Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Mục tiêu của giai đoạn tới rất lớn, trong khi kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, tình hình thế giới nhiều biến động nhanh chóng và khó lường, biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến Việt Nam, khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa các tầng lớp trong xã hội...
Cùng với đó, vấn đề hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng chưa phát huy được. Làm sao phát triển nhanh và bền vững để trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình là thách thức rất lớn.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam điều chỉnh mô hình kinh tế để hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững. Trong đó, tập trung phát huy cơ hội từ nguồn nhân lực, con người Việt Nam, áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới để phát triển nhanh, phát triển kinh tế phải gắn kết, hài hòa với phát triển xã hội, môi trường. Do đó, việc gắn kết, hợp tác với các nền kinh tế phát triển về khoa học, công nghệ là một trong những hướng đi của Việt Nam.
Thụy Sỹ luôn luôn là đối tác quan trọng, người bạn lớn của Việt Nam trong suốt 50 năm qua. Thụy Sỹ đã đồng hành cùng quá trình phát triển, hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực quan trọng. Không chỉ giúp về vốn, Thụy Sỹ còn giúp Việt Nam về kinh nghiệm và tri thức.
Viện trợ phát triển chính thức của Thuỵ Sỹ trong 30 năm qua đã góp phần giúp giảm đáng kể tỉ lệ hộ nghèo ở Việt Nam. Trong thời gian tới, hợp tác sẽ tập trung vào phát triển bền vững; đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Chương trình hợp tác với mức viện trợ gần 80 triệu USD cho 4 năm 2021-2024 giữa Thụy Sỹ và Việt Nam đã tập trung theo các định hướng, ưu tiên của Việt Nam, phát huy được thế mạnh của Thụy Sỹ, phù hợp xu thế của thế giới.
Các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam cho rằng, trong hợp tác, Thụy Sỹ cần quan tâm đến Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam, trong đó có kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số hướng tới một nền kinh tế tri thức; vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở các vùng khó khăn, hỗ trợ khu vực tư nhân đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.
Một trong những trọng tâm của Chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2024 là đầu tư phát triển khu vực kinh tế tư nhân để có các doanh nghiệp năng động và đa dạng với nhiều quy mô khác nhau.
Đồng thời, cải cách khu vực chi tiêu công, có chính sách quản trị tốt ở cấp độ nhà nước nhưng vẫn phải đảm bảo cho khu vực tư nhân có đủ không gian hoạt động; cũng như tạo ra khu vực tài chính đủ mạnh để hỗ trợ và đồng hành cùng với các doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để hỗ trợ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.
Cuối cùng, chính sách xây dựng và phát triển đô thị phải hướng tới, mỗi đô thị có một hạ tầng ổn định và đủ cho các nhu cầu của nền kinh tế, doanh nghiệp, cũng như nhu cầu của người dân để tất cả mọi người dân đều được sử dụng hạ tầng an toàn, thuận tiện.
Những chính sách trên là cơ sở quan trọng hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.