Đánh giá việc sử dụng báo cáo kế toán quản trị trong doanh nghiệp Việt Nam

HOÀNG THANH HẠNH ( Học viện Chính sách và Phát triển) - NGUYỄN HOẢN (Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu việc sử dụng báo cáo kế toán quản trị (KTQT) trong các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích thống kê mô tả trên phần mềm SPSS 22 kết hợp với công cụ so sánh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các báo cáo về dự toán và tình hình tài chính của toàn bộ DN được quan tâm hơn các báo cáo bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh, theo khu vực địa lý; các DN mới thành lập dưới 5 năm, có quy mô lao động dưới 100 người ít sử dụng báo cáo bộ phận hơn; các đối tượng trên 30 tuổi và chuyên ngành đào tạo kế toán, tài chính và quản trị sử dụng báo cáo bộ phận nhiều hơn so với đối tượng còn lại.

Từ khóa: kế toán quản trị, báo cáo kế toán quản trị, báo cáo bộ phận, doanh nghiệp Việt Nam, thông tin kế toán quản trị.

1. Đặt vấn đề

Báo cáo KTQT được lập cho toàn DN, cũng có thể lập theo từng bộ phận của DN như theo lĩnh vực kinh doanh và khu vực địa lý. Bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh là bộ phận có thể phân biệt được của một DN tham gia vào quá trình sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ riêng lẻ, một nhóm các sản phẩm hoặc các dịch vụ có liên quan. Bộ phận theo khu vực địa lý là bộ phận có thể phân biệt được của một DN tham gia vào quá trình sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong phạm vi môi trường kinh tế cụ thể. Đối với các báo cáo theo từng bộ phận (lĩnh vực kinh doanh hoặc khu vực địa lý), các thông tin sẽ được thu thập và xử lý tương ứng.

Đối với hệ thống báo cáo quản trị, các nghiên cứu ở Việt Nam cũng đa dạng, từ nghiên cứu tình huống tại một DN (Phan Thị Thanh Mai, 2013), thực hiện phỏng vấn sâu trong DN đặc thù (Bùi Thị Ngọc & Lê Thị Tú Oanh, 2019) hay xem xét trong các DN sản xuất (Trần Thị Thúy An, 2013). Các kết quả phản ánh phần nào bức tranh về thông tin KTQT và các loại báo cáo KTQT đang áp dụng trong DN Việt Nam.

Phan Thị Thanh Mai (2013) thực hiện phỏng vấn sâu 10 bộ phận, mỗi bộ phận gồm cấp trưởng phòng, phó phòng và 1 nhân viên liên quan trong Công ty Du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng. Kết quả cho thấy, các nhà quản trị quan tâm đến các chỉ tiêu nhằm phục vụ quản trị mà không nặng về hình thức. Nhà quản trị cấp cao thường quan tâm đến các báo cáo về doanh thu, giá vốn là lãi, giá cổ phiếu và thị trường hoạt động, trong khi nhà quản trị cấp thấp thường quan tâm đến những vấn đề chi tiết của bộ phận chịu trách nhiệm.

Trần Thị Thúy An (2013), nghiên cứu về hệ thống báo cáo quản trị trong DN sản xuất đối với từng cấp quản lý bao gồm: Cấp phân xưởng sản xuất, bộ phận bán hàng, các cấp quản lý cao hơn như giám đốc, hội đồng quản trị. Ở mỗi cấp độ, tác giả đưa ra gợi ý về một số mẫu báo cáo như báo cáo giá thành ở phân xưởng sản xuất, báo cáo doanh thu theo mặt hàng, khu vực địa lý, báo cáo lãi lỗ theo mặt hàng. Các báo cáo này giúp nhà quản trị có thêm công cụ để ra quyết định đầu tư hợp lý.

Trong nghiên cứu phỏng vấn sâu tại 23 DN dược trên địa bàn thành phố Hà Nội, tác giả Bùi Thị Ngọc và Lê Thị Tú Oanh (2019) đã chỉ ra thực trạng các DN này, mặc dù có quan tâm đến KTQT và lập các báo cáo theo bộ phận nhưng các thông tin cung cấp chưa đầy đủ, chất lượng thông tin chưa cao, chưa giúp ích nhiều cho quản lý doanh nghiệp. Các báo cáo cung cấp cho nhà quản trị vẫn chủ yếu là các báo cáo của kế toán tài chính, sau đó bổ sung thêm một số thông tin nhất định mà nhà quản trị yêu cầu. Việc cung cấp thông tin mới chỉ dừng lại ở kế toán chi tiết, thông tin quá khứ mà chưa mang tính dự báo, dự đoán tương lai.  

Như vậy, nghiên cứu về báo cáo KTQT trong DN cho thấy, mặc dù mỗi công trình nghiên cứu ở những bình diện khác nhau, môi trường khác nhau, điều kiện và các quốc gia khác nhau, nhưng đều chỉ ra thực trạng áp dụng KTQT cũng như khẳng định vai trò của thông tin KTQT trong việc giúp nhà quản trị hoạch định, giám sát, điều hành và ra quyết định.

Từ vai trò của báo cáo quản trị, xu hướng sử dụng thông tin KTQT trong DN, nghiên cứu này thực hiện nhằm đánh giá mức độ sử dụng báo cáo KTQT trong DN Việt Nam, bao gồm báo cáo dự toán, báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh, báo cáo theo khu vực kinh doanh, báo cáo tình hình tài chính toàn DN. Trên cơ sở đó, so sánh mức độ sử dụng thông tin KTQT theo đặc điểm của DN và đặc điểm nhân khẩu học của đối tượng khảo sát, từ đó, đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin KTQT trong các DN Việt Nam.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện thông qua phiếu khảo sát trên google forms, bao gồm 3 phần chính: (i) Mức độ sử dụng báo cáo KTQT; (ii) Thông tin nhân khẩu học; (iii) Thông tin DN. Đánh giá về sử dụng báo cáo KTQT được dùng thang đo Likert 5 bậc, từ “1-Không bao giờ” đến “5-Rất thường xuyên”.

Phiếu khảo sát thu thập về được kiểm tra, làm sạch dữ liệu và phân tích. Kết quả khảo sát được xử lý thông qua công cụ phân tích phần mềm SPSS 22, sử dụng phương pháp thống kê mô tả và so sánh đồ thị để làm rõ kết quả nghiên cứu.

Thông tin về đối tượng trả lời phiếu khảo sát, trong tổng số 143 người, đa số là nữ (91 người; chiếm 63,6%); độ tuổi nhiều nhất từ 30 đến 50 (101 người; chiếm 70,6%), tiếp đến là dưới 30 tuổi (37 người; chiếm 25,9%). Xét đến kinh nghiệm làm việc, các đối tượng khảo sát chủ yếu là trên 5 năm (81 người; chiếm 56,6%) và từ 1 đến 5 năm (56 người; chiếm 39,2%). Theo vị trí công việc, kế toán chiếm chủ yếu (69 người; chiếm 48,2%); còn lại là giám đốc và quản lý bộ phận các cấp với số lượng tương đương nhau (35 và 39 người). Về trình độ, đa số đối tượng trả lời có trình độ đại học (107 người; chiếm 74,8%), tiếp đến là trên đại học (28 người; chiếm 19,6%). Còn về chuyên ngành đạo tạo, chủ yếu là kế toán (59 người; chiếm 41,3%), tiếp đến lần lượt là quản trị kinh doanh và tài chính. Đặc điểm nhân khẩu học của đối tượng trả lời phiếu khảo sát cho thấy, các đối tượng có kinh nghiệm làm việc (trên 5 năm), độ tuổi (30 đến 50), chuyên ngành đào tạo chủ yếu là kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh và vị trí việc làm (giám đốc, quản lý và kế toán) đều phù hợp để cung cấp thông tin về kế toán quản trị, sử dụng báo cáo quản trị, đáp ứng sự tin cậy cho dữ liệu thu thập từ khảo sát.

Thông tin về DN khảo sát cho thấy, đa số là các DN quy mô nhỏ khi theo số lượng lao động dưới 100 người (121 người; chiếm 84,6%). Về tuổi của DN, các DN dưới 5 năm là chủ yếu (109 doanh nghiệp; chiếm 76,2%). Theo lĩnh vực kinh doanh, các DN thương mại, dịch vụ chiếm phần lớn (104 doanh nghiệp; chiếm 72,7%), tiếp đến là DN công nghiệp (16 doanh nghiệp; chiếm 11,2%). Các DN trong lĩnh vực còn lại chiếm tỷ lệ không đáng kể. Các đặc điểm của DN khảo sát phù hợp với đặc thù của DN Việt Nam, vì đa số DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, hoạt động nhiều trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và tỷ lệ DN mới thành lập cao. Do vậy, các thông tin thu thập của mẫu khảo sát là tương đối đại diện để phân tích.

3. Kết quả nghiên cứu

Về mức độ sử dụng báo cáo KTQT

Để tìm hiểu về các loại báo cáo KTQT thường được sử dụng trong các DN, tác giả đánh giá về 4 loại là báo cáo lập dự toán, báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh, báo cáo theo khu vực kinh doanh và báo cáo tình hình tài chính toàn DN. Kết quả được thể hiện qua Bảng 1.

Bảng 1. Mức độ sử dụng các báo cáo kế toán quản trị

Báo cáo

Mẫu

Giá trị trung bình

Tỷ lệ (%)

S1

S2

S3

S4

S5

S4&S5

1. Báo cáo lập dự toán

143

3,62

2,1

4,9

27,3

60,8

4,9

65,7

2. Báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh

143

3,59

2,1

2,8

36,4

51,0

7,7

58,7

3. Báo cáo theo khu vực kinh doanh

143

3,56

2,1

6,3

32,2

52,4

7,0

59,4

4. Báo cáo tình hình tài chính toàn DN

143

3,68

2,1

0,7

30,8

60,1

6,3

66,4

Ghi chú:: S1 (Không bao giờ sử dụng); S5 (Thường xuyên sử dụng)

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ kết quả khảo sát

Bảng 1 cho thấy, trong 4 loại báo cáo quản trị trên, báo cáo được sử dụng nhiều nhất là báo cáo tình hình tài chính toàn DN (tỷ lệ đồng ý trở lên là 66,4%), tiếp đến là báo cáo lập dự toán (tỷ lệ đồng ý trở lên là 65,7%). 2 loại báo cáo còn lại là báo cáo theo khu vực kinh doanh và báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh được sử dụng ít hơn và chênh lệch nhau không đáng kể, trong đó, báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh được dùng ít nhất (tỷ lệ đồng ý trở lên là 58,7%).

Xét theo giá trị trung bình, báo cáo tình hình tài chính toàn DN có giá trị trung bình cao nhất 3,68. Tiếp đến là báo cáo lập dự toán với giá trị 3,62. Báo cáo theo khu vực kinh doanh và báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh gần tương đương nhau (giá trị trung bình lần lượt là 3,59 và 3,56). Trong thang đo Likert 5 bậc, các đánh giá này đạt mức đồng ý.

So sánh mức độ sử dụng báo cáo KTQT theo nhóm

Nhằm đánh giá liệu có sự khác biệt giữa các nhóm DN về mức độ sử dụng báo cáo quản trị, tác giả thực hiện so sánh theo 2 phần: (i) Theo đặc điểm doanh nghiệp; (ii) Theo đặc điểm nhân khẩu học của cá nhân trả lời khảo sát.

So sánh nhóm theo đặc điểm DN    

Đặc điểm DN bao gồm tuổi DN, lĩnh vực kinh doanh, số lượng lao động và việc sử dụng phần mềm kế toán. Kết quả kiểm định phi tham số Kruskal Wallis thể hiện trong Bảng 2.

Bảng 2. Mức độ sử dụng báo cáo quản trị theo đặc điểm của

doanh nghiệp

Báo cáo

Tổng thể

Hệ số Chi-Square của kiểm định Kruskal Wallis

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Tuổi DN

Lĩnh vực

Số lượng lao động

Sử dụng phần mềm kế toán

1. Báo cáo lập dự toán

3,62

0,750

6,665*

5,320

3,423

12,893**

2. Báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh

3,59

0,762

7,295*

6,519

11,612**

13,463**

3. Báo cáo theo khu vực kinh doanh

3,56

0,802

7,159*

4,233

10,054**

7,050**

4. Báo cáo tình hình tài chính toàn DN

3,68

0,698

2,884

4,449

2,180

6,952**

(**: Độ tin cậy tại mức 0,01; *: Độ tin cậy tại mức 0,05)

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ kết quả khảo sát

Xét theo tuổi của doanh nghiệp, Bảng 2 cho thấy, với mức ý nghĩa quan sát Sig < 0,05, cả 3 báo cáo lập dự toán, báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh và báo cáo theo khu vực kinh doanh có sự khác nhau giữa các nhóm DN có năm thành lập khác nhau. Cụ thể, nhóm DN thành lập dưới 5 năm sử dụng các báo cáo này ít hơn so với 2 nhóm từ 5 đến 10 năm và nhóm DN thành lập trên 10 năm. Không có sự khác biệt giữa các DN theo năm thành lập về mức độ sử dụng báo cáo tình hình tài chính toàn DN.

Xét theo số lượng lao động, có sự khác nhau giữa các DN về mức độ sử dụng báo cáo quản trị theo lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh với ý nghĩa thống kê dưới 0,01. Theo đó, các DN dưới 100 lao động ít sử dụng báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh hơn các DN trên 100 người. Các báo cáo lập dự toán và báo cáo tình hình tài chính toàn DN không có sự khác biệt giữa các DN quy mô khác nhau.

Xét theo tình hình sử dụng phần mềm kế toán, có sự khác nhau việc sử dụng 4 loại báo cáo trên giữa DN có và không áp dụng phần mềm kế toán với mức ý nghĩa dưới 0,01. Chi tiết hơn, có 113 DN sử dụng phần mềm kế toán và các DN này sử dụng 4 loại báo cáo KTQT nhiều hơn so với DN còn lại.

Xét theo lĩnh vực kinh doanh của DN, không có sự khác biệt về sử dụng báo cáo KTQT giữa các DN kinh doanh trong lĩnh vực khác nhau.

So sánh nhóm theo đặc điểm nhân khẩu học    

Đặc điểm nhân khẩu học bao gồm giới tính, độ tuổi, kinh nghiệm, vị trí công việc, chuyên ngành đào tạo và trình độ. Kết quả kiểm định phi tham số Kruskal Wallis thể hiện trong Bảng 3.

Bảng 3. Mức độ sử dụng báo cáo quản trị theo đặc điểm nhân khẩu học

Báo cáo

Tổng thể

Hệ số Chi-Square của kiểm định Kruskal Wallis

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Giới tính

Tuổi

Kinh nghiệm

Vị trí công việc

Chuyên ngành

Trình độ

1. Báo cáo lập dự toán

3,62

0,750

0,000

2,361

0,684

8,208

10,489*

0,474

2. Báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh

3,59

0,762

0,773

8,013*

3,028

3,670

15,239**

5,194

3. Báo cáo theo khu vực kinh doanh

3,56

0,802

0,061

5,736*

1,209

0,654

17,735**

3,492

4. Báo cáo tình hình tài chính toàn DN

3,68

0,698

0,565

1,601

2,936

1,374

14,705**

2,756

(**: Độ tin cậy tại mức 0.01; *: Độ tin cậy tại mức 0.05)

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ kết quả khảo sát

Bảng 3 thể hiện kết quả so sánh có sự khác biệt theo độ tuổi đối tượng khảo sát về sử dụng báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh và báo cáo theo khu vực kinh doanh. Cụ thể, đối tượng trả lời trên 30 tuổi quan tâm về các báo cáo này hơn so với người dưới 30 tuổi. Xét về vị trí công việc, không có sự khác biệt về mức độ sử dụng các báo cáo KTQT của các đối tượng làm ở vị trí khác như với mức ý nghĩa dưới 0,05.

Xét theo chuyên ngành, mức độ sử dụng tất cả các báo cáo là có sự khác biệt giữa các đối tượng đào tạo ở chuyên ngành khác nhau, trong đó, nhóm chuyên ngành khác như xây dựng, kiến trúc,... có mức độ quan tâm ít hơn so với các nhóm kế toán, tài chính và quản trị kinh doanh. Xét theo kinh nghiệm làm việc và trình độ đào tạo, không có sự khác biệt về mức độ sử dụng báo cáo quản trị giữa các đối tượng này.

4. Kết luận và bàn luận

4.1. Kết  luận

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, trong 143 đối tượng trả lời phiếu khảo sát đại diện cho các DN Việt Nam, đa số các DN sử dụng báo cáo tình hình tài chính và dự toán, còn các báo cáo bộ phận như báo cáo theo khu vực kinh doanh hoặc lĩnh vực kinh doanh được quan tâm ít hơn.

Xét theo đặc điểm của DN, nhóm DN thành lập dưới 5 năm sử dụng các báo cáo khu vực kinh doanh hoặc lĩnh vực kinh doanh ít hơn so với các DN thành lập từ 5 năm trở lên. Ngoài ra, các DN dưới 100 lao động ít sử dụng báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh hơn các DN trên 100 người. Các DN áp dụng phần mềm kế toán sử dụng 4 loại báo cáo KTQT nhiều hơn so với DN không dùng phần mềm.

Xét theo đặc điểm nhân khẩu học, đối tượng khảo sát trên 30 tuổi quan tâm về sử dụng báo cáo theo lĩnh vực kinh doanh và báo cáo theo khu vực kinh doanh hơn đối tượng dưới 30 tuổi. Các nhóm được đào tạo về kế toán, tài chính và quản trị kinh doanh có sự quan tâm về báo cáo bộ phận theo lĩnh vực và khu vực kinh doanh nhiều hơn nhóm khác như xây dựng, kiến trúc...

4.2. Bàn luận

Kết quả khảo sát đã mô tả được mức độ sử dụng báo cáo KTQT cơ bản tại các DN Việt Nam. Các báo cáo phổ biến như dự toán hoặc báo cáo tình hình tài chính được sử dụng thường xuyên nhưng các báo cáo bộ phận theo khu vực, lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức. Điều này có thể lí giải từ đặc trưng của DN Việt Nam với hơn 97% là DN nhỏ và vừa, sự đa dạng về lĩnh vực kinh doanh hoặc mở rộng khu vực kinh doanh chưa có hoặc chưa phổ biến. Mặt khác, các DN thành lập dưới 5 năm thường gặp khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanhbởi chịu sự tác động của một số nhân tố như: định hướng kinh doanh, bộ máy nhân sự, vốn của DN. Tương tự, khi xét theo quy mô về số lượng lao động của DN, các DN có quy mô nhỏ cũng chủ yếu đến từ các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc cá nhân kinh doanh. Người chủ DN không đánh giá cao tính hữu ích cũng như vai trò của KTQT mà chỉ tập trung đến hoạt động kinh doanh hàng ngày, không xây dựng chiến lược kinh doanh.

Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Michael và cộng sự (2013) khi cho thấy, các DN có quy mô nhỏ và vừa không có báo cáo quản trị, chủ yếu là báo cáo thuế. Alfonso và cộng sự (2012) cũng chỉ rõ công ty có chi phí cao hơn thường có báo cáo KTQT linh hoạt và đa dạng hơn. Kết quả nghiên cứu cũng thể hiện sự phù hợp khi DN sử dụng phần mềm kế toán sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin báo cáo quản trị hơn. Các cá nhân sử dụng thông tin có độ tuổi trên 30, với kinh nghiệm làm việc nhiều  hơn sẽ tìm hiểu, khai thác thông tin KTQT đa dạng hơn. Các đối tượng được đào tạo đúng chuyên ngành hoặc chuyên ngành gần của kế toán cũng sẽ quan tâm đến thông tin KTQT nhiều hơn. Do vậy, các hạn chế từ trình độ của kế toán cung cấp các thông tin quản trị, trình độ đọc hiểu và yêu cầu cung cấp thông tin của nhà quản trị cũng là trở ngại của vấn đề này (Bùi Thị Ngọc & Lê Thị Tú Oanh, 2019). Từ kết quả này, các DN Việt Nam muốn có thông tin KTQT hữu ích, phù hợp ra quyết định nên đầu tư vào con người như trang bị kiến thức cho nhân viên kế toán, nhà quản trị để có thể đọc hiểu và thiết kế thông tin kế toán.

Kết quả nghiên cứu đã gợi mở các vấn đề về sử dụng một số báo cáo KTQT cơ bản trong DN Việt Nam. Các nghiên cứu định lượng nhằm đo lường, so sánh, kiểm định cụ thể sẽ có cơ sở đề xuất giải pháp phù hợp là gợi ý cho các nghiên cứu tiếp theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Thị Thúy An (2013), Nghiên cứu thực trạng và giải pháp hoàn thiện trình bày và công bố báo cáo bộ phận của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ.
  2. Phan Thị Thanh Mai (2013), Xây dựng hệ thống báo cáo bộ phận phục vụ quản lý nội bộ ở Công ty Du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng. Luận văn thạc sĩ. Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
  3. Nghiem, L. V. (2014). Enterprises are still vague about management accounting. Stock market news. Retrieved 12 05, 2019, from http://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/doanh-nghiep-viet-con-mo-ho-ve-ke-toan-quan-tri-119770.html
  4. Ngoc, B. T., & Oanh, L. T. (2019). Budgeting For Management Functions in the Pharmaceutical Enterprises. SSRG International Journal of Economics and Management Studies, 6(11), 34-43.

Assessing the use of management accounting reports in Vietnamese enterprises

Hoang Thanh Hanh 1

Nguyen Hoan 2

1 Academy of Policy and Development

2 Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

This article studies the use of management accounting reports in Vietnamese enterprises. The descriptive statistical analysis method was used in this study with the use of the SPSS Statistics 22.0 and other comparison tools. Results show that reports on financial estimates and performance of entire enterprise receive more attention than departmental or unit reports. Newly established enterprises under 5 years with less than 100 employees rarely use their departmental reports. In addition, users who are over 30 years old and major in accounting, finance and administraation fields tend to use more departmental reports than others.

Keywords: management accounting, management accounting reports, departmental reports, Vietnamese enterprises, management accounting information.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2021]