Đề xuất một số giải pháp phòng, chống tham nhũng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Đề xuất một số giải pháp phòng, chống tham nhũng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Việt Nam" do ThS. Lương Phi Hổ (Phó Tổng Thư ký, Báo Pháp luật Việt Nam) thực hiện.

TÓM TẮT:

          Tham nhũng đã và đang gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây ảnh hưởng đến sự minh bạch, công bằng và hiệu quả của quy trình này. Bài viết đề cập đến vấn đề phòng, chống tham nhũng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Việt Nam hiện nay. Tác giả đã đi sâu phân tích các nguyên nhân, hậu quả của tham nhũng trong lĩnh vực này, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện tình hình.

Từ khóa: phòng, chống tham nhũng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tham nhũng, đất đai.

1. Đặt vấn đề

          Theo Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: “Tham nhũng là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức. Tham nhũng là vật cản lớn nhất của tiến trình phát triển xã hội, là nguy cơ trực tiếp liên quan đến sự sống còn của Nhà nước”. 1

          Luật Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam năm 2018 nêu rõ: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Còn theo Tổ chức Minh bạch thế giới (Transparency International), tham nhũng hay tham ô là hành vi “của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”. Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau về tham nhũng nhưng có thể hiểu là tham nhũng chủ yếu vẫn thông qua các hành vi tham ô, hối lộ, lộng quyền, lộng hành, sách nhiễu gây khó khăn cho người khác, dùng quyền lực để mưu lợi cá nhân, bao che cho hành vi vi phạm pháp luật, dùng tiền thao túng quyền lực, chiếm đoạt quyền lực,…

          Tham nhũng là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm cho kinh tế chậm phát triển, thất thoát, lãng phí tài sản của dân, thiệt hại ngân sách, gây rối loạn nền kinh tế, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng.          Thực trạng ở nước ta hiện nay là tệ nạn tham nhũng đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tham nhũng trong quản lý đất đai. Với những hậu quả đáng lo ngại, việc phòng, chống tham nhũng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được đặt lên hàng đầu trong những ưu tiên của Chính phủ cũng như cả xã hội.

          Bài báo nhằm phân tích và đề xuất giải pháp cho vấn đề tham nhũng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Việt Nam.

2. Thực trạng tham nhũng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay

2.1. Tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là cấp sổ đỏ)

          Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến hết năm 2023, cả nước đã cấp 13.836.600 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, với diện tích 7.524.600 ha (đạt 82,4% diện tích); cấp 10.467.614 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn, với diện tích 413.889 ha (đạt 81,1% diện tích) và cấp 3.434.500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đô thị, với diện tích 76.296 ha (đạt 68,1% diện tích). Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế, tham nhũng trong việc cấp “sổ đỏ” cho các hộ gia đình và doanh nghiệp chiếm khoảng 35%2.

          Hành vi tham nhũng trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường không diễn ra ở mức độ lớn, nhưng lại diễn ra một cách phổ biến và thường xuyên. Theo thống kê được đưa ra tại Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2021 do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức, tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% đến hơn 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cách làm có tính phổ biến nhất thường được một số cán bộ biến chất áp dụng là yêu cầu... “bổ sung hồ sơ”, kéo dài thời gian xử lý. Việc kéo dài thời gian đánh giá, phê duyệt và chậm thực hiện các thủ tục với nhiều lý do khác nhau đã tạo điều kiện cho hành vi tham nhũng3.

2.2. Tham nhũng trong lĩnh vực quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và tính toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

          Hình thức tham nhũng thường xảy ra theo những cách phổ biến sau:

- Các nhà đầu tư thường kết hợp với cán bộ quản lý về đất đai để mua đất nông nghiệp với quy mô lớn. Sau đó, họ tác động với cấp có thẩm quyền để sửa quy hoạch, chuyển diện tích này thành đất phi nông nghiệp với sự chênh lệch về giá trị rất lớn. Mặc dù có các quy định pháp luật như Luật Phòng, chống tham nhũng, Pháp lệnh Dân chủ cơ sở và một số văn bản khác của pháp luật quy định phải lấy ý kiến công khai của người dân trước khi phê duyệt quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế, không có một quy định nào của pháp luật bắt buộc phải công khai, dân chủ, lấy ý kiến của nhân dân trong việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và đồ án quy hoạch. Điều này tạo điều kiện nảy sinh tham nhũng.

- Cơ chế đánh giá và định giá tài sản trên đất, cũng như quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường do Ban bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở cấp huyện thực hiện, với một cơ chế hành chính thiếu sự giám sát khách quan của những người bị thu hồi đất, của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi, và của các tổ chức xã hội. Điều này cũng là một nguyên nhân gây ra tham nhũng.

- Một số chủ đầu tư thường xin điều chỉnh dự án bằng cách thu hẹp phần quỹ đất dành cho các công trình công cộng để tăng phần quỹ đất xây nhà ở, nhằm mục đích kiếm lời cho cá nhân.

- Ngoài ra, nhà đầu tư thường gặp khó khăn, phức tạp khi đi tìm đất để thực hiện các dự án đầu tư. Nội dung quy hoạch sử dụng đất không rõ ràng, thảo luận địa điểm để đầu tư cần phải gặp gỡ tất cả ba cấp xã, huyện, tỉnh với nhiều đầu mối công việc khác nhau, gây mất thời gian và tốn kém chi phí4.

3. Nguyên nhân và hậu quả của tham nhũng

3.1. Nguyên nhân chủ quan

          Thứ nhất, nguyên nhân và động cơ chủ yếu của tham nhũng là lòng tham của con người. Mọi hành vi tham nhũng dù dưới hình thức nào chăng nữa đều có thể quy về “lợi ích cá nhân”. Vì lợi ích cá nhân, người ta có thể làm tất cả, bất chấp mọi thủ đoạn, mọi hậu quả để đạt được dù hành vi đó là vi phạm đạo đức, pháp luật, hay vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng.

          Thứ hai, môi trường làm việc và áp lực công việc cũng là một tác nhân gây suy thoái đạo đức của con người. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị. Điều này dẫn đến sự tha hóa, suy thoái về đạo đức không thể tránh khỏi của các công chức, viên chức nhà nước, sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà tham nhũng.         

Thứ ba, do tâm lý và trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn yếu kém. Với quan niệm giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để giải quyết công việc “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” cũng là nguyên nhân thúc đẩy tham nhũng. Chính hành vi tâm lý và trình độ nhận thức này đã vô tình làm cho không ít cán bộ, nhân viên bị tham nhũng thụ động. Tình trạng này kéo dài làm xuất hiện tư tưởng gây khó dễ ở cán bộ, công chức. Vô hình trung tạo nên một cách suy nghĩ, một thói quen xấu trong cả cán bộ công chức và cả những người muốn dùng tiền để giải quyết công việc, dần dần hình thành nên “văn hóa phong bì”5.

          Thứ tư và cũng là nguyên nhân quan trọng, dễ dẫn đến tham nhũng nhất đó chính là sự sơ hở, bất cập, thiếu công khai, thiếu minh bạch, cơ chế “xin - cho” còn tồn tại. Nguyên nhân này thể hiện ở chỗ: cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng, quản lý, luân chuyển tài sản có nhiều sơ hở, giao tài sản cho nhân viên nhưng không có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, gian lận trong công tác để chiếm đoạt tài sản,... Các thủ tục, quy định của Nhà nước chưa được công khai, rõ ràng đã tạo điều kiện cho cán bộ tham nhũng; thiếu công khai, minh bạch trong công tác quản lý, trong công tác kê khai tài sản, trong công tác sử dụng tài sản, và thiếu minh bạch trong các văn bản, quy định, thủ tục. Như vậy, tham nhũng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất không chỉ là một vấn đề của hệ thống pháp luật và Chính phủ, mà còn phản ánh sự suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức.     

3.2. Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, do hệ thống pháp luật, chính sách ở nước ta còn thiếu đồng bộ và chồng chéo

          Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đất đai được ban hành khá nhiều nhưng còn bất cập, thiếu đồng bộ nên đã tạo ra những kẽ hở để nảy sinh tình trạng tham nhũng như cho các nhà đầu tư nợ, chậm nộp tiền sử dụng đất; đất để bỏ không gây lãng phí. Trong một thời gian dài trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được ban hành kịp thời và không rõ ràng. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các tỉnh, thành phố còn chậm, nhất là các văn bản liên quan đến người sử dụng đất dẫn đến việc nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và các tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính.

          Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương chưa tạo lập được quy chế phối hợp, trao đổi thông tin nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Việc phân công quản lý nhà nước về đất đai cũng có sự chồng chéo, tạo ra những mâu thuẫn không cần thiết giữa các cơ quan, ví dụ như ngành Tài nguyên - Môi trường thì được giao quản lý đất đai, nhưng việc xác định thuế đất, giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng lại do ngành Tài chính chủ trì xác định.

Thứ hai, do những bất cập trong triết lý về giáo dục góp phần vào tình trạng tham nhũng. Vẫn còn thiếu một triết lý giáo dục đủ tầm cỡ và chú trọng đúng mức vào việc bồi dưỡng đạo đức cán bộ, đảng viên trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường khiến cho tình trạng tham nhũng ngày càng nhiều. 

Thứ ba, sự quản lý, thanh tra, kiểm tra lỏng lẻo, yếu kém của Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng. Việc xử lý qua loa, thiếu sự mạnh mẽ, chỉ mang tính “hình thức” trong việc thực hiện kỷ luật như cảnh cáo, phê bình dẫn đến tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng. Các cán bộ cấp cao chưa làm gương cho cấp dưới, không thấm nhuần tư tưởng đạo đức, điều này cũng góp phần vào việc thúc đẩy tham nhũng. Người quản lý, thanh tra, kiểm tra, điều tra cũng chưa thật sự mạnh tay và làm việc có hiệu quả  làm cho tệ tham nhũng gia tăng, khó có thể ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời.

          Thứ tư, việc thực hiện chính sách phòng, chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả và đồng bộ. Chính sách chưa khuyến khích toàn dân và cả hệ thống chính trị cùng phòng, chống tham nhũng. Đồng thời còn thiếu cơ chế hữu hiệu bảo vệ những người phát hiện, dám tố cáo tham nhũng. Việc tuyên dương người đứng lên tố cáo tham nhũng hiện nay cũng chưa phải là giải pháp hiệu quả để động viên toàn dân tham gia. Hơn nữa, người “đưa hối lộ” đi tố cáo tham nhũng cũng bị khép tội “đưa hối lộ” nên cũng làm hạn chế việc tố cáo tham nhũng của nhân dân.  

Thứ năm, mặt trái của nền kinh tế thị trường và sự phân cực giữa các giai tầng trong xã hội cũng góp phần vào tham nhũng. Có không ít tổ chức, cá nhân vì những mục tiêu riêng để tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đã dùng mọi thủ đoạn, trong đó có thủ đoạn hối lộ được sử dụng phổ biến nhất. Hơn nữa, chính sách tuyển dụng, trọng dụng và đãi ngộ các nhân viên công quyền chưa thỏa đáng (chính sách tiền lương) cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng tham nhũng phát triển và lan rộng.

          Như vậy, nguyên nhân của tham nhũng là sự tổng hợp từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Tham nhũng là một trong những nguy cơ làm cản trở công cuộc đổi mới. Cùng với lãng phí, tham nhũng đang diễn ra trầm trọng, kéo dài, gây bất bình trong quần chúng nhân dân, xâm hại đến công lý và công bằng xã hội, gây thiệt hại lớn về tài sản Nhà nước và của nhân dân[6].

4. Đề xuất một số giải pháp phòng, chống tham nhũng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

          Để phòng chống tham nhũng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo tác giả đề xuất, cần thực hiện một số giải pháp quan trọng và cụ thể như sau:

- Cần tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách, và pháp luật liên quan đến đất đai. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để loại bỏ cơ chế "xin - cho". Việc công khai, minh bạch mọi thông tin về quản lý và sử dụng đất đai cũng cần được thực hiện để tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận thông tin này.

-  Tăng cường công tác quy hoạch sử dụng đất và quản lý đất đai: Cần lập tầm nhìn chiến lược và tính khoa học trong công tác quy hoạch để tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của nhà đầu tư. Đồng thời, cần điều chỉnh chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, và nâng giá đất gần với giá thị trường. Tăng tính độc lập, khách quan của hệ thống xây dựng quy hoạch và thực hiện việc đăng ký bất động sản, thẩm định dự án đầu tư, định giá đất ra khỏi hệ thống cơ quan hành chính.

          - Nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra: Cần tăng cường thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan hành chính đối với các cơ quan trực thuộc. Cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, xây dựng, thực hiện cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng; rà soát, lập danh mục các vụ án tham nhũng về đất đai trên toàn quốc để tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm minh.

          - Đổi mới trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính: Cần đổi mới trình tự, thủ tục ban hành các quyết định hành chính theo hướng giảm tính độc đoán của người có thẩm quyền ban hành quyết định và tạo điều kiện cho việc giải trình trách nhiệm của từng vị trí công tác trong bộ máy quản lý đất đai7.

5. Kết luận

          Trong bối cảnh hiện nay, tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai đang là một vấn đề nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, thông qua việc áp dụng các giải pháp như tăng cường tuyên truyền, quy hoạch đất đai có chiến lược, nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý, và đổi mới trình tự, thủ tục hành chính, sẽ góp phần vào việc giảm thiểu tình trạng tham nhũng.

Để làm được điều này, cần tăng cường sự hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và xã hội trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng. Đẩy mạnh việc đào tạo và nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, và người dân; Thúc đẩy sự minh bạch và công khai trong quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể giám sát và tham gia vào quá trình quản lý đất đai.

Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế phối hợp và giám sát giữa các cấp quản lý nhà nước để đảm bảo tính hiệu quả của các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Nghiên cứu và ban hành các chính sách, pháp luật mới nhằm tăng cường kiểm soát và trừng phạt hành vi tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Quốc hội (2018). Luật số: 36/2018/QH14 - Luật Phòng chống tham nhũng. Truy cập tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Van-ban-hop-nhat-11-VBHN-VPQH-2020-Luat-Phong-chong-tham-nhung-457498.aspx. Hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

2Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023). Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024.

3 Chương trình phát triển Liên hiệp quốc - UNDP (2022). Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021.

4 Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Đình Phúc (2023).  Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và những vấn đề đặt ra trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, số 7 (405). Truy cập tại https://tainguyenvamoitruong.vn/giay-chung-nhan-quyen-so-huu-tai-san-gan-lien-voi-dat-va-nhung-van-de-dat-ra-trong-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-cid18584.html

5 Thùy Linh (2022). Bất cập trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/137300/bat-cap-trong-cap-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat 

6 Lê Doãn Sơn (2023). Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - việc không của riêng ai. Truy cập tại https://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/13920-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-viec-khong-cua-rieng-ai.html

7Phương Thoa (2024). Kiến nghị, hoàn thiện pháp luật về đất đai để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Báo VOV, truy cập tại https://vov.vn/chinh-tri/kien-nghi-hoan-thien-phap-luat-ve-dat-dai-de-phong-ngua-tham-nhung-tieu-cuc-post1070853.vov 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phương Thoa (2024). Kiến nghị, hoàn thiện pháp luật về đất đai để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Báo VOV, truy cập tại https://vov.vn/chinh-tri/kien-nghi-hoan-thien-phap-luat-ve-dat-dai-de-phong-ngua-tham-nhung-tieu-cuc-post1070853.vov 

2. Vũ Việt Hà (2023). Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cổng điện tử Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế. Truy cập tại https://thanhtra.thuathienhue.gov.vn/?gd=1&cn=82&tc=563

3. Phạm Mạnh Khải (2017). Bàn về tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai hiện nay. Truy cập tại https://luatthanhdo.com.vn/ban-ve-tham-nhung-trong-quan-ly-va-su-dung-dat-dai-hien-nay

4. Quốc hội (2024). Luật số: 31/2024/QH15 - Luật Đất đai năm 2024. Truy cập tại https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-luat-dat-dai-119240221224513596.htm, ban hành ngày 18 tháng 01 năm 2024.

5. Quốc hội (2018). Luật số: 36/2018/QH14 - Luật Phòng chống tham nhũng. Truy cập tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Van-ban-hop-nhat-11-VBHN-VPQH-2020-Luat-Phong-chong-tham-nhung-457498.aspx. Hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

6. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.355, tr.216. Truy cập tại https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/book/ho-chi-minh/tac-pham/ho-chi-minh-toan-tap-tap-7-274

7. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2022). Toàn văn bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Truy cập tại https://nghean.dcs.vn/vi-vn/tin/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-tong-ket-10-nam-cong-tac-phong--chong-tham-nhung--tieu-cuc/277354-500969-13431

8. Lê Doãn Sơn (2023). Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - việc không của riêng ai. Truy cập tại https://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/13920-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-viec-khong-cua-rieng-ai.html

9. Nguyễn Viết Thông (2023). Tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cẩm nang trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Truy cập tại https://kimson.ninhbinh.gov.vn/tin-tuc-trong-tinh/tac-pham-kien-quyet-kien-tri-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-gop-phan-xay-dung-dang-va-nha-nuoc-ta-ngay-cang-trong-sach-vung-manh-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-la-cam-nang-trong-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-4471.html

10. Nhân dân (2005). Ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực địa chính - nhà đất bằng cách nào? Truy cập tại https://nhandan.vn/ngan-chan-tinh-trang-tham-nhung-trong-linh-vuc-dia-chinh-nha-dat-bang-cach-nao-post429917.html

11. Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Đình Phúc (2023).  Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và những vấn đề đặt ra trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, số 7 (405). Truy cập tại https://tainguyenvamoitruong.vn/giay-chung-nhan-quyen-so-huu-tai-san-gan-lien-voi-dat-va-nhung-van-de-dat-ra-trong-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-cid18584.html

12. Thùy Linh (2022). Bất cập trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/137300/bat-cap-trong-cap-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat 

13. Nguyễn Hồng Điệp (2022). Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực - Quyết tâm, hành động mạnh mẽ. Truy cập tại https://www.vietnamplus.vn/ngan-chan-day-lui-tham-nhung-tieu-cuc-quyet-tam-hanh-dong-manh-me-post801427.vnp

14. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023). Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024.

15. Chương trình phát triển Liên hiệp quốc - UNDP (2022). Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021.

 

Some solutions to prevent corruption in the process

of granting land use rights certificates in Vietnam

Master. Luong Phi Ho

Deputy Secretary General, Vietnam Law Newspaper

ABSTRACT:

Corruption has caused many serious problems in the land use rights certification system, affecting the transparency, fairness, and efficiency of this process. This paper addressed the issue of preventing and fighting against corruption in the process of granting land use rights certificates in Vietnam. The paper analyzed in depth the causes and consequences of corruption in this field, and proposed solutions to improve the situation.

Keywords: corruption prevention, land use certificate, corruption, land.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 4 năm 2024]