Tuyên truyền “đi trước một bước”
Trong bối cảnh dịch bệnh và thương mại toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn nổi lên là một trong những quốc gia đi đầu với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và thực hiện. Đặc biệt, những hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước gia nhập hàng loạt thị trường lớn, thúc đẩy hoạt động giao thương và tăng trưởng xuất khẩu.
Nhằm giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm bắt những lợi thế này, thời gian qua Sở Công Thương Thái Bình đã triển khai hàng loạt chương trình, hoạt động hỗ trợ, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA cho doanh nghiệp.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực đầu tháng 8/2020, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2571/QĐ-UBND ngày 28/8/2020 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA.
Đồng thời, ban hành nhiều văn bản giới thiệu đến doanh nghiệp các cơ chế hạn ngạch, ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa, quy định về thuế, thủ tục xuất nhập khẩu,… của các thị trường trọng yếu như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc,…
Sở Công Thương cũng đã chủ động phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu về CPTPP, EVFTA nhằm tận dụng tối đa lợi thế của các FTA trong hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, các FTA nói riêng đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
“Chúng tôi luôn nỗ lực cung cấp đầy đủ những thông tin về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các hiệp định nói riêng cho các đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm bắt hiểu sâu hơn về các FTA, đồng thời tập huấn về tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, các biện pháp phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức để chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu”, bà Ngô Thị Liên - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế, Sở Công Thương Thái Bình cho biết.
Cùng với hoạt động tuyên truyền, công tác cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư kinh doanh cũng được Sở tăng cường, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng tốc trên “xa lộ” hội nhập.
Nỗ lực vào cuộc mang lại “trái ngọt” hội nhập
Những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, cùng sự chủ động của chính doanh nghiệp, đã mang lại “trái ngọt”. Năm 2020, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã cấp 18.000 C/O ưu đãi các loại, bao gồm các thị trường chính là ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, New Zealand,... Từ tháng 8/2020, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thái Bình triển khai cấp C/O form EUR.1 tại Thái Bình, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 15 triệu USD.
Nắm bắt thông tin về các FTA, doanh nghiệp tỉnh Thái Bình chuẩn bị trước cho mình lộ trình hội nhập, sẵn sàng đầu tư đổi mới để kịp thời tiếp cận và tận dụng các ưu đãi về thuế quan khi những Hiệp định này được ký kết, qua đó đẩy mạnh sản xuất, tăng doanh thu.
Công ty TNHH Giày da xuất khẩu Thành Phát (xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình) là một trong số ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có kinh ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP. Hiện nay, 70% sản lượng sản phẩm của Công ty làm ra được tiêu thụ trong nước, còn lại xuất khẩu đi các nước: Mỹ, Nga, Canada, Brasil… với giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 triệu USD/năm.
Tận dụng những cơ hội từ Hiệp định EVFTA, Công ty TNHH Giày da xuất khẩu Thành Phát đang tích cực xúc tiến thương mại, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm bảo đảm đạt tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, phấn đấu xuất khẩu 50% sản lượng hàng hóa làm ra.
Trong khi đó, Công ty TNHH Nghêu Thái Bình (xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải) mỗi năm chế biến và xuất khẩu được 4.000 tấn ngao, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chính là các nước Mỹ, Nhật Bản, Úc và một số nước châu Âu, đây là những thị trường đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng sản phẩm và các tiêu chí về sản xuất hàng hóa.
Theo ông Vũ Văn Tuận - Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Nghêu Thái Bình, hàng hóa xuất khẩu vào châu Âu không chỉ đòi hỏi có chất lượng tốt mà cần phải minh bạch về thông tin nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu làm ra sản phẩm. Thời gian qua, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong nước và đoàn thanh tra của Liên minh châu Âu trực tiếp làm việc ở Thái Bình để kiểm tra, xác định vùng nguyên liệu đủ điều kiện đánh bắt, khai thác, chế biến của Công ty và được cấp mã code truy xuất nguồn gốc.
“Sở Công Thương Thái Bình sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc thực thi các hiệp định thương mại tự do, phát huy vai trò là cơ quan đầu mối về thực hiện hội nhập cũng như giải đáp mọi khó khăn thắc mắc của doanh nghiệp khi triển khai thủ tục xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng”, đại diện Sở Công Thương Thái Bình khẳng định.
Năm 2021, bên cạnh những FTA Việt Nam đã tham gia, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết sẽ tập trung phổ biến, tuyên truyền về 2 Hiệp định mà Việt Nam vừa ký kết là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA). Sau khi 2 Hiệp định chính thức có hiệu lực, Sở sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm thực thi Hiệp định có hiệu quả, giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan và gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang những thị trường này