TÓM TẮT:
Bài viết nhằm khám phá, phân tích các vấn đề trong việc quản lý các yếu tố của môi trường đào tạo ứng dụng nghề nghiệp (professional oriented higher education - POHE), cũng như đưa ra những giải pháp, kinh nghiệm trong việc thực hiện quản lý môi trường học tập này. Kết quả nghiên cứu giúp các trường đại học Việt Nam phát triển theo định hướng của thị trường lao động, có sự gắn kết và tập trung vào những đòi hỏi về năng lực và kỹ năng cho từng công việc cụ thể. Bên cạnh đó, bài viết còn nêu rõ 3 yếu tố cơ bản mà nhà trường cần quản lý hiệu quả là: (1) Nguồn nhân lực; (2) Cơ sở vật chất kỹ thuật; (3) Nguồn tài chính.
Từ khóa: đào tạo ứng dụng nghề nghiệp, thị trường lao động, chất lượng đào tạo, quản lý đào tạo.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao toàn bộ cho các sở, ngành tự chịu trách nhiệm và tự chủ động trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc địa phương. Điều này được thể hiện ở các văn bản Quản lý nhà nước về giáo dục, cụ thể là Đề án đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 ban hành theo Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP đã nêu rõ, cần phân loại các trường đại học ở Việt Nam theo 2 nhóm: Định hướng nghiên cứu và Định hướng ứng dụng nghề nghiệp. Đây chính là động lực để các trường tự quyết định hướng đi mới.
Theo đó, các trường sẽ điều chỉnh dần và xem xét lại chương trình đào tạo lẫn mô hình đào tạo của trường phù hợp với yêu cầu từ thị trường lao động. Nghĩa là, các trường phải chuyển đổi dần từ mô hình đào tạo đại học hàn lâm sang đại học ứng dụng - là mô hình đào tạo tiên tiến được áp dụng phổ biến tại các nước phát triển. Một trong số đó chính là mô hình Đào tạo ứng dụng nghề nghiệp: Mô hình đào tạo gắn kết với thực tiễn nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên bằng việc gắn chặt mối quan hệ giữa Nhà trường và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi mô hình vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi các trường phải có lộ trình nhất định để xây dựng mô hình này một cách bài bản. Song song với việc phân tích các yếu tố được xem như là thách thức - cản trở trong quá trình chuyển đổi, bài viết đưa ra ý kiến đề xuất trong phạm vi nghiên cứu mô hình giáo dục theo định hướng này.
2. Các yếu tố thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo ứng dụng nghề nghiệp[1]
2.1. Thuận lợi
Phù hợp với xu hướng nhân rộng mô hình phát triển rộng rãi các trường đại học định hướng giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2020[2] và chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng có thể được thiết kế trong phạm vi chuyên ngành đào tạo[3].
Được xã hội quan tâm và ủng hộ, cụ thể là các đơn vị hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực, các chuyên gia làm chính sách phát triển kinh tế và đặc biệt là phù hợp với mong muốn tuyển dụng nhân lực từ các khối doanh nghiệp.
Giảm tiết học thuần lý thuyết, tăng tiết học thực hành gắn với thực tiễn, cũng chính là tăng tính cọ sát của sinh viên đối với môi trường bên ngoài. Góp phần đào tạo sinh viên phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
2.2. Khó khăn
2.2.1. Khó khăn về chất và lượng đội ngũ giảng viên
Về mặt số lượng, nguồn nhân lực tại các trường đại học Việt Nam vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Các trường còn chưa tuân thủ đảm bảo số lượng giảng viên có học hàm, học vị tính trên đầu sinh viên, hoặc một số trường có tuân thủ thì lực lượng giảng viên tăng lên (thông qua nguồn ngân sách chi cho các chính sách thu hút, bồi dưỡng) vẫn không tăng kịp theo số lượng sinh viên. Thực tế cho thấy, với tỷ lệ trung bình 25 sinh viên/1 giảng viên[4], việc cân đối giữa công việc giảng dạy và việc thực hiện các mục tiêu về hướng dẫn thực hành, định hướng nghề nghiệp thông qua các chương trình đào tạo ứng dụng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Về mặt chất lượng giảng dạy, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành bởi các nhà giáo dục[5] cho rằng quá trình rèn luyện kiến thức và kỹ năng “Học để dạy học” là một chặng đường lâu dài, kéo dài suốt thời gian làm công tác giảng dạy và nghiên cứu nhằm giúp giảng viên bám sát những thay đổi trong chính sách quản lý giáo dục (cụ thể là đổi mới chương trình giảng dạy; đổi mới phương pháp và các tiêu chuẩn đánh giá trong giảng dạy cũng như giải quyết những khó khăn trong thực tế dạy học của giảng viên). Chính vì thế, ở các nước phát triển, việc tiếp tục bồi dưỡng, phát triển năng lực chuyên môn cho giảng viên là nhiệm vụ trọng yếu và tiến hành thường xuyên, trong khi Việt Nam vẫn còn hạn chế. Các giảng viên hầu như chỉ quan tâm đến truyền đạt kiến thức và kiểm tra trí nhớ mà không quan tâm đến rèn luyện kỹ năng và thái độ giải quyết vấn đề cho sinh viên. Phần lớn giảng viên truyền thụ kiến thức một cách thụ động theo phương pháp thuyết giảng, trong khi chưa có một biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu, nếu có chăng thì cũng không có cơ sở để đánh giá kết quả một cách cụ thể.
2.2.2. Khó khăn về cơ sở vật chất
Nguồn lực tài chính của các trường, các cơ sở đào tạo trực thuộc bộ, ngành không đáp ứng tương xứng với xu thế mở rộng quy mô đào tạo, kết quả là dẫn đến sự thiếu hụt trang thiết bị, tài liệu học tập, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giảng dạy thực hành, nghiên cứu khoa học. Việc thiếu hụt trang thiết bị, cơ sở thực hành đồng nghĩa với việc chương trình mang tính lý thuyết suông, không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng đào tạo đối với loại hình này.
2.2.3. Tính hiệu quả trong mối quan hệ liên kết với khối doanh nghiệp các ngành
Hầu hết các hoạt động hợp tác hiện nay của các trường, các cơ sở đào tạo với các loại hình doanh nghiệp, chủ yếu được thiết lập dựa trên cơ sở quen biết của khối giảng viên hay lãnh đạo khoa, hoặc là các cựu sinh viên. Sự hỗ trợ của doanh nghiệp mang tính chất tình cảm, chưa thể hiện được mối quan hệ hợp tác lâu dài, do đó việc tiếp nhận sinh viên đến thực tập, thực hành vẫn còn hạn chế. Điều này kéo theo các trường khó có thể đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đào tạo cho phù hợp với yêu cầu tính chất nghề nghiệp của doanh nghiệp. Tính hiệu quả của mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, các cơ sở đào tạo với khối doanh nghiệp các ngành nghề liên quan vẫn chưa rõ nét. Cụ thể là các bộ, ngành liên quan, các cơ sở đào tạo trực thuộc bộ vẫn chưa có một cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích và thúc đẩy mối hợp tác hiệu quả giữa trường - doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo ứng dụng nghề nghiệp.
3. Đặc điểm và nội dung của chương trình đào tạo ứng dụng nghề nghiệp
Đặc điểm chính của chương trình đào tạo ứng dụng nghề nghiệp là chủ trương đào tạo dựa trên nhu cầu của thị trường lao động; có định hướng dựa theo tính chất và vị trí công việc của các loại hình và tổ chức doanh nghiệp: Nghĩa là sản phẩm của chương trình đào tạo phải có được sự phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp. Trước tiên, chương trình cần đáp ứng các tiêu chí sau:
Thứ nhất, chủ trương đào tạo dựa trên nhu cầu của thị trường lao động đồng nghĩa với việc cam kết sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể hoạt động ngay trong lĩnh vực của chuyên ngành mình học. Hay nói cách khác, sinh viên tốt nghiệp có khả năng làm việc được trong môi trường làm việc chuyên nghiệp; đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp thực tiễn mà doanh nghiệp đặt ra. Chương trình đào tạo ứng dụng nghề nghiệp của các trường; bên cạnh có tham khảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, còn phải thể hiện được sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, theo hướng tích hợp các kỹ năng, thái độ cho đối tượng được đào tạo, tùy theo yêu cầu đặc thù ngành nghề.
Thứ hai, cương trình đào tạo sử dụng cách tiếp cận lấy sinh viên làm trung tâm với các phương pháp học tập tích cực, tập trung phát triển năng lực và kỹ năng nghề nghiệp trên cơ sở khung đào tạo chuẩn các khối kiến thức, kỹ năng và ý thức nghề nghiệp. Việc đánh giá người học, ngoài đánh giá trên nội dung giảng dạy lý thuyết, phần đánh giá năng lực, kỹ năng thực hành được chú trọng nhiều hơn, thông qua kết quả đánh giá dựa trên các công cụ mô phỏng dùng để đánh giá năng lực nghề nghiệp dựa trên cả 2 mặt công việc chuyên môn lẫn khả năng quản lý. Tất nhiên, phải được sự hỗ trợ và tương tác từ phía Nhà trường lẫn các bên doanh nghiệp và các thành phần có liên quan để có thể đánh giá mức độ hiệu quả, tính cập nhật của nội dung chương trình đào tạo.
Thứ ba, trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo này, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực từ các thành phần và sự hỗ trợ của các đối tượng sau:
Sự tham gia hỗ trợ từ bộ phận quản lý và điều phối chương trình với nhiệm vụ xây dựng, điều phối và triển khai chương trình đào tạo; Hỗ trợ sinh viên thực hành, làm đồ án môn học, đi kiến tập, thực tập.
Sinh viên phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng khi bước vào giai đoạn chọn ngành học, chủ động học hỏi và tiếp thu các kỹ năng thực tiễn, học cách giải quyết công việc một cách độc lập thông qua các tình huống giả định hoặc đồ án của môn học.
Giảng viêncần trau dồi kỹ năng và chuyên môn nghề nghiệp thông qua con đường học tập, bồi dưỡng để kịp thời cập nhật thường xuyên các kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Có sự tương tác một cách dân chủ đối với sinh viên để không tạo ra khoảng cách giữa thầy và trò, đó cũng là động lực khuyến khích tính chủ động học tập của sinh viên, duy trì và tạo lập môi trường làm việc nhóm trong khi thực hiện các nghiên cứu ứng dụng.
Cơ sở vật chất: Nhà trường và các trung tâm đào tạo nhất thiết phải có chương trình trang bị cơ sở vật chất theo hướng lắp đặt và vận hành các trang thiết bị phù hợp với đặc thù các chương trình đào tạo nhằm mô phỏng tình huống nghề nghiệp trong thực tế. Nếu nhà trường không tự trang bị được do giới hạn về kinh phí vẫn có thể tổ chức đấu thầu với các tổ chức cá nhân trên cơ sở thỏa thuận phân chia tỷ lệ phần trăm doanh thu.
Một thành phần quan trọng nữa, quyết định đến sự thành công của chương trình đào tạo hay không chính là sự tham gia của các nhà tuyển dụng. Ở đây sự tham gia đồng nghĩa với việc từ hỗ trợ tham vấn trong việc xây dựng chương trình đào tạo cho tới việc hỗ trợ kinh phí vào các hoạt động đào tạo, thực hành, kiến tập… cũng như cam kết tiếp nhận và tạo điều kiện làm việc cho sinh viên ra trường.
4. Định hướng xây dựng khung tiêu chuẩn của chương trình đào tạo ứng dụng nghề nghiệp
4.1. Cơ sở vật chất kỹ thuật
Cơ sở vật chất kỹ thuật cần được hiểu là phòng học, các trang thiết bị, phòng thí nghiệm, phòng lab, phòng vi tính phục vụ cho việc dạy lý thuyết và thực hành.
Phòng học phải đáp ứng trang thiết bị phục vụ cho thảo luận nhóm, có phương tiện trình chiếu multi media.
Phòng thực hành tại trường phải được xây dựng theo từng đặc thù của chuyên ngành. Ví dụ, đối với các chuyên ngành kỹ thuật phải có các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành trang bị các thiết bị chuyên dụng; các chuyên ngành kinh tế cần có các phòng mô phỏng ảo cho sinh viên thực hành và nắm bắt quy trình thực tế.
Thư viện và tài liệu học tập: Cập nhật các tài liệu chuyên khảo và các tài liệu từ nước ngoài. Cần phổ biến các website liên quan đến ngành học cho sinh viên tham khảo.
Cơ sở thực tập: việc liên hệ với khối các doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên kiến tập thực tập là cơ hội để sinh viên tiếp xúc với điều kiện thực tế bên ngoài cũng như tiếp cận với các phương tiện và thiết bị mà nhà trường không hoặc chưa có điều kiện đầu tư.
4.2. Xác định yêu cầu về năng lực giảng viên
Kiến thức, năng lực giảng dạy chuyên môn của giảng viên phải phù hợp với giáo dục ứng dụng nghề nghiệp. Giảng viên cần vận dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp với những yêu cầu đặt ra của từng học phần, chuyên ngành hay từng đối tượng sinh viên. Xuyên suốt quá trình đào tạo ứng dụng, giảng viên cần phải nâng cao năng lực bằng việc tham gia giảng dạy ở nhiều mô hình giáo dục khác nhau
(như chương trình giáo dục tiên tiến, chương trình giáo dục chất lượng cao..). Điều này sẽ giúp giảng viên thích ứng với môi trường giảng dạy linh hoạt nhằm thay đổi phương pháp và kỹ năng phù hợp với từng mô hình, từng cấp bậc đào tạo.
Bên cạnh đòi hỏi giảng viên phải có đạo đức nghề nghiệp, có năng lực nghiên cứu khoa học, cập nhật và nhận thức các ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, thì đòi hỏi giảng viên phải nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể sử dụng được nguồn tài liệu, tiếp cận nhanh chóng các công nghệ từ nước ngoài. Đây chính là cách hiệu quả nhất để có thể tư vấn cho khoa, cho nhà trường trong việc phát triển các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tế xã hội.
4.3. Quản lý và phát triển năng lực giảng viên
4.3.1. Phát triển giảng viên
Tiêu chuẩn hóa giảng viên: Các giảng viên được tuyển dụng vào trường phải được đào tạo đúng chuyên ngành, khi vào trường phải có kế hoạch và cam kết với nhà trường về việc nâng cao trình độ trong thời gian nhất định.
Phát triển đội ngũ giảng viên nòng cốt: Lựa chọn nguồn các giảng viên ở các khoa để tập huấn, tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo, đề cương chi tiết, đề cương học phần theo tiêu chuẩn đề ra. Giảng viên trước khi đảm nhiệm dạy toàn bộ học phần cần tham gia hướng dẫn thực hành, nắm các quy trình thực tế tại xưởng, phòng thí nghiệm, thực hiện kiểm tra, giám sát các nhóm sinh viên đi thực tế, thực tập tại các doanh nghiệp nhằm tiếp cận, sử dụng các máy móc, thiết bị công nghệ.
4.3.2. Đánh giá năng lực giảng viên
Khi triển khai đánh giá, kiểm định năng lực giảng dạy của giảng viên, trường phải áp dụng các kênh đánh giá từ sinh viên; đồng nghiệp và quản lý cấp bộ môn, cấp khoa, cựu sinh viên để có thể nắm được những nội dung đánh giá khách quan và phù hợp nhất.
4.4. Quản lý chi phí tài chính cho chương trình đào tạo
Để việc thực hiện chương trình đào tạo ứng dụng nghề nghiệp được thực hiện một cách xuyên suốt và có hiệu quả, cần tập trung nguồn lực hợp lý cho chương trình. Cụ thể là:
- Có nguồn tài chính dành cho hoạt động hỗ trợ sinh viên đi tham quan, kiến tập thực tế.
- Thu hút nguồn tài trợ và đầu tư từ các doanh nghiệp.
- Mức thu học phí phù hợp với chất lượng chương trình mà nhà trường cam kết, đồng thời đảm bảo duy trì được số lượng sinh viên hàng năm.
- Phân bổ tài chính cho cơ sở vật chất hợp lý, tránh lãng phí, duy trì mức tái đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ cho xưởng thực hành hoặc phòng thí nghiệm, các mô hình mô phỏng ảo.
- Tăng kinh phí vật tư phục vụ cho sinh viên thực hành; chi phí bảo dưỡng, sữa chữa thiết bị máy móc, cơ sở vật chất trong quá trình vận hành cho sinh viên thực hành.
- Duy trì nguồn kinh phí cho việc khảo sát thị trường lao động hàng năm.
4.5. Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp
Mời đại diện các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, góp ý nội dung giảng dạy và chương trình hướng dẫn thực hành. Tạo cầu nối với doanh nghiệp thông qua chương trình giao lưu cựu sinh viên và các chương trình ký kết bản ghi nhớ với các doanh nghiệp.
Tổ chức các buổi hội thảo, hội chợ việc làm để tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp với sinh viên. Hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nhân viên mới ngay tại trường. Tạo lập mối quan hệ chiến lược với các doanh nghiệp và thường xuyên mời các doanh nghiệp tới chia sẻ về nghề nghiệp thực tế với sinh viên và giảng viên.
5. Kết luận
Trong điều kiện cơ chế chính sách và năng lực của các trường đại học tại Việt Nam, quá trình xây dựng và quản lý môi trường học tập theo chương trình đào tạo ứng dụng nghề nghiệp sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, nếu kiên định thực hiện vẫn sẽ thành công nhờ vào việc học tập kinh nghiệm và các giải pháp năng động của các cơ sở đào tạo đã thực hiện trước để áp dụng thích ứng với các điều kiện đào tạo của cơ sở mình. Từ đó, tạo ra một mô hình đào tạo phát triển năng động, ở đó, sinh viên thừa hưởng một môi trường học tập sáng tạo và chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của thị trường tuyển dụng lao động năng động.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Trích dẫn từ kết quả khảo sát từ 8 trường đại học ( SPKT Hưng Yên; Kinh tế Quốc dân; Học viện Nông nghiệp; Nông lâm Thái Nguyên; Sư phạm Thái Nguyên; Đại học Vinh; Nông lâm Huế; Nông lâm TPHCM) thực hiện vào 2015- Thuộc dự án Phát triển giáo dục POHE ở Việt Nam /NICHE/VNM-103.
[2] Đề án đổi mới GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 ban hành theo nghị quyết 14/2005/NQ-CP
[3] Chương III, điều 35- Điều lệ Trường đại học ban hành kèm theo quyết định số 70/2004 QĐ-TTg
[4] Trích dẫn theo số liệu thống kê 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam: http://www.moet.gov.vn
[5] Harman, Grant Stewart, Hayden, Martin, & Pham. Thanh Nghi (2010). Reforming higher education in VietNam: challenges and priorities. Dordrecht: Springer.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 ban hành theo Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP - Số liệu thống kê 2013 .
- Harman, Grant Stewart, Hayden, Martin, & Pham. Thanh Nghi. (2010). Reforming higher education in VietNam: challenges and priorities. Dordrecht:
- Nguyễn Đình Hân, Võ Thái Dân (2014). Hướng dẫn Quản lý Quá trình phát triển chương trình POHE. Dự án Phát triển giáo dục đại học theo định hướng Nghề nghiệp - Ứng dụng (POHE) ở Việt Nam.
- Viện Nghiên cứu Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (12/2013). Giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục tại các trường Cao đẳng, Đại học Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh.
PROFESSIONAL ORIENTED HIGHER EDUCATION -
A NEW ORIENTATION FOR HIGH QUALITY TRAINING PROGRAMS
OF VIETNAMESE UNIVERSITIES
Master. HOANG NGUYEN PHUONG
Faculty of Economics, Thu Dau Mot University
ABSTRACT:
This study discovers and analyzes the issues in managing the elements of professional oriented higher education. This study also proposes some solutions and presents experience in managing this learning environment. This study’s results are expected to help Vietnamese universities conduct more labour market oriented training activities which focus on competencies and skills for specific jobs. In addition, the study points out three basic learning environment elements that Vietnamese university should pay attention, including (1) Human resources; (2) Facilities; and (3) Financial resource.
Keywords: professional oriented higher education, labour market, training quality, training management.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 14, tháng 6 năm 2021]