Giá cao su tăng cao nhưng lãi của Cao su Việt Nam (GVR) vẫn giảm 14%

Mặc dù giá cao su được đánh giá “cao bất thường” nhưng lợi nhuận trong quý 1/2024 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) vẫn giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cao su Việt Nam
Ban lãnh đạo Cao su Việt Nam nhận định giá cao su trong quý 1/2024 ở mức "cao bất thường".

Trong 3 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR – sàn HoSE) thu về 4.585 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về cơ cấu, doanh thu thuần từ sản xuất và kinh doanh mủ cao su chiếm tới 74% tổng doanh thu, đạt 3.390 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Mảng kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng gần như không ghi nhận biến động kinh doanh, đem về cho Cao su Việt Nam hơn 142 tỷ đồng trong quý 1/2024. Trong khi đó, doanh thu thuần từ mảng chế biến gỗ giảm 3%, còn 539 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Cao su Việt Nam trong quý 1/2024 đạt hơn 708 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, lợi nhuận khác của Cao su Việt Nam giảm tới 80%, chỉ còn gần 70 tỷ đồng, do không còn khoản bồi thường thu hồi đất và trả đất về địa phương. Đây cũng là nguyên nhân chủ chốt khiến mức lợi nhuận ròng hợp nhất của Cao su Việt Nam chỉ đạt 650 tỷ đồng trong quý 1/2024, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Cao su Việt Nam đã hoàn thành 18% mục tiêu doanh thu và 19% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên bất thường năm 2024 diễn ra hồi đầu tháng 4/2024, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam cho biết, giá bán cao su trung bình trong quý 1/2024 của Cao su Việt Nam đạt 36,7 triệu đồng/tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo Cao su Việt Nam đánh giá đây là mức “giá cao bất thường” trong 10 năm qua và nhận định giá cao su sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024 so với hiện tại.

Giá cổ phiếu GVR Cao su Việt Nam
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Cao su Việt Nam (GVR): Đã có quyết định chuyển đổi 25.000 ha đất cao su sang đất công nghiệp" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo tập đoàn dự báo mức giá bán cao su trung bình cả năm nay sẽ vẫn cao hơn khoảng 6 - 10% so với năm 2023, so với mức giảm 11% trong năm 2023.

Đối với mảng bất động sản khu công nghiệp, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam tiết lộ, tính đến hiện tại, Cao su Việt Nam đã nhận được quyết định chấp thuận chuyển đổi đất cao su thành đất khu công nghiệp ở 3 địa phương gồm Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước với tổng diện tích khoảng 25.000 ha, trong tổng số khoảng 40.000 ha đất khu công nghiệp mới được bổ sung vào quy hoạch của các tỉnh trên.

Bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới đối với Cao su Việt Nam trong những năm tới đây khi tập đoàn này đang đẩy mạnh xoay trục khỏi kinh doanh cao su.

Tính đến cuối quý 1/2024, tổng tài sản của Cao su Việt Nam giảm nhẹ hơn 1% so với thời điểm đầu năm nay, đạt 76.913 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn của tập đoàn này gần như không đổi so với đầu năm, đạt gần 16.356 tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng tài sản.

Hàng tồn kho của Cao su Việt Nam đã giảm hơn 9% trong quý, còn 3.084 tỷ đồng.  

Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Cao su Việt Nam giảm 9,4% so với hồi đầu năm, còn 23.084 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm tới 18%, còn 2.445 tỷ đồng.

Duy Quang