TÓM TẮT:
Quần đảo Cát Bà có nhiều lợi thế về đa dạng sinh học, mỹ học, cấu trúc địa chất, địa mạo và di chỉ khảo cổ học. Nghị quyết số 16 - NQ/TW của Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cát Hải lần thứ XI cũng xác định “Xây dựng Cát Bà trở thành một trung tâm du lịch sinh thái rừng - núi - biển - đảo của cả nước và quốc tế...”. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, du lịch Cát Bà sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất là về năng lực phát triển, khi điểm xuất phát của du lịch Cát Bà còn thấp và trong bối cảnh cạnh tranh giữa các điểm đến du lịch ngày càng gay gắt. Bài viết đề cập tới những nội dung về tài nguyên du lịch tại Cát Bà, đánh giá thực trạng phát triển du lịch, và đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch Cát Bà trong thời gian tới một cách bền vững.
Từ khóa: Quần đảo Cát Bà, phát triển du lịch, bền vững.
1. Tài nguyên phát triển du lịch tại Cát Bà
Quần đảo Cát Bà có những giá trị đặc biệt về tài nguyên du lịch sinh thái như: hệ sinh thái biển, rừng nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, hệ thống hang động núi đá vôi. Địa hình Cát Bà rất đa dạng, chủ yếu là núi đá vôi có độ cao trung bình 150m, được đánh giá là nơi hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam. Đồng thời, Cát Bà là nơi lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ học có giá trị, tiêu biểu nhất là di chỉ Cái Bèo.
Cát Bà nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của đại dương chịu sự chi phối trực tiếp của biển và phân hóa tiểu khí hậu khu vực bến bãi ven biển.
Ven bờ biển trên đảo thuộc quần đảo Cát Bà có thềm san hô bao quanh. Các rạn san hô vùng biển Đông - Nam đảo kéo dài đến Hang Trai - Đầu Bê, tập trung nhiều ở các đảo Áng Thảm, Cát Dứa, Mũi Hồng, Ba Trái Đào, cụm đảo Đầu Bê - Hang Trai, Long Châu... Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện 193 loài thuộc lớp san hô ở vùng biển Cát Bà. Các rạn san hô kiểu ven bờ, về cấu tạo được chia thành 4 đới: Đới ven bờ; Đới mặt rạn; Đới sườn rạn; Đới thềm chân rạn. Từ đó cho thấy, tiềm năng du lịch lặn biển tại Cát Bà là rất lớn.
Quần đảo Cát Bà có vị thế đặc biệt đã được quốc gia, quốc tế công nhận 10 danh hiệu: Vườn Quốc gia năm 1986; Khu Dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004; Phòng thí nghiệm học tập về phát triển bền vững đầu tiên trên thế giới năm 2009; Khu Bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế năm 2010; Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2012; Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013; Đề cử Công viên địa chất toàn cầu Geopark năm 2007; Đề cử Di sản thiên nhiên thế giới năm 2011 và năm 2016; Khu vực biển nhạy cảm có tầm quan trọng quốc tế PSSA năm 2015; Tiềm năng Công viên Di sản ASEAN năm 2015...
2. Thực trạng du lịch tại Cát Bà
2.1. Một số kết quả du lịch tại Cát Bà
+ Số lượt du khách tới Cát Bà đều tăng qua các năm, dao động từ 1.327.000 tới 1.568.000 lượt khách/năm, chiếm tỷ trọng trên tổng lượt khách du lịch tại Hải Phòng dao động từ 26,5% tới 29,6%.
+ Số lượt khách quốc tế tới Cát Bà đều tăng qua các năm dao động từ 320.000 tới 352.000 lượt khách/năm, chiếm tỷ trọng trong tổng lượt khách du lịch tại Cát Bà dao động từ 22,5% tới 25,6%.
+ Doanh thu du lịch tại Cát Bà có xu hướng tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng trong tổng doanh thu của du lịch Hải Phòng dao động từ 28,5% tới 35,5%.
+ Doanh thu bình quân từ một lượt khách du lịch Cát Bà dao động từ 442.351 đồng tới 490.433 đồng.
Từ đó cho thấy doanh thu du lịch tại trọng điểm du lịch Cát Bà chưa cao, tỷ trọng khách du lịch quốc tế thấp, doanh thu bình quân của một lượt khách nghỉ tại Cát Bà quá thấp. Du lịch Cát Bà chưa khai thác được hết những tiềm năng thế mạnh, chưa trở thành trọng điểm du lịch của Thành phố Hải Phòng.
2.2. Thực trạng cơ sở vật chất và nhân lực du lịch Cát Bà
+ Đến năm 2016, Cát Bà hiện có 178 cơ sở lưu trú bao gồm 102 khách sạn các loại và 76 nhà nghỉ.
+ Cát Bà có 66 nhà hàng phục vụ ăn uống trong đó gồm 13 bè nổi tại khu vực thị trấn Cát Bà. Ngoài ra còn các nhà hàng tại 8 khu du lịch nghỉ dưỡng biển cũng như tại các điểm du lịch cộng đồng và Khu hành chính của VQG Cát Bà.
+ Ô tô chở khách tại Cát Bà có các loại từ 12 chỗ - 45 chỗ, có một hãng taxi đang hoạt động với 10 chiếc xe loại 4 - 7 chỗ. Ngoài ra còn có 50 xe điện chuyên trở khách du lịch từ khu du lịch ra các bãi tắm và ngược lại...
+ Các cơ sở cung ứng dịch vụ mua sắm chủ yếu tập trung tại khu hàng lưu niệm Cát Bà với hơn 60 cửa hàng, gian hàng và chợ thị trấn Cát Bà.
+ Tổng số lao động trong phục vụ du lịch trên địa bàn đạt 4.000 người.
2.3. Thực trạng sản phẩm du lịch tại Cát Bà
Các nhóm sản phẩm du lịch hiện nay ở Cát Bà chủ yếu bao gồm:
- Nhóm sản phẩm du lịch tham quan:
Tham quan cảnh quan rừng chủ yếu trong khu vực VQG; Tham quan cảnh quan biển đảo chủ yếu ở khu vực vịnh Lan Hạ, vụng Việt Hải, vụng Tùng Gấu, khu cửa Cái và quần đảo Long Châu; Tham quan các hang động: Trung Trang, hang Quân Y, động Thiên Long, động Hoa Cương, hang Quả Vàng; Tham quan các di tích lịch sử - văn hóa trên đảo (Pháo đài Thần công, di chỉ Cái Bèo, Thành nhà Mạc...); Tham quan một số điểm nuôi trồng thủy sản ở các bè cá khu vực Cái Bèo, vịnh Lan Hạ.
- Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái:
+ Trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập nước trên địa hình núi đá vôi ở Ao Ếch, trên hành trình tuyến tracking Vườn Quốc gia Cát Bà - Việt Hải; Trải nghiệm hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi: tham quan rừng Kim Giao; Đỉnh Cao Vọng , Đỉnh Mây Bầu và một số tuyến tracking; Trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập mặn Phù Long; Quan sát Voọc Cát Bà hiện nay chủ yếu phục vụ phân khúc thị trường rất hẹp là các nhà nghiên cứu, các nhà bảo tồn; Lặn biển ngắm san hô quanh một số đảo nhỏ ở khu vực hòn Tai Kéo, hòn Ba Rang... trong khu bảo tồn biển Cát Bà.
- Nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng:
+ Tham quan phương thức nuôi trồng thủy, hải sản, trải nghiệm cuộc sống người dân và thưởng thức ẩm thực địa phương ở Phù Long; Tham quan phương thức nuôi thủy sản trên các nhà bè, trải nghiệm ẩm thực hải sản ở khu vực vịnh Cát Bà; Tham quan cuộc sống cộng đồng và tìm hiểu phương thức lao động, sản xuất (trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật) ở Gia Luận; Tham quan cuộc sống cộng đồng và tìm hiểu phương thức canh tác nông nghiệp trồng lúa, trồng rau của cộng đồng ở Việt Hải; Ở tại nhà dân tại Phù Long, Việt Hải.
- Nhóm sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm: Leo vách núi tại khu vực Việt Hải và trên một số đảo nhỏ ở vịnh Lan Hạ; Lặn biển ở khu vực hòn Tai Kéo, Ba Rang...; Chèo thuyền Kayak ở Vinh Lan Hạ.
- Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng:
Cát Bà là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh, có thể khai thác các dịch vụ như chèo thuyền Kayak, bóng chuyền bãi biển, câu cá... Cho đến nay, các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp còn chưa nhiều, quy mô hạn chế.
- Nhóm sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa:
Tại địa phương có nhiều sự kiện tín ngưỡng, văn hóa, lễ hội đã và đang thu hút đông đảo du khách và nhân dân địa phương tham gia, góp phần cho ngành Du lịch của huyện, như: Lễ hội ngày Bác Hồ về thăm Làng cá Cát Bà - Cát Hải, Lễ cầu Ngư (31- 3 dương lịch); Lễ hội cầu tài cầu lộc đầu năm Đền Hiền Hào (12-1 âm lịch)… Tuy nhiên, quy mô lễ hội không lớn. Bên cạnh đó, không có khu vui chơi giải trí tổng hợp có quy mô lớn đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách, đây là một trong những nguyên nhân không giữ được khách lưu lại dài ngày.
2.4. Đầu tư phát triển du lịch tại Cát Bà
Trên địa bàn huyện Cát Hải hiện có tổng số 47 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, trong đó: 17 Dự án Thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư, 06 dự án mô hình thí điểm liên doanh giữa Trung tâm dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường của Vườn Quốc gia Cát Bà với các nhà đầu tư, 24 Dự án do huyện chấp thuận đầu tư. Tại Cát Bà, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất lên đến 85,37%, nguồn vốn địa phương quản lý là 3,3%; nguồn vốn thành phố đầu tư là 10,13% và do Trung ương đầu tư là 1,2% tổng nguồn vốn có tại địa phương. Phần lớn quy mô các dự án không lớn, chưa có tính đột phá, cơ sở hạ tầng du lịch biển chưa phát triển đồng bộ và chưa theo kịp xu thế thời đại, không có khách sạn nào có buồng nguyên thủ, buồng suite có số lượng hạn chế. Đây là yếu tố khiến du lịch Cát Bà bị hạn chế sức hút đối với khách cao cấp, bỏ lỡ các cơ hội tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế, khu vực tầm cỡ. Hơn nữa, số lượng khách sạn từ 3 sao trở lên trong tổng số cơ sở lưu trú quá thấp.
3. Một số giải pháp phát triển du lịch Cát Bà
3.1. Phương hướng phát triển du lịch Cát Bà
Phát triển du lịch Cát Bà theo tinh thần của đề án quy hoạch tổng thể phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Thành phố, nhất là về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, đảm bảo môi trường sinh thái, đa dạng các loại hình và sản phẩm du lịch, thu hút đầu tư, tăng nhanh tỷ trọng du lịch trong tổng GDP của Thành phố; tạo việc làm, nâng cao dân trí; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và đặc thù văn hóa địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành và toàn dân phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
3.2. Mục tiêu phát triển du lịch Cát Bà
+ Xây dựng đảo Cát Bà theo mô hình đảo sinh thái, thông minh, không có khí thải của phương tiện cơ giới, trở thành khu du lịch quốc tế.
+ Phấn đấu đến năm 2025: Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; Cát Bà trở thành khu du lịch quốc tế.
+ Phấn đấu đến năm 2030: Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước; Khu Du lịch Cát Bà, Đồ Sơn có khả năng cạnh tranh trong khu vực, quốc tế.
3.3. Một số giải pháp phát triển du lịch Cát Bà trong thời gian tới
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.
+ Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi cho du lịch.
+ Thực hiện chuẩn hóa các hoạt động vận chuyển, hướng dẫn viên, các điểm mua sắm hàng lưu niệm… Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã trên đảo.
+ Phối hợp hành động có hiệu quả liên ngành và liên vùng trong việc thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch bền vững dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ủy ban nhân dân Thành phố để giải quyết những vấn đề có liên quan đến quản lý phát triển du lịch như: đầu tư phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm...
+ Tăng cường quản lý, bảo vệ các các giá trị về sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan, văn hóa truyền thống và các di tích lịch sử cách mạng trên quần đảo Cát Bà.
- Cơ chế chính sách huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.
+ Huy động mọi nguồn vốn để giải quyết về nhu cầu đầu tư, đảm bảo nhu cầu tài chính cho việc thực hiện thành công các chiến lược đã xác định trong quy hoạch phát triển bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
+ Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh với nước ngoài. Với nguồn vốn này cần ưu tiên cho các nhà đầu tư có tiềm lực để đầu tư xây dựng các dự án du lịch trọng điểm đã được xác định trong quy hoạch trên địa bàn quần đảo Cát Bà.
+ Khuyến khích, ưu đãi, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về du lịch nhằm huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các tổ chức để phát triển đa dạng thị trường du lịch.
- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và kỹ thuật du lịch
+ Tập trung nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất du lịch có chất lượng; chú trọng xây dựng các khách sạn cao cấp, khu đô thị hiện đại, các điểm vui chơi giải trí hấp dẫn và tạo nhiều sản phẩm du lịch độc đáo mang đặc trưng riêng của du lịch vùng biển đảo; ưu tiên phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng sinh thái.
+ Nâng cao chất lượng phục vụ tại các khu, các điểm du lịch, trong các khách sạn, nhà hàng, hoạt động lữ hành, hướng dẫn, vận chuyển khách du lịch; đa dạng hóa các dịch vụ lưu trú, các tour, tuyến, loại hình du lịch, hàng lưu niệm; gắn với việc giáo dục đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ văn minh lịch thiệp trong phục vụ du lịch.
- Bảo vệ tài nguyên, môi trường
+ Tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường khu trung tâm du lịch, nhà chờ đón khách, nhà vệ sinh công cộng. Gắn nhiệm vụ bảo vệ môi trường với các hoạt động đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn quần đảo Cát Bà, đặc biệt trong công tác quy hoạch phát triển các điểm, tua, tuyến du lịch, dịch vụ cụ thể với việc thực hiện đánh giá tác động môi trường.
+ Cắt giảm số lượng lồng bè ở khu vực này xuống còn khoảng 10 bè và chia làm hai cụm để kết hợp giữa nuôi thủy sản với phục vụ nhu cầu tham quan du lịch. Di dời những lồng bè nuôi thủy sản ở vịnh Lan Hạ đến khu vực phía Đông dẫy đảo Cát Dứa, hòn Thảm, Trống Dùi nơi có hoạt động trao đổi nước vịnh với biển khơi mạnh.
+ Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng, thu hút người dân tham gia quản lý, bảo vệ di sản tài nguyên thiên nhiên quần đảo Cát Bà.
+ Khuyến khích ứng dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng, nước sạch và tái sử dụng chất thải trong các cơ sở dịch vụ du lịch, hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm với môi trường.
- Quảng bá xúc tiến, liên kết phát triển du lịch
+ Cung cấp thông tin du lịch, tổ chức các sự kiện, chương trình quảng bá du lịch, xuất bản ấn phẩm, website du lịch phong phú.
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, thông tin đối ngoại, đặt các văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế, đặc biệt của UNESCO để xúc tiến quảng bá du lịch Cát Bà hướng mạnh vào các thị trường châu Âu và những thị trường tiềm năng châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
- Phát triển nguồn nhân lực
+ Phối hợp với Sở Du lịch, các trường nghề thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và những người lao động phục vụ trong ngành Du lịch; đồng thời gắn việc đào tạo với việc đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi với các tỉnh bạn.
+ Khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ hoạt động phát triển du lịch ở quần đảo Cát Bà.
- Ứng phó với biến đổi khí hậu
+ Tăng cường năng lực quản lý “sức chứa” đối với các khu, điểm du lịch trên đảo trên cơ sở định hướng chung về tổ chức không gian du lịch theo sức chứa.
+ Khuyến khích áp dụng mô hình Giảm thiểu chất thải - Tái sử dụng chất thải - Tái chế chất thải (3R: Reduce - Reuse - Recycle). Tăng cường trồng cây ở các khu, điểm du lịch góp phần làm tăng sức hấp dẫn của cảnh quan, môi trường du lịch và góp phần làm tăng diện tích lớp phủ thực vật ở trên đảo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nghị quyết số 20/2006/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hải Phòng về Đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010, định hướng 2020.
2. Xây dựng và phát triển huyện đảo Cát Hải đến năm 2020, Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng (2004).
3. Quyết định 2732/QĐ-UBND ngày 05/12/201 về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025.
4. Quyết định số 2501/QĐ-UBND ngày 14/11/2014 về Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng đến năm 2020.
TS. NGUYỄN HOÀI NAM (Trường Đại học Hải Phòng)
CAT BA TOURISM: SITUATION AND SOLUTIONS
PhD. NGUYEN HOAI NAM
Hai Phong University
ABSTRACT:
Cat Ba Islands have many advantages in terms of biodiversity, aesthetics, geological structure, geomorphology and archaeological sites. Resolution No. 16 - NQ/TW of the Standing Committee of Hai Phong Party Committee, the Resolution of the 11th Party Congress of Cat Hai district has chosen Cat Ba to become center of forest - mountain - sea - island of the country and the region. However, beside the advantages and opportunities, Cat Ba tourism faces many difficulties and challenges, especially in terms of development capacity, when the starting point of Cat Ba tourism is low due to the competition between tourist destinations is increasingly acute. The article discusses the content of tourism resources in Cat Ba, assess the current status of tourism development, and proposes some solutions to develop tourism Cat Ba in the future in a sustainable way.
Keywords: Cat Ba Island, tourism development, sustainable.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây