Động lực tăng trưởng kinh tế và thương mại đang dịch chuyển trở lại về thị trường nội địa

Tăng trưởng về xuất khẩu và nhập khẩu của khối FDI đều giảm trong năm 2018, thấp hơn khối doanh nghiệp trong nước.

Báo cáo Thương mại Việt Nam 2018 của Khối phân tích khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán SSI (SSI Retail Research) cho thấy khối FDI có ảnh hưởng trọng yếu lên hoạt động thương mại, chiếm 70% tỷ trọng hàng xuất khẩu và 60% tỷ trọng hàng nhập.

Tuy nhiên, tăng trưởng cả hai chiều xuất và nhập khẩu của khối này đang giảm tốc rất nhanh, tương ứng chỉ tăng 12,4% và 10,8% trong năm 2018, so với mức tăng 22,9% và 26,6% trong năm 2017, và đều thấp hơn khối doanh nghiệp trong nước.

Tăng trưởng xuất khẩu điện thoại thấp kỷ lục

 

Khối FDI chịu ảnh hưởng của hai nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là Điện thoại và Máy vi tính, chiếm tỷ trọng tương ứng 28,6% và 16,2% trong tổng giá trị xuất khẩu.

Cả hai mặt hàng này cùng thể hiện xu hướng giảm mạnh trong những tháng cuối năm. Máy vi tính và linh kiện đã tăng trưởng âm hai tháng liên tiếp khiến tăng trưởng cả năm 2018 chỉ đạt 12,5%, giảm mạnh từ mức 36,9% trong năm 2017.

Trong tháng 12, xuất khẩu điện thoại đã giảm 39,7% so với tháng 11 và giảm 26,3% so với tháng 12/2017. Tăng trưởng cả năm chỉ đạt 8,5%, mức thấp nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu mặt hàng Điện thoại từ năm 2010.

Nhập khẩu nguyên liệu đầu vào FDI giảm, trong nước tăng

Một số mặt hàng khác của khối FDI duy trì được tăng trưởng xuất khẩu tích cực như máy ảnh, máy quay phim, tăng 31,2%, máy móc, thiết bị tăng 27,4%, hàng dệt may tăng 15,1%, sắt thép 53,8% nhưng không đủ bù đắp được cho tăng trưởng chung.

Nhập khẩu của khối FDI chủ yếu là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất và xuất khẩu nên cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của xu hướng này.

Top 10 mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu bởi nhóm doanh nghiệp FDI. Ngoại trừ mặt hàng sắt thép và xăng dầu, nhóm FDI chiếm tỷ trọng vượt trội ở tất cả mặt hàng còn lại. Riêng hai mặt hàng điện thoại và máy vi tính và linh kiện có tỷ trọng hơn 90% được nhập khẩu bởi khối FDI.

Ngoài kim loại thường khác tăng 35,1%, tất cả các mặt hàng trong top nhập khẩu của khối FDI trong năm 2018 đều tăng chậm hơn 2017. Hai nhóm đầu vào quan trọng là điện thoại và linh kiện và máy móc thiết bị đều có tăng trưởng âm 5,2% và âm 7,5% trong năm 2018.

Trái lại, nhập khẩu của khu vực trong nước lại tăng trưởng khá tích cực với mức tăng 16,4%. Nhiều mặt hàng chính có mức tăng trên 20% như vải, chất dẻo nguyên liệu, máy vi tính và linh kiện, máy ảnh máy quay phim, kim loại thường khác do cả nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước đều có sự cải thiện.

Nhập khẩu dầu thô tăng gấp 6 lần đạt 2,7 tỷ USD cùng với việc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong khi nhập khẩu Xăng dầu chỉ tăng 8,8% (2017 tăng 38,6%).

Nhập khẩu Dược phẩm giảm 1% nhờ chính sách ưu tiên sản phẩm sản xuất trong nước.

Nhập khẩu ô tô giảm mạnh trong năm nay do tâm lý chờ đợi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực đưa thuế nhập khẩu ô tô từ 30% về 0% nếu đủ điều kiện tỷ lệ nội địa hóa đạt 40%. Để được áp dụng mức thuế 0%, các lô hàng cần thời gian để kiểm định và hoàn thành các thủ tục cần thiết, nên đến nửa cuối năm nhập khẩu mới phục hồi.

Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dù giảm 20,2% so với năm trước, nhưng riêng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ lại tăng 38,8% với 9/10 trong số này (48.000 chiếc) được nhập khẩu từ ASEAN.

Điểm sáng xuất khẩu trong nước

Xuất khẩu của khối trong nước tuy tăng chậm hơn năm 2017 nhưng vẫn cao hơn khối FDI, đạt 15,4%, kéo tăng trưởng chung đạt 13,2%. Xuất khẩu dệt may là điểm sáng khi nhóm hàng này tiếp tục duy trì mức tăng khá ổn định 16,5%, so với mức tăng 9,6% năm 2017. Đây là nhóm hàng có sự tham gia của cả hai khối FDI và khối trong nước với tỷ trọng 60% - 40%. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước đang thể hiện sự tăng trưởng rõ rệt với mức tăng 18,8%, gấp đôi tốc độ tăng 9,2% của năm 2017.

Trong năm 2018, xuất khẩu của hai khối và nhập khẩu của khối FDI đều giảm tốc do chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của cầu thế giới. Riêng nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng từ mức 13,1% trong năm 2017 lên 16,4% trong năm 2018 cho thấy cầu trong nước vẫn được duy trì.

"Động lực tăng trưởng kinh tế và thương mại đang dịch chuyển trở lại về thị trường nội địa với kỳ vọng vào nội lực mạnh mẽ cả trong tình huống kinh tế toàn cầu có nhiều biến động", báo cáo của SSI Retail Research nhận định.

IDC: Thị trường smartphone có thể phục hồi năm 2019

Theo IDC, doanh số smartphone toàn cầu đã giảm 6% trong quý III/2018 về mức 355 triệu chiếc, với 4 quý tăng trưởng âm liên tiếp thị trường đã rơi vào suy thoái. Ước tính thị trường smartphone giảm lần đầu tiên trong năm 2018, sau khi tăng trưởng ở mức bình quân 16% trong 5 năm trước đó. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc (30% sản lượng toàn cầu) ước tính giảm 8,8% trong năm 2018.

Không chỉ Samsung có doanh thu mảng điện thoại sụt giảm (13,4% trong quý III/2018), triển vọng với các hãng sản xuất lớn như Apple, LG, Sony cũng không mấy sáng sủa khi thị trường smartphone toàn cầu suy yếu. Tuy nhiên, IDC dự báo thị trường smartphone có thể phục hồi lấy lại tăng trưởng nhẹ trong năm 2019.