Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trên tinh thần khẩn trương và tích cực tìm kiếm nguồn than nhập khẩu phục vụ sản xuất điện và sản xuất công nghiệp trong nước, chiều ngày 14/4/2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Durban tổ chức Diễn đàn giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu than Việt Nam và Nam Phi.
Tham dự Diễn đàn, về phía Việt Nam, ngoài đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương còn có đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu than lớn nhất Việt Nam như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng Công ty Đông Bắc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Về phía Nam Phi, có Tham tán Chính trị - Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Durban, Nam Phi cùng 06 doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu than, 01 ngân hàng hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và thanh toán của Nam Phi.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than tăng dần để phục vụ cho sản xuất điện và sản xuất công nghiệp trong nước trong thời gian tới, cụ thể là 36 triệu tấn trong năm 2021 và dự báo khoảng 46,5 triệu tấn than trong năm 2025 lên 123,7 triệu tấn vào năm 2045.
Việt Nam đã nhập khẩu than từ Nam Phi nhiều năm qua và trở thành một trong 05 đối tác nhập khẩu than lớn nhất của Nam Phi trong năm 2019 và 2020. Theo số liệu thống kê của Cơ sở dữ liệu thống kê thương mại của Liên hợp quốc (UN Comtrade), Việt Nam đã nhập khẩu từ Nam Phi khoảng 126 nghìn tấn than (tương đương với 7,6 triệu USD) vào năm 2019; khoảng 2,6 triệu tấn năm 2020 (tương đương với 123,4 triệu USD) và khoảng 7,5 triệu tấn vào năm 2021 (tương đương với 360 triệu USD).
Trong khi đó, Nam Phi có trữ lượng than rất lớn, vào khoảng 50 tỷ tấn và là một trong 05 nước xuất khẩu than lớn nhất trên thế giới. Than Nam Phi có các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản tương đương với than khai thác tại Việt Nam, phù hợp cho sản xuất điện và các ngành sản xuất của Việt Nam. Bộ Công Thương mong muốn hai Bên sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác ổn định, lâu dài về thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ khai thác và chế biến than bền vững.
Ông Hector Mphohoni, Bí thư thứ nhất phụ trách về Chính trị, Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam khẳng định quan hệ thương mại giữa hai nước đang ngày càng phát triển tốt đẹp. Cán cân thương mại giữa hai nước luôn nghiêng về phía Việt Nam kể từ năm 2014. Việc tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp diễn phức tạp như hiện nay và góp phần đẩy mạnh xuất khẩu than của Nam Phi sang Việt Nam, giúp cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Ông Hector cũng đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương trong việc giải quyết khó khăn trong hoạt động nhập khẩu than của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ sản xuất điện và sản xuất công nghiệp trong nước.
Bà Palesa Phili, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Durban, Nam Phi bày tỏ mong muốn được thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác Việt Nam. Tỉnh Durban, Nam Phi với cảng Richards Bay là cửa ngõ lớn nhất chuyên phục vụ xuất khẩu than của Nam Phi. Các doanh nghiệp cung ứng và kinh doanh than Nam Phi đều đặt Văn phòng, Chi nhánh tại đây để thuận tiện giao dịch và xử lý các vấn đề liên quan tới xuất nhập khẩu tại cảng Richards Bay.
Bà Palesa Phili khẳng định sẽ ủng hộ và tích cực thúc đẩy việc kết nối, giới thiệu các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu than từ Nam Phi trong thời gian tới.
Tại Phiên kết nối giao thương, các doanh nghiệp nhập khẩu than hàng đầu của Việt Nam như Vinacomin, EVN và Tổng Công ty Đông Bắc và 06 doanh nghiệp xuất khẩu than của Nam Phi như Công ty An Nam Trading, The Commodities Inc, GC Consulting, Best Ever Trading, Picogenix và Ngân hàng Standard Bank – Johannesburg đã trao đổi, giới thiệu nhu cầu nhập khẩu, năng lực sản xuất, khả năng cung ứng than và tiềm năng hợp tác giữa các bên trong thời gian tới.
Sau sự kiện này, các doanh nghiệp hai Bên sẽ tiếp tục trao đổi về kế hoạch hợp tác cụ thể để cung ứng than cho Việt Nam.