Tương đồng giữa EVFTA và UKVFTA
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được hai bên ký kết ngày 30/6/2019, được Quốc hội Việt Nam thông qua tại Nghị quyết số 102/2020/QH14 về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA ngày 8/6/2020. Với việc Việt Nam và EU hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước, Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực vào ngày 01/8/2020.
Tiếp theo đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) được hai bên ký kết 29/12/2020. Để tối đa hóa thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa hai bên, Hiệp định đã có hiệu lực tạm thời từ 6h sáng ngày 01/01/2021 theo giờ Việt Nam, và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2021.
Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. Được đánh giá là toàn diện, chất lượng cao và cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, Vương quốc Anh, việc 2 Hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực là sự khẳng định về chủ trương tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các bên, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. 2 Hiệp định cũng là cơ sở vững chắc để phát huy tiềm năng phát triển về thương mại, đầu tư và hợp tác giữa Việt Nam và EU, Vương quốc Anh.
Hai Hiệp định được đưa vào thực thi và doanh nghiệp của Việt Nam đã bước đầu tận dụng được những cơ hội mà hai Hiệp định đem lại.
Tuy nhiên, đi cùng với đó thì nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM), số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của cả hai bên gia tăng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định để chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà các Hiệp định mang lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Bởi lẽ, cả EVFTA và UKVFTA đều có mức độ cắt giảm thuế quan sâu, kéo theo đó là áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cũng sẽ cao hơn và khi đó, nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại cũng sẽ tăng cao để bảo vệ ngành sản xuất mỗi nước.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nắm rõ quy định về phòng vệ thương mại trong các Hiệp định nói chung, các quy định về phòng vệ thương mại của EU, Vương quốc Anh nói riêng, cũng như ý thức toàn diện, sâu sắc về các công cụ PVTM có trong tay.
Hiện tại, Việt Nam đã có một hệ thống quy định pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với quy định của WTO, thông lệ quốc tế để tiến hành khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh thực thi các Hiệp định.
Quy định về phòng vệ thương mại trong Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa 2 bên. Nội dung về phòng vệ thương mại trong 2 hiệp định là tương tự như nhau. Hiệp định đưa ra các quy định về phòng vệ thương mại tại Chương 3 EVFTA bao gồm 3 Mục 14 Điều quy định các cam kết giữa Việt Nam và EU về các nguyên tắc và cách thức áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) đối với hàng hóa xuất khẩu của mỗi Bên.
Riêng với biện pháp tự vệ thì Chương này có quy định riêng về biện pháp tự vệ song phương giữa Việt Nam và EU, Vương quốc Anh ngoài các biện pháp tự vệ toàn cầu theo WTO.
Chương về các biện pháp phòng vệ thương mại tại 2 Hiệp định bao gồm các điều khoản liên quan đến việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại truyền thống trong WTO (bao gồm các biện pháp: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ). Về cơ bản, nội dung phòng vệ thương mại dựa trên các quy định của WTO, đồng thời bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại của ta, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ “phòng vệ” hợp pháp, tiến bộ, bảo đảm hiệu quả của việc tham gia Hiệp định.
Các điểm mới về phòng vệ thương mại trong Hiệp định so với tiêu chuẩn của WTO là:
- Bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ này để tránh lạm dụng và bảo đảm công bằng, minh bạch. Các quy định này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ quy định trong WTO, trong quy trình khởi xướng, điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, cơ quan có thẩm quyền phải bảo đảm:
+ Công khai thông tin: tất cả các thông tin, dữ liệu tham khảo cần thiết được sử dụng để đưa ra quyết định về biện pháp phòng vệ thương mại phải được công khai ngay sau khi áp dụng biện pháp tạm thời và trước khi ra kết luận cuối cùng. Việc công khai phải bằng văn bản và phải cho các bên liên quan một thời gian hợp lý để bình luận.
+ Cơ hội bình luận: Các bên liên quan có cơ hội thể hiện quan điểm trong quá trình điều tra (với điều kiện không làm cản trở quá trình điều tra và dẫn đến bị quá hạn điều tra).
- Quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại (trong khi WTO không bắt buộc sử dụng quy tắc này). Điều này giúp hai bên hạn chế đưa ra những quyết định áp thuế với mức thuế quá cao không cần thiết.
- Một điểm đáng lưu ý là theo cam kết EVFTA, hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích công cộng (tức là bên cạnh việc xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước thì nước điều tra cũng cần xem xét tình hình, quan điểm của nhà nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức đại diện người tiêu dùng và các doanh nghiệp hạ nguồn).
- Biện pháp tự vệ toàn cầu: EVFTA quy định các bên tiếp tục tuân thủ các quy định của WTO về biện pháp tự vệ toàn cầu, đồng thời bổ sung thêm các cam kết sau:
+ Thông báo: bên khởi xướng điều tra/ chuẩn bị áp dụng biện pháp phải thông báo bằng văn bản tất cả các thông tin cơ bản và các căn cứ ra quyết định trong vụ việc theo yêu cầu của bên kia;
+ Cách thức: Phải tạo điều kiện để trao đổi song phương giữa hai bên về biện pháp tự vệ và chỉ được áp dụng chính thức biện pháp tự vệ sau 30 ngày kể từ khi trao đổi song phương thất bại.
- 2 Hiệp định cũng quy định về cơ chế tự vệ song phương, để bảo đảm việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định không gây ra các cú “sốc” đối với các ngành sản xuất trong nước, 2 Hiệp định quy định cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm được quyền lợi của các bên được sử dụng công cụ tự vệ chính đáng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước nếu có thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại do việc cắt giảm thuế quan từ Hiệp định.
Nguyên tắc phòng vệ trong hiệp định UKVFTA
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các ưu đãi từ UKVFTA cũng như chủ động bảo vệ sản xuất trong nước trong quá trình thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương đang triển khai nội luật hóa các quy định của UKFTA như hướng dẫn chi tiết về quy tắc xuất xứ và lĩnh vực phòng vệ thương mại (PVTM).
Ngày 29 tháng 10 năm 2021,Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về phòng vệ thương mại, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 12 năm 2021. Thông tư số 14 nêu 3 nguyên tắc áp dụng biện pháp tự vệ song phương trong UKVFTA.
Thứ nhất, tại cùng một thời điểm, không áp dụng đồng thời biện pháp tự vệ song phương và biện pháp tự vệ theo quy định tại Điều XIX Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan 1994 đối với cùng một hàng hóa nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định UKVFTA.
Thứ hai, biện pháp tự vệ song phương không được áp dụng ngoài giai đoạn chuyển tiếp, trừ trường hợp có sự thống nhất với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Thứ ba, việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ song phương đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len phái phù hợp với các quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật Việt Nam về phòng vệ thương mại.
Theo Thông tư 14, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ song phương khi kết luận điều tra của Cơ quan điều tra có các nội dung sau đây:
a) Có sự gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối của hàng hóa nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định UKVFTA so với khối lượng, số lượng của hàng hóa tương tự và hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;
b) Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa thiệt hại nghiêm trọng;
c) Việc gia tăng nhập khẩu quy định tại điểm a khoản này là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước.
Khi đã phân tích, chứng minh và đi đến kết luận hàng từ thị trường UKVFTA gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước, một số biện pháp tự vệ song phương sau đây sẽ được áp dụng:
a) Đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định của Hiệp định UKVFTA; hoặc
b) Tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất thuế nhập khẩu cơ sở quy định tại các biểu thuế tại Phụ lục 2-A (Xoá bỏ thuế hải quan) theo Điều 2.7 (Giảm hoặc xoá bỏ thuế hải quan với hàng nhập khẩu) của Hiệp định EVFTA (đã được đưa vào Phần 2 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn Hiệp định EVFTA trong Hiệp định UKVFTA), tùy mức thuế suất thuế nhập khẩu nào thấp hơn.
Thời hạn điều tra áp dụng biện pháp tự vệ song phương là 1 năm kể từ ngày Quyết định điều tra được ban hành. Cũng theo Thông tư 14, thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ song phương không được vượt quá 2 năm. Trong trường hợp Cơ quan điều tra kết luận rằng cần tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ song phương để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước, thời hạn áp dụng có thể được kéo dài thêm tối đa 2 năm.
Trong trường hợp thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ song phương dài hơn 2 năm, biện pháp tự vệ song phương phải được giảm dần mức độ trong suốt quá trình áp dụng biện pháp.
Sau khi hết thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ song phương, mức thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng hóa liên quan thực hiện theo quy định của Hiệp định UKVFTA có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ song phương đó.
Cơ quan điều tra sẽ thông báo bằng văn bản cho Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ song phương và tham vấn với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len theo quy định trong Hiệp định UKVFTA.