TÓM TẮT:
Nhu cầu học tập lý luận chính trị (LLCT) được hình thành càng sớm càng giúp cho sinh viên có nghị lực vươn lên, tạo cho họ động lực mạnh mẽ trong học tập, là tiền đề và cơ sở quan trọng vươn tới những mục tiêu cao cả, để đào tạo ra những sinh viên bản lĩnh chính trị, ý thức giai cấp và tinh thần yêu nước, từ đó thúc đẩy các cán bộ, đảng viên tự giác, tự nguyện, hăng hái hành động, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang tập trung cho phát triển kinh tế đất nước. Do đó, nghiên cứu giải pháp nâng cao nhu cầu học tập LLCT cho sinh viên nói chung và sinh viên Trường Đại học Công đoàn nói riêng là vấn đề mang tính cấp thiết.
Từ khóa: giải pháp, nâng cao, nhu cầu học tập, lý luận chính trị, sinh viên, Trường Đại học Công đoàn.
1. Đặt vấn đề
Học tập LLCT không chỉ giúp cho sinh viên có khả năng nhận thức và tham gia cải tạo thế giới bằng việc hình thành tư duy khoa học, thái độ tích cực trong hoạt động thực tiễn, mà còn giúp người học có kỹ năng vận dụng những tri thức lý luận vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Liên quan tới vấn đề nhu cầu học tập LLCT của sinh viên đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu với nhiều nội dung khác nhau, như: Nguyễn Thanh Thảo (2016), Nhu cầu và điều kiện học tập lý luận chính trị của sinh viên các trường đại học ở Hà Nội hiện nay, Luận án Tiến sĩ Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thúy Vân, Lê Thị Ngần (2019), Hiện trạng học tập lý luận chính trị của sinh viên tại Trường Đại học Tây Đô, Tạp chí NCKH và Phát triển kinh tế Trường Đại học Tây Đô, (6), tr.120-133; Nguyễn Minh Hải, Nguyễn Quang Dương (2022), Thực trạng học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, Tạp chí NCKH Trường Đại học Tây Nguyên, (52), tr.118-122;… nhóm tác giả nhận thấy các công trình nghiên cứu đã có những đóng góp quan trọng trong việc tác động tới nhu cầu, động cơ học tập nói chung và học tập LLCT nói riêng của sinh viên. Tuy nhiên, chưa có công trình đi sâu nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao nhu cầu học tập LLCT cho sinh viên Trường Đại học Công đoàn một cách toàn diện và thấu đáo. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu vấn đề trên.
2. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng phương pháp luận nghiên cứu của Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời còn sử dụng một số phương pháp cụ thể, như: phương pháp nghiên cứu tài liệu, điều tra khảo sát bằng bảng hỏi, xử lý thông tin,...
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Thực trạng nhu cầu học tập lý luận chính trị của sinh viên thuộc diện khảo sát
Để có cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao nhu cầu học tập LLCT của sinh viên, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực trạng nhu cầu học tập LLCT của 300 sinh viên Trường Đại học Công đoàn, trên 3 phương diện của nhu cầu: nhận thức, thái độ và hành vi.
* Thực trạng nhận thức về việc học tập lý luận chính trị của sinh viên
Nhận thức là một quá trình có tính hướng đích, là yếu tố cơ bản quy định nhu cầu học tập LLCT của sinh viên. Qua khảo sát cho thấy có đến 90.33% sinh viên được hỏi cho rằng các học phần LLCT góp phần hình thành thế giới quan khoa học; 89% sinh viên cho rằng các môn LLCT góp phần hình thành niềm tin, bản lĩnh và sự nhạy bén chính trị; 85.67% sinh viên cho rằng kiến thức LLCT góp phần xây dựng lòng yêu nghề và khát vọng cống hiến; 80.67% sinh viên cho rằng kiến thức LLCT góp phần hình thành lòng yêu nước, yêu chế độ XHCN. Đây là những số liệu nói lên nhận thức của sinh viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập LLCT trong nhà trường. Đó là nhận thức đúng đắn và điều này có được là do công tác tuyên truyền, giáo dục ở trong và ngoài nhà trường. Nhà trường cần phát huy kết quả này như là một điều kiện chủ quan thuận lợi để kích thích nhu cầu học tập LLCT của sinh viên hiện nay.
Phần lớn sinh viên có nhận thức đúng đắn về vị trí và tầm quan trọng của các học phần LLCT, nhưng họ lại không có hứng thú trong học tập. Điều đó thể hiện ở chỗ chỉ có 4.67% sinh viên được hỏi cho rằng rất hứng thú trong giờ học LLCT, nhưng lại có tới 20.67% sinh viên lại không hứng thú, hoặc 56.33% sinh viên cảm thấy bình thường khi học các học phần LLCT. Do vậy, tạo hứng thú đối với các học phần LLCT cho sinh viên là mục tiêu quan trọng mà giảng viên cần hướng tới. Vì hứng thú học tập các học phần LLCT sẽ tác động mạnh đến kết quả hoạt động nhận thức của sinh viên trong quá trình học tập LLCT. Tuy nhiên, động cơ học tập này có chuyển biến thành sự hứng thú trong học tập LLCT của sinh viên hay không lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện học tập, trong đó quan trọng và cơ bản nhất là người dạy và cách dạy, là nội dung chương trình, là điều kiện cơ sở vật chất.
* Thực trạng thái độ về việc học tập LLCT của sinh viên
Để tìm hiểu thái độ của sinh viên đối với học tập LLCT, chúng tôi đã đưa ra những câu hỏi nhằm nắm bắt thái độ của sinh viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ trên lớp; chủ động trong quá trình trao đổi về nội dung học phần; phấn khởi, vui vẻ khi hiểu và lĩnh hội được nội dung các học phần LLCT.
(i) Tìm hiểu mức độ thực hiện các nhiệm vụ học tập trên lớp:
Kết quả cho thấy, số lượng sinh viên đánh giá về tâm trạng của bản thân khi thực hiện các nhiệm vụ trên lớp trong giờ học các học phần LLCT ở mức độ rất sẵn sàng không nhiều, chỉ từ 11.67%. Phần đông sinh viên đều thể hiện thái độ ở mức bình thường khi thực hiện các nhiệm vụ trên lớp với 49.66%. Số sinh viên trả lời không sẵn sàng khi thực hiện các nhiệm vụ trên lớp khá cao, với 28.0%. Tâm trạng không sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ trên lớp sẽ ảnh hưởng đến không khí lớp học, tâm lý sinh viên và làm giảm hiệu quả truyền đạt và tiếp nhận kiến thức của giảng viên và sinh viên.
(ii) Tìm hiểu mức độ phấn khởi khi học lý luận chính trị:
Nhận thức đúng đắn về vai trò, động cơ, mục đích và sự hứng thú, say mê học tập LLCT là điều kiện cần thiết để hình thành thái độ phấn khởi, thoải mái trong lĩnh hội, tiếp thu nội dung các học phần LLCT hoặc ngược lại.
Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ rất phấn khởi, vui vẻ và phấn khởi, vui vẻ khi hiểu và lĩnh hội được nội dung các học phần LLCT của sinh viên là 11.33%. Có một bộ phận không nhỏ sinh viên không phấn khởi, vui vẻ khi hiểu và lĩnh hội được nội dung các học phần LLCT là 12.67%. Đây là một vấn đề đặt ra đối với cả người dạy và người học trong việc truyền đạt, lĩnh hội tri thức của các học phần LLCT. Bởi sinh viên chỉ phấn khởi, vui vẻ khi hiểu và lĩnh hội được nội dung các học phần LLCT, khi họ xác định đúng đắn vai trò, sự cần thiết của việc học tập LLCT, xác định thái độ tích cực, hăng hái trả lời câu hỏi mà người dạy đặt ra, tự giác nghiên cứu, tìm tòi tài liệu tham khảo. Khi kiến thức về các học phần LLCT còn khiếm khuyết, sinh viên còn hạn chế hiểu biết về đối tượng, sẽ khó hứng thú, say sưa, phấn khởi trong quá trình tiếp cận, lĩnh hội tri thức. Đồng thời, giảng viên cũng phải xác định khối lượng kiến thức sinh viên phải lĩnh hội để lựa chọn những kiến thức cơ bản, sử dụng phương pháp dạy học hiện đại để phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của sinh viên.
* Thực trạng hành vi về việc học tập LLCT của sinh viên
Hành vi học tập LLCT của sinh viên có thể được lượng hóa để đánh giá định lượng với việc xác định các chỉ số một hành vi cụ thể. Do đó, để tìm hiểu hành vi của sinh viên đối với học tập LLCT, chúng tôi đã đưa ra những câu hỏi nhằm nắm bắt hành vi của sinh viên. Kết quả thu được cho thấy 86.67% sinh viên đã nghiêm túc thực hiện việc đi học đầy đủ và đúng giờ; số sinh viên đến muộn, bỏ tiết là 4.67%; sinh viên nghỉ học phải học lại và không đủ điều kiện dự thi chiếm 8.66%. Từ số liệu điều tra trên đã cho thấy một tín hiệu đáng mừng, dù yếu tố quyết định thực trạng này là do điều kiện dự thi của môn học. Sinh viên phải tham gia từ 80% số thời gian lên lớp của học phần mới đủ điều kiện để dự thi kết thúc học phần. Số liệu này cũng khẳng định luận điểm quan trọng: điều kiện là cơ sở phát sinh nhu cầu, là động lực nâng cao nhu cầu và là chất kích thích con người tìm kiếm lợi ích nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình.
Số sinh viên không tự giác và nỗ lực vươn lên trong học tập LLCT chiếm tỷ lệ 28% (gồm cả sinh viên rất không tự giác). Con số trên cho thấy thực trạng đáng lo ngại trong việc giảng dạy các học phần LLCT, đòi hỏi phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân và đề ra những giải pháp để phát triển nhu cầu, tạo hứng thú học tập LLCT ở sinh viên nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo, đáp ứng nhiệm vụ cách mạng và phát triển đất nước.
(i) Mức độ tập trung nghe giảng, tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập:
Kết quả khảo sát cho thấy, việc học tập các học phần LLCT của đa số sinh viên có những biểu hiện hành vi tích cực, vẫn còn một bộ phận sinh viên không tích cực nghe giảng, phát biểu xây dựng và ghi chép bài. Hiện tượng đó do tâm lý tự ti, ngại phát biểu trước đám đông, do kiến thức chưa vững vàng và kỹ năng phát biểu chưa cao. Cụ thể, 45% sinh viên không tích cực tập trung chú ý nghe giảng, 28.67% không tích cực với việc phát biểu xây dựng bài, 34.67% sinh viên không tích cực với việc ghi chép bài; thậm chí có tới 35% sinh viên đến lớp thờ ơ với việc xây dựng bài, tỷ lệ sinh viên chưa tập trung nghe giảng, ghi chép bài là 3.67% và 6%.
(ii) Mức độ chủ động trao đổi về nội dung học phần:
Nghiên cứu mức độ chủ động trao đổi về nội dung các học phần của sinh viên cho thấy có 5.33% số sinh viên được hỏi trả lời rất chủ động trao đổi, học tập; 12.33% số sinh viên được hỏi trả lời chủ động; 55% trả lời bình thường; 25.0% và 2.33% còn lại được sinh viên đánh giá không chủ động và rất bị động. Việc chưa tích cực, chủ động trao đổi về nội dung các học phần này của sinh viên tác động không nhỏ đến tâm trạng của giảng viên trong giờ lên lớp, làm giảm nhiệt huyết của người dạy và không khí lớp học nặng nề, buồn tẻ, hiệu quả hoạt động dạy và học không cao.
(iii) Mức độ thường xuyên nghiên cứu tài liệu có liên quan đến các học phần:
Các học phần LLCT mang tính lý luận cao, kiến thức trừu tượng, việc hiểu và nắm bắt bài giảng ở trên lớp là một điều không dễ. Vì thế, để nắm bắt được nội dung của bài học thì mỗi sinh viên phải thường xuyên tìm tòi và nghiên cứu tài liệu có liên quan đến các học LLCT. Kết quả điều tra chỉ ra thực trạng đáng báo động về phương pháp học tập của sinh viên đối với các học phần LLCT. Chỉ có 20% sinh viên được hỏi trả lời thường xuyên tìm, nghiên cứu tài liệu liên quan đến học phần; số sinh viên không chủ động và gặp thì sưu tầm tài liệu liên quan là 23.33% và 24.67%. Số sinh viên chỉ học kiến thức trên lớp là 29.33%. Thói quen học thuộc, nhớ máy móc, phụ thuộc quá nhiều những kiến thức ghi chép được khi nghe giảng và hướng dẫn ở trên lớp vẫn là chủ yếu. Nhu cầu mở rộng kiến thức, phát triển tư duy qua tìm hiểu, tham khảo tài liệu chưa được sinh viên chú ý trong quá trình học tập các học phần LLCT. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả học tập LLCT của sinh viên.
3.2. Một số giải pháp nâng cao nhu cầu học tập lý luận chính trị của sinh viên Trường Đại học Công đoàn hiện nay
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của sinh viên về vị trí, vai trò của các học phần LLCT trong chương trình đào tạo.
Chất lượng giáo dục LLCT muốn đạt được kết quả tốt đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực từ phía sinh viên, bởi sinh viên vừa là đối tượng, đồng thời là chủ thể của giáo dục LLCT. Hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viên có biểu hiện coi thường, xem nhẹ các môn học này. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của sinh viên về vị trí, vai trò của các học phần LLCT trong chương trình đào tạo. Có như vậy, sinh viên mới thấy được vai trò to lớn của việc học tập LLCT đối với hoàn thiện nhân cách bản thân cũng như phát triển nghề nghiệp tương lai. Trên cơ sở hiểu biết này, sinh viên sẽ có thái độ đúng đắn đối với việc học tập LLCT, có ý thức tiếp thu tri thức, nâng cao kỹ năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn.
Thứ hai, xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn trong học tập LLCT cho sinh viên.
Mục tiêu học tập LLCT mang tính đa dạng, đa cấp độ. Vì vậy, việc xây dựng, hình thành động cơ học tập LLCT cho sinh viên cũng đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, biện pháp. Trong việc hình thành động cơ học tập LLCT cho sinh viên, giảng viên đóng vai trò định hướng quan trọng. Giảng viên không nên áp đặt hoặc đưa ra mô hình động cơ học tập có sẵn, mà phải là người khơi dậy ở sinh viên nhu cầu nhận thức, chiếm lĩnh tri thức, hình thành động cơ học tập đúng đắn tạo cơ sở để xây dựng thái độ học tập tự giác, hướng đến mục đích học tập đúng đắn. Trong quá trình giảng dạy LLCT, giảng viên cần tổ chức cho sinh viên tự phát hiện ra cái mới, tự tìm cách giải quyết sáng tạo nhiệm vụ học tập, có những trải nghiệm tốt đẹp qua việc học tập để ở họ phát sinh, xuất hiện nhu cầu về tri thức LLCT và vận dụng tri thức đó giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội. Nhờ đó, học tập LLCT dần dần trở thành nhu cầu bên trong, trở thành hứng thú của sinh viên, thúc đẩy sinh viên vượt qua rào cản, trở ngại, tích cực, tự giác học tập LLCT.
Ngoài ra, để sinh viên hình thành động cơ học tập LLCT đúng đắn, nhà trường, đội ngũ giảng viên LLCT cần động viên, nhắc nhở sinh viên tự mình trả lời các câu hỏi về học tập như: Học để làm gì? (Mục đích học tập); Học vì cái gì? (Động cơ học tập); Tại sao phải học? (Nhu cầu học tập); và Học như thế nào? (Thái độ học tập). Bốn câu hỏi, cũng là 4 vấn đề có liên quan chặt chẽ, làm tiền đề điều kiện cho nhau. Trong cùng một thời điểm, câu trả lời của sinh viên về 4 câu hỏi trên giúp chúng ta hình dung bức tranh về quá trình hình thành động cơ học tập LLCT của sinh viên.
Thứ ba, đổi mới phương pháp học tập lý luận chính trị của sinh viên.
Trong dạy - học, hoạt động của người dạy và người học quan hệ hữu cơ với nhau. Người dạy luôn giữ vai trò chủ đạo, chi phối, còn người học giữ vị trí trung tâm. Do đó, khi đã đổi mới phương pháp dạy, đòi hỏi tất yếu phải đổi mới phương pháp học thì mới đạt được mục đích đào tạo. Để đổi mới phương pháp học tập LLCT của sinh viên, nên áp dụng các phương pháp sau:
Một là, nắm vững phương pháp bộ môn trong học tập - nghiên cứu. Đây là giải pháp nhằm khắc phục lối học “vẹt” theo kiểu học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc của phần đông sinh viên khi học tập, nghiên cứu học phần LLCT. Để thực hiện tốt giải pháp này, cần có sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của giảng viên LLCT, đồng thời tổ chức các buổi rút kinh nghiệm và bồi dưỡng phương pháp, hoặc các báo cáo kinh nghiệm của các sinh viên học giỏi ở các khóa học trước để sinh viên tham khảo học tập.
Hai là, xây dựng các kỹ năng tự học các học phần LLCT, nhằm giúp việc nghiên cứu sách và tài liệu của sinh viên đạt được mục tiêu đề ra, như: Phải chọn sách hợp lý; Nắm vững các cách đọc sách khác nhau; Tích cực tư duy và ghi chép một cách khoa học khi đọc sách.
4. Kết luận
Nhu cầu học tập LLCT thể hiện qua các chỉ báo về nhận thức, thái độ, hành vi học tập là không cao. Nhu cầu học tập LLCT chỉ thực sự xuất hiện ở sinh viên khi họ nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của học tập LLCT đối với việc hình thành nhân cách, phát triển các năng lực hoạt động chính trị - xã hội của họ. Kết quả học tập LLCT chỉ thực sự cao ở những sinh viên đã có nhu cầu và nuôi dưỡng bền vững các nhu cầu học tập LLCT. Nhằm nâng cao nhu cầu học tập LLCT của sinh viên Trường Đại học Công đoàn hiện nay, bước đầu chúng tôi đã đưa ra 3 giải pháp có liên quan chặt chẽ với việc khắc phục những hạn chế về nhu cầu học tập LLCT của sinh viên hiện nay như đã trình bày ở trên. Việc nghiên cứu để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học tập LLCT của sinh viên Trường Đại học Công đoàn sẽ tiếp tục được nhà trường quan tâm triển khai trong các nghiên cứu khác.
Bài báo được lược trích từ Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp cơ sở năm 2022-2023 (Số 1462/HĐKH-ĐHCĐ) - Trường Đại học Công đoàn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Phạm Đình Khuê (2016), Ý thức chính trị của sinh viên nước ta hiện nay - Thực trạng và những vấn đề đạt ra, Luận án tiến sĩ Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
- Nguyễn Thanh Thảo (2016), Nhu cầu và điều kiện học tập lý luận chính trị của sinh viên các trường đại học ở Hà Nội hiện nay, Luận án Tiến sĩ Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
- Trần Thanh Giang (2017), Tăng cường giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên Việt Nam hiện nay, Tạp chí Triết học (2), 73 - 78.
- Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thúy Vân, Lê Thị Ngần (2019), Hiện trạng học tập lý luận chính trị của sinh viên tại Trường Đại học Tây Đô, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế Trường Đại học Tây Đô, (6), 120-133.
- Nguyễn Minh Hải, Nguyễn Quang Dương (2022), Thực trạng học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, Tạp chí NCKH Trường Đại học Tây Nguyên, (52), 118-122.
Solutions to heighten the needs for learning political theory of Trade Union University’s students
PhD. Mai Thi Dung1
Master. Truong Thi Xuan Huong1
1Faculty of Political Theory, Trade Union University
Abstract:
The sooner the need to learn political theory is formed, the more it will help students have the energy to rise up, strong motivation to study to become patriots with political courage during the country’s economic development. As a result, it is important to heighten the needs for learning political theory of students in general and students of Trade Union University in particular.
Keywords: solutions, improve, learning needs, political theory, student, the Trade Union University.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2023]