Hoàn thiện pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

Bài báo nghiên cứu về "Hoàn thiện pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân" do tác giả Đỗ Thanh Nhân (Học viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt: 

Bài viết tập trung phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Thông qua việc nghiên cứu các quy định pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với chủ thể hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, bài viết đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, như: cần bổ sung quy định và có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định thành viên của hộ gia đình sử dụng đất; bổ sung các quy định về xử lý các tranh chấp đất đai trong hộ gia đình,... đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân; cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin về đất đai và thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Từ khóa: chuyển nhượng, hợp đồng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân, đất nông nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Theo quy định của Luật Đất đai (LĐĐ) năm 2013, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhà nước trao quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho người dân sử dụng thông qua việc cấp cho người dân giấy chứng nhận QSDĐ. Cụ thể, theo quy định của LĐĐ năm 2013, sổ đỏ ghi tên hộ gia đình thì QSDĐ là chung của tất cả các thành viên hộ gia đình. Điều này có thể dẫn đến những vướng mắc sau: (1) Khó xác định người đại diện thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai; (2) Khó khăn trong việc phân chia QSDĐ cho các thành viên hộ gia đình; (3) Dễ xảy ra tranh chấp giữa các thành viên hộ gia đình. Để giải quyết những vướng mắc nêu trên, cần có những quy định cụ thể về việc xác định người đại diện của hộ gia đình, thủ tục phân chia QSDĐ cho các thành viên hộ gia đình. Đây là những nội dung trọng tâm bài viết nghiên cứu, giải quyết.

2. Quy định pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

  • Quy định về chủ thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

Theo quy định LĐĐ năm 2013, khoản 29 Điều 3 thì: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có QSDĐ chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ; nhận chuyển QSDĐ”. Hiểu theo quy định trên tại LĐĐ năm 2013 thì hộ gia đình là những thành viên có tên trong hộ khẩu gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có trường hợp một số thành viên có tên chung trong hộ khẩu gia đình nhưng lại không có họ hàng huyết thống với nhau. Chỉ những thành viên nào có hoạt động kinh tế chung và tài sản chung mới trở thành thành viên của hộ gia đình. Các thành viên của hộ gia đình cùng có quyền của chủ sử dụng đất (sở hữu chung theo phần). Từng thành viên không trực tiếp thực hiện trách nhiệm của người sử dụng đất đối với Nhà nước hoặc thực hiện các giao dịch về QSDĐ mà thông qua người đại diện hợp pháp của hộ gia đình.

Đến BLDS năm 2015, tại Điều 101 quy định về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như sau: “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết. Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện”. Theo quy định tại khoản 2 điều này quy định “việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của LĐĐ”.

Việc xác định thành viên hộ gia đình dựa vào sổ hộ khẩu hay quan hệ huyết thống mà pháp luật về đất đai cũng như pháp luật về dân sự trước đây chưa xác định được nên gây ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong các quan hệ, giao dịch. Vì thế, để thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch, phần lớn các cơ quan, tổ chức đều hướng dẫn cho các đương sự khi không xác định được thành viên hộ gia đình thì làm đơn đề nghị Văn phòng đăng ký QSDĐ căn cứ vào hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ để xác định thành viên hộ gia đình vào thời điểm cấp đất cho hộ gia đình.

  • Quy định về đối tượng trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

Ghi nhận quyền chuyển nhượng QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân có QSDĐ nông nghiệp là một trong những cách thức và biện pháp khai thác và sử dụng đất đai về mặt kinh tế, xã hội một cách linh hoạt và hiệu quả nhất. Thông qua các quyền chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp, giá trị kinh tế của mỗi mảnh đất cụ thể được xác định trên thực tế và QSDĐ nông nghiệp đã thực sự đã trở thành quyền tài sản của mỗi người có QSDĐ nông nghiệp. Tuy nhiên, không phải chủ thể nào có QSDĐ nông nghiệp cũng trở thành chủ thể đương nhiên của quan hệ chuyển quyền mà họ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong hệ thống pháp luật về đất đai trước kia và hiện hành đều không có quy định phải ghi rõ tên của mọi thành viên hộ gia đình trong Giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho hộ gia đình. Vì vậy, khi thực hiện các giao dịch hoặc thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ liên quan đến QSDĐ của hộ gia đình, công chứng viên hoặc cán bộ chứng thực không thể căn cứ vào Giấy chứng nhận QSDĐ để xác định thành viên của hộ gia đình.

  • Quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

* Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng QSDĐ

  • Quyền của bên chuyển nhượng:

Theo quy định của BLDS năm 2015 người sử dụng đất có những quyền sau đây:

Bên chuyển nhượng QSDĐ có quyền được nhận tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất; trường hợp bên nhận chuyển nhượng chậm trả tiền thì: (1) Khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện, bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ; nếu quá thời hạn này nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại; nếu việc thực hiện nghĩa vụ không còn cần thiết đối với bên có quyền thì bên này có quyền từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại; (2) Trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất theo lãi suất do hai bên thỏa thuận hoặc theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán hoặc pháp luật có quy định khác.

  • Nghĩa vụ của bên chuyển nhượng:

Để đạt được kết quả mong muốn ban đầu là đổi QSDĐ, bên chuyển nhượng đất phải giao cho bên nhận chuyển nhượng những giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và đảm bảo đúng hiện trạng thửa đất ghi trong hợp đồng, cụ thể như sau: (1) Chuyển giao đất cho bên nhận chuyển nhượng đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thỏa thuận; (2) Bàn giao các giấy tờ pháp lý liên quan đến QSDĐ cho bên  nhận chuyển nhượng.

* Quyền và nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất

  • Quyền của bên nhận chuyển nhượng:

Để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người nhận chuyển nhượng tránh tình trạng lừa đảo và những tranh chấp phát sinh về sau pháp luật ghi nhận người nhận chuyển nhượng QSDĐ có những quyền sau đây khi tham gia giao dịch chuyển nhượng QSDĐ: (1) Yêu cầu bên chuyển nhượng QSDĐ giao cho mình giấy tờ có liên quan đến QSDĐ; (2) Yêu cầu bên chuyển nhượng QSDĐ giao đất đúng diện tích, hạng đất, loại đất, vị trí, số liệu về tình trạng đất đã thỏa thuận; (3) Ðược cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với đất được chuyển nhượng; (4) Ðược sử dụng đất theo mục đích và thời hạn đã ghi trong giấy chứng nhận.

  • Nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng:

Bên cạnh các quyền được pháp luật bảo vệ bên nhận chuyển nhượng bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình để bảo vệ quyền của bên chuyển nhượng và giao dịch diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng được quy định như sau: (1) Trả đủ tiền, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận cho bên chuyển nhượng QSDĐ; (2) Ðăng ký QSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai; (3) Bảo đảm quyền của người thứ ba đối với đất chuyển nhượng; (4) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Từ những quy định của pháp luật về chuyển nhượng QSDĐ, cho thấy pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh vấn đề chuyển nhượng QSDĐ. Pháp luật đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên, tương xứng với quyền bên này là nghĩa vụ đối với bên kia, cho thấy nghĩa vụ bên này thực hiện thì quyền bên kia mới được đảm bảo thực hiện. Qua đó cho thấy, không những điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao dịch chuyển nhượng QSDĐ, mà qua đó còn thể hiện cả mối quan hệ quản lý của Nhà nước về đất đai đối với người sử dụng đất thông qua việc quy định: bên nhận chuyển nhượng được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, được sử dụng đất theo quy định của pháp luật, các bên phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

  • Quy định về hình thức và hiệu lực của chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

Đối với các giao dịch liên quan đến đối tượng tài sản là đất đai, pháp luật ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều ghi nhận hình thức hợp đồng bằng văn bản là điều kiện bắt buộc đối với các chủ thể khi thiết lập quan hệ. Theo quy định tại Điều 502, BLDS năm 2015: “Hợp đồng về QSDĐ phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Cùng với nội dung nêu trên, LĐĐ năm 2013 với tư cách luật chuyên ngành về quản lý và sử dụng đất đai cũng quy định khá cụ thể tại khoản 3, Điều 167, theo đó tất cả các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đều phải được lập thành văn bản, việc công chứng hoặc chứng thực được thực hiện theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu.

3. Thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

          Để hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ hợp pháp, các bên phải tuân thủ đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp do nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ra những tranh chấp.

Một là, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp chủ yếu là giấy tờ viết tay, không thực hiện việc công chứng hoặc chứng thực theo quy định. Thực tế khả năng nắm bắt các quy định pháp luật về đất đai của người dân còn nhiều hạn chế, những tranh chấp phát sinh liên quan chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp là không thể tránh khỏi. Vì vậy, khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp chưa nắm được điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Theo quy định của LĐĐ khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp phải lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực. Song trên thực tế, người dân vì một phần do thói quen, một phần ngại phiền hà khi đến các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu công chứng, chứng thực, nên phần lớn khi ký kết chuyển nhượng QSDĐ chủ yếu là giấy viết tay giữa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng và không thực hiện được công chứng, chứng thực.

Hai là, đối với QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình khi chuyển nhượng QSDĐ thiếu sự đồng ý của các thành viên trong gia đình. Nhiều trường hợp giấy chứng nhận QSDĐ được cấp cho hộ gia đình, nhưng khi chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp lại không có sự thỏa thuận hay đồng ý của tất cả các thành viên gia đình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015 về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình thì “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức th a thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Trường hợp hộ gia đình có thành viên chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự cần có sự đồng ý của người đại diện [30, Điều 141 BLDS 2015]

Ba là, việc chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp là tài sản chung của vợ chồng nhưng không được một trong hai bên đồng ý. Trên thực tế, việc chứng thực hợp đồng, giao dịch được thực hiện tại UBND cấp xã, tình trạng một bên xác lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là tài sản chung của vợ chồng mà không có sự đồng ý của vợ hoặc chồng diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 34, Điều 35 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, việc định đoạt tài sản chung phải có sự đồng ý của vợ chồng. Từ đó, dẫn đến tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp.

Bốn là, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, hạn chế, nhiều văn bản pháp luật về đất đai chưa phù hợp với thực tiễn, khi áp dụng phát sinh nhiều vướng mắc.

4. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

    • Giải pháp hoàn thiện pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

Theo quy định của LĐĐ năm 2013, tại Điều 3, Khoản 29 quy định: Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có QSDĐ chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ; nhận chuyển QSDĐ. Theo khái niệm hộ gia đình sử dụng đất như trên, cơ quan chức năng khi thực hiện chứng thực hay công chứng hợp đồng chuyển QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình sẽ căn cứ vào đâu để xác định các vấn đề như đang sống chung là có họ tên trong sổ hộ khẩu chung hay xác định như thế nào?

Đây là những vấn đề vướng mắc nhưng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, để tránh những trường hợp người dân bức xúc vì các cơ quan chức năng áp dụng không thống nhất việc xác định thành viên của hộ gia đình sử dụng đất, cơ quan thẩm quyền cần bổ sung quy định về vấn đề này trong LĐĐ hoặc cần có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này.

Mặt khác, chính sách pháp luật đất đai của Nhà nước hiện nay còn thiếu các quy định về xử lý các tranh chấp đất đai trong hộ gia đình, hệ thống pháp luật đất đai thường xuyên sửa đổi, bổ sung và do nhiều cơ quan khác nhau ban hành gây nên nhiều khó khăn cho công tác cập nhật và thực thi cho đúng quy định của pháp luật.

Để khắc phục những bất cập do quy định của pháp luật chưa thật đầy đủ, thống nhất, cộng với nhận thức chưa rõ về các quyền, nghĩa vụ cá nhân đối với tài sản trong khái niệm hộ gia đình, các cơ quan, ban ngành chức năng có liên quan cần sớm có sự phối hợp với nhau để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành các quy định nêu trên. Nhà nước cần có kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về đất đai và các văn bản có liên quan đến người dân. Đồng thời, cán bộ có thẩm quyền khi thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích cụ thể những quy định của pháp luật để người dân có thể hiểu tường tận và kê khai một cách chính xác tên những người có QSDĐ trong giấy chứng nhận QSDĐ của mình khi có liên quan đến quyền lợi của hộ gia đình.

Việc xác định như thế nào là “cùng sống chung” với nhau của những thành viên trong hộ gia đình cũng cần phải có căn cứ pháp lý cụ thể. Việc này cần bổ sung trong LĐĐ hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể để các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương áp dụng thống nhất.

  • Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thực tế hiện nay, việc tuyên truyền, phổ biến pháp pháp luật chủ yếu được thực hiện đối với tổ chức và cá nhân thực hiện quản lý đất đai, chưa đến được người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp pháp luật đến người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân.

Thứ hai, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai. Cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin về đất đai và thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, các cấp và trong nội bộ trong cơ quan hành chính nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đất đai. Công tác thanh, kiểm tra phải tuân theo quy định của pháp luật. Theo đó, cơ quan thực hiện thanh, kiểm tra phải độc lập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài và các tổ chức, cá nhân khác. Đảm bảo tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết xử lý vi phạm, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu đối với đất nông nghiệp.

Thứ tư, hoàn thiện công tác quản lý đất đai. Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ đa mục tiêu, vừa nâng cao tính chính xác, sự nhanh gọn, tiện lợi, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho mọi đối tượng có nhu cầu, vừa góp phần chống tham nhũng một cách hiệu quả.

5. Kết luận

Trong suốt quá trình hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đang trong thời kỳ hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã có nhiều chủ trương đổi mới trong cải cách ruộng đất, điều chỉnh pháp luật về ruộng đất... Việc nghiên cứu pháp luật về thủ tục chuyển QSDĐ liên quan đến hộ gia đình là một trong những nội dung quan trọng góp phần vào công cuộc đổi mới và góp phần vào sự nghiệp cải cách hành chính nói chung. Việc nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đất đai bằng pháp luật, bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cải tiến cơ chế, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về đất đai để giải quyết hợp lý thị trường bất động sản, tạo môi trường đầu tư thuận lợi sẽ tạo tiền đề vững chắc để khắc phục những tiêu cực, yếu kém trong quản lý, trong sử dụng đất và những yếu tố về lợi ích trong các giao dịch dân sự liên quan đến đất đai. Bài viết đã khái quát, tổng hợp những vấn đề về hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân ở Việt Nam nói chung, trong đó tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng và những bất cập tồn tại về pháp luật về chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đại học Huế (2013). Giáo trình Luật Đất đai. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  2. Đại học Luật Hà Nội (1999). Từ điển giải thích thuật ngữ luật học. Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội.
  3. Đào Trung Chính (2008). Nghiên cứu cơ sở khoa học nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai liên quan đến thị trường bất động sản. Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  4. Nguyễn Minh Giám (2017). Pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình qua thực tiễn áp dụng tại Cà Mau. Luận văn Thạc sĩ Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Nguyễn Ngọc Điện (2017). Giáo trình Luật Dân sự tập 1. Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Nguyễn Trọng Thạch (2014). Pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế trong nước. Luận văn Thạc sĩ Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Phan Thị Ngọc Dung (2017). Chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo pháp luật Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ Luật Dân sự và Tố tụng Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  8. Quốc hội (2013). Luật Đất đai số 45/2013/QH13, ban hành ngày 29/11/2013, Hà Nội.
  9. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, ban hành ngày 24/11/2015, Hà Nội.
  10. Tạ Thị Vân Anh (2017). Pháp luật về quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Luận văn Thạc sĩ Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  11. Văn Thị Kim Ngọc (2017). Thực tiễn áp dụng pháp luật về cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp. Luận văn Thạc sĩ Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Enhancing legislation regarding the transfer of agricultural land use rights

for households and individuals

Do Thanh Nhan

University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

This paper delved into an analysis of deficiencies in the process of transferring agricultural land use rights to households and individuals. By scrutinizing the legal provisions related to the transfer of such rights in accordance with the 2013 Law on Land and the 2015 Civil Code, the paper presented recommendations for addressing these inadequacies. It is necessary to supplement regulations and have specific guidance documents on determining members of households using land; supplement regulations on handling land disputes within households; strengthen the dissemination of laws to land users; improve the quality of administrative procedures; create favorable conditions for people and businesses to access land information; and exercise the rights and obligations of land users.

Keywords: agricultural land use rights transfer, households, individuals.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27 tháng 12 năm 2023]