Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông, Bắc Phi năm 2012 đạt 7,4 tỷ USD, tăng 878% so với 10 năm trước, trong đó kim ngạch với một số đối tác đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD/năm.
Đầu tư là một lĩnh vực hợp tác nhiều điểm sáng với những dự án lớn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Trung Đông như tại khu Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Nhà máy thép tiền chế Zamil Steel, v.v... Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã triển khai thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại An-giê-ri. Hiện, Việt Nam đang có khoảng 26.000 lao động làm việc tại nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng của các nước trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Diễn đàn thể hiện sự quan tâm nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Đông, Bắc Phi vì sự phát triển và thịnh vượng chung. Mặc dù trao đổi thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, Bắc Phi thời gian qua có những bước phát triển tích cực nhưng vẫn còn những trở ngại. Khoảng cách địa lý, phương tiện vận tải, thông tin thị trường, sự khác biệt về văn hóa và tập quán kinh doanh… là những khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu thường hay gặp phải.
Do đó, Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Đông, Bắc Phi được tổ chức lần đầu tiên này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện nỗ lực và quyết tâm của hai bên trong việc đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm khai thác tốt tiềm năng to lớn của hai bên.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để nâng cao hon nữa hợp tác kinh tế đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi, hai bên cần tập trung trao đổi nhằm thúc đẩy đàm phán, ký kết hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, hàng không, vận tải biển, năng lượng… nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài cho việc hợp tác của các doanh nghiệp.
Đồng thời, hai bên cũng tập trung trao đổi và thảo luận hợp tác trong các lĩnh vực như dầu khí, năng lượng, lao động. Việt Nam cũng sẽ trao đổi với các cơ quan hữu quan của các nước tham gia để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và thực hiện các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tham dự hội chợ, triển lãm, đi khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác ở thị trường mỗi nước của nhau, từ đó nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về tiềm năng to lớn của thị trường của nhau.