Tập trung vào nhu cầu thiết yếu
Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể cách thức thực hiện các giao dịch kinh doanh, tiêu dùng ở Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn về tác động của Covid-19 tới sức khỏe, kinh tế và thể hiện hành vi mua hàng theo nhiều cách khác nhau khi phải dần thích nghi với điều kiện bình thường mới.
Kết quả khảo sát do Deloitte Việt Nam thực hiện cho thấy những thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam phản ánh sự dịch chuyển của các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng sang nhóm sản phẩm thiết yếu, giảm chi tiêu cho nhóm sản phẩm tùy ý vì họ cảm thấy lo lắng trước tác động của dịch bệnh.
Cụ thể, sức mua sản phẩm điện tử dân dụng giảm từ 10% xuống 0,2%; dịch vụ giải trí và du lịch từ 4% xuống 0,4%... Danh mục sản phẩm như nghỉ ngơi giải trí, ăn tiệm, karaoke quán bar... hầu hết bị cắt giảm, chủ yếu là do tình trạng đóng cửa hoặc hạn chế đi lại trong bối cảnh dịch bệnh. Người Việt Nam có xu hướng tích trữ hàng hóa nhiều hơn do tác động của dịch Covid-19.
Báo cáo của Deloitte cho thấy 4 vấn đề, yếu tố có thể ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của người tiêu dùng trong bối cảnh Covid-19.
Thứ nhất, người tiêu dùng Việt Nam nói chung cảm thấy lạc quan về nền kinh tế, dù tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn.
Thứ hai, không giống như những nhóm người tiêu dùng tương tự ở nhiều thị trường khu vực khác, người tiêu dùng Việt Nam dường như có sự dịch chuyển từ các kênh thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại trong đại dịch Covid-19 nhưng không quá rõ rệt.
Thứ ba, vẫn còn nhiều rào cản đối với việc áp dụng thương mại điện tử và thanh toán số.
Thứ tư, các công ty trong ngành tiêu dùng phải lưu ý rằng để thúc đẩy và giữ chân người tiêu dùng Việt Nam mua hàng tại các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình hình mới chứ không chỉ sử dụng những chiến lược kinh doanh đơn giản như giảm giá hoặc tặng phiếu ưu đãi.
Doanh nghiệp cần chiến lược kinh doanh phù hợp
Những khó khăn mà dịch bệnh gây ra (thiếu nhân công và nguyên liệu, đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi phân phối…) sẽ gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể bứt phá, thúc đẩy kinh doanh, gia tăng thị phần, đặc biệt là khi các nền kinh tế toàn cầu cùng phục hồi sau khi đại dịch chấm
Cho đến thời điểm hiện tại, có thể thấy, Covid-19 là một cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe có tác động lâu dài đến thái độ, hành vi và thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Trong đại dịch, nhiều xu hướng và thói quen tiêu dùng cũ biến mất hoặc thay đổi, các xu hướng và thói quen tiêu dùng mới được hình thành. Các xu hướng và thói quen này sẽ kéo dài trong suốt đại dịch thậm chí còn có khả năng duy trì trong một thời gian dài sau đại dịch.
Vì vậy, ngay tại thời điểm này, khi đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng sẽ cần phải tập trung tìm hiểu những thay đổi của người tiêu dùng và phát triển các chiến lược kinh doanh cho phù hợp với những thay đổi đó.
Các chiến lược kinh doanh này cần đáp ứng trực tiếp các xu hướng, thói quen tiêu dùng mới đã và đang hình thành, đồng thời, có đầy đủ tính dự báo cho sự biến đổi của các xu hướng, thói quen này sau đại dịch. Thực hiện tốt và hiệu quả điều này, các doanh nghiệp không chỉ thúc đẩy được hoạt động kinh doanh ở thời điểm hiện tại mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, cơ sở cho sự phát triển mãnh của doanh nghiệp sau khi đại dịch kết thúc.
Một nghiên cứu của Accenture (Mỹ) về phản ứng của người tiêu dùng và Covid-19 cho thấy dịch bệnh đã tạo ra một số xu hướng mới trong hành vi của người tiêu dùng và sẽ tiếp tục kéo dài hoặc có thể thay đổi vĩnh viễn thói quen tiêu dùng.
Thứ nhất, nghiên cứu nêu trên cho thấy hai ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay là hạn chế việc lãng phí thực phẩm và cân nhắc tới sức khỏe khi mua sắm.
Thứ hai, nghiên cứu cũng chỉ ra những lo lắng của đa số người tiêu dùng về tác tiêu cực của Covid-19 tới sức khoẻ, kinh tế và cả xã hội.
Thứ ba, có 80% người được khảo sát có nhu cầu kết nối với cộng đồng nhiều hơn và 88% trong số đó muốn những kết nối này sẽ được duy trì lâu dài kể cả sau dịch bệnh. Điều này có tác động sâu sắc đến cách mọi người nhìn nhận về việc bảo vệ sức khỏe cho cá nhân cũng như cách mọi người kết nối với gia đình, bạn bè và xã hội.
Thứ tư, trong những thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, hơn một nửa (61%) người được khảo sát đã xem tin tức nhiều hơn, trong khi đó 55% lại ưu tiên dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Bên cạnh đó, các xu hướng giải trí, học tập và các hoạt động có tính cá nhân cũng tăng lên và được phản ánh trong các loại ứng dụng mà người tiêu dùng tải xuống.
Thứ năm, nghiên cứu chỉ ra các nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng (ví dụ: giao tiếp, trao đổi thông tin, giải trí, học tập…) vẫn không thay đổi, nhưng công nghệ đang thay đổi cách tiến hành các hoạt động. Cụ thể, bên cạnh các kênh truyền thống, các doanh nghiệp đang sử dụng ngày càng nhiều hơn các công cụ kỹ thuật số để tương tác với người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.