Đánh giá tăng trưởng kinh tế tỉnh Bình Thuận qua số liệu GRDP

ThS. PHAN THỊ YẾN PHƯỢNG, ThS. ĐÀO TUYẾT LAN (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:
Số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) thường được sử dụng để đánh giá "sức khỏe” kinh tế của địa phương. Vì vậy, bài nghiên cứu đánh giá tăng trưởng kinh tế tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 2015 - 2017 theo lộ trình thực hiện Đề án Đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP do Thủ tướng Chính phủ ban hành qua số liệu GRDP, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao mức tăng trưởng kinh tế tại tỉnh Bình Thuận.
Từ khóa: GRDP, tăng trưởng kinh tế, tỉnh Bình Thuận.

1. Cơ sở lý thuyết
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là một trong những chỉ số chính được sử dụng để đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế. GDP thể hiện kết quả sản xuất do các đơn vị thường trú tạo ra trong lãnh thổ kinh tế của một quốc gia. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước là tỷ lệ phần trăm tăng lên của GDP kỳ này so với cùng kỳ năm trước, thường được tính bằng tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh để loại trừ sự biến động giá cả. Đây là các chỉ tiêu thuộc nhóm Tài khoản quốc gia trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định tại Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ.
Theo chuẩn mực quốc tế và để phù hợp với thực tiễn nước ta, ngày 22/05/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Việc công bố GRDP nhằm giúp các địa phương có cái nhìn tổng quan về hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đưa ra các đánh giá và dự báo; từ đó điều chỉnh và hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế địa phương.
Lộ trình của Đề án được tổ chức thực hiện trong 3 năm:
- Năm 2015, các địa phương tiếp tục tính toán, công bố và sử dụng số liệu GRDP.
- Năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biên soạn và công bố số liệu GRDP.
- Từ năm 2017 trở đi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) biên soạn và công bố số liệu GRDP.
Như vậy, hệ thống các chỉ tiêu thống kê của tỉnh trong nhóm Tài khoản quốc gia sẽ bao gồm bốn chỉ tiêu: Tổng sản phẩm trên địa bàn, cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn và tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (tính bằng VNĐ, USD).  2. Thực trạng tình hình tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Nền kinh tế quốc gia trong 3 năm gần đây tăng trưởng khá ổn định với tốc độ tăng GDP năm 2015 là 6,68%, năm 2016 là 6,21% và năm 2017 là 6,81%. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế năm 2017 tăng cao trong bối cảnh các biến số kinh tế được cải thiện: Tỷ lệ lạm phát có xu hướng giảm; tỷ lệ nợ công/GDP và tốc độ tăng nợ công đều giảm; bội chi ngân sách và tỷ lệ chi thường xuyên trong chi ngân sách đã giảm xuống; cán cân thương mại từ nhập siêu chuyển dần sang xuất siêu. Nền tảng kinh tế vĩ mô của quốc gia ngày càng vững chắc hơn.
Theo nhận định và số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2018, trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng GDP dự báo là 7,1% so với tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực là 5,2%. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người năm 2018 đến năm 2020 cũng được dự báo là có xu hướng tăng trên 6,2% - 6,3% và hoàn toàn có thể đặt mục tiêu tăng 6,5% nếu kết hợp với các chính sách kinh tế khác, đặc biệt là chính sách thu hút nguồn vốn FDI, chính sách lao động và việc làm và kiểm soát dân số. (Hình 1) Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tốc độ tăng GRDP ổn định ở mức khá cao, năm 2015 là 8,16%, năm 2016 là 7,4% và năm 2017 là 7,08%.
Điểm đáng lưu ý là số liệu GRDP năm 2015 do tỉnh tính toán và công bố; năm 2016 Tổng cục Thống kê phối hợp với Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận biên soạn và công bố; năm 2017, lần đầu tiên số liệu GRDP do cơ quan thống kê Trung ương tính toán và công bố. Trước đây, khi số liệu GRDP do các địa phương tự tính toán và công bố thì thường có một nghịch lý là hầu hết các địa phương đều đưa ra con số cao hơn hẳn số liệu của cả nước. Do đó, tốc độ tăng GRDP năm 2017 của tỉnh Bình Thuận thấp hơn các năm 2015 và năm 2016 cũng là điều hợp lý. Với số liệu tốc độ tăng GRDP năm 2017 do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố, được giới chuyên môn nhận định là thực hiện khách quan và trung thực, thì tình hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Thuận được đánh giá là khá cao so với mặt bằng cả nước. So sánh với kết quả bình quân 5 năm giai đoạn 2010 - 2014, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đã có một bước chuyển mình rõ rệt về cả tốc độ tăng GRDP lẫn GRDP bình quân đầu người. Để đạt được điều này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm 2017, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều chuyển biến tích cực và khá toàn diện trên các mặt, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch. Trong tốc độ tăng GRDP 7,08%, phải kể đến sự chuyển dịch theo hướng tích cực của cơ cấu kinh tế, cơ cấu các nhóm ngành trong giá trị tăng thêm khá đồng đều. Trong đó, Tỉnh chú trọng phát triển ổn định về sản xuất công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến là một thế mạnh của tỉnh tăng khá cao so với tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2016, chủ yếu là do tốc độ tăng sản lượng điện không cao và do hoạt động của một số doanh nghiệp còn khó khăn, sản xuất - kinh doanh phục hồi chậm, việc đầu tư mở rộng quy mô còn ít. Tổng thu ngân sách nhà nước, thu nội địa trên địa bàn tỉnh cũng tăng khá cao, tỷ lệ huy động GRDP vào ngân sách đạt đến 11,05%. Nhìn chung, tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước, tuy nhiên năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm chủ yếu của tỉnh vẫn còn thấp, giá cả nông sản không ổn định, nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế; về nông nghiệp thì tình hình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn chậm, việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa còn nhiều hạn chế nên chưa thu hút được nhiều dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dẫn đến tốc độ tăng trong giá trị tăng thêm gần như không thay đổi.
Trong 3 năm thực hiện lộ trình Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”, số liệu tốc độ tăng GRDP trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đều tăng cao hơn số liệu tốc độ tăng GDP của cả nước. Tuy nhiên, số liệu năm 2017 do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố có sự chênh lệch không nhiều (7,08% và 6,81%), cho thấy một cách chân thực bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận: Tăng trưởng khá cao nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực để đạt tới sự “phát triển bền vững”. 3. Một số đề xuất thực hiện có hiệu quả tăng trưởng kinh tế tại tỉnh Bình Thuận
Trích lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững ngày 5/7/2018: Từ tăng trưởng đến phát triển kinh tế, phát triển bền vững, không đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi, mà phải bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người. Do vậy, tăng trưởng không phải là mục tiêu cuối cùng, mà phải làm sao thực hiện tăng trưởng kinh tế có hiệu quả để trở thành một phương tiện đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội, trong đó, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, tăng năng suất lao động. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực, khoảng cách này thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với việc bắt kịp mức năng suất của các nước. Có một điểm đáng lưu ý là 7 địa phương trọng điểm (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương và Đồng Nai) lại tạo ra đến 53% GDP, 71% thu ngân sách và 50% xuất khẩu, trong khi chỉ chiếm có 5,5% diện tích cả nước, 27% dân số, 24% lao động; và lý do chủ yếu là vì năng suất lao động ở 7 địa phương này bằng 3,3 lần năng suất lao động của các tỉnh còn lại. Như vậy, để đạt được hiệu quả tăng trưởng kinh tế, thì việc tiên quyết là tỉnh Bình Thuận cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng suất lao động, đặt biệt là với lao động trong khu vực nông nghiệp rất lớn trong khi năng suất lao động ngành Nông nghiệp lại thấp. Bên cạnh đó, cần cải thiện quy trình và dây chuyền sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến khích khu vực doanh nghiệp cơ cấu lại để có quy mô lao động tối ưu.
Hai là, tăng khả năng cạnh tranh của tỉnh. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Bình Thuận hiện đang xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ở mức năng lực cạnh tranh khá. PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh, cũng được xem là tiếng nói đại diện cho nhu cầu và mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp tới các nhà hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương. PCI giúp tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành phố vượt lên các tỉnh, thành phố khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế. Do vậy, tỉnh Bình Thuận cần tích cực cải thiện các tiêu chuẩn tăng PCI nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Ba là, cải thiện môi trường kinh doanh. Báo cáo Môi trường kinh doanh của của Nhóm Ngân hàng Thế giới (Doing Business) năm 2018 vừa công bố với chủ đề "Cải cách để tạo việc làm", theo đó môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể ở vị trí 68/190 nền kinh tế. Những cải thiện về môi trường kinh doanh được quốc tế ghi nhận như trên là kết quả từ sự nỗ lực của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó Việt Nam là một trong hai nước (cùng với Indonesia) thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua. Để thực hiện có hiệu quả tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh Tỉnh vẫn còn tồn tại một số thách thức lớn về các tiêu chí sản xuất công nghiệp, hoạt động của một số doanh nghiệp còn khó khăn, việc đầu tư mở rộng quy mô còn ít, quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, trật tự đô thị một số nơi diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư, thì chính quyền tỉnh Bình Thuận cần phải tích cực cải thiện môi trường kinh doanh theo xu hướng chung của đất nước.
Bốn là, nhận diện “điểm nghẽn” của tăng trưởng kinh tế và hướng tháo gỡ. Một trong những nguyên nhân khiến cho tăng trưởng kinh tế ở mức dưới mức sản lượng tiềm năng là do sự tồn tại “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển. Các điểm nghẽn kinh tế thường gồm 3 nhóm:
- Điểm nghẽn trong ngắn hạn gồm bộ máy hành chính hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng lãng phí, tham nhũng, một số chính sách về đất đai chưa phù hợp thực tiễn và chi phí tài chính cao;
- Điểm nghẽn trung hạn gồm rủi ro kinh tế vĩ mô và rủi ro thể chế vi mô;
- Điểm nghẽn trong dài hạn gồm kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.
Đối với những rào cản này, vai trò của chính quyền tỉnh Bình Thuận thể hiện ở việc đề ra tầm nhìn đúng đắn trong dài hạn và xây dựng được cơ chế, chính sách linh hoạt khuyến khích và cho phép sự tham gia của người dân và doanh nghiệp.TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. UBND tỉnh Bình Thuận, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các năm 2015, 2016, 2017;
2. Ngân hàng Thế giới (2018), Doing Business 2018 in Vietnam, World Bank Group;
3. Vũ Thị Hương Sắc (2017), Dự báo tăng trưởng GDP bình quân trên đầu người giai đoạn 2017 - 2020. Tạp chí Tài chính, số 659, trang 11-12;
4. Website: https://www.gso.gov.vn
5. Website: http://www.mof.gov.vn/
6. Website: http://cucthongke.vn/
7. Website: https://www.adb.org/data/statistics

ASSESSING THE ECONOMIC GROWTH OF BINH THUAN PROVINCE THROUGH ITS GRDP DATA

MA. PHAN THI YEN PHUONG - MA.  DAO TUYET LAN

Van Lang University

ABSTRACT:

Gross Regional Domestic Product (GRDP) is often used to evaluate the economic status of a particular locality. Therefore, this paper is to review the economic growth of Binh Thuan province from 2015 to 2017 according to the roadmap for implementing the GRDP development process issued by the Prime Minister. The paper also suggests some solutions to improve economic growth of Binh Thuan province.

Keywords: GRDP, economic growth, Binh Thuan province.