Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không Việt Nam sử dụng vốn ngân sách nhà nước - những kết quả đạt được

NCS.ThS. NGUYỄN VĂN PHÚC (Bộ Xây dựng)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích thực trạng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không tại Việt Nam sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy mô vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không Việt Nam sử dụng vốn ngân sách nhà nước có xu hướng tăng dần trong giai đoan 2016-2020. Kết quả nghiên cứu là cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao kết quả đạt được của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không tại Việt Nam sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Từ khóa: đầu tư phát triển, cảng hàng không, vốn ngân sách nhà nước, kết quả đầu tư phát triển.

1. Đặt vấn đề

Đầu tư phát triển nói chung và đầu tư phát triển trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng đã và đang thể hiện vị trí và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay, nhu cầu đầu tư phát triển các lĩnh vực khác nhau của ngành Giao thông vận tải ngày càng lớn, từ đó góp phần đảm bảo sự liên lạc thông suốt giữa không chỉ các địa phương trong mỗi quốc gia mà còn đảm bảo sự liên lạc thuận lợi giữa các quốc gia với nhau. Thêm vào đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải có ý nghĩa có đóng góp mang tính quyết định nhằm tạo ra những cú “huých” cho sự phát triển kinh tế của địa phương cũng như của cả nước.

Thực tế cho thấy, giao thông vận tải nói chung và giao thông hàng không nói riêng đã thể hiện được vị trí và vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho quá trình sản xuất và di chuyển được thông suốt, tạo ra những giá trị gia tăng trong quá trình thực hiện chức năng của mình. Với vị trí và vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, đồng thời để đáp ứng những yêu cầu của ngành, ngành Giao thông vận tải đã đề ra những chính sách, chiến lược phát triển giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của Chiến lược nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông về mặt số lượng, nâng cao chất lượng các công trình giao thông trên toàn lãnh thổ. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung giải quyết các vấn đề như tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo cơ chế thuận lợi thu hút các dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có những chính sách nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển cho ngành Hàng không. Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 22 cảng hàng không, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không quốc nội. Số lượng hành khách vận chuyển qua các cảng hàng không của Việt Nam tương đối lớn. Cụ thể, năm 2019, tổng hành khách đạt 116,3 triệu hành khách (trong đó bao gồm 41,8 triệu hành khách quốc tế và 74,6 triệu hành khách trong nước); Quy mô hàng hóa vận chuyển qua cảng khoảng 1.541 nghìn tấn. Doanh thu từ dịch vụ cảng hàng không cũng tương đối tốt, năm 2019, doanh thu thuần đạt 16.126 tỷ đồng. Điều này cho thấy tín hiệu đáng mừng đối với kết quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không cũng gặp không ít khó khăn do tình trạng “khát vốn đầu tư”, vì vậy, việc xã hội hóa và huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang trở nên ngày càng phổ biến  Thực tế cho thấy, kết cấu hạ tầng hàng không là lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng không chỉ với phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, mà còn có ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh quốc phòng. Chính vì vậy, việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng quan trọng đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không của Việt Nam. Việc nghiên cứu về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước là cần thiết.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp thu thập dữ liệu

Các dữ liệu của nghiên cứu được thu thập từ báo cáo tổng kết hàng năm của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và số liệu báo cáo tổng kết hàng năm của Cục Hàng không Việt Nam. Từ những báo cáo này sẽ thu thập được các dữ liệu về quy mô vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của các cảng hàng không Việt Nam. Những kết quả đạt được của các cảng hàng không như năng lực vận chuyển hành khách, quy mô hàng hóa, bưu kiện được vận chuyển của các cảng hàng không,…

2.2. Phương pháp phân tích dữ liệu

Các dữ liệu được thu thập sẽ được thực hiện phân tích nhằm thấy rõ sự biến động về quy mô vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước của các cảng hàng không tại Việt Nam; Sự thay đổi về kết quả hoạt động của các cảng hàng không tại Việt Nam.

Phương pháp phân tích dữ liệu được thực hiện bao gồm phương pháp so sánh, phương pháp thống kê mô tả và diễn dịch kết quả nghiên cứu.

3. Kết quả nghiên cứu

Việt Nam hiện có tổng số 22 cảng hàng không, trong đó bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không quốc nội. Trong giai đoạn 2016-2020, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại Việt Nam đã liên tục có những biến động về quy mô vốn đầu tư.

Bảng 1. Quy mô vốn đầu tư thực hiện phát triển kết cấu
hạ tầng cảng hàng không, sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại Việt Nam

ĐVT: Tỷ đồng

Quy mô vốn đầu tư thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không

Nguồn: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

Quy mô vốn đầu tư thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không Việt Nam sử dụng vốn ngân sách nhà nước có xu hướng biến động mạnh qua các năm, tăng dần trong giai đoạn 2016-2020. Điều đó cho thấy sự ưu tiên của Chính phủ cũng như của Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam đối với các hạng mục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không nhằm nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, từ đó đảm bảo năng lực cạnh tranh và chất lượng của các cảng hàng không tại Việt Nam.

Năm 2016, quy mô vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho các hạng mục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không tại Việt Nam đạt 596,53 tỷ đồng. Năm 2017, quy mô vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không cũng đã có xu hướng tăng hơn so với năm 2016, đạt  2214 tỷ đồng, tăng 1617,47 tỷ đồng so với năm 2016. Việc tăng quy mô vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho thấy những ưu tiên của Chính phủ dành cho các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng của các cảng hàng không.

Năm 2018, quy mô vốn ngân sách nhà nước thực hiện của hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không Việt Nam có xu hướng giảm so với năm trước đó, đạt 900,068 tỷ đồng, giảm 1313,93 tỷ đồng so với năm 2017. Năm 2018 là năm các cảng hàng không được đầu tư đồng bộ nhằm mở rộng hạ tầng của, từ đó duy trì chất lượng kết cấu hạ tầng và khả năng phục vụ của các sân bay. 

Năm 2019, quy mô vốn thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước có xu hướng tăng lên so với năm 2018, quy mô vốn đầu tư thực hiện 1.478 tỷ đồng, tăng 577,932 tỷ đồng so với năm 2018. 

Năm 2020, quy mô vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các cảng hàng không có xu hướng tăng mạnh, đạt 2.551 tỷ đồng, tăng khoảng 1073 tỷ đồng so với năm 2019.

Tuy nhiên, so với kế hoạch đặt ra, quy mô vốn đầu tư thực hiện và vốn đầu tư kế hoạch cũng có sự chênh lệch tương đối lớn.

Bảng 2. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với vốn đầu tư đăng ký
của các cảng hàng không Việt Nam

ĐVT: Tỷ đồng; %

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với vốn đầu tư đăng ký

Nguồn: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

Quy mô vốn kế hoạch từ ngân sách nhà nước đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không tại Việt Nam có xu hướng biến động qua các năm, hàng năm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam căn cứ vào tình hình thực tế để trình chính phủ phê duyệt và phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các cảng hàng không để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các cảng. Nguồn vốn này căn cứ vào từng dự án và theo năm để quyết định.

Năm 2016, quy mô vốn kế hoạch đạt 2.516,5 tỷ đồng, con số này có biến động tăng lên khoảng 5.000 tỷ đồng năm 2017. Nguyên nhân của việc tăng này là dự kiến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của một số cảng hàng không trọng điểm. Năm 2018, quy mô vốn kế hoạch cho đầu tư phát triển cảng hàng không đạt 3.012,8 tỷ đồng và ổn định cho năm 2019 với mức 3.692,15 tỷ đồng. Năm 2020, quy mô vốn kế hoạch đạt 4.749 tỷ đồng.

Đối với kế hoạch huy động vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các cảng hàng không có sự khác biệt tương đối lớn với vốn thực hiện, căn cứ tình hình thực hiện các dự án quy mô vốn thực hiện có sự chênh lệch với vốn kế hoạch. Cụ thể năm 2016 tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn kế hoạch đạt 23,7%. Con số này đã tăng lên 44,28% vào năm 2017. Tuy nhiên, sự thay đổi tích cực không được duy trì xuyên suốt khi năm 2018, đã có những biến động trong thực hiện các dự án so với kế hoạch, tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn đăng ký là 29,87%. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với vốn đăng ký là 40% và 53,2% lần lượt năm 2019 và 2020. Sự thay đổi về quản lý đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các cảng hàng không.

Bảng 3. Khối lượng vận chuyển hành khách của các Cảng hàng không
tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020

ĐVT: Triệu khách

Khối lượng vận chuyển hành khách

Nguồn: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

Bảng 3 cho thấy, tổng lượt khách của các cảng hàng không tại Việt Nam có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016-2019 khi năm 2016 quy mô khách vận chuyển của các cảng hàng không khoảng 81 triệu lượt khách, con số này tăng lên 94,1 triệu lượt khách năm 2017 và đạt mức 103,5 triệu lượt khách năm 2018. Đến năm 2019, quy mô khách tại các cảng hàng không của Việt Nam là 116,3 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến vận chuyển và khai thác của các hãng hàng không, quy mô lượt khách được vận chuyển của các hãng hàng không tại các cảng hàng không của Việt Nam đã giảm mạnh, quy mô lượng khách tại các cảng hàng không của Việt Nam được thống kê chỉ còn khoảng 65,2 triệu lượt khách, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu khách quốc nội vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu khách qua các cảng hàng không tại Việt Nam. Tỷ lệ này có xu hướng giảm dần tỷ trọng khách quốc nội và tăng dần khách quốc tế đến các cảng hàng không tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019. Tuy nhiên đến năm 2020, tỷ trọng khách quốc tế lại giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Năm 2016, tỷ trọng khách quốc tế là 29,63% tổng lượng khách đến các cảng hàng không tại Việt Nam, con số này đã tăng lên 35,94% vào năm 2019. Tuy nhiên đến năm 2020, do hạn chế và đóng cửa các đường bay quốc tế, quy mô khách quốc tế trong tổng lượng khách đến và đi các cảng hàng không tại Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng 11,35%.

Trong khi đó, tỷ lệ khách quốc nội có xu hướng biến động tăng trong giai đoạn 2016-2020, năm 2016 quy mô khách quốc nội khoảng 70,37%, tỷ lệ này cũng có xu hướng giảm xuống còn khoảng 64,03% vào năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến quy mô lượt khách di chuyển các cảng hàng không, đồng thời tỷ lệ khách quốc tế cũng giảm đáng kể, tỷ lệ khách quốc nội tăng mạnh lên khoảng 88,65%.

Bảng 4. Quy mô hàng hóa bưu điện vận chuyển qua các cảng hàng không

ĐVT: Nghìn tấn

Quy mô hàng hóa bưu điện vận chuyển qua các cảng hàng không

Nguồn: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

Bảng 4 cho thấy, lượng hàng hóa và bưu điện vận chuyển qua các cảng hàng không của Việt Nam liên tục tăng trong giai đoạn 2016-2020, kết quả này có được do sự đầu tư về kết cấu hạ tầng của các cảng hàng không ngày càng tốt, đáp ứng yêu cầu vận chuyển và yêu cầu ngày càng lớn của các cảng hàng không. Quy mô hàng hóa và bưu kiện tăng dần, năm 2016, quy mô hàng hóa bưu kiện vận chuyển đạtg 1.121 nghìn tấn, con số này đã tăng lên 1.517 nghìn tấn năm 2017 và đạt 1.541 nghìn tấn năm 2019. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến vận chuyển hành khách mà vận chuyển hàng hóa bưu kiện cũng khó khăn hơn do vấn đề liên quan đến kiểm soát dịch. Khối lượng hàng hóa bưu kiện vận chuyển qua các cảng hàng không giảm xuống còn khoảng 1.304 nghìn tấn.

Trong tổng lượng hàng hóa và bưu kiện vận chuyển qua các cảng hàng không, phần lớn là các bưu kiện và hàng hóa quốc tế, điều này cho thấy độ mở và sự giao thương của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Năm 2016, khối lượng hàng hóa và bưu kiện quốc tế qua các cảng hàng không là 708 nghìn tấn thì con số này tăng lên là 1.010 nghìn tấn năm 2019. Mặc dù có sự gia tăng trong giai đoạn 2016-2019, nhưng việc vận chuyển cũng không thể tránh được những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khối lượng hàng hóa, bưu kiện vận chuyển qua các cảng hàng không năm 2020 chỉ đạt khoảng 923 nghìn tấn.

Đối với hàng hóa bưu kiện nội địa đã có xu hướng tăng, nhưng không lớn trong giai đoạn 2016-2019. Quy mô hàng hóa bưu kiện chuyển qua các cảng hàng không năm 2016 là 413 nghìn tấn, con số này tăng lên khoảng 531 nghìn tấn năm 2019 và giảm xuống còn 381 nghìn tấn năm 2020.

4. Một số giải pháp đề xuất

Dựa trên kết quả phân tích thực trạng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không Việt Nam sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020, và những kết quả đạt được về hoạt động của các cảng hàng không tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp để hoạt động đầu tư đạt được những kết quả tích cực hơn:

Thứ nhất, cần có những chế tài và những quy định trong lập kế hoạch đầu tư và giám sát thực hiện đầu tư chặt chẽ hơn từ chủ đầu tư để hạn chế những biến động nhằm tăng tỷ lệ vốn thực hiện so với kế hoạch đã đặt ra.

Thứ hai, cần đầu tư trọng điểm cho các cảng hàng không khi đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước cho các cảng hàng không.

Thứ ba, quá trình thực hiện đầu tư cần đảm bảo chặt chẽ để tránh thất thoát và lãng phí trong đầu tư công.

Thứ tư, cần nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý cho đội ngũ quản lý liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các cảng hàng không.

Thứ năm, trong quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư cần lựa chọn được các nhà thầu có kinh nghiệm để thực hiện các hoạt động thi công nhằm đảm bảo chất lượng của các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (2021). Báo cáo thường niên năm 2020.
  2. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (2020). Báo cáo thường niên năm 2019.
  3. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (2019). Báo cáo thường niên năm 2018.
  4. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (2018). Báo cáo thường niên năm 2017.
  5. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (2017). Báo cáo thường niên năm 2016.

ACHIEVED RESULTS

OF USING STATE BUDGET TO DEVELOP

THE AIRPORT INFRASTRUCTURE IN VIETNAM

Master. NGUYEN VAN PHUC

Ph.D student, Ministry of Construction 

ABSTRACT:

This study is to analyze the current development and state investment in the airport infrastructure of Vietnam. The study finds out that the state investment in the airport infrastructure had gradually increased over the period from 2016 to 2020. This study’s findings are expected to serve as the basis for solutions to improve the efficiency of state investment in developing the airport infrastructure in Vietnam.

Keywords: development investment, airport, state budget capital, development investment results.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]