“Đứng tên giùm” trong hoạt động đầu tư kinh doanh, “đứng tên giùm” để thành lập doanh nghiệp, làm người đại diện theo pháp luật - rủi ro và trách nhiệm pháp lý

ThS. Luật sư. BÙI THỊ TÂM (Giảng viên Bộ môn Luật - Khoa Kinh tế Quản trị, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng)

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, số lượng các công ty được thành lập và hoạt động cũng ngày càng nhiều hơn. Một hiện tượng cũng xuất hiện ngày càng phổ biến đó là hiện tượng đứng tên giùm trong hoạt động đầu tư kinh doanh, đứng tên giùm để thành lập doanh nghiệp (DN), làm người đại diện theo pháp luật. Vì những lợi ích trước mắt mà rất nhiều người chưa nhận thấy được những rủi ro và trách nhiệm pháp lý đứng đằng sau những “khoản tiền được trả công”. Bài viết này đề cập đến những rủi ro và trách nhiệm pháp lý khi đứng giùm tên trong hoạt động đầu tư kinh doanh, trong thành lập DN, hoặc người đại diện theo pháp luật.

Từ khóa: đứng tên giùm, rủi ro và trách nhiệm pháp lý, đứng giùm tên công ty.

1. Đặt vấn đề

          Tình trạng mượn tên người khác làm đại diện theo pháp luật để đăng ký thành lập DN rất phổ biến, một phần là vì thủ tục đăng ký thành lập DN chưa được siết chặt về nội dung trong hồ sơ thành lập DN; một phần do người cho mượn danh không hiểu hoặc chưa hiểu hết được rủi ro tiềm ẩn của việc cho mượn danh để làm đại diện pháp luật. Không ít cá nhân sẵn sàng đứng tên giùm người khác để đăng ký thành lập, quản lý DN, làm người đại diện theo pháp luật, với những lý do hết sức đơn giản: như: Nhận được một khoản tiền nào đó từ người nhờ; do được sự nhờ cậy của bạn bè, người thân; do thiếu hiểu biết pháp luật,…

2. Hiểu thế nào là “đứng tên giùm” trong hoạt động đầu tư kinh doanh, đứng tên giùm để thành lập DN, làm người đại diện theo pháp luật?

Nhiều người muốn thành lập công ty nhưng do thuộc các trường hợp bị cấm, nên họ không thể thành lập công ty [3, K2 Đ17]. Vì vậy, giải pháp được họ lựa chọn là nhờ người khác đứng tên giùm. Pháp luật hiện hành không có quy định nào đề cập về khái niệm giao dịch “đứng tên giùm”. Nếu xét hành vi này theo Điều 116 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Đối chiếu với quy định này, ta xác định được rằng: việc “đứng tên giùm” chính là một loại giao dịch dân sự. Trong quan hệ này có 2 bên tham gia chính là chủ thể thực hiện giao dịch dân sự. Các bên thỏa thuận với nhau về việc một bên đứng tên trên giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho bên kia là đã làm phát sinh, thay đổi quyền, nghĩa vụ dân sự.

Như vậy, việc “đứng tên giùm” được coi là một giao dịch dân sự. Liệu giao dịch này có đảm bảo được các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự không? Xét mục đích của giao dịch “đứng tên giùm”, tác giả nhận thấy: mục đích xác lập giao dịch giùm này nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác. Đây là trường hợp giao dịch dân sự được định nghĩa là giả tạo, theo điều 124 BLDS năm 2015 thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

Trong hoạt động đầu tư kinh doanh, đứng tên giùm để thành lập DN, làm người đại diện theo pháp luật, xét về bản chấtđược coi đây là giao dịch dân sự được thiết lập giữa 2 chủ thể, với nội dung: nhờ người khác đứng tên trong việc thành lập DN, hoặc làm người đại diện theo pháp luật của DN. Đối với người đứng tên giùm, do họ phải thực hiện công việc thay cho người khác, nên thông thường sẽ được người nhờ đứng tên cho trả phí, cho hưởng một khoản lợi ích vật chất nhất định. Do đứng tên thay, về thực quyền người đứng giùm không có, họ sẽ chịu sự điều hành, quản lý từ người nhờ đứng tên. Thông thường, các bên sẽ thực hiện việc ủy quyền để chuyển giao quyền, hoạt động kinh doanh và rủi ro phát sinh. Với tư cách chỉ là người đứng tên giùm, cho nên người đại diện theo pháp luật, người chủ sở hữu trên giấy tờ của DN không thể tự mình điều hành hoạt động của DN. Mọi quyết định liên quan đến quá trình tổ chức, hoạt động của DN, mối quan hệ giữa DN với người lao động, đối tác, trách nhiệm đối với cơ quan nhà nước về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác,... đều chịu sự chỉ đạo, điều hành của người chủ thực sự. Mặc dù vậy, các giấy tờ, văn bản liên quan đến quá trình hoạt động của DN đều có chữ ký và đóng dấu của người được nhờ đứng tên và dưới góc độ pháp lý họ phải chịu trách nhiệm về những hành động, quyết định của mình. Trong một vài trường hợp không may, chẳng hạn khi công ty kinh doanh thua lỗ, trốn thuế hoặc có hoạt động lừa đảo, kinh doanh trái phép, ngoài số tiền phạt rất lớn, còn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cho dù có chứng minh được mình chỉ là người đứng tên giùm thì cũng khó trách khỏi việc bị liên đới chịu trách nhiệm.

Ở đây cũng cần phải hiểu rõ người đại diện theo pháp luật của DN là người bị pháp luật quy trách nhiệm giao phó những trách nhiệm pháp lý từ loại nhỏ nhất cho đến loại lớn nhất của DN. Người đại diện của DN là người đứng đầu pháp nhân. Người đại diện theo pháp luật của DN phải được ghi nhận trong Điều lệ, đồng thời phải được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN. Người đại diện theo pháp luật của DN có thể là Chủ tịch, hoặc Giám đốc, hay Tổng Giám đốc, Luật DN năm 2020 đã quy định rõ chức danh cụ thể với từng loại hình DN.

Trong thực tế, người đại diện theo pháp luật có quyền đại diện cho DN về cả đối nội và đối ngoại. Người đại diện theo pháp luật được quyền ký kết hợp đồng, thỏa thuận, mà không cần ủy quyền hoặc chấp thuận. Trong nội bộ, người đại diện theo pháp luật quyết định các vấn đề quan trọng như việc tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh, tổ chức nhân sự, quản lý, sử dụng tài khoản, con dấu của DN.

Trong thực tế, để công việc làm ăn thuận tiện, hay vì một lý do nào đó mà chủ thực sự góp vốn đã lách luật để cho người khác đứng tên giùm. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện hành không cho phép nhờ đứng tên giùm cho người khác và những hành vi hay giao dịch kiểu như vậy là hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật. Thậm chí, đó có thể coi là “lừa dối” cơ quan quản lý nhà nước (vì không góp vốn mà vẫn đăng ký là có góp vốn, để được cấp giấy chứng nhận góp vốn). Điều đáng quan ngại hơn, hành vi đó luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn cho người bị nhờ đứng tên. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về việc xử phạt vi phạm đối với hành vi cho người khác đứng tên giùm khi thành lập DN. Tuy nhiên,  theo quy định của pháp luật, hành vi nhờ người khác đứng tên giùm DN được coi là hành vi kê khai không trung thực, không chính xác đối với hồ sơ thành lập DN tại cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, việc kê khai không trung thực, không đúng với nội dung đăng ký DN là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Do vậy, hành vi đứng tên giùm trong hoạt động đầu tư kinh doanh, đứng tên giùm để thành lập DN, làm người đại diện theo pháp luật là hành vi không được pháp luật công nhận.

3. Những rủi ro người đứng tên giùm gặp phải

Rủi ro là một sự việc không mong muốn xảy ra với con người. Nó gây ra hậu quả, để lại thiệt hại mà chúng ta không biết, không lường trước được. Khi đứng tên giùm trong DN, cá nhân sẽ phải gánh chịu những rủi ro, bao gồm:

Với tư cách pháp lý là người đại diện theo pháp luật, nên người đứng tên giùm về mặt giấy tờ sẽ là người đại diện theo pháp luật của DN đó. Vì vậy, họ sẽ phải chịu trách nhiệm của người quản lý DN, trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của DN. Chẳng hạn, quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật như thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của DN; trung thành với lợi ích của DN; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của DN, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của DN để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho DN về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các DN khác. Nếu vi phạm những trách nhiệm này, người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại của DN và được nhìn nhận theo 3 phương diện:

Một là, rủi ro phải chịu trách nhiệm về các khoản lỗ, nợ thuế của công ty do người đứng tên là chủ sở hữu công ty, thành viên, cổ đông góp vốn công ty.

Hai là, rủi ro phải chịu trách nhiệm liên đới với các sai phạm từ những giao dịch, hoạt động phi pháp của công ty.

Ba là, rủi ro về việc công ty không thể chấm dứt sự tồn tại khi việc đứng tên kết thúc, bởi: Công ty không thể hoàn thành việc quyết toán thuế TNCN của người nước ngoài do không kê khai thu nhập ở nước ngoài; Người nước ngoài không chi trả các khoản tiền để hoàn thành nghĩa vụ về bảo hiểm, hoàn thiện sổ sách kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tùy loại hình DN mà rủi ro tài chính có thể gặp phải sẽ khác nhau, như: Một số loại hình DN như công ty tư nhân yêu cầu người đứng tên giùm phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình. Nếutrong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ DN phải chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ của công ty,...

4. Trách nhiệm pháp lý khi đứng tên giùm

Trách nhiệm pháp lý là hậu quả bất lợi mà chủ thể pháp luật phải gánh chịu do pháp luật quy định vì hành vi vi phạm pháp luật của mình (hoặc của người mà mình bảo lãnh hoặc giám hộ). Khác với các loại hình trách nhiệm khác, trách nhiệm pháp lý luôn gắn liền với sự cưỡng chế nhà nước, với việc áp dụng chế tài do pháp luật quy định. Khi đứng tên giùm trong hoạt động đầu tư kinh doanh, đứng tên giùm để thành lập DN, làm người đại diện theo pháp luật, cá nhân có thể phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý, bao gồm:

Thứ nhất, khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mối quan hệ giữa người đại diện pháp luật DN với DN là mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau. DN thực hiện giao dịch thông qua đại diện là người đại diện hợp pháp của mình. Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự không xem việc một người nhờ người khác đứng tên giùm, làm người đại diện theo pháp luật giùm là tội phạm. Những sự việc bị xử lý vi phạm hình sự đến người đứng tên giùm, chỉ liên quan đến hành vi vi phạm khi xâm phạm các khách thể mà pháp luật hình sự, là những hành vi khi thực hiện công việc, chứ không phải là hành vi “đứng tên giùm”. Pháp nhân thương mại có thể chịu trách nhiệm hình sự với các tội danh, như: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm,… Mặc dù Bộ luật Hình sự chỉ quy định việc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại, nhưng: “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”[2, K2 Đ75]. Do vậy, nếu có xảy ra hành vi vi phạm, thì người đứng tên giùm cũng phải gánh chịu những rủi ro về pháp lý mà không có loại trừ trách nhiệm của cá nhân. Trong khi đó, với những người nhờ đứng tên giùm, nếu không có bằng chứng, chứng cứ nào khác về mặt pháp lý, họ không được ghi nhận là chủ sở hữu, thành viên hay cổ đông của Công ty. Vậy nên, khi có rủi ro phát sinh, rất khó để xử lý các hành vi vi phạm của những cá nhân này, mặc dù trên thực tế họ chính là người đầu tư vào DN.

Thứ hai, khả năng bị khởi kiện dân sự: bao gồm buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm. Thường gặp nhất là trách nhiệm bồi thường thiệt hại về kinh tế. Hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Cá nhân đứng tên giùm là người thay mặt DN để thực hiện các hành vi thương mại. Do vậy, khi có thiệt hại xảy ra do hành vi trái pháp luật của DN, có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã xảy ra,  người gây ra thiệt hại có lỗi thì người đứng tên giùm phải chịu trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.

Thứ ba, khả năng bị xử pháp vi phạm hành chính: trách nhiệm hành chính là loại trách nhiệm pháp lý do các cơ quan nhà nước áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật hành chính. Trách nhiệm pháp lý hành chính gồm khiển trách, cảnh cáo, phạt tiền, cách chức, buộc thôi việc,...

Khoản 3 Điều 8 Luật DN năm 2020 quy định: DN có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký DN và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ, thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó. Theo Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định tại Điều 43, vi phạm về kê khai hồ sơ đăng ký DN: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký DN, hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký DN.

So với Nghị đinh số 50/NĐ-CP ngày 01/6/2016, hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đã được tăng lên từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Do đó, hành vi nhờ người khác đứng tên giùm, trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì chỉ có thể xử lý về mặt hành chính với việc kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ khi đăng ký kinh doanh. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đó là: buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin DN đã kê khai không trung thực, không chính xác.

Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro và có khả năng phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý nêu trên, nhưng những hoạt động liên quan đến việc đứng tên giùm vẫn diễn ra thường xuyên trong thực tế. Bởi lẽ nhu cầu, mục đích vẫn luôn hiện hữu, và việc phát hiện rất khó khăn, cũng như chế tài xử lý không đủ mạnh.

So với lợi ích và mục đích mà các bên đã thỏa thuận, dường như mức phạt mà pháp luật đang quy định còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, việc phát hiện kê khai không trung thực rất khó bị phát hiện. Nếu các bên “đồng thuận”, không có tranh chấp, hoặc không bị cơ quan chức năng xử lý gián tiếp thì không phát hiện được.

5. Giải pháp nhằm hạn chế tình trạng nhờ người đứng tên giùm hoạt động đầu tư kinh doanh, đứng tên giùm để thành lập DN, làm người đại diện theo pháp luật

Để hạn chế tình trạng nhờ người đứng tên giùm đầu tư kinh doanh, đứng tên giùm để thành lập DN, làm người đại diện theo pháp luật,  cần thực hiện các giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, để nâng cao nhận thức về việc rủi ro và trách nhiệm pháp lý trong việc nhờ người đứng tên giùm hoạt động đầu tư kinh doanh, đứng tên giùm để thành lập DN, làm người đại diện theo pháp luật, biện pháp quan trọng nhất là cần đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin khuyến cáo về hiện trạng này, giúp người dân nâng cao nhận thức, tránh gặp phải những rắc rối, trách nhiệm pháp lý phải gánh chịu do hành vi đứng tên giùm trong hoạt động đầu tư kinh doanh, đứng tên giùm để thành lập DN, làm người đại diện theo pháp luật. Đối tượng tuyên truyền cần hướng tới mọi người dân, đặc biệt là những người lao động do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Các nội dung tuyên truyền chủ yếu từ những quy định của Luật DN, BLDS, Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan, những rủi ro và trách nhiệm pháp lý xảy ra. Hình thức tuyên truyền cần đa dạng, như: phát tờ rơi, hình ảnh, tài liệu các vụ việc xảy ra trong những năm gần đây như vụ đại án: Phạm Công Danh thuê một loạt người dân đứng giùm tên trong hoạt động đầu tư, làm người đại diện theo pháp luật của DN để thực hiện các hành vi trái pháp luật,...

Thứ hai, tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi đứng giùm tên.

Để hạn chế tình trạng đứng tên giùm, bảo đảm quá trình hoạt động kinh doanh đúng thực chất, tránh việc xảy ra tranh chấp, xung đột, cần phải tăng mức xử phạt với hành vi này. Hiện nay, Luật DN năm 2020 đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, theo quy định, khi phát hiện hành vi vi phạm, ngoài phạt tiền, còn  cấm các bên liên quan thành lập, hoặc quản lý DN trong một khoảng thời gian cụ thể như 5 năm, hoặc 10 năm. Bên cạnh đó, xem xét, tình tiết “khai báo gian dối, không trung thực” trong việc đứng tên giùm là tình tiết tăng nặng để xử lý hành vi vi phạm hình sự trong trường hợp cơ quan chức năng xử lý người đứng tên giùm với hành vi vi phạm pháp luật về hình sự liên quan tới DN.

Thứ ba, Bộ luật Hình sự hiện hành cũng không xem đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải coi là tội phạm, không có bất kỳ tội danh nào liên quan đến vấn đề này.

Do đó, nhiều người đã thực hiện hành vi thuê người đứng giùm tên trong hoạt động thành lập DN. Đặc biệt là tình trạng nhà đầu tư nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên thành lập DN. Vì vậy, cần phải bổ sung chế tài xử lý đối với hành vi này, cần được quy định thành một tội danh trong Bộ luật hình sự, để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Thứ tư, đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động đầu tư kinh doanh, pháp luật về DN và đầu tư cần phải tiếp tục sửa đổi để môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, bình đẳng hơn giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; Tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài được thuận lợi trong việc thành lập DN, hạn chế những vướng mắc về thủ tục.

Đồng thời, phải tăng nặng các chế tài xử lý đối với giao dịch đứng tên giùm, cần quy định rõ đây là hành vi bị cấm trong Luật DN, Luật Đầu tư và có chế tài xử lý riêng, thậm chí có thể nghiên cứu, xem xét đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cần thiết.

Thứ năm, về phía bản thân người được nhờ đứng tên phải chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật để xác định rõ việc mình làm đúng hay sai, có bị pháp luật cấm hay không, tư cách, quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình khi đứng tên giùm cho DN.

6. Kết luận

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không cho phép nhờ người đứng tên thay khi đăng ký thành lập DN. Cho nên, hành vi kê khai không trung thực, chính xác hồ sơ thành lập DN được xem là "lừa dối" cơ quan quản lý nhà nước, có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng và bị buộc đăng ký, sửa đổi lại thông tin. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm đối với hành vi nhờ người khác đứng tên giùm khi thành lập DN.

Trong thực tế, người được nhờ đứng tên giùm phải chịu rủi ro khá lớn. Đã có nhiều trường hợp khi DN thua lỗ, chủ DN thực sự đã ôm tiền bỏ trốn và người đứng tên thay phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tùy mức độ tham gia vào công ty và hành vi vi phạm mà người đứng tên thay có thể bị phạt tiền, thậm chí lãnh án tù. Do vậy, bản thân người được nhờ đứng tên giùm phải có sự tỉnh táo, đừng vì cái lợi trước mắt mà vô hình đã tiếp tay cho những hành vi gian dối, để rồi chịu những rủi ro và trách nhiệm pháp lý do sự kém hiểu biết của bản thân.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự.
  2. Quốc hội (2017). Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
  3. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp.
  4. Chính phủ (2016). Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
  5. Chính phủ (2021). Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

 

ESTABLISHING AND OPERATING COMPANIES OR ACTING AS A LEGAL REPRESENTATIVE UNDER ANOTHER NAME

Master. Lawyer. BUI THI TAM

Lecturer of Law Department - Faculty of Management Economics,

Hong Bang International University

ABSTRACT:

In recent years, with the development of the market economy, the number of established and operating companies has increased. A phenomenon that establishing and operating companies or acting as a legal representative under someone else’s name appears commonly. Because of the immediate benefits, many people do not realize the risks and liabilities behind the “paid money”. The article deals with the risks and liabilities of acting on behalf of business investment activities, enterprise establishment, or legal representatives under someone else’s name.

Keywords: on behalf of the company, risks and liabilities, on behalf of the company.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 7, tháng 4 năm 2022]