Tốt lên từ quý II
Kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 có thể tóm tắt trong nhận định của bà Carl Riccadonna, chuyên gia Kinh tế trưởng tại ngân hàng BNP Paribas rằng, thế giới đang vật vã với lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng bị kìm hãm, đơn hàng ở hai bờ Đại Tây Dương (châu Âu và Bắc Mỹ - nv) sụt giảm, dẫn đến các nền kinh tế bước vào “giai đoạn đau đớn”.
Đối với Việt Nam, nhu cầu của những thị trường chính sụt giảm là cú đánh tổng lực khiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 lần đầu tiên tăng trưởng âm tính từ 2010 đến nay. Xuất khẩu là đầu ra của sản phẩm công nghiệp nên hệ quả tất yếu là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm. Số liệu của Tổng cục Thống kê đã minh chứng rõ ràng: Chỉ số IIP của một số ngành công nghiệp trọng điểm hướng về xuất khẩu giảm. Cụ thể, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,7%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy giảm 7,5%; sản xuất trang phục và sản xuất xe có động cơ cùng giảm 6,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân nhóm giảm 4,7%; sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng giảm 4,6%.
Trong khi đó, chỉ số IIP của các ngành công nghiệp hướng về tiêu thụ trong nước không bị ảnh hưởng: Than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 13,2%; khai thác quặng kim loại tăng 11,5%; sản phẩm từ cao su, plastic tăng 7,2%; thuốc lá tăng 6,7%; đồ uống tăng 5,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,6%.
Sản xuất công nghiệp giảm kéo theo 2 chỉ tiêu khác: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm, và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng.
Nhưng nhìn vào cả quá trình thì xuất khẩu, sản xuất công nghiệp tốt lên qua từng tháng. Với xuất khẩu, nếu tháng 1 xuất khẩu giảm 21,6% thì 6 tháng, tốc độ giảm đã chậm lại còn -12,1%. Tính theo tháng, từ tháng 2 trở đi, mỗi tháng đều tăng 4,3% đến 9,8% so với tháng trước.
Sản xuất công nghiệp cũng tương tự. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) từ -8% trong tháng 1 đã giảm xuống còn -1,2% trong 6 tháng. Xét theo từng tháng, IIP từ tháng 2 đến tháng 6 đều tăng so với tháng trước từ 2% đến 5,1%. Xét theo quý, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I giảm 0,75%, quý II tăng 1,56%.
Mặc dù mức tăng theo tháng, nhất là từ quý II trở đi không đủ bù đắp để tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, và chỉ số sản xuất công nghiệp vượt lên ở mức dương, nhưng cho thấy Việt Nam đã đúng hướng trong khắc phục tình trạng đơn hàng trên toàn cầu sụt giảm. Có thể nói, trong bối cảnh đơn hàng toàn cầu sụt giảm, nền kinh tế Việt Nam bước đầu vượt qua “giai đoạn đau đớn”.
Bài học kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp
Thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 nhận định: “Xuất nhập khẩu có xu hướng tăng trở lại, tính chung 6 tháng xuất siêu 12,25 tỷ USD”; “Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng trở lại”. Các chuyên gia cho rằng, 2 lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất công nghiệp thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý “có xu hướng tăng trở lại” xuất phát từ việc bám sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Nhìn ở góc độ khác, như trong báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương đưa ra bài học kinh nghiệm: “Làm tốt công tác tổng kết, đánh giá để rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách; kịp thời điều chỉnh, đề xuất chính sách khả thi”. Việc “làm tốt công tác tổng kết” bắt đầu ngay từ đầu tháng 3, trong Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 2 tháng đầu năm 2023, đã tổng kết những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt.
Ở ngoài nước “Kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu - châu Mỹ. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cộng với việc một số địa bàn xuất khẩu trọng điểm nới lỏng các biện pháp hạn chế thương mại đối với Trung Quốc làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam”.
Ở trong nước: “Sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất tiếp tục khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao. Thị trường bất động sản suy giảm và nhu cầu thế giới giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như: ngành thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…”.
Từ đó, đưa ra quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp: “Thúc đẩy phát triển sản xuất, gắn với tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu vẫn là chìa khóa để duy trì tăng trưởng chung”.
Những nhận định và quyết sách trên từ đầu tháng 3 đến nay vẫn mang tính thời sự. Đây cũng là lý do và con đường để xuất khẩu, sản xuất công nghiệp “có xu hướng tăng trở lại” như Thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, tiêu dùng trong nước quý I và quý II đều tăng trưởng 2 con số.
Trong các Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 3, tháng 4, tháng 5, việc tổng kết tình tình thực tiễn ngày càng cụ thể hơn, đó là: “Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới”; “Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới”.
Từ đó, các quyết sách cũng ngày càng cụ thể hơn, với thị trường trong nước:
- Phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước là trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn. Thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa”. (Báo cáo tháng 3)
- Thực hiện hiệu quả Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương. (Báo cáo tháng 4).
- Phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ. (Báo cáo tháng 5).
- Phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng. (Báo cáo tháng 5).
Với sản xuất công nghiệp:
-Tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. (Báo cáo tháng 3).
- Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn. (Báo cáo tháng 4).
- Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. (Báo cáo tháng 5).
Với xuất khẩu:
- Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… Tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi” v.v… (Báo cáo tháng 3)
- Quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mêxico và Indonesia; thị trường Halal, gồm Trung Đông, Malaysia, Brunay (Báo cáo tháng 4).
- Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. (Báo cáo tháng 5).
- Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. (Báo cáo tháng 5).
Trên thực tế, đồng hành cùng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương luôn cổ vũ, động viên và có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát biểu trong cuộc thăm và làm việc với An Phát Holdings - một tập đoàn sản xuất công nghiệp với 17 công ty thành viên, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu tại hơn 50 thị trường xuất khẩu - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá An Phát là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện những định hướng chiến lược ngành Công Thương, tập trung phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ và tiến tới là công nghiệp vật liệu, công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế tạo - 3 ngành công nghiệp có tính chất nền tảng và cũng là 3 ngành mà doanh nghiệp FDI mong muốn kết nối với doanh nghiệp nội địa.
Bộ trưởng cũng khuyến khích An Phát Holding xây dựng một chiến lược mới phù hợp hơn, tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ thông qua đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến phát triển các sản phẩm nguyên liệu, linh kiện cho ngành công nghiệp chế tạo, cơ khí, điện tử bên cạnh các sản phẩm tiêu dùng thế mạnh như hiện nay. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời trong quá trình thực hiện ý tưởng và chiến lược phát triển của An Phát Holdings.
Trong các cuộc làm việc với đối tác quốc tế, như buổi tiếp và làm việc với ngài Marc E. Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Ann Måwe, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, ngài Jozef Sikela Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc, ngài Sandeep Arya, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, Đại sứ Katherine Tai - Trưởng Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ngài Philipp Rösler - Nguyên Phó Thủ tướng Đức, nguyên Giám đốc Diễn đàn Kinh tế thế giới và Đoàn doanh nghiệp từ CHLB… Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đều mời gọi các đối tác thông qua hợp tác đầu tư hoặc kết nối với doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, và chống đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực cũng như trên thế giới.
Công Thương cũng là Bộ đi đầu trong kết nối doanh nghiệp nội địa với các tập đoàn đa quốc gia nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thông qua phối hợp với Tập đoàn Samsung, Toyota triển khai các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp tham gia chương trình được tư vấn trong nhiều lĩnh vực như cải tiến hiện trường nhà máy, sắp xếp dòng chảy sản xuất, loại bỏ lãng phí, lắp đặt thiết bị tự động phục vụ dây chuyền sản xuất… giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng năng suất và nhiều doanh nghiệp trong số đó trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các doanh nghiệp FDI.
Đặc biệt, những lĩnh vực không thuộc Bộ Công Thương quản lý, nhưng khi xuất hiện vấn đề ảnh hưởng đến sản xuất, đến doanh nghiệp, Bộ có những quyết sách kịp thời. Báo cáo tháng 4, tháng 5 nêu giải pháp “Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn (như: rà soát để tiếp tục đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí) và giải pháp về tiền tệ -tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng”.
Triển khai giải pháp này, Bộ Công Thương đã đề nghị NHNN khẩn trương có giải pháp, chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh (nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm); ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu; nghiên cứu để có các chính sách về khoanh, giãn, hoãn và giảm nợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để không chỉ cứu đơn hàng mà còn cứu cả thị trường. Đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ giảm, giãn, hoãn một số loại thuế, tạo thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển.
Trên thực tế, các đề nghị nói trên đã được 2 bộ, ngành thực hiện. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay ngắn hạn. Bộ Tài chính đã tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, guia hạn giảm lệ phí trước bạ ô tô 50%...
Những quyết sách kịp thời và đúng hướng của Bộ Công Thương cho thấy vai trò không thể thiếu của việc tổng kết thực tiễn. Quyết sách kịp thời không chỉ giúp tiêu dùng trong nước tăng trưởng 2 con số, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu “tăng trưởng trở lại”, đặc biệt là xuất siêu trên 12 tỷ USD còn là cơ sở để ngân hàng nhà nước có dư địa thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, trong khi nhiều nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát mà bà Carl Riccadonna, chuyên gia tại BNP Paribas gọi các nền kinh tế này đang trải qua “giai đoạn đau đớn”.