Hãng tin Bloomberg cho biết, theo khảo sát của hãng SGS SA (Thụy Sĩ) tiến hành tại 6 bang của Ấn Độ, sản lượng đường của Ấn Độ có thể đạt 24,42 triệu tấn trong niên vụ 2013/14. Theo Hiệp hội mía đường Ấn Độ (ISMA), sản lượng đường của Ấn Độ trong niên vụ 2013/14 có thể đạt 25 triệu tấn, lượng tiêu thụ đạt 23,5 triệu tấn. ISMA cho biết, ước tính sản lượng đường của Ấn Độ trong niên vụ 2012/13 đã giảm 4,7% so với năm trước xuống còn 25,1 triệu tấn.
Ông Charlotte Kingsman, chuyên gia phân tích tại Kingsman – thuộc tập đoàn McGrawHill Financial Inc. nhận đinh: “Mức dư cung đường tại Ấn Độ hiện đang kìm giữ giá đường thế giới. Nếu như sản lượng đường tại Ấn Độ giảm thấp hơn nữa, giá đường thế giới sẽ tăng lên. Nếu như sản lượng đường của Ấn Độ rơi vào khoảng 22 đến 23 triệu tấn , về mặt lý thuyết, mức sản lượng này sẽ đủ đáp ứng nhu cầu nội địa Ấn Độ, đặc biệt là trong khi mức dự trữ đường đầu niên vụ của Ấn Độ ở mức cao.”
Tính từ đầu năm đến nay, giá đường đã giảm 9,5% xuống còn 17,65 cents/pound (0,454 kg) trên sàn ICE Futures U.S trong ngày 19/11. Chỉ số Standard & Poor’s Agriculture Index, đo lường mức biến động giá của 8 loại hàng hóa nông sản, cũng đã sụt giảm 20% trong năm nay.
Dự trữ tăng
Theo ISMA, lượng đường dự trữ tại Ấn Độ đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 5 năm với 8,85 triệu tấn vào đầu niên vụ 2013/14, lượng đường dự trữ này đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong vòng 4 tháng của Ấn Độ. ISMA ước tính, lượng đường dự trữ của Ấn Độ có thể tăng lên mức 10 triệu tấn vào cuối niên vụ 2013/14 nếu như Ấn Độ không xuất khẩu được đường.
Khảo sát của SGS cho biết, nông dân Ấn Độ có thể thu hoạch được 364,7 triệu tấn mía trong niên vụ 2013/14, tăng 7,6% so với niên vụ trước. Khoảng 64,5% lượng mía sẽ được ép để sản xuất đường, lượng mía còn lại sẽ được sử dụng làm thức ăn nuôi gia súc, và lấy giống gieo trồng, theo SGS.
Diện tích gieo trồng
Ông Mark Outlon, giám đốc marketing tại SGS cho biết, dự báo sản lượng đường tại bang Uttar Pradesh sẽ không đổi và sản lượng mía tại bang Maharashtra giảm 4%. Sự suy giảm sản lượng tại bang Tamil Nadu sẽ được bù lại bằng sự gia tăng diện tích gieo trồng tại bang Karnataka và Gujarat.
Diện tích gieo trồng mía của nông dân Ấn Độ trong niên vụ
2013/14 đã tăng 4,2%, năng suất mía có khả năng tăng 3,26% - theo khảo sát của
SGS.
Các khu vực gieo trồng mía chính tại hai bang Uttar Pradesh và Maharashtra, hai bang trồng mía lớn nhất Ấn Độ, đã nhận được lượng mưa trong mùa mưa cao nhất kể từ năm 1994. Tuy nhiên, điều này đã làm gia tăng dịch bệnh trên cây mía và côn trùng tấn công mùa màng, vụ mùa còn chịu tác động từ mưa lớn và lũ, do đó năng suất mía có thể sụt giảm.
Sản lượng mía tại bang Maharashtra, bang sản xuất đường lớn nhất của Ấn Độ, có thể giảm 4% do diện tích gieo trồng mía bị thu hẹp sau đợt hạn hán vào năm 2012.
Ngược lại, khảo sát của SGS cho thấy, tỷ lệ diện tích gieo trồng mía có điều kiện phát triển bình thường tại bang Gujarat đã tăng vọt lên mức 61% trong năm nay so với mức 48% trong năm ngoái; tỷ lệ này tại bang Karnataka cũng đã tăng mạnh từ 27% lên mức 42% trong năm nay. SGS cho biết, nhờ lượng mưa tốt nên dự kiến năng suất mía đường tại bang Karnataka, Gujarat và Maharashtra sẽ tăng so với niên vụ trước.
Dư cung đường
Theo một báo cáo của ISO đưa ra vào ngày 15/11, sản lượng đường trên toàn cầu được dự báo sẽ vượt nhu cầu sử dụng 4,73 triệu tấn trong niên vụ 2013/14. Sản lượng đường toàn cầu được ISO dự báo sẽ đạt 181,5 triệu tấn, thấp hơn 1,2% so với mức sản lượng của niên vụ trước. Đây là lần đầu tiên sản lượng đường toàn cầu giảm xuống kể từ niên vụ 2008/09. Trong khi đó, mức tiêu thụ đường trên toàn cầu được dự báo đạt 176,75 triệu tấn, tăng 2,2% so với mức tiêu thụ của niên vụ trước.
ISO cho biết, với mức dư cung đường trong niên vụ 2013/14 chỉ đạt 4,73 triệu tấn, lương đường dư thừa trên toàn cầu đang giảm xuống so với mức kỷ lục 10 triệu tấn trong niên vụ 2012/13. Niên vụ 2013/14 sẽ là niên vụ thứ tư liên tiếp thị trường đường toàn cầu rơi vào tình trạng dư cung. ISO dự báo sản lượng đường trên toàn cầu trong niên vụ 2014/15 có thể giảm xuống tiếp còn 2 đến 3 triệu tấn, qua đó cho thấy tình trạng dư thừa đường trên toàn cầu có thể kết thúc sau niên vụ 2014/15.
Theo ISO, hiện có ba yếu tố chính vẫn khiến tình trạng dư thừa đường xuất hiện: 1) dự báo sản lượng đường cao hơn mức tiêu thụ; 2) lượng đường có khả năng xuất khẩu cao hơn nhu cầu nhập khẩu; 3) tỷ lệ dự trữ/tiêu thụ ở mức cao.
Việc sản lượng đường của Ấn Độ sụt giảm liên tiếp trong 2 niên vụ có thể giúp giảm mức dư thừa đường trên toàn cầu xuống. Giá đường giao tương lai tại thị trường New York đã giảm mạnh 51% so với mức cao nhất trong vòng 30 năm được xác lập vào tháng 2/2011 do nông dân trên toàn cầu gia tăng diện tích trồng mía. Giá đường hiện đang hướng đến năm giảm giá thứ ba liên tiếp – chuỗi giảm giá kéo dài nhất kể từ năm 1992.
Giá đường sau khi sụt giảm 5 quý liên tiếp tính đến tháng 6/2013, đã phục hồi tăng trở lại được 7,2% trong quý III/2013.