Ông Vũ Đức Giang. Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) vừa thông tin về con số 17,86 tỷ USD giá trị gia tăng trong cả năm 2018 mà ngành dệt may nước ta có được, đồng thời cũng là mức cao nhất trong nhiều năm xuất khẩu.
“Ngành dệt may tiếp tục duy trì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao trong những năm trở lại đây, với mức tăng 16,01, đạt trị giá trên 36 tỷ USD”, ông Giang thông tin.
Chốt lại năm 2018, xuất khẩu dệt may ghi điểm bởi tốc độ tăng cả lượng lẫn chất. Năm 2015, xuất khẩu của ngành tăng ở mức 12,1%, đến 2016 chưa đầy 5% và bật lên gần 11% vào năm 2017, thì mức tăng trưởng 16,1% của năm 2018 trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu lớn chưa bao giờ giảm nhiệt, là rất đáng ghi nhận.
Cụ thể, năm 2018, kim ngach xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,78 tỷ USD, tăng 14,45%; xuất khẩu vải đạt 1,66 tỷ USD, tăng 25,5%; xuất khẩu xơ sợi đạt 3,95 tỷ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu vải không dệt đạt 528 triệu USD, tăng 15,54%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,23 tỷ USD, tăng 14,59%.
Nhờ tăng trưởng giá trị xuất khẩu đạt cao, 36 tỷ USD, thặng dư ngành dệt may năm 2018 ước đạt 17,86 tỷ USD, tăng 14,39 %, con số cao nhất từ trước đến nay của ngành, đạt tỷ lệ nội địa hóa 49,4%.
Với kết quả đạt được trong năm 2018, tín hiệu về tình hình đơn hàng cho năm 2019 ở thời điểm này cũng rất khả quan.
Ông Giang cho biết, đến nay, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may
Năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu phát triển ngành với kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8%, thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.
Để đạt được các mục tiêu 40 tỷ USD, Hiệp hội đưa ra khuyến nghị, các doanh nghiệp trong ngành phải chung tay thực hiện những giải pháp về đầu tư, thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ, giải quyết những khâu yếu, bất cập của ngành.
“Việc cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp là những giải pháp cần thiết mà Chính phủ và các ngành chức năng cần duy trì tốt hơn nữa trong năm 2019 để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành”, ông Giang đề xuất.
Theo đó, động lực của xuất khẩu dệt may trong năm 2019 là tính hiệu lực của một trong những FTA thế hệ mới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ thực thi từ tháng 1/2019.
Năm 2018, đã có thêm những dự án đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp trong nước và FDI để tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu, khi loạt FTA có hiệu lực. Đơn cử, Dự án Nhà máy Dệt Bảo Minh, với tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng (tương đương 75 triệu USD) cũng vừa được Công ty CP Dệt Bảo Minh đưa vào hoạt động tại Nam Định. Nhà máy được hoàn thành đầu tư trong 1,5 năm, đã bắt đầu có sản phẩm đưa ra thị trường vào quý 4/2018, cùng gần chục dự án đầu tư mới sẽ “ra hàng” trong nửa đầu năm 2019.
Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt trên 36 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2017.
Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,78 tỷ USD, tăng 14,45%; xuất khẩu vải đạt 1,66 tỷ USD, tăng 25,5%; xuất khẩu xơ sợi đạt 3,95 tỷ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu vải không dệt đạt 528 triệu USD, tăng 15,54%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,23 tỷ USD, tăng 14,59%.