TÓM TẮT:
Trong lộ trình hội nhập tài chính với khu vực và thế giới, hoạt động tín dụng của các Ngân hàng Thương mại chi nhánh Khánh Hòa (NHTM) chiếm tỷ trọng lớn, đây là hoạt động kinh doanh chính đem lại hơn 85% tổng doanh thu cho các NHTM CN Khánh Hòa. Tuy vậy, hoạt động này hiện nay còn nhiều vấn đề cần được xem xét giải quyết, một trong số đó là tỷ lệ nợ xấu tương đối cao. Nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng nợ xấu là do các ngân hàng không có đầy đủ thông tin từ phía khách hàng của mình mặc dù các NHTM đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác thẩm định và do hạn chế chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. Nói một cách đơn giản, là do cơ chế sàng lọc chưa đủ hiệu quả nên các ngân hàng đã để "lọt" những khách hàng có khả năng che đậy hành vi và thông tin của họ trong giao dịch vay vốn để thực hiện những dự án có rủi ro cao. Vấn đề thông tin bất cân xứng là nguyên nhân gây ra những trục trặc trong hoạt động tín dụng của hệ thống NHTM chi nhánh Khánh Hòa. Do đó, để đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng của mình, bản thân các tổ chức tín dụng phải xử lý thông tin bất cân xứng để hạn chế sai lệch và rủi ro, nhằm cho vay đúng người, đúng đối tượng và giám sát chặt chẽ để khách hàng vay vốn có hành vi đúng đắn, nhằm đảm bảo việc thu hồi cả gốc và lãi tín dụng đã cấp.
Từ khóa: Ngân hàng thương mại, thông tin bất cân xứng, tín dụng, rủi ro.
I. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc mở cửa hơn nữa đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng là xu hướng phát triển tất yếu. Tại Việt Nam, số lượng các ngân hàng chiếm tỉ trọng cao trong hệ thống tài chính, số lượng các giao dịch phát sinh càng ngày càng lớn, vì thế, vấn đề thông tin bất cân xứng gần như xuất hiện ở hầu hết các thị trường và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung và 35 chi nhánh ngân hàng thương mại tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác nhau và từ nhiều nghiên cứu, nguyên nhân gây ra tình trạng nợ xấu nhiều nhất là do các ngân hàng không có đủ thông tin từ phía khách hàng của mình, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác thẩm định. Do đó, thị trường tài chính cần phải có cơ chế đặc thù riêng trong việc xử lý thông tin bất cân xứng nhằm hạn chế tác động tiêu cực của nó đến hoạt động của các ngân hàng thương mại và của toàn bộ nền kinh tế.
II. Thực trạng thông tin bất cân xứng trong hoạt động tín dụng của các nhtm chi nhánh tỉnh Khánh Hòa
1. Tình hình hoạt động tín dụng của các NHTM chi nhánh tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua
Với quyết tâm cao của ngành Ngân hàng và các NHTM chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, lãi suất cho vay bình quân của hệ thống ngân hàng thương mại giảm nhanh từ 18,2% năm 2011, xuống dưới 9% năm 2016. Cùng với việc giảm lãi suất, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách tích cực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn của các NHTM chỉ còn 4-5%/năm. Tỉnh Khánh Hòa với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, cảnh quan đẹp, ngành Du lịch tăng trưởng mạnh với những dự án đầu tư phát triển du lịch và dịch vụ hiện đại; thị trường bất động sản tỉnh Khánh Hòa đang tăng trưởng nóng dẫn đến nhu cầu về tín dụng của tỉnh cũng phát triển nhanh chóng.
2. Thực trạng thông tin bất cân xứng trong hoạt động tín dụng của các NHTM Việt Nam chi nhánh Khánh Hòa
Trong những năm qua, với lợi thế về tiềm năng du lịch và phát triển mở rộng thành phố Nha Trang khi sân bay Nha Trang đã chính thức được Chính phủ giao tỉnh Khánh Hòa phát triển quỹ đất, hàng loạt các nhà đầu tư đã đầu tư vào thành phố, tạo động lực phát triển mạnh nhu cầu nguồn nhân lực, kỹ thuật và vốn; nhu cầu tín dụng của tổ chức, cá nhân trong tỉnh cũng gia tăng nhanh chóng; các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gia tăng cho vay để tăng thu nhập của mình và đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng cá nhân.
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng của các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa qua bảng 2 là tín hiệu khởi sắc trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, với 35 tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn tỉnh dẫn đến cạnh tranh khách hàng lẫn nhau, thì rủi ro tín dụng xảy ra tất yếu không thể tránh khỏi, đồng thời các nguyên nhân dưới đây cũng dẫn đến nợ xấu, như:
- Chính sách thắt chặt đầu tư công theo Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 làm cho các công trình có nguồn vốn từ ngân sách bị ảnh hưởng, không có vốn hoặc tiến độ giải ngân chậm gây ảnh hưởng đến nguồn thu của các doanh nghiệp xây dựng, dẫn đến các DN này thiếu hụt nguồn thanh toán trả nợ vay cho ngân hàng.
- Một số dự án đang thi công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa như dự án Khu đô thị Mỹ Gia, Khu đô thị Tây Lê Hồng Phong… bị ngưng lại do thiếu vốn dẫn đến một số hạng mục mặc dù đã được các nhà thầu thi công hoàn thành nhưng chủ đầu tư không có vốn thanh toán, nên cũng không nghiệm thu công trình, không chịu đối chiếu công nợ với các nhà thầu, do đó các nhà thầu không thu hồi được vốn để trả nợ vay cho ngân hàng.
- Các khoản nợ và các vấn đề liên quan đến Tập đoàn CN Tàu Thủy VN - Vinashin đã ảnh hưởng đến một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa như dự án Nhà máy đóng tàu Cam Ranh. Dẫn đến các nhà thầu tham gia thi công cho dự án này chưa thu hồi được công nợ, nên gặp khó khăn về nguồn vốn để trả nợ vay của ngân hàng.
- Một số đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Khánh Hòa gặp rủi ro trong phương thức thanh toán quốc tế T/Tr (giao hàng trước, trả tiền sau), đối tác nước ngoài sau khi đã nhận hàng, nhưng không thanh toán tiền cho doanh nghiệp, dẫn đến một số đơn vị đang vay ngân hàng không có nguồn tiền để trả nợ vay cho ngân hàng.
Trong những năm qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tích cực thu hồi nợ xấu thông qua các biện pháp xử lý nợ có vấn đề theo Quyết định số 106 của Trung ương như: Bám sát tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng, quản lý chặt dòng tiền, giảm dần dư nợ thông qua việc bán hàng tồn kho, bán tài sản bảo đảm, áp dụng biện pháp khởi kiện... Đối với các khách hàng gặp nợ xấu trong lĩnh vực thi công, xây dựng, các chi nhánh cũng đã rà soát lại các khoản phải thu của công trình, làm việc ba bên giữa khách hàng, chủ đầu tư và ngân hàng để quản lý dòng tiền của công trình để thu nợ.
Ngoài ra, các chi nhánh cũng đã rà soát
các khoản nợ xấu đủ điều kiện cơ cấu theo Quyết định số 780 của Ngân hàng Nhà
nước và hướng dẫn của Trung ương để cơ cấu nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi quá hạn…
cho khách hàng, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh của
khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục hoạt động, có nguồn vốn để
trả nợ cho ngân hàng cũng như giảm nợ xấu cho các chi nhánh ngân hàng trên địa
bàn tỉnh Khánh Hòa.
Kết quả tỉ lệ nợ xấu của các NHTM chi nhánh Khánh Hòa từ năm 2012 đến năm 2016 nhìn chung dưới ngưỡng cho phép 3%. Nợ xấu có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng một trong số đó phải kể đến thực trạng về bất cân xứng thông tin đang xảy ra hiện nay mà ta có thể phân ra thành hai nhóm nguyên nhân chính:
- Nguyên nhân từ hệ thống ngân hàng: Quá nhiều chi nhánh ngân hàng TM trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với vốn tự có ít, cạnh tranh trong cho vay, dễ dãi trong việc cấp tín dụng, thiếu sự chặt chẽ, khoa học, lập hồ sơ cho vay hoàn toàn không có căn cứ, không thẩm định thực tế mà chỉ dựa vào thông tin do doanh nghiệp cung cấp, bỏ qua các điều kiện về giải ngân như tài sản đảm bảo, giá trị tiền cho vay…
- Nguyên nhân con người bao gồm cán bộ NHTM và người đi vay: Nhiều vụ việc xảy ra một phần là do chính cán bộ ngân hàng móc nối với khách hàng lừa gạt ngân hàng, không chỉ cán bộ tín dụng mà còn có cả những cán bộ lãnh đạo. Những vụ việc như vậy thường gây hậu quả lớn hơn nhiều so với những vụ việc khách hàng thực hiện lừa gạt đơn lẻ.
Điển hình như các vụ:
- Ông Phạm Thanh Tân - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank, cùng 17 đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 2.755 tỉ đồng;
- Ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch Ocean Bankvà cùng 47 đồng phạm bị bắt do phạm tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".... đã gây thiệt hại cho Ocean Bank tổng số tiền là gần 2.000 tỉ đồng.
III. Giải pháp xử lý thông tin bất cân xứng trong hoạt động tín dụng của các NHTM chi nhánh tỉnh Khánh Hòa
Để giúp các ngân hàng tìm được “đúng” khách hàng, “đúng” dự án và khách hàng thực hiện “đúng” những hành động như đã cam kết với ngân hàng, cần thiết phải có các giải pháp sau:
1. Phát triển ngành Kiểm toán
Khi ngành Kiểm toán phát triển chuyên sâu, cán bộ kiểm toán có năng lực và phẩm chất. Một đội ngũ nhân viên kiểm toán tốt sẽ không chỉ giúp ngân hàng xác minh các báo cáo tài chính, mà còn có thể đưa ra những tư vấn, nhìn nhận và định hướng phát triển, giúp các doanh nghiệp có những quyết định tối ưu, đem lại lợi nhuận trong tương lai.
2. Sử dụng hệ thống thông tin tín dụng
CIC đã cung cấp một số sản phẩm hiện hành riêng dành cho các tổ chức tín dụng muốn thẩm định về khách hàng của mình. Với những lợi thế của mình, Trung tâm thông tin tín dụng CIC là một tổ chức có khả năng đáp ứng các điều kiện này. Khả năng trong thời gian tới, CIC sẽ là một cơ quan cung cấp thông tin và xếp hạng tín dụng khách hàng đáng tin cậy làm nền tảng cho một hạ tầng thông tin tốt phục vụ cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng ở Việt Nam.
Bên cạnh việc sử dụng hệ thống thông tin đánh giá chung, các ngân hàng cũng nên tự xây dựng cho mình cơ chế riêng trong việc đánh giá và thẩm định khách hàng của mình, đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin liên quan từ bên ngoài. Trên cơ sở nắm đầy đủ thông tin về các khách hàng từ nhiều phía, các ngân hàng có thể hạn chế rủi ro do lựa chọn sai lệch nảy sinh từ vấn đề thông tin bất cân xứng.
3. Hệ thống đăng ký giao dịch đảm bảo
Để tránh tình trạng khách hàng sử dụng một tài sản thế chấp, cầm cố vay vốn ở nhiều ngân hàng, các cơ quan đăng ký giao dịch đảm bảo đã được thành lập như: Cơ quan đăng ký giao dịch đảm bảo quốc gia và chi nhánh; Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực; Sở Tài nguyên môi trường... Ngoài ra, việc đưa ra các điều kiện về giá trị tài sản ròng cũng rất cần thiết. Giá trị tài sản ròng ở đây được tính bằng cách lấy tổng tài sản trừ đi tổng nợ. Như vậy, chỉ những cá nhân hay doanh nghiệp nào có đủ tài sản mới được xem xét cho vay. Nguy cơ rủi ro đạo đức sẽ giảm xuống bởi người đi vay có thể bị kiện và cưỡng chế nếu không trả nợ đúng hạn.
4. Nâng cao kỹ thuật phân tích và thẩm định dự án
Như cơ chế truyền thống, nhân viên kinh doanh vừa là người trực tiếp gặp khách hàng, tổng hợp hồ sơ, vừa là người thẩm định. Điều này làm gia tăng các khoản nợ xấu trong ngân hàng bởi bản thân nhân viên phải chịu gánh nặng chỉ tiêu, lại đồng thời là người duyệt khoản vay.
Các ngân hàng nên thực hiện phân chia lại chức năng. Nhân viên kinh doanh chỉ thực hiện chức năng lập hồ sơ kinh doanh của khách hàng và sẽ có một bộ phận chuyên thẩm định dự án đưa ra phán quyết giải ngân. Điều này giúp thắt chặt hệ thống, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng vì nhân viên thẩm định là người không bị áp đặt chỉ tiêu cũng như không phải người tiếp xúc trực tiếp khách hàng nên khó có thể bị tác động như nhân viên kinh doanh.
Sau khi hoàn thành thẩm định, sẽ có một bộ phận chuyên chức năng hoàn thiện hồ sơ sau phán quyết và đây cũng là bộ phận không tiếp xúc khách hàng. Sẽ có một ban kiểm soát nội bộ chuyên chức năng thẩm tra tính tuân thủ quy định về hồ sơ trong ngân hàng. Thêm vào đó, ngân hàng cần thành lập hội đồng tín dụng cùng giải quyết hồ sơ xin vay, cũng như hạn chế hạn mức cấp tín dụng của người có thẩm quyền cấp tín dụng.
Để mô hình trên có thể đi vào hoạt động một cách hiệu quả, cần nâng cao chuyên môn của từng nhóm cán bộ. Có nhiều cách để thực hiện điều này như tổ chức lớp học cho cán bộ nâng cao chuyên môn, hay tạo điều kiện cho cán bộ giỏi đi học tập cách thức hoạt động ở các ngân hàng nước ngoài,…
5. Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn và kỹ thuật đánh giá khách hàng
- Các tiêu chuẩn đánh giá năng lực khách hàng
Việc đặt ra các tiêu chuẩn đánh giá năng lực và trình độ của khách hàng vẫn là cần thiết, nhằm đánh giá chuẩn xác hơn, đầy đủ và tổng quan hơn về khách hàng nhằm giảm thiểu rủi ro cho bản thân ngân hàng trong quá trình thẩm định hồ sơ tín dụng.
- Các tiêu chuẩn phân tích báo cáo tài chính
Bên cạnh việc sử dụng báo cáo tài chính nội bộ của doanh nghiệp hay thông tin của trung tâm CIC làm cơ sở thẩm định để cấp phát tín dụng, ngân hàng cũng nên tham khảo những loại báo cáo tài chính khác như báo cáo thuế hoặc báo cáo tài chính nội bộ nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế.
- Các tiêu chuẩn khác ứng với từng hoàn cảnh thực tế
Các ngân hàng nên đưa ra những quy định cụ thể trong việc cấp vốn vay. Ví dụ như:
- Giấy tờ có giá có công chứng để nộp hồ sơ xin vay chỉ có giá trị nếu được công chứng trong khoảng thời gian nhất định (4-6 tháng) tính từ thời điểm xin vay.
- Giới hạn cho vay với một số lĩnh vực đặc biệt như đầu tư chứng khoán, bất động sản hay vay mua hàng hóa xa xỉ.
- Hạn chế những khoản vay khó kiểm soát, thanh tra mà cụ thể là những khoản vay nằm ngoài địa bàn của ngân hàng.
6. Thắt chặt kiểm tra trong quá trình cho vay và nội bộ ngành Ngân hàng
Kiểm tra chặt chẽ quá trình trước, trong và sau khi cho vay để kịp thời có biện pháp xử lý nếu khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích. Khi khách hàng có dấu hiệu phát sinh nợ xấu, phải tìm nguyên nhân để có giải pháp thích hợp và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ ngành Ngân hàng.
IV. Kết luận
Hoạt động tín dụng là một hoạt động mang lại phần lớn lợi nhuận cho các NHTM. Tuy nhiên, việc cấp vốn cho ai, giám sát sử dụng vốn như thế nào cho hiệu quả đang gặp phải khó khăn do vấn đề thông tin bất cân xứng còn tồn tại. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào giải quyết được hai hệ quả của thông tin bất cân xứng là lựa chọn sai lệch và rủi ro đạo đức thì nguồn vốn mới tìm được đúng đối tượng và mới được sử dụng một cách có hiệu quả.
Giải quyết vấn đề thông tin bất cân xứng trong hoạt động tín dụng của các NHTM Việt Nam chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đòi hỏi phải có sự hợp tác từ cả ngân hàng và người đi vay trong môi trường thông tin mà Nhà nước quản lý. Khi đó, thông tin bất cân xứng mới được giải quyết triệt để, hiệu quả đầu tư mới được cải thiện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Các bảng tổng hợp tình hình huy động vốn và cho vay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Khánh Hòa từ các năm 2012 đến ngày 31/12/2016.
2. Châu Đinh Linh (2016), Bức tranh toàn diện về xử lý nợ xấu ngân hàng từ năm 2010 đến tháng 8/2015, Tạp chí Ngân hàng số 5/2016.
3. Nguyễn Vân Cẩm Tú (2013), Các giải pháp đối với vấn đề thông tin bất cân xứng nhằm nâng cao hoạt động tín dụng ngân hàng tại Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.
SOLUTIONS TO SOLVE THE CREDIT RISKS OF
COMMERCIAL BANKS OPERATED IN KHANH HOA
PROVINCE DUE TO THE ASYMMETRY INFORMATION
IN THE CONTEXT OF ECONOMIC INTEGRATION
MA. THAI NINH
Lecturer, Nha Trang University
ABSTRACT:
Credit operations which generate over 85 percent of total revenues of commercial banks operated in Khanh Hoa Province play a key role in the context of the fiscal integration of Khanh Hoa Province into the region and the world. However, these operations still have many issues which need to be carefully solved including high bad debts ratio. A main cause of bad debts is that commercial banks lack information about their customers, although they pay a lot of attention on improving the quality of credit appraisal. Other causes of bad debts are limited expertise and professional ethics. In other words, the commercial banks are unable to identify unqualified customers, who mask their information and behavior when they ask for loans from banks, due to the inefficiency identifying customer mechanism of the banks. Asymmetry information causes problems for the credit operations of commercial banks in Khanh Hoa Province. Therefore, these commercial banks have to solve the asymmetry information to limit risks, provide loans for qualified customers and closely monitoring borrowers to ensure the recovery of principal and interest.
Keywords: Commercial banks, asymmetry information, credit, risk.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây