Những con số ‘biết nói’
GDP năm 2018 có mức tăng cao nhất 10 năm qua, trong đó, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng gần 13%, còn nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) cũng có mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm trở lại đây (3,76%), với giá trị xuất khẩu vượt 40 tỷ USD.
Dù gặp nhiều khó khăn giữa một năm “sóng gió” của kinh tế thế giới nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vẫn vươn tới con số 482 tỷ USD một cách ngoạn mục, đưa xuất siêu lần đầu tiên cán mốc 7,2 tỷ USD. Cùng với các công cụ của chính sách tiền tệ, tỉ giá đồng nội tệ vì vậy đã có một năm ổn định trong bối cảnh nhiều đồng tiền trên thế giới đều mất giá lớn…
Nguồn ngoại tệ dồi dào đã giúp dự trữ ngoại hối Việt Nam tiến lên mốc cao nhất trong lịch sử với 65 tỷ USD, tương đương 15 tuần nhập khẩu. Nếu đối chiếu với điều kiện về quản lý dòng vốn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì kinh tế Việt Nam không hề tăng trưởng “nóng”, giá trị đồng nội tệ vẫn ổn định, tỉ giá cân bằng, bảo đảm kiểm soát được lạm phát.
Từ phía cân đối ngân sách, nền kinh tế cũng đã có một năm thu ngân sách thành công vượt dự toán 3,5 tỷ USD. Điều này đã trực tiếp giúp hệ thống kho bạc điều chỉnh giảm bán trái phiếu, góp phần kéo giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ngày càng hẹp dần qua các năm và đến 2018 chỉ còn tăng 14%.
Về con số này, PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng tín dụng tăng thấp hơn nhưng GDP vẫn bứt phá chứng tỏ dòng vốn đã thực sự được nắn chỉnh vào khu vực sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao.
Động lực cho tăng trưởng
Vậy đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam?
Trước hết, đó chính là thái độ kiên quyết liên tục duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức thấp mấy năm qua - sự thể hiện không hề nao núng của chính sách tiền tệ trước áp lực tăng trưởng GDP và các ảnh hưởng bất lợi từ kinh tế thế giới. Những động thái này đồng thời đã phát đi tín hiệu cho giới doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về một sự bảo đảm cho môi trường kinh doanh bền vững trong dài hạn.
“Có thể nói Việt Nam đã đoạn tuyệt với tăng trưởng chạy theo số lượng và bề nổi. Thay vào đó là tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào chất lượng, năng suất và công nghệ. Kinh tế Việt Nam năm 2019 có thể đạt mức tăng như năm 2018, thậm chí cao hơn”, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh nhận định.
Nếu nhìn vào lượng FDI giải ngân trong năm qua, có thể thấy Việt Nam đã có thêm một năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,1% với kỷ lục giải ngân 19,1 tỷ USD. Đây chính là dấu hiệu cho thấy Việt Nam vẫn có sức hút nhất định trong mắt nhà đầu tư ngoại. Còn theo TS. Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam), nhiều tập đoàn lớn ở châu Á đang tính chuyện di dời sang các nước đang phát triển. Đây là cơ hội cho Việt Nam nếu duy trì tình hình vĩ mô tốt. Thêm vào đó, tín hiệu thúc đẩy đầu tư công cũng sẽ có tác dụng thúc đẩy, mở ra động lực kích thích, lan tỏa tới các ngành kinh tế khác”.
Từ trong nước, động lực lâu dài của tăng trưởng kinh tế Việt Nam là khu vực dịch vụ và nông nghiệp. Nhìn từ phía cầu tiêu dùng, thu nhập người Việt cũng không ngừng cải thiện theo thời gian. Thị trường nội địa và tiêu dùng dân cư vì vậy sẽ là sức bật mới cho tăng trưởng GDP. Việt Nam cũng còn nhiều dư địa về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, cải cách hành chính… Đây sẽ là những yếu tố tổng hòa cùng tạo nên đà tiến lên của kinh tế trong dài hạn.