Một số hạn chế, vướng mắc trong giải quyết tranh chấp đất nông nghiệp tại Tòa án nhân dân hai cấp ở tỉnh Cao Bằng

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) và Sầm Đức Hiệp (Thẩm phán sơ cấp - Tòa án nhân dân huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng)

TÓM TẮT:

Vấn đề tranh chấp đất đai nói chung và tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp nói riêng luôn là đề tài “nóng hổi”, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là ở những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Trong đó, việc giải quyết tranh chấp đất đai bằng Tòa án là phương thức cuối cùng các bên tranh chấp sử dụng khi mâu thuẫn, bất đồng không thể hòa giải, hoặc giải quyết tại các cơ quan khác. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, Tòa án cũng không thể tránh khỏi một số sai sót. Bài viết phân tích một số hạn chế, vướng mắc về giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp bằng Tòa án dựa trên cơ sở thực tiễn tại tỉnh Cao Bằng với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Việt Nam, từ đó đưa ra một vài ý kiến hoàn thiện pháp luật và giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Tòa án nhân dân hai cấp ở tỉnh Cao Bằng.

Từ khóa: tranh chấp đất nông nghiệp, giải quyết tranh chấp đất, đất nông nghiệp, Tòa án nhân dân hai cấp, tỉnh Cao Bằng.

1. Đặt vấn đề

Ở nước ta, hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) được xác định với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có chức năng phán quyết, xét xử các tranh chấp nói chung và tranh chấp về đất đai nói riêng. Giải quyết tranh chấp đất đai (TCĐĐ) thông qua TAND không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, việc nghiên cứu một cách hệ thống, đầy đủ, toàn diện và chuyên sâu vấn đề giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất (QSDĐ) nông nghiệp từ góc độ thực tiễn xét xử của một địa phương với đặc thù miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới như tỉnh Cao Bằng để đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này trong tiến trình cải cách tư pháp có ý nghĩa thiết thực.

2. Một số khái niệm

2.1. Khái niệm đất nông nghiệp

Đất nông nghiệp đôi khi còn gọi là đất canh tác hay đất trồng trọt; là loại đất được xác định chủ yếu để sử dụng vào sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hoặc nghiên cứu thí nghiệm [1].

Như vậy, có thể hiểu đất nông nghiệp qua khái niệm sau:“Đất nông nghiệp bao gồm tổng thể các loại đất, có đặc tính sử dụng giống nhau, với tư cách là tư liệu sản xuất chủ yếu phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng; khoanh nuôi tu bổ, bảo vệ rừng; bảo vệ môi trường sinh thái; nghiên cứu thí nghiệm về nông nghiệp, lâm nghiệp[2].

2.2. Khái niệm tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp

Đối với khái niệm TCĐĐ, hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, khái niệm như sau: “Tranh chấp đất đai là sự bất đồng, mâu thuẫn hay xung đột về mặt lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ đất đai trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai[3]. Từ khái niệm TCĐĐ này, có thể hiểu tranh chấp QSDĐ nông nghiệp như sau: Tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp là các mâu thuẫn, bất đồng ý kiến giữa các chủ thể về những quyền sử dụng đã được pháp luật ghi nhận đối với nhóm đất nông nghiệp.

2.3. Khái niệm giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất

Hiện nay, đối với vụ việc TCĐĐ căn cứ theo quy định tại Điều 203  Luật Đất đai (LĐĐ) năm 2013, từ Điều 89 đến Điều 90 Nghị định số  43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành LĐĐ, thẩm quyền giải quyết TCĐĐ nói chung sẽ thuộc về cơ quan hành chính (là Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường) hoặc TAND. Giải quyết TCĐĐ của TAND được xác định là hoạt động giải quyết thông qua hình thức tố tụng. Bắt đầu từ khi đương sự nộp đơn khởi kiện tại TAND, nếu xét thấy vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết hướng dẫn đương sự nộp đơn và các tài liệu cần thiết để thụ lý vụ án. Kết quả của hoạt động giải quyết tranh chấp tại TAND là Bản án hoặc Quyết định của TAND.

Theo nhóm tác giả, khái niệm giải quyết tranh chấp QSDĐ được hiểu là hoạt động tố tụng của cơ quan TAND nhằm mục đích giải quyết những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ pháp luật đất đai khi người khởi kiện có đủ điều kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhằm khôi phục quyền lợi hợp pháp cho mình và buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý do hành vi của họ gây ra.

3. Một số vướng mắc trong giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp bằng Tòa án ở tỉnh Cao Bằng

Thứ nhất, do điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tỉnh Cao Bằng có đặc thù riêng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, diện tích rộng, nhưng dân cư thưa thớt, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, có nhiều thành phần dân tộc sinh sống với nhiều phong tục tập quán,… do đó có ảnh hưởng nhất định đến việc giải quyết các tranh chấp đất nông nghiệp tại địa phương. Ví dụ: Số lượng vụ án tranh chấp đất nông nghiệp có xu hướng gia tăng, một phần do người dân sống tại khu vực biên giới chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19, nên hàng hóa không thông thương được, họ không có việc làm nên quay trở lại canh tác đất nông nghiệp đã bỏ hoang từ lâu dẫn đến nhiều tranh chấp xảy ra. Ở một số nơi còn tồn tại các phong tục, tập quán truyền thống, hương ước, luật tục với những quy định lạc hậu về sở hữu đất đai chưa được loại bỏ đã "ăn sâu, bám rễ" trong tiềm thức của một bộ phận người dân như quan niệm đất đai là của tổ tiên, ông cha để lại,... gây khó khăn cho công tác hòa giải các tranh chấp QSDĐ nông nghiệp.

Thứ hai, do yếu tố lịch sử để lại nên phần lớn các vụ việc TCĐĐ trải qua nhiều thời kỳ thực hiện chính sách đất đai, hồ sơ tài liệu phân tán, hiện trạng đất thay đổi nên khó xác định nguồn gốc, nhất là đối với tranh chấp mà các bên đều không có giấy tờ theo quy định Điều 100 Luật Đất đai  năm 2013. Điều này cho thấy số lượng diện tích đất chưa kê khai còn nhiều ở những huyện vùng sâu, vùng xa, đất nông nghiệp canh tác không thường xuyên, nguồn gốc phức tạp nhận thừa kế từ đời này qua đời khác, người dân cũng ít quan tâm đến việc kê khai hết số diện tích canh tác. Mặt khác, do địa bàn rộng, địa hình đồi núi đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung, nên trong quá trình đo đạc tại một số xã vùng sâu, biên giới còn xảy ra tình trạng đo sót nên chưa thực hiện kê khai được. Do đó, khi Tòa án giải quyết các tranh chấp đất nông nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ ba, việc áp dụng các quy định của pháp luật đất đai trong thực tiễn vẫn còn sai sót nhất định như: xác định sai quan hệ pháp luật; chưa xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; chưa giải quyết hết yêu cầu của đương sự hoặc giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện; thụ lý sai thẩm quyền theo loại việc, xác định mức chịu án phí, chi phí tố tụng chưa đúng,…

 Ví dụ, vụ án tranh chấp QSDĐ nông nghiệp giữa nguyên đơn ông Lương Văn Th, bà Nông Thị H và bị đơn bà Ngân Thị N[4]: Trong đơn khởi kiện và quá trình hòa giải tại cấp sơ thẩm, nguyên đơn yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa anh Th và bà N đối với thửa đất 243, tờ bản đồ số 9, diện tích đất là 427m2 có địa chỉ VQ, xã ĐD, huyện TK, tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không giải quyết đúng nội dung yêu cầu khởi kiện của đương sự là vi phạm Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Trong vụ án này, đương sự yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nhưng cấp sơ thẩm không xem xét, đánh giá nhận định đối với hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa nguyên đơn và bị đơn để làm rõ hợp đồng chuyển nhượng này có hiệu lực pháp luật hay không? Nếu vô hiệu phải giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu,… Cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào một số chứng cứ khác và lời khai của người làm chứng để bác yêu cầu của đương sự về việc đòi QSDĐ như vậy giải quyết không đúng yêu cầu của đương sự. Mặt khác, những người làm chứng này được lấy lời khai trước khi thụ lý vụ án, việc thu thập chứng cứ như vậy là vi phạm Điều 93 BLTTDS. Trong quá trình thụ lý vụ án, cấp sơ thẩm không tiến hành thẩm định tại chỗ, nhưng lại tuyên nguyên đơn phải nộp chi phí thẩm định tại chỗ là 2.000.000đ, không có tài liệu trong hồ sơ thể hiện về việc chi phí cho thẩm định, như vậy không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Từ những sai sót và vi phạm trên, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, do đó đã hủy án sơ thẩm để Tòa cấp sơ thẩm xét xử lại.

Thứ tư, các vi phạm không chỉ giới hạn ở việc áp dụng pháp luật về nội dung mà có không ít trường hợp vi phạm trong áp dụng trình tự, thủ tục tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, dẫn đến một số bản án bị sửa án, hủy án, cụ thể như sau:

Một là, một số vụ án, Tòa án xác định sai tư cách tham gia của các bên đương sự; xác định thiếu người tham gia tố tụng hoặc trường hợp không triệu tập lấy lời khai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến nội dung bản án bị kháng cáo, kháng nghị và bị sửa, hủy.

Ví dụ: Vụ án tranh chấp đất rừng giữa nguyên đơn Đinh Hồng Đ với bị đơn Đinh Vĩnh C của TAND huyện TA, tỉnh Cao Bằng[5]: Tại giấy ủy quyền của ông Đinh Hồng Đ cho bà Vi Thị H là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn đề ngày 11/12/2020, tại đơn khởi kiện đề ngày 24/12/2020, người khởi kiện là bà Vi Thị H, trú tại Thôn BV, xã ĐL, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án ngày 06/01/2021. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại xác định nguyên đơn là ông Đinh Hồng Đ, bà Vi Thị H là người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của nguyên đơn, phần quyết định của bản án lại tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vi Thị H. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định sai tư cách tham gia tố tụng của các đương sự. Ngày 20/9/2021, TAND huyện TA, tỉnh Cao Bằng ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung bản án nhưng việc sửa chữa, bổ sung này không khắc phục được những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng tại khoản 2 Điều 68 BLTTDS. Mặt khác, về việc xem xét, thẩm định tại chỗ cũng có sự mâu thuẫn về thửa đất tranh chấp và có tứ cận tiếp giáp, đồng thời chưa rõ ràng, chưa phù hợp với sơ đồ thửa đất tranh chấp, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên đã hủy bản án và giao cho cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án.

Hai là, cấp sơ thẩm chưa thu thập đủ tài liệu, chứng cứ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được; việc xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản còn nhiều thiếu sót.

Ví dụ: Vụ án tranh chấp QSDĐ lâm nghiệp giữa nguyên đơn Lưu Văn C với bị đơn Nông Văn N([6]): Ông C làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét và giải quyết cho ông được quyền sử dụng khu “rừng Vầu” do cha ông để lại với diện tích 6,1 ha, là lô số 7, thửa đất 123, khoảnh 5, tiểu khu 201, thuộc tờ bản đồ số 03 vẽ năm 2004 của UBND xã B. Về phía ông N, người đại diện theo ủy quyền Nông Văn Ch thừa nhận trong diện tích rừng lô số 6 gia đình đang quản lý, sử dụng có một chỏm vầu của gia đình ông C với diện tích khoảng 500m2, nay vầu phát triển, mọc khắp đồi không xác định được diện tích nên đồng ý cắt “rừng Vầu” với diện tích khoảng 1.500m2 cho ông C. Ông C không đồng ý, muốn được quản lý, sử dụng toàn bộ khu vực “rừng Vầu” theo bản đồ đo vẽ năm 1994 là lô số 7 có diện tích 6,5ha. Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 11/9/2018 của TAND huyện T xác định diện tích “rừng Vầu” hiện nay là 2.700m2. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử tạm dừng phiên toà yêu cầu TAND huyện T tiến hành thẩm định tại chỗ lại đối với khu “rừng Vầu” đang tranh chấp. Kết quả thẩm định lại tại chỗ ngày 01/7/2019 xác định diện tích “rừng Vầu” là 15.333m2. Hội đồng xét xử xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, xử cho ông C có quyền quản lý, sử dụng khu “rừng Vầu” với diện tích 2.700m2 không có căn cứ, có vi phạm pháp luật trong việc tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ dẫn tới việc diện tích “rừng Vầu” có thay đổi lớn khi tiến hành thẩm định lại, xét thấy cần sửa án sơ thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn tăng số diện tích “rừng Vầu” từ 2.700m2 lên 15.333m2.

Ba là, các vi phạm khác về thủ tục tố tụng trong quá trình Tòa án thụ lý, điều tra, lập hồ sơ, xét xử như: nhận thức không đúng về đơn khởi kiện bổ sung và đơn khởi kiện chính thức, vi phạm thành phần Hội đồng xét xử..., một số sai sót thuộc về lỗi soạn thảo văn bản tố tụng hoặc phần quyết định của các bản án ghi “có sơ đồ kèm theo bản án” nhưng khi phát hành bản án không ghim kèm sơ đồ nào, dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án.

Thứ năm, TAND hai cấp tỉnh Cao Bằng còn lúng túng trong việc xác định quan hệ pháp luật đối với các tranh chấp liên quan đến giao dịch hợp đồng mà đối tượng là QSDĐ theo khoản 3 Điều 26 hay khoản 9 Điều 26 BLTTDS năm 2015. Theo khoản 3 Điều 26 BLTTDS năm 2015, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng dân sự và khoản 9, Điều 26 Bộ luật này quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết các TCĐĐ theo quy định của pháp LĐĐ. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 không phân biệt thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với tranh chấp về hợp đồng dân sự và tranh chấp về các giao dịch có đối tượng là QSDĐ. Vì vậy, khi thụ lý, giải quyết những vụ án là các giao dịch có đối tượng là QSDĐ thì Tòa án khó khăn trong việc lựa chọn áp dụng khoản nào của BLTTDS năm 2015 để thụ lý, giải quyết.

Thứ sáu, khó khăn liên quan đến tính chi phí tố tụng. Hiện nay, pháp luật chưa quy định rõ số tiền nộp tạm ứng chi phí cho mỗi lần xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản,… nên khi thực hiện, mỗi Tòa án, mỗi Thẩm phán lại thực hiện khác nhau. Từ đó, không tránh khỏi việc nhiều vụ án có đương sự thắc mắc về chi phí tố tụng này, thậm chí còn làm đơn khiếu nại khi có nhận thức chưa đầy đủ về những vướng mắc trên.

4. Nguyên nhân của những vướng mắc, tồn tại

Thứ nhất, nguyên nhân chủ quan:

Một là, do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi giải quyết các TCĐĐ còn vướng mắc, chưa đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi thực tế; về biên chế của lực lượng Thẩm phán còn ít và thiếu so với yêu cầu, khối lượng án phát sinh.

Hai là, sự phối, kết hợp giữa Tòa án với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc xác minh thu thập, đánh giá chứng cứ, định giá QSDĐ,... còn thiếu chặt chẽ.

Ba là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, LĐĐ nói riêng, vẫn còn mang tính hình thức, chưa đạt được hiệu quả thiết thực.

Bốn là, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc và kinh phí phục vụ cho công tác giải quyết các vụ án nói chung và giải quyết tranh chấp QSDĐ nông nghiệp nói riêng của Tòa án còn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Năm là, hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động xét xử của TAND hai cấp tỉnh Cao Bằng chưa đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, nguyên nhân khách quan:

Một là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai và có liên quan đến đất đai chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và khó áp dụng, chậm được hướng dẫn thi hành.

Hai là, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nhưng chính sách, pháp luật đất đai chưa theo kịp cơ chế kinh tế thị trường và nhiều vấn đề chưa được quy định cụ thể. Các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời dẫn đến đường lối giải quyết các tranh chấp về đất đai không ổn định.

Ba là, các nguyên nhân khác như việc quản lý đất đai trước đây bị buông lỏng trong một thời gian dài. Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai chưa được xây dựng đồng bộ, đầy đủ.

5. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật và giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Tòa án nhân dân ở tỉnh Cao Bằng

5.1. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, hoàn thiện một số quy định của pháp luật đất đai như:

Một là, cần bổ sung quy định cụ thể về những à nói chung bắt buộc phải hoà giải ở cơ sở và những TCĐĐ không bắt buộc qua hòa giải ở cơ sở. Bởi lẽ, LĐĐ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay chưa quy định cụ thể những loại TCĐĐ nào phải thông qua hòa giải ở cơ sở. Do đó, trong hướng dẫn của TANDTC về thẩm quyền giải quyết TCĐĐ, về điều kiện khởi kiện của TAND bắt buộc các tranh chấp phải qua hòa giải ở UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp không thành thì Tòa án mới thụ lý giải quyết.

Hai là, cần có những nghiên cứu về lộ trình chuyển giao toàn bộ các tranh chấp về QSDĐ cho Tòa án. Việc chuyển giao này là phù hợp với thực tiễn và yêu cầu khách quan. Bởi vì, khi các TCĐĐ do Tòa án giải quyết sẽ đảm bảo sự khách quan, công bằng, chính xác hơn trong việc giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định của hệ thống pháp luật liên quan như: Bổ sung quy định về xác định quan hệ pháp luật để giải quyết TCĐĐ tại TAND đảm bảo sự thống nhất giữa LĐĐ năm 2013 và BLTTDS năm 2015; cần có hướng dẫn cụ thể khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 về thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của TAND. Có chế tài xử lý về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án TCĐĐ nói chung và QSDĐ nông nghiệp nói riêng. Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chi phí tố tụng tại Tòa án trong BLTTSD để thống nhất trong quá trình thực hiện hoạt động tố tụng của TAND, đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của các bên tranh chấp.

Thứ ba, hoàn thiện các quy định của hệ thống Tòa án nhân dân: Cần nghiên cứu và có những sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức TAND năm 2014 phù hợp với thực tiễn, để xây dựng mô hình TAND phát huy hiệu quả. Mặt khác, cần nhanh chóng xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn triển khai thi hành Luật. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hệ thống án lệ và các văn bản giải đáp nghiệp vụ nhiều hơn nữa để hướng dẫn cho TAND các cấp đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật hoạt động xét xử.

5.2. Giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp QSDĐ nông nghiệp tại TAND hai cấp tỉnh Cao Bằng

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử. Đây là nhân tố bảo đảm thắng lợi trong mọi lĩnh vực công tác. Mặt khác, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức TAND. Để có chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tốt thì cần nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án. Đồng thời, cần bổ sung thêm nguồn nhân lực Thẩm phán, cán bộ Thư ký cho TAND hai cấp.

Thứ ba, đầu tư cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ hợp lý đảm bảo cho hoạt động giải quyết tranh chấp QSDĐ nông nghiệp. TAND tối cao và các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện đầu tư xây dựng về trụ sở đảm bảo cơ sở vật chất, đáp ứng theo yêu cầu cách cách tư pháp. Xây dựng chế độ chính sách tiền lương phù hợp với cán bộ công chức trong hệ thống TAND, nhất là đối với các Thẩm phán.

Thứ tư, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án và các cơ quan liên quan,  cơ quan chuyên môn trong việc giải quyết các tranh chấp đất đai, nhất là các tranh chấp QSDĐ nông nghiệp.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra công vụ, giám sát, kiểm tra hoạt động của TAND hai cấp tỉnh Cao Bằng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời đối với các tập thể và cá nhân cán bộ, công chức của Tòa án có vi phạm,... Đồng thời, tăng cường công tác giám sát việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động tư pháp nói chung và đối với hoạt động xét xử góp phần giải quyết những vướng mắc, sai sót, nâng cao chất lượng xét xử của TAND hai cấp tỉnh Cao Bằng.

Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giải quyết tranh chấp QSDĐ nông nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo điều kiện để nhân dân trên địa bàn huyện tiếp cận các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai nói chung, tranh chấp QSDĐ nông nghiệp nói riêng.

6. Kết luận

Tóm lại, từ thực tiễn công tác giải quyết tranh chấp về QSDĐ nông nghiệp của TAND hai cấp tỉnh Cao Bằng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc nhất định trong áp dụng pháp luật về đất đai, pháp luật về tố tụng dân sự dẫn đến một số bản án, quyết định của Tòa án còn chưa chính xác, tỷ lệ án bị sửa, hủy vẫn còn tồn tại, phần nào làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải quyết các tranh chấp đất nông nghiệp nói riêng và hiệu quả công tác của hệ thống Tòa án nói chung. Do đó, trong thời gian tới, TAND hai cấp tỉnh Cao Bằng cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để nâng cao hiệu quả giải quyết các tranh chấp QSDĐ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

  1. Doãn Hồng Nhung (2020). Giáo trình Luật Đất đai. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.529.
  2. Phạm Thị Thủy (2014). Pháp luật về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Luận án Tiến sỹ Luật học, Đại học Luật Hà Nội.
  3. Mai Thị Tú Oanh (2013). Tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai bằng tòa án ở nước ta. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  4. TAND huyện TK, tỉnh Cao Bằng (2021), Bản án số 08/2021/DS-ST ngày 22/7/2021 của TAND huyện TK, tỉnh Cao Bằng.
  5. TAND huyện TA, tỉnh Cao Bằng (2021), Bản án số 01/2021/DS-ST ngày 26/02/2021 về tranh chấp đất rừng.
  6. Tòa án nhân dân huyện TK (2018), tỉnh Cao Bằng Bản án số 05/2018/DS-ST ngày 22/11/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tòa án nhân dân huyện TK, tỉnh Cao Bằng (2018), Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2018/DS-ST ngày 22/11/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

2. TAND huyện TA, tỉnh Cao Bằng (2021), Bản án số 01/2021/DS-ST ngày 26/02/2021 về tranh chấp đất rừng.

3. TAND huyện TK, tỉnh Cao Bằng (2021), Bản án số 08/2021/DS-ST ngày 22/7/2021.

4. Chính phủ (2014). Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013.

5. Doãn Hồng Nhung (Chủ biên) (2014). Kỹ năng áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp đất đai ở Việt Nam. Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Mai Thị Tú Oanh (2013). Tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai bằng Tòa án ở nước ta. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội.

7. Doãn Hồng Nhung (2020). Giáo trình Luật Đất đai. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.605.

8. Phạm Thị Thủy (2014). Pháp luật về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Luận án Tiến sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.

9. Quốc hội (2013). Luật Đất đai số 45/2013/QH13.

10. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.

11. Quốc hội (2015). Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13.

 

Some problems during the settlement of agricultural land

use rights disputes at the two-level People's Court

of Cao Bang province

Assoc.Prof.Ph.D DOAN HONG NHUNG1

 SAM DUC HIEP2

1School of Law, Vietnam National University - Hanoi

2People's Court of Ha Lang District, Cao Bang Province

ABSTRACT:

Land disputes in general and agricultural land use rights disputes in particular are always a major concern of public interest, especially in specialized agricultural production areas. The settlement of land disputes via courts is the last method for parties when their conflicts or disagreements cannot be resolved or conciliated by other agencies. However, some problems cannot be avoided during the land disputes settlement process of the court. This paper analyzes some limitations and problems in the court’s settlement of agricultural land use rights disputes based on the practice in Cao Bang province, a northern mountainous border province of Vietnam. Based on the paper’s findings, some recommendations are made in order to improve the law and solutions are proposed to improve the effectiveness of the settlement of agricultural land use rights disputes at the two-level People's Court of Cao Bang province.

Keywords: agricultural land dispute, land dispute settlement, agricultural land, two-level People's Court, Cao Bang province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2022]