Quy mô nhỏ lẻ - chất lượng khó đồng đều
Do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, diện tích chuyên canh tập trung chỉ chiếm chưa tới 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước; quy trình canh tác, quản lý dịch bệnh chưa được áp dụng đồng bộ, triệt để nên chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Hơn thế nữa, sẽ khó kiểm soát được nguồn cung và vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc…
Hậu quả dẫn đến khó khăn trong việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm. Do vậy, nhiều mặt hàng rau quả, trái cây của Việt Nam dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng vẫn chưa thâm nhập được nhiều thị trường.
Vì thế năm 2019 có 2 FTA đi vào thực hiện là CPTPP từ 14/1 và AHKFTA (Asean-Hongkong - Trung Quốc) từ 11/6 nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,8 tỷ USD, giảm 1,1% so với 2018.
Bốn giải pháp cơ bản
Hiện nay, Bộ Công Thương đang rất tích cực phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là cơ quan chủ trì về công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm triển khai đồng bộ, quyết liệt một số nội dung.
Một là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường.
Hai là từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản xuất khẩu.
Ba là tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân không chỉ về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu mà còn về phương thức sản xuất, nuôi trồng phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn đó.
Bốn là lập cơ sở dữ liệu về các biện pháp an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính, công bố để các doanh nghiệp tham khảo…
Trong bối cảnh đã được mở cửa thị trường tối đa về mặt thuế quan, xuất xứ hàng hóa… như hiện nay, khi các giải pháp liên quan đến mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng hàng hóa như đã nêu trên phát huy tác dụng, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ ghi nhận được những bứt phá mới trong xuất khẩu.
Qua đó, đóng góp ngày càng quan trọng vào cơ cấu xuất khẩu chung của cả nước, nhằm hiện thực hóa các lợi thế về đàm phán mở cửa thị trường mà Bộ Công Thương đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua, góp phần phát triển bền vững xuất khẩu nông sản của ta trong bối cảnh mới.