Giải pháp chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

NGUYỄN THỊ ĐỨC LOAN (Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu - BVU)

TÓM TẮT:

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước (NSNN). Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng trong nhóm 5 địa phương thu ngân sách cao nhất cả nước, đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia, là một trong ít các tỉnh, thành tự cân đối ngân sách địa phương trong suốt giai đoạn từ năm 1996 đến nay và từ năm 2022, tỉnh tăng tỷ trọng đóng góp cho ngân sách trung ương từ 36% lên 44%[1]. Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai nhiệm vụ thu NSNN trong điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức, do dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, công tác thu ngân sách năm 2021 đạt được những kết quả khả quan. Tổng thu NSNN năm 2021 là 64.840 tỷ đồng, đạt 134,2% dự toán pháp lệnh, bằng 105,8% so với cùng kỳ 2020[2]. Tuy nhiên, theo các báo cáo tổng kết từ các năm 2017 - 2021 thì thực trạng thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vẫn còn là một vấn đề nan giải do những hạn chế về chính sách, cơ chế và quy trình thực hiện. Bài viết nghiên cứu về các giải pháp liên quan đến công tác quản lý thuế nói chung, chống thất thu thuế TNDN nói riêng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ có hiệu quả đối với ngành Thuế và còn có ý nghĩa quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh nhà.

Từ khoá: chống thất thu thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu (BVU).

1. Đặt vấn đề

Thất thu thuế TNDN là khoản tiền thuế TNDN không thu được vào ngân sách nhà nước từ người nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế TNDN, do người nộp thuế chiếm dụng, không nộp đúng, nộp đủ theo quy định và những khoản tiền thuế đáng lẽ được thu vào ngân sách nhà nước, nhưng lại không thu được, do pháp luật thuế TNDN chưa chặt chẽ hoặc chưa được bao quát hết nguồn thu.

2. Một số vấn đề lý luận về thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

2.1. Các dạng thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

2.1.1. Các dạng thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

Hiện nay, có nhiều cách phân loại thất thu thuế TNDN, tuy nhiên cách phân loại cơ bản nhất, bao trùm nhất luôn được đề cập đến trong các nghiên cứu đó là dựa vào tính chất của khoản thuế TNDN bị thất thu. Khi đó, thất thu thuế TNDN có thể chia thành 2 dạng chính:

- Thất thu thuế TNDN tiềm năng: Là hiện tượng số thu thấp hơn so với khả năng thực tế có thể thu được, là những khoản tiền thuế TNDN thuộc khả năng tiềm tàng trong nền kinh tế đáng lẽ phải được khai thác động viên vào NSNN nhưng không được quy định trong Luật Thuế TNDN.

- Thất thu thuế TNDN thực: Là hiện tượng số thuế TNDN thực thu thấp hơn số phải thu phát sinh theo quy định, là những khoản tiền thuế TNDN phải thu vào ngân sách nhà nước đã được quy định trong các văn bản luật nhưng thực tế vì lý do nào đó không được nộp vào ngân sách nhà nước. Đó là các khoản thất thu thuế TNDN phát sinh do người nộp thuế cố tình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN hoặc do hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế không thực sự hiệu quả, dẫn đến bỏ lọt đối tượng, bỏ sót số thu thuế TNDN.

2.1.2. Nguyên nhân và hậu quả của thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

2.1.2.1. Nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

Việc trốn thuế và tránh thuế là 2 nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thất thoát nguồn thu. Những người nộp thuế được coi là trốn thuế khi họ sử dụng những cách thức phi pháp để làm giảm nghĩa vụ thuế của mình. Còn trong trường hợp tránh thuế, người nộp thuế lạm dụng những kẽ hở trong chế độ hiện hành để giảm nghĩa vụ thuế. Những biểu hiện hành vi này của người nộp thuế lại chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố có liên quan lẫn nhau, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan xuất phát từ chính sách thuế, cơ quan thuế và bản thân người nộp thuế.

2.1.2.2. Hậu quả của thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

Thất thu thuế TNDN sẽ làm cho hiệu quả điều hành nền kinh tế - xã hội của Nhà nước thông qua công cụ thuế bị hạn chế, nhất là trong cơ chế thị trường như hiện nay, không chỉ làm ảnh hưởng đến số thu cho ngân sách nhà nước mà còn không đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, không thực hiện được yêu cầu công bằng trong chính sách động viên làm suy yếu kỷ cương Nhà nước.

2.2. Một số vấn đề lý luận về chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

2.2.1. Khái niệm, bản chất của chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

2.2.1.1. Khái niệm

Chống thất thu thuế TNDN được hiểu là hoạt động của cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan tác động đến các chủ thể và các hành vi gây ra thất thu thuế TNDN nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời, hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng thất thu thuế TNDN.

2.2.1.2. Bản chất chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

- Chống thất thu thuế TNDN là hoạt động quan trọng của cơ quan thuế trong quản lý thu thuế nói chung, quản lý thu thuế TNDN nói riêng.

- Chống thất thu thuế TNDN là công việc rất khó khăn, phức tạp đòi hỏi năng lực quản lý tốt của cơ quan thuế cũng như sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

- Chống thất thu thuế TNDN mang tính phổ biến xảy ra ở bất kỳ chế độ xã hội nào và bất kỳ thời gian nào.

- Chống thất thu thuế TNDN xảy ra thường xuyên ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ, các khu vực kinh tế nhà nước và ngoài nhà nước, thậm chí xảy ra ở từng người nộp thuế và từng khâu của quá trình quản lý thu thuế.

- Chống thất thu thuế TNDN phải toàn diện từ doanh thu chịu thuế, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh đến chính sách miễn giảm thuế.

2.2.2. Nội dung chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

2.2.2.1. Chống thất thu thuế tiềm năng

Là việc hoàn thiện pháp luật thuế TNDN, đảm bảo Luật Thuế này quản lý, điều tiết được tất cả các khoản thu nhập đã mang lại và sẽ phát sinh trong tất cả quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung chống thất thu thuế tiềm năng thường được trực tiếp thực hiện bởi cơ quan lập pháp khi nghiên cứu, ban hành các quy định pháp luật về thuế.

2.2.2.2. Chống thất thu thuế thực

Các nội dung chủ yếu trong chống thất thu thuế thực thông qua việc tổ chức thực hiện các chức năng quản lý thuế của cơ quan thuế, bao gồm chống thất thu qua các hoạt động: Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; quản lý kê khai thuế của người nộp thuế; quản lý quá trình thu nộp thuế, quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế; thanh tra, kiểm tra thuế.

2.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng tới chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

2.2.3.1. Nhóm yếu tố khách quan

Thứ nhất, tình hình kinh tế - xã hội;

Thứ hai, đặc điểm của nền kinh tế;

Thứ ba, chính sách, pháp luật;

Thứ tư, việc ban hành và thực hiện các quy trình quản lý thuế;

Thứ năm, công tác hạch toán, kế toán và quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ;

Thứ sáu, nhận thức của chủ doanh nghiệp và trình độ của kế toán doanh nghiệp.

2.2.3.2. Nhóm yếu tố chủ quan

Thứ nhất, việc triển khai thực hiện các quy trình quản lý thuế;

 Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin vào các công cụ hỗ trợ quản lý thuế;

Thứ ba, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan với cơ quan thuế;

 Thứ tư, trình độ nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ làm công tác quản lý thuế;

Thứ năm, tính hiệu quả của việc tổ chức thực hiện các chức năng quản lý thuế.

3. Phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: tổng hợp, phân tích, đối chiếu, so sánh,...

4. Thực trạng thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp và chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Năm 2020, Cục Thuế tỉnh được Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách 56.043 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô 19.600 tỷ đồng, thu nội địa 36.443 tỷ đồng. Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu, ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã triển khai các biện pháp quản lý thu, kiểm soát nguồn thu và chống thất thu thuế.

4.1. Những kết quả đạt được

4.1.1. Những kết quả chung

Có thể nói, công tác chống thất thu thuế TNDN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được những kết quả rất khả quan và có bước chuyển biến tích cực. Mặc dù phát sinh nhiều khó khăn, thách thức nhưng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu so với pháp lệnh qua từng năm. Bên cạnh đó, nhận thức về nghĩa vụ tuân thủ thuế của người nộp thuế đã có những chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực, đa số người nộp thuế đã tuân thủ các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Vì vậy, những kết quả trong công tác chống thất thu thuế TNDN trong thời gian qua tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là rất đáng ghi nhận, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp tiến hành sản xuất kinh - doanh thuận lợi và đóng góp tăng thu cho ngân sách.

4.1.2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế theo chức năng
  • Công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế

- Thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế;

- Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế;

- Triển khai tốt và duy trì thường xuyên về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

  • Công tác quản lý kê khai và kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp

- Triển khai thực hiện cấp mã số thuế theo hướng dẫn;

- Mở rộng việc áp dụng hỗ trợ kê khai thuế và nộp thuế điện tử trong công tác quản lý thuế;

- Tổ chức thực hiện tốt công tác kế toán đối với người nộp thuế;

- Thường xuyên rà soát thông báo doanh nghiệp điều chỉnh các khoản nộp nhầm tài khoản nộp ngân sách hoặc nhầm mục lục ngân sách, đôn đốc đối chiếu, gửi xác nhận tình hình kê khai, thanh toán ngân sách nhà nước. 

  • Công tác quản lý nợ thuế thu nhập doanh nghiệp

Thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch thu nợ thuế TNDN theo đúng quy trình quản lý thuế. 

  • Công tác thanh tra, kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp

 Kết quả của công tác kiểm tra, thanh tra chống thất thu thuế TNDN trong thời gian vừa qua, đạt được như sau:

- Về công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra: Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai ứng dụng tin học để áp dụng tính điểm rủi ro trên cơ sở khai thác toàn bộ dữ liệu của người nộp thuế trên địa bàn quản lý.

- Về việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra: Với sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ, công tác thanh, kiểm tra thuế đã có những chuyển biến tích cực. Việc tập trung thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề chuyên sâu đã nhận dạng được các hình thức, thủ đoạn gian lận, xử lý hành vi vi phạm đối với từng lĩnh vực, chấn chỉnh kịp thời việc kê khai thuế của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đã thanh tra, kiểm tra.

- Về kết quả công tác thanh tra chống chuyển giá: Việc tăng cường thanh tra chống chuyển giá đã bước đầu tạo tác động đến các doanh nghiệp. Theo đó, một số doanh nghiệp đã tự điều chỉnh hạch toán để giảm lỗ và có phát sinh thu nhập chịu thuế,... góp phần tích cực trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước. Qua công tác thanh tra đã phát hiện các hình thức chuyển giá thông qua hoạt động giao dịch liên kết điển hình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống thất thu thuế nói chung và công tác chống thất thu thuế TNDN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.

4.1.3. Hạn chế trong hoạt động chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

Một số hạn chế cơ bản vẫn còn tồn tại trong công tác chống thất thu thuế TNDN cụ thể như sau:

Thứ nhất, giữa các bộ phận trong nội bộ cơ quan thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ và đồng bộ; Thứ hai, công tác tuyên truyền, hỗ trợ của cơ quan thuế vẫn còn nhiều khó khăn; Thứ ba, công tác quản lý kê khai thuế của NNT còn bộc lộ nhiều vấn đề cần khắc phục; Thứ tư, công tác cưỡng chế, thu nợ thuế vẫn còn một số bất cập, mặc dù Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ đọng, cưỡng chế thuế TNDN; Thứ năm, công tác thanh, kiểm tra thuế TNDN chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

4.1.4. Nguyên nhân các hạn chế của hoạt động chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

4.1.4.1. Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, công tác chỉ đạo điều hành chưa thường xuyên liên tục. Thứ hai, về cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin. Thứ ba, về công tác phối hợp chưa đạt được hiệu quả cao với cơ quan công an và các đơn vị trong ngành. Thứ tư, về mặt nhân lực.

4.1.4.2. Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, về mặt chính sách, bao gồm chính sách thuế TNDN và các chính sách khác. Thứ hai, về ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Thứ ba, thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Thứ tư, những ảnh hưởng chung của nền kinh tế.

4.2. Các giải pháp

4.2.1. Chống thất thu thuế công việc phải triển khai từ đầu năm

Cục Thuế giao dự toán thu cho các phòng, các chi cục thuế; Phát động phong trào thi đua sâu rộng, gắn với việc bình xét thi đua phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu; phân tích, đánh giá nguyên nhân tác động làm tăng - giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, dự báo thu sát với thực tế phát sinh. Đồng thời, xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp thực hiện.

Từ chủ trương chung của Cục Thuế, các đơn vị trực thuộc đã chủ động rà soát, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế. Đồng thời, đưa ra các giải pháp thực hiện để hoàn thành cao nhất kế hoạch được giao.

Để hoàn thành số thuế phải thu, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác quản lý và chống thất thu thuế đối với các DN ngoại tỉnh có trụ sở đóng trên địa bàn; Phối hợp với các phòng, ban liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành xuống trực tiếp tại địa điểm hoạt động của một số DN để tuyên truyền về chính sách thuế. Cục Thuế tỉnh phối hợp với các phòng, ban liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành xuống trực tiếp tại địa điểm hoạt động của một số DN để tuyên truyền về chính sách thuế và yêu cầu các DN thực hiện đăng ký nghĩa vụ kê khai nộp thuế nên đã đạt được chuyển biến tích cực trong việc thu ngân sách. Một số DN thành lập chi nhánh đã kê khai, nộp thuế theo quy định và nộp thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước. Mặc dù số tiền thu về không lớn (hơn 78 triệu đồng), nhưng đã góp phần vào công tác khai thác và quản lý nguồn thu một cách chặt chẽ hơn. Quan trọng hơn, đã tác động đến hầu hết các đơn vị về ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện kê khai thuế đúng, đủ theo Luật Quản lý thuế tại nơi có trụ sở hoạt động kinh doanh và chấp hành tốt các nghĩa vụ về thuế.

4.2.2. Tăng tỷ lệ kê khai thuế điện tử 

Về hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế đã chú trọng công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, hỗ trợ DN khởi nghiệp; thông báo trực tiếp đến DN bằng email, bằng văn bản, đăng tải các văn bản, hướng dẫn về chính sách thuế mới trên trang thông tin điện tử ngành Thuế; giải đáp nhanh chóng, kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, giúp người nộp thuế giảm thiểu được những sai sót, góp phần tiết kiệm thời gian và công sức. Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng; hơn 95% DN thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử, 100% DN xuất khẩu và dự án đầu tư thực hiện hoàn thuế điện tử; Kết quả ISO giải quyết trước hạn đạt tỷ lệ 34,4%; giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ 65,6%.

Ngành Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền theo phương thức hiện đại, bảo đảm hình thức nội dung phong phú; nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ người nộp thuế về chính sách mới; nhất là Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 để người nộp thuế biết và thực hiện. Tăng cường công tác quản lý thuế, khai thác hiệu quả các nguồn thu, đặc biệt là các khoản thu lớn. Đề xuất các giải pháp, tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành bảo đảm tiến độ thu; thực hiện chống thất thu có hiệu quả,...

4.2.3. Giải pháp khác

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế trong pháp luật hình sự và chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, mọi hành vi trốn thuế liên quan đến các sắc thuế để doanh nghiệp được biết và thực hiện đúng theo quy định.

Tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; tổ chức xử lý nghiêm hành vi trốn thuế.

Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tại các địa phương thực hiện quản lý thuế chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh nhằm chống thất thu thuế.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng đề án, kế hoạch chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

5. Kết luận

Bài viết đã đề xuất các giải pháp đối với Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm giảm thiểu thất thu ngân sách nhà nước, góp phần hạn chế tình trạng thất thu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong những năm tới còn nhiều khó khăn. Các giải pháp chống thất thu thuế TNDN trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực của thế giới, bám sát định hướng, quan điểm mục tiêu hiện đại hóa của ngành Thuế đã được Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xuất phát từ thực trạng hoạt động chống thất thu thuế TNDN của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, việc áp dụng các phương pháp quản lý thuế hiện đại là cách tiếp cận mới trong bối cảnh hiện nay và trong thời gian tới là điều quan trọng nhất.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]Trần Hùng (2021). Bà Rịa - Vũng Tàu gỡ khó cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế và tài chính ngân hàng. Truy cập tại: https://vtv.vn/kinh-te/ba-ria-vung-tau-go-kho-cho-doanh-nghiep-trong-linh-vuc-thue-va-tai-chinh-ngan-hang-20211228072623697.htm.

[2] Thu Thảo (2021). Thu ngân sách đạt kết quả khả quan. Truy cập tại: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202112/thu-ngan-sach-dat-ket-qua-kha-quan-941125/#:~:text=T%E1%BB%95ng%20thu%20NSNN%20n%C4%83m%202021,s%C6%A1%20

khai%20thu%E1%BA%BF%20%C4%91%C3%A3%20n%E1%BB%99p.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2015). Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 quy định áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, Hà Nội.
  2. Bộ Tài chính (2015). Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, Hà Nội.
  3. Bộ Tài chính (2015). Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 về việc hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính, Hà Nội.
  4. Bộ Tài chính (2017). Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Hà Nội.
  5. Bộ Tài chính (2018). Quyết định số 1836/2018/QĐ-BTC ngày 08/10/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế trực thuộc Tổng cục Thuế, Hà Nội.
  6. Mai Thị Vân Anh (2014). Giải pháp chống thất thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội.

 

SOLUTIONS TO FIGHT AGAINST CORPORATE INCOME TAX EVASION IN BA RIA - VUNG TAU PROVINCE

NGUYEN THI DUC LOAN

Ba Ria - Vung Tau University

ABSTRACT:

Tax is the main source of state budget revenue, Ba Ria-Vung Tau province is in the top five highest budget-collecting localities in Vietnam. The province is also one of the few provinces and municipalities in Vietnam which have balanced the local budget since 1996. From 2022, Ba Ria - Vung Tau province aims to increase its contribution to the central budget from 36% to 44%.  Despite the COVID-19 pandemic’s complicated developments and severely socio-economic impacts, Ba Ria-Vung Tau province’s Tax Department still performs well its tax collection tasks. The total provincial state budget revenu collection in 2021 is VND 64,840 billion. This figure is equal to 134.2% of the initial estimate and it increases 5.8% over the same period in 2020. However, reports from 2017 to 2021 show that the tax revenue loss relating to corporate income tax is still a issue for the Tax Department of Ba Ria-Vung Tau province due to limitations in policies, mechanisms and implementation processes. This paper presents some solutions to improve the tax management in general and fight against corporate income tax evasion in particular in Ba Ria - Vung Tau province.

Keywords: preventing tax loss, corporate income tax, Ba Ria - Vung Tau province, Ba Ria - Vung Tau University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 3, tháng 2 năm 2022]