Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ổn định dân cư ảnh hưởng bởi thiên tai huyện Mường La, tỉnh Sơn La

TS. NGUYỄN THỊ LỆ THÚY ( Đại học Kinh tế quốc dân) - THS. ĐINH ĐẠI THANH( Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mường La, tỉnh Sơn La)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (KCHT) cho vùng bố trí ổn định dân cư (OĐDC) bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở huyện Mường La giai đoạn 2016 - 2019 theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 định hướng 2020. Qua phân tích, bài viết đề xuất một số khuyến nghị về chính sách và thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT cho vùng bố trí OĐDC bị ảnh hưởng bởi thiên tai giai đoạn 2021-2025. 

Từ khóa: dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai, vùng bố trí ổn định dân cư, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, một số địa phương miền núi phía Bắc đã và đang hứng chịu những thảm họa thiên tai. Việt Nam đã ban hành và thực hiện những giải pháp để OĐDC các vùng này theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 định hướng 2020. Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT là một trọng tâm của Chương trình, góp phần đảm bảo KCHT cho các vùng bố trí OĐDC bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Vậy, chính sách hỗ trợ này đã triển khai như thế nào và đạt được kết quả ra sao? Người dân được thụ hưởng chính sách này như thế nào? Vấn đề nào cần quan tâm và giải quyết như thế nào để tiếp tục chính sách này một cách bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030? Mục tiêu bài viết là phân tích chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT và hàm ý một số khuyến nghị cho giai đoạn 2021-2025 dựa trên khai thác dữ liệu của huyện Mường La, tỉnh Sơn La, là huyện miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai trong những năm qua.  

2. Cơ sở lý thuyết

Vùng bố trí OĐDC bị ảnh hưởng bởi thiên tai là khu vực sinh sống của dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai, được quy hoạch trở thành nơi để chính quyền sắp xếp một cách tập trung những dân cư đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nhằm tạo một vùng kinh tế - xã hội mới, có đủ các điều kiện về KCHT kỹ thuật-xã hội cho an sinh bền vững của dân cư chịu ảnh hưởng bởi thiên tai (Đinh Đại Thanh, 2020, trang 8).

KCHT là một bộ phận đặc thù của cơ sở vật chất kỹ thuật trong nền kinh tế quốc dân có chức năng, nhiệm vụ đảm bảo điều kiện chung cần thiết cho quá trình sản xuất và tái sản xuất mở rộng được diễn ra bình thường, liên tục (CIEM, 2018). KCHT cho vùng bố trí dân cư chủ yếu là công trình đường giao thông, công trình thủy lợi nhỏ, công trình cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa, cơ sở y tế, các trường học, chợ dân sinh và một số công trình thiết yếu khác. KCHT được xây dựng theo hướng mở rộng khu dân cư hiện hữu hoặc vùng dân cư mới để người dân có nơi ở mới an toàn, bền vững, có điều kiện tốt hơn nơi ở cũ, gắn với đất sản xuất và phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT cho vùng bố trí OĐDC bị ảnh hưởng bởi thiên tai là hệ thống các mục tiêu, quan điểm, giải pháp hỗ trợ xây dựng KCHT cho các vùng này, phục vụ dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai ổn định cuộc sống, cải thiện sinh kế và giảm nghèo bền vững (Đinh Đại Thanh, 2020, trang 10).

3. Dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn huyện Mường La, tỉnh Sơn La

Huyện Mường La là một trong các huyện hứng chịu nhiều nhất những thảm họa thiên tai (sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, lốc xoáy, ngập lũ...) của tỉnh Sơn La. Số xã bị ảnh hưởng bởi thiên tai hàng năm chiếm 1/2 số xã và thị trấn trên địa bàn Huyện. Các xã bị ảnh hưởng nhiều nhất là xã Nậm Giôn, xã Chiềng Lao, xã Hua Trai, xã Nặm Păm, xã Ngọc Chiến, xã Chiềng Công, thị trấn Ít Ong, xã Chiêng Hoa (UBND tỉnh Sơn La, 2017).

Bảng 1. Dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai của huyện Mường La

giai đoạn 2016-2019

TT

Nội dung

ĐV

2016

2017

2018

2019

1

Thiệt hại về người

Người

10

30

04

01

 

Chết

Người

02

15

01

0

 

Mất tích

Người

0

0

01

0

 

Bị thương

Người

08

15

02

01

2

Thiệt hại tài sản

 

 

 

 

 

 

Nhà bị ảnh hưởng

Nhà

1.195

695

2.039

214

 

Diện tích trồng trọt bị thiệt hại

ha

268,7

598,1

355,2

69

 

Trâu bò gia cầm

con

1.204

20.985

341

239

 

Cây ăn quả

ha

20,74

316,00

32,12

11,00

3

Thiệt hại công trình hạ tầng cho sản xuất và sinh sống

 

 

 

 

 

 

Số xã bị cô lập

04

08

03

02

 

Sạt lở đường giao thông

km

10,5

82,5

10

8,5

 

Công trình thủy lợi hư hỏng, nước sinh hoạt

công trình

28

95

27

11

4

Ước tính thiệt hại

tỷ đồng

30,0

705,8

69,5

11,1

Nguồn: UBND huyện Mường La, 2019

Tình hình dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai của huyện Mường La ở Bảng 1, thống kê theo 3 loại thiệt hại: thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản, thiệt hại về công trình hạ tầng cho sản xuất và sinh sống. Năm 2017 là năm có thiệt hại về người nhiều nhất. Trận lũ quét xảy ra ở suối Nặm Păm, huyện Mường La vào sáng 3/8/2017 gây ra lũ quét, ngập úng và sạt lở đất rất lớn làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Năm 2018 và 2019, mặc dù vẫn hứng chịu nhiều trận bão lũ nhưng thiệt hại về người đã giảm, đó là kết quả giải pháp “bốn tại chỗ và ba sẵn sàng” của huyện Mường La (UBND tỉnh Sơn La, 2019).

4. Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT cho vùng bố trí OĐDC bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở huyện Mường La

Huyện Mường La đã triển khai Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT cho vùng bố trí OĐDC bị ảnh hưởng bởi thiên tai theo: (1) Quyết định số 1776/QĐ-TTg; (2) Chương trình bố trí dân cư theo quy hoạch theo Quyết định số 927/QĐ-UBND ngày 07/05/2013.

Mục đích Chính sách là giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn Huyện Mường La. Đối tượng Chính sách là người dân ở các vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do thiên tai. Ngoài ra, để hiệu quả, trên cơ sở lồng ghép chính sách, huyện Mường La kết hợp đảm bảo hạ tầng cho các hộ gia đình sống ở vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như thiếu đất sản xuất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, các hộ gia đình sinh sống ở khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng cần phải di chuyển.

Giải pháp Chính sách: Hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT cho vùng bố trí OĐDC bị ảnh hưởng bởi thiên tai cho các công trình sau: Đường giao thông nội bộ điểm tái định cư; Hệ thống nước sinh hoạt tự chảy; Hệ thống cấp điện phục vụ nhu cầu của người dân; Xây dựng trường mầm non, trường tiểu học và nhà văn hóa bản. Hình thức hỗ trợ: theo quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư; hỗ trợ khẩn cấp khi có thiên tai bão lũ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Nguồn lực là 200 tỷ đồng gồm: nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh; chủ động bố trí nguồn vốn do địa phương quản lý, kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án.

5. Kết quả thực hiện Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT cho vùng bố trí OĐDC bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn huyện Mường La, Sơn La giai đoạn 2016-2019

Kết quả thực hiện Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT cho vùng bố trí OĐDC giai đoạn 2016-2019 được trình bày trên Bảng 2. Mỗi vùng bố trí OĐDC nằm trên một bản và được thụ hưởng một dự án bố trí OĐDC. Tổng số vùng bố trí OĐDC trong giai đoạn 2016-2019 là 15 vùng/điểm. Có thể thấy các dự án bố trí vùng thiên tai có tính đột xuất và khẩn cấp khá lớn phụ thuộc vào điều kiện thuận lợi hay không thuận lợi của thời thiết. Tổng diện tích đã bố trí cho vùng OĐDC trong giai đoạn 2016-2019 là 50,77 hecta. Số hộ đã được bố trí OĐDC (được di dời vào vùng bố trí OĐDC tập trung) là 834 hộ. Các xã được có bố trí vùng OĐDC tập trung là xã Nậm Giôn, xã Chiềng Lao, xã Hua Trai, xã Nặm Păm, xã Ngọc Chiến, xã Chiềng Công, thị trấn Ít Ong, xã Chiêng Hoa. Một số bản có số hộ dân được bố trí dân cư lớn như bản Hua Nặm, xã Nặm Păm; Huổi Sói - Nà Ten, xã Nặm Păm;  Bản Lọng Bó, xã Chiềng Công. Xã Năm Păm có nhiều điểm bố trí dân cư nhất vào năm 2017 là năm mà huyện Mường La bị thiệt hại năng nhất do thiên tai.

Bảng 2. Kết quả hỗ trợ xây dựng hạ tầng và bố trí OĐDC bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn huyện Mường La

TT

Nội dung

ĐV

2016

2017

2018

2019

1

Số vùng bố trí OĐDC (mỗi dự án cho 1 bản/vùng)

bản

04

08

01

02

2

Tổng diện tích đã bố trí

ha

13,87

27,2

2,8

6,9

3

Số hộ đã bố trí ổn định (di dời vào vùng bố trí OĐDC tập trung)

hộ

231

454

47

102

4

Tổng số dự án bố trí OĐDC đã hoàn thành KCHT

Dự án

04

08

01

02

4.1

Đường giao thông

km

2,8

5,7

1,8

3,2

4.2

Hệ thống nước sinh hoạt

Hộ

231

454

47

102

4.3

Hệ thống điện sinh hoạt

Hộ

231

454

47

102

4.4

Trạm biến áp

trạm

04

05

01

02

4.5

San lấp mặt bằng

nền

231

454

47

102

Nguồn: UBND huyện Mường La, 2019

Mỗi dự án bố trí dân cư tương ứng với một dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT. Giai đoạn 2016-2019, Mường La đã hoàn thành 15 dự án đầu tư KCHT vùng bố trí OĐDC. Mỗi dự án gồm 5 hạng mục là xây dựng đường giao thông, xây dựng hệ thống nước sinh hoạt, xây dựng hệ thống điện sinh hoạt, xây dựng trạm biến áp, san lấp mặt bằng. Trong giai đoạn 2016-2019, tổng số km đường giao thông đã xây dựng tại các vùng OĐDC là 13,5 km, năm 2017 nhiều nhất là 5,7 km;  đã có 834 mặt nền được san lập, công trình nước sinh hoạt, công trình điện sinh hoạt phục vụ cho người dân di chuyển đến các điểm ổn định này; đã xây dựng 12 trạm biến áp ở các điểm OĐDC.

Nhìn chung, các dự án được đầu tư tương đối đồng bộ từ đường giao thông nội bộ đến điện sinh hoạt, nước sinh hoạt để những hộ dân tái định cư yên tâm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, hưởng lợi của các công trình dự án bố trí dân cư không chỉ các hộ được chuyển đến vùng dự án, mà cả người dân tại chỗ. Thực hiện công tác bố trí dân cư đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế và giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra, góp phần phát triển cơ sở vật chất hạ tầng, giúp người dân ổn định và nâng cao đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới (UBND huyện Mường La, 2017).

6. Đánh giá chính sách và thực hiện chính sách

6.1. Những ưu điểm

Có được những thành công trong bố trí dân cư các vùng tập trung nói trên là do sự vào cuộc tích cực của UBND huyện Mường La, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Huyện. Các cơ quan  đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND. UBND Huyện Mường La đã xây dựng kế hoạch phát triển KCHT vùng bố trí OĐDC bị ảnh hưởng bởi thiên tai của Huyện theo hướng giảm nghèo bền vững và đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đã giải quyết mâu thuẫn về quyền lợi của người dân, sâu sát với tình hình mưa lũ thiên tai và thiệt hại hàng năm tại các bản và các xã, thực hiện tốt quản lý dự án đầu tư xây dựng KCHT vùng bố trí OĐDC.

6.2. Những hạn chế

Chính sách hỗ trợ đầu tư KCHT vùng bố trí OĐDC chưa cụ thể đối tượng hỗ trợ, hạng mục hỗ trợ theo đối tượng thuôcj trường hợp các dự án nằm trong quy hoạch, các hạng mục ưu tiên trong thời điểm khẩn cấp, nguồn vốn thực hiện dự án hỗ trợ. Vì vậy, cách làm ở mỗi địa phương là khác nhau. Việc thiếu vắng quy định định mức hỗ trợ làm cho đầu tư dàn trải vốn, chưa trọng tâm vào dự án quan trọng để đảm bảo tính bền vững.

Kế hoạch phát triển KCHT hạn chế không đáp ứng được nhu cầu bố trí dân cư thực tế. Một số nội dung trong kế hoạch giai đoạn 2016 -2019 không được  phê duyệt trong chủ trương đầu tư các dự án khẩn cấp do không có kinh phí. Một cơ chế tài chính đặc thù cho các dự án đầu tư xây dựng KCHT vùng bố trí OĐDC là hoàn toàn chưa có. Xảy ra thiệt hai do thiên tai, đề xuất các dự án khẩn cấp, xin ngân sách trung ương và địa phương từ nguồn ngân sách dự phòng là lời giải hàng năm vẫn làm.  (UBND huyện Mường La, 2019).

Tuyên truyền hưởng ứng chính sách của Huyện khá rộng nhưng chưa cá nhân hóa mang tính vận động để người dân hiểu, ủng hộ, sẵn sàng hiến đất, sẵn sàng tham gia đóng góp công sức vào phát triển hạ tầng vùng OĐDC. Nguyên nhân là trình độ dân trí chưa cao, tăng cường sự tham gia của người dân vẫn có tính khẩu hiệu. Do vậy, huy động công sức của người dân để xây dựng các công trình còn khiêm tốn, kể cả khi có các điểm bố trí OĐDC đã đủ điều kiện tối thiểu thì vẫn có tình trạng người dân không chịu di chuyển đến nơi ở mới.

Một số dự án chưa giải quyết dứt điểm về bồi thường, hỗ trợ cho người dân, triển khai chậm do mùa mưa kéo dài liên tục dẫn đến sạt lở đất đá làm tắc các tuyến đường, cản trở vận chuyển được các loại vật liệu vào thi công. Giám sát xây dựng KCHT đã triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Đánh giá dự án đã thực hiện định kỳ nhưng thiếu khảo sát cuộc sống của người dân sau khi được bố trí vào các điểm tập trung dân cư.

7. Một số khuyến nghị

Chính phủ cần hướng dẫn xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các vùng tập trung dân cư các tỉnh phù hợp với điều kiện địa phương. Bên cạnh đó, quản lý ngân sách đầu tư theo đầu ra và kết quả để đảm bảo mọi sự đầu tư đều phù hợp với nhu cầu người dân. Đảm bảo cơ chế tài chính để có được nguồn lực đầu tư trọng điểm, lớn, tập trung và bền vững là rất cần thiết, tránh tình trạng rách đâu vá đấy, cần có cơ chế vốn độc lập để đạt được mục tiêu chính sách.

Cá nhân hóa tuyên truyền chính sách. Các hộ sinh sống tại những nơi có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai cần được vận động trực tiếp; cần ưu tiên nguồn lực cho tuyên truyền vận động; xây dựng đội ngũ trưởng bản thành kênh tuyên truyền chủ lực tại các bản có điểm bố trí tái định cư tại chỗ.

UBND Huyện tính toán cân đối nguồn kinh phí để đề xuất các chủ trương đầu tư đảm bảo đầu tư các công trình khẩn cấp phục vụ ngay cuộc sống của người dân nhưng vẫn phải hướng theo quy hoạch đã được duyệt; khắc phục thiếu hụt tài chính bằng sử dụng sức dân, khuyến khích người dân đóng góp sức lao động, đóng góp ngày công tự san lấp nền, tham gia san lấp mặt bằng xây dựng công trình. Sau khi ổn định cuộc sống người dân ở các vùng dân cư tập trung, UBND huyện cần tập trung ưu tiên các công trình đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân như công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa.

Đánh giá thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT các vùng tập trung dân cư cần huy động sự tham gia và có tiếng nói của người dân. UBND huyện tích cực lấy ý kiến người dân, ý kiến của trưởng bản, ban giám sát cộng đồng tại địa phương để đánh giá kịp thời những ảnh hưởng chính sách đến cuộc sống của người dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. CIEM (2017), Phát triển KCHT để bảo đảm và thúc đẩy phát triển bền vững.
  2. Đinh Đại Thanh, 2020, “Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT cho vùng bố trí OĐDC bị ảnh hưởng bởi thiên tai của ủy ban nhân dân huyện Mường La, tỉnh Sơn La”, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1776/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
  4. UBND huyện Mường La (2017), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
  5. UBND Huyện Mường La (2017), Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND về việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc UBND huyện Mường La.
  6. UBND huyện Mường La (2018), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2018, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
  7. UBND Huyện Mường La (2019), Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ.
  8. UBND huyện Mường La (2020), Dự án: “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí sắp xếp OĐDC trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
  9. UBND tỉnh Sơn La (2014), Quyết định số 3515/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 về việc ban hành định mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, hỗ trợ cho cộng đồng và quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2014 đến năm 2020.
  10. UBND tỉnh Sơn La (2016), Quyết định số 1295/QĐ-UBND ngày 02/6/2016 của UBND tỉnh Sơn La về việc cho phép lập dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí sắp xếp, OĐDC tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.

 Policies on supporting investment in infrastructure development in areas for people affected by natural disasters to re-settle in Muong La District, Son La Province

Ph.D Nguyen Thi Le Thuy

Nationaal Economics University

Master. Dinh Dai Thanh

Muong La District Construction Investment Project Management Board,

Son La Province

ABSTRACT:

This paper analyzes the implementation of policies on supporting investment in infrastructure development in areas for people affected by natural disasters to re-settle in Muong La District, Son La Province over the period from 2016 to 2019. These policies are based on the Decision No.1776/QD-TTg dated on November 21, 2012 approving the residential distribution in the areas which are facing natural disasters, extremely poor difficulties, border, island and free migration, special use forest in the period 2013 - 2015 and vision to 2020. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to enhance the effectiveness of policies and the implementation of policies on supporting investment in infrastructure development in areas for people affected by natural disasters to re-settle in the period 2021 – 2025.

Keywords: people affected by natural disasters, areas for stable population arrangement, policies on supporting investment in infrastructure development, Muong La District, Son La Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]