Sự kiện có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tham tán thương mại Úc và Srilanca, Đại sứ quán Nga, VITAS, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các Hội viên Hiệp hội…
Phát huy nội lực - liên kết toàn diện Dệt may Việt Nam vượt thách thức
Phát biểu khai mạc hội nghị ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã chia sẻ với những khó khăn thách thức, những áp lực về giá, chi phí sản xuất, sự thiếu hụt đơn hàng, áp lực về công ăn việc làm (cho người lao động) cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường… mà cộng đồng doanh nghiệp Dệt may phải đối mặt trong suốt năm qua.
Theo Chủ tịch VITAS trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và khu vực việc phát huy nội lực tập trung 3 giải pháp trọng tâm đã phần nào giúp toàn Ngành vượt qua các áp lực, ổn định sản xuất đạt được các kết quả cơ bản. Cụ thể đó là liên kết chuỗi trong Ngành đã có sự cải thiện đáng kể, trong bối cảnh khó khăn cộng đồng doanh nghiệp Dệt may rút ra bài học, tăng cường sự chia sẻ, hỗ trợ nhau về đơn hàng, công nghệ kinh nghiệm quản lý; Ngành đã tập trung đa dạng hóa thị trường khách hàng và mặt hàng; Đẩy mạnh triển khai các giải pháp đẩy mạnh xanh hóa, số hóa trong nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu về xanh hóa của các thị trường xuất khẩu.
Báo cáo từ VITAS cho thấy năm 2023 Hiệp hội đã đẩy mạnh các hoạt động cốt lõi như vận động chính sách, đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ vướng mắc khó khăn, tham gia đóng góp các ý tại các dự thảo trong các văn bản pháp luật; đồng thời đẩy mạnh công tác phát triển hội viên; tăng cường hoạt động thông tin, xúc tiến, quảng bá cho doanh nghiệp, sản phẩm Dệt may tại nhiều thị trường tiềm năng…
Theo VITAS, kim ngạch xuất khẩu Dệt may năm 2023 dự kiến ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Trong đó XK hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD (tương đương 8,9%), XK vải ước giảm 186 triệu USD (tương đương 6,9%), XK xơ sợi ước giảm 485 triệu USD (tương đương 10,3%), XK nguyên phụ liệu ước giảm 218 triệu USD (tương đương 16%).
Đặc biệt trong bổi cảnh khó khăn, thiếu hụt đơn hàng, năm 2023 doanh nghiệp Dệt May cũng cho thấy nỗ lực trong đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, xuất khẩu Dệt may đến 104 thị trường và vùng lãnh thổ, đạt doanh thu ấn tượng trong khai phá các thị trường mới như Châu Phi, Nga, các sản phẩm may mặc cho đạo hồi…
VITAS cho biết định hướng thời gian tới là: Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, lấy lợi ích chính đáng của hội viên, sự phồn vinh của đất nước làm mục tiêu hoạt động của Hiệp hội; Tập trung phát huy hơn nữa công tác vận động chính sách, tháo gỡ rào cản trong SXKD cho DN; Tiếp tục thể hiện vai trò tích cực của Hiệp hội là thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng và Hội đồng tiền lương quốc gia; Duy trì sự phối hợp với các Hiệp hội ngành nghề để cùng nghiên cứu, kiến nghị Nhà nước, các Bộ ngành về lao động, tiền lương, BHXH, kinh phí công đoàn, về thủ tục hành chính, thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, PCCC, môi trường…
Đồng thời làm tốt công tác kết nối giữa các DN hội viên với các DN trong ngành để gia tăng liên kết trong ngành mua bán sản phẩm của nhau, xây dựng chuỗi cung ứng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xuất xứ của các FTAs, Phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, đào tạo về chuyển đổi số, sản xuất kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn, tiết kiêm năng lượng, nước…
Căn cứ triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, VITAS đưa ra mục tiêu phấn đấu Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023
Vẫn còn nhiều thách thức, doanh nghiệp Dệt may cần chủ động linh hoạt tìm cơ hội
Tại Hội nghị TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhận định, năm tới vẫn sẽ còn nhiều thách thức từ thế giới và khu vực sẽ tác động lớn đến xuất khẩu, đầu tư, dòng tiền, nguồn lực lao động… sẽ có nhiều thay đổi, thị trường phục hồi nhưng tương đối chậm…
Bối cảnh này đặt ra nhiều thách thức đối với DN dệt may như: Đơn hàng xuất khẩu còn giảm (dù đang có dấu hiệu dần quay trở lại); Chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào, Rủi ro nghĩa vụ trả nợ còn cao; Xu hướng chuyển đổi số Xu hướng xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh…
Ông Cấn Văn Lực đồng thời tham vấn về một số giải pháp đối với doanh nghiệp như: Cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá…; Chủ động tìm hiểu, tiếp cận các Chương trình, gói hỗ trợ (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng…); Đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; Chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn; Thực thi chiến lược chuyển đổi số (gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro…); Thích ứng, nâng cao năng lực quản trị DN, quản lý rủi ro…
Đánh giá cao sự bứt phá của Dệt may Việt Nam, khai phá xuất khẩu thành công sản phẩm đến 104 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như bứt phá về chủng loại hàng xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chỉ ra Dệt may Việt Nam đang nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu lớn.
Đánh giá cao sự nỗ lực trong chuyển đổi xanh của ngành Dệt may Việt Nam giai đoạn 2018-2022 theo ông Hải xuất khẩu dệt may năm nay dù có trầm lắng hơn năm 2022 nhưng so với các năm 2020, 2021 thậm chí là 2019 thì kim ngạch xuất khẩu Dệt may Việt Nam đã cho thấy phục hồi, thậm chí là có xu hướng vượt qua thời điểm trước dịch Covid.
Tuy nhiên Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng chỉ ra thực tế những khó khăn về đảm bảo nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu đầu vào (là của Việt Nam hoặc các nước trong nội khối) đang khiến Dệt may Việt Nam mất các cơ hội tận dụng hiệu quả từ các FTAs đồng thời những thách thức trong vấn đề xanh hóa cũng là những khó khăn lớn đối với xuất khẩu Dệt may.
Phân tích về thực trạng và những thách thức với ngành, ông Trần Thanh Hải đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị với các doanh nghiệp Dệt May là cần nhanh chóng chủ động trong chuyển đổi xanh để tăng tốc năng lực cạnh tranh so với các đối thủ.
Cụ thể, cần chuyển đổi toàn diện từ nguyên liệu đầu vào quy trình vận chuyển, nhà máy sản xuất đáp ứng xanh hóa, giảm thiểu phát thải, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch… đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thành các chứng nhận xanh như xác nhận vết các bon, nhãn sinh thái Dệt may hữu cơ toàn cầu (GOTS) Oeko-Tex 100, Leed (công trình) cũng như các nhãn môi trường sinh thái cung cấp cho sản phẩm trong chuỗi sinh thái…
Theo Chiến lược phát triển Ngành, VITAS đề ra một số giải pháp trọng tâm: Trong đầu tư phát triển bền vững Ngành tập trung thu hút các dự án dệt - nhuộm - hoàn tất công nghệ cao vào các KCN; Đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường cũng như Đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may...
Với thị trường là: Đa dạng hóa nguồn cung Nguyên phụ liệu mở rộng thị trường xuất khẩu; Nâng cao năng lực marketing, tìm kiếm khách hàng trực tiếp; Tăng cường liên kết chuyển dần CMT sang FOB, ODM, OBM; Phát triển thương hiệu, sản phẩm mới…
Trong phát triển nguồn nhân lực, VITAS sẽ tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho quản trị, QL kỹ thuật, thiết kế, cho công nghệ mới, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; Xây dựng chiến lược nhân sự ; Nâng cao năng lực quản lý SX, chuỗi giá trị...
VITAS xác định đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ, vật liệu, nguyên liệu mới thân thiện môi trường hoặc chuyển giao công nghệ; Quản lý chất lượng sản phẩm toàn diện; nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số...Đồng thời có chính sách huy động vốn, cấp tín dụng cho xây dựng hạ tầng, xử lý nước thải tại các KCN,Triển khai các chương trình về tín dụng xanh, cho thuê tài chính chuyển đổi công nghệ xanh; Vốn cho phát triển cây nguyên liệu sẵn có trong nước (tơ tằm, đay, gai, chuối, dứa...)…
Giới thiệu các cơ hội hợp tác với Hiệp Hội Lông Cừu Úc, đồng thời để phục vụ việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của Ngành, Hội nghị đã tham vấn các giải pháp số hóa nhà xưởng, công trình xanh cho các nhà máy trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành nhằm giảm thiểu các tác động xấu, tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu môi trường…
Tại Hội nghị Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng đề xuất một số kiến nghị như: Nhà nước sớm triển khai gói 120 ngàn tỷ đồng, lãi suất ưu đãi xây nhà ở xã hôi, nhà ở công nhân. Trong đó ban hành các tiêu chí phù hợp để người có thu nhập thấp được tụ hưởng chính sách; Tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho DN để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là cho các ngành nghề khó đào tạo như kỹ sư dệt, nhuộm, thiết kế, kỹ năng xanh, kỹ năng chuyển đổi số; Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm vào cuộc triển khai Quyết định 1643/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến 2030, tầm nhìn 2035”, nhất là Chương trình phát triển bền vững để đáp ứng yêu cầu thị trường thu hút khách hàng;
Kiến nghị Nhà nước tiếp tục gia hạn các gói hỗ trợ DN chưa sử dụng hết theo Nghị quyết 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội cho năm 2024. Đối với gói hỗ trợ 40 ngàn tỷ đồng, đang triển khai rất chậm tại các ngân hàng thương mại đề nghị Nhà nước nghiên cứu chuyển sang hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh để đáp ứng các quy định mới của thị trường; Đề nghị bỏ thuế VAT và thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa sản xuất xuất khẩu quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ- CP, Cho phép thương nhân nước ngoài có hiện diện hoặc không có hiện diện tại Việt Nam được áp dụng quy định xuất nhập khẩu tại chỗ…