của kiểm soát, đào tạo cho họ các kiến thức và kỹ năng cần thiết để phục vụ hoạt động này.

Hai là, tổ chức nhân sự: VietinBank An Giang cần có chế tài, có chính sách kiểm điểm kỷ luật bồi thường rõ ràng, kiên quyết đối với những trường hợp cố tình sai phạm gây ra thất thoát tài sản cho ngân hàng nhằm răn đe và giảm thiểu rủi ro đạo đức có thể xảy ra. Định kỳ, VietinBank An Giang sẽ tiến hành sàng lọc đội ngũ nhân viên tín dụng, nếu không đủ điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức thì cương quyết chuyển đổi công việc khác.

Ba là, tổ chức Phòng/ban: Thành lập bộ phận nghiên cứu, phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô: VietinBank đã triển khai: Báo cáo rủi ro thị trường định kỳ hàng tháng, tuy nhiên báo cáo còn mang tính tổng hợp chưa phân tính nguyên nhân và dự báo rủi ro ngành nghề. Báo cáo rủi ro vận hành chủ yếu tổng hợp từ các báo cáo của Phòng Kiểm soát nội bộ nên chưa đa dạng và còn thụ động. Việc thu thập thông tin ngành đôi khi gặp khó khăn, vì việc phân tích chủ yếu dựa vào khả năng phán đoán, nhận biết và sự hiểu biết chủ quan của nhân viên tín dụng.

4.3. Nhóm giải pháp định hướng công tác quản lý RRTD theo hiệp ước Basel II

Một là, thiết lập một môi trường rủi ro tín dụng thích hợp: Để phát triển hiệu quả, đơn vị ngân hàng phải khẩn trương xây dựng bổ sung nội dung liên quan đến rủi ro tín dụng trong chiến lược phát triển lâu dài của đơn vị và định kỳ xây dựng các chính sách về RRTD trong quá trình hoạt động.

Hai là, cấp tín dụng lành mạnh: Quy trình tín dụng tại VietinBank An Giang cần thiết phải được nghiên cứu tiết giảm thủ tục giấy tờ đối với những khoản vay nhỏ lẻ, khoản vay đáp ứng được các tiêu chí đơn vị ngân hàng đã quy định, tránh cào bằng tín dụng, tránh áp dụng quy trình quy định như nhau đối với tất cả các khách hàng. Làm được những điều này đòi hỏi đơn vị ngân hàng phải thực hiện yêu cầu điển hình.

Ba là, hệ thống quản lý, đo lường, theo dõi tín dụng: Xây dựng cơ chế quản lý khách hàng tập trung: thực hiện thành công sẽ giúp VietinBank An Giang trong việc nắm bắt thông tin khách hàng kịp thời, cập nhật, toàn diện, công khai toàn hệ thống để quản lý chung nhưng từng chi nhánh riêng biệt vẫn có thể nắm đặc điểm tình hình giao dịch từng khách hàng. Muốn làm được điều này, VietinBank cần thiết phải xây dựng các chuẩn mực mẫu biểu báo cáo, thống nhất cách thức cập nhật thông tin của chi nhánh về hội sở.

Bốn là, hệ thống kiểm soát đầy đủ đối với RRTD: Phòng Quản lý rủi ro cần đảm bảo việc định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng đánh giá chất lượng, hiệu quả các công tác tín dụng, giải ngân và giám sát khoản vay của cán bộ tín dụng; kiểm tra tính cập nhật, đầy đủ, chính xác của hệ thống lưu trữ thông tin do bộ phận công nghệ thông tin đảm nhiệm. Nếu phát hiện sai sót, chưa phù hợp cần phải được báo cáo ban lãnh đạo kịp thời và thực hiện điều chỉnh, bổ sung, khắc phục kịp thời.

  1. Kết luận

Quản lý RRTD trong hệ thống VietinBank rất quan trọng đổi mới phát triển kinh tế của đất nước, vì vậy, đòi hỏi công tác quản lý của VietinBank An Giang phải không ngừng đổi mới, phát triển hoạt động kinh doanh của đơn vị. Bài viết đã chỉ ra thực trạng hiện nay trong công tác quản lý RRTD tại VietinBank An Giang, đồng thời đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hoàn thiện công tác quản lý RRTD tại VietinBank An Giang giai đoạn đến năm 2022, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của VietinBank An Giang, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang và Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Diệu Anh (2013), Giáo trình Hoạt động kinh doanh ngân hàng. Nxb Phương Đông.
  2. Bank for International Settlements (BIS) (1999), Principles for the Management of Credit Risk - consultative document.
  3. Basel 2000, Principles for the Management of Credit Risk.
  4. Nguyễn Văn Tiến (2010), Giáo trình Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng. Nxb Thống kê.
  5. Nguyễn Quang Thu (2008), Giáo trình Quản trị rủi ro và Bảo hiểm trong doanh nghiệp. Nxb Thống kê.
  6. Ngân hàng Nhà nước 2005, Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 Về phân loại nợ, trích lập dự phòng để xử lý RRTD trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.
  7. Nguyễn Liên Hà (2008), “Hiệp ước Basel mới và vấn đề kiểm soát rủi ro trong các ngân hàng thương mại”. Tạp chí Phân tích kinh tế.
  8. VietinBank An Giang, Báo cáo thường niên các năm 2015 - 2017.
  9. VietinBank (2006), Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg, ngày 24/5/2006 Đề án Phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

SOLUTIONS FOR IMPROVING THE EFFECTIVENESS

OF VIETINBANK - AN GIANG PROVINCE BRANCH’S

CREDIT RISK MANAGEMENT

● Dr. TO THIEN HIEN

An Giang University, Vietnam National University, Ho Chi Minh City

● MA. NGUYEN NHUT KHANG

Vietnam Joint Stock Commercial Bank

for Industry And Trade - An Giang Province Branch

ABSTRACT:

This research systematizes the credit risk management at Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade (Vietinbank) relevant to the world economy, the business performance and the creidt risk management of Vietinbank – An Giang Province branch in the period from 2015 to 2017.  This research also presents a general assessment of Vietinbank - An Giang Province branch’s credit risk management and proposes solutions to improve the effectiveness of Vietinbank – An Giang Province branch from now to 2022, contributing to the development of Vietinbank, the socio-economic development of An Giang Province in particular and our country in general.

Keywords: Credit risk management, commercial bank, An Giang Province branch, VietinBank.