TÓM TẮT:
Nghiên cứu chiến lược marketing địa phương nhằm thu hút đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) không chỉ có ý nghĩa đóng góp và phát triển lý luận quản trị marketing nói chung, và có ý nghĩa thực tế với tỉnh Hà Tĩnh, mà còn có giá trị thực tiễn tham khảo tốt cho các địa phương khác. Thông qua bài báo này, tác giả muốn giới thiệu phần nào đó thực trạng thu hút đầu tư của Hà Tĩnh thời gian qua và đưa ra một số giải pháp mang tính chiến lược để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN tại Hà Tĩnh.
Từ khóa: Chiến lược marketing địa phương, thu hút đầu tư, khu công nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh.
1. Đặc điểm kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh đến năm 2015
1.1. Về kinh tế
Kinh tế Hà Tĩnh trong những năm qua phát triển toàn diện, liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 18% (chỉ tiêu theo kế hoạch đại hội trên 14%); các năm cuối nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng với 26% (năm 2014). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng, vượt 9 triệu đồng so với chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra… Riêng trong năm 2015, tăng trưởng GRDP ước đạt 17,5%; trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 19,6%, nông lâm thủy sản tăng 7,7%, thương mại - dịch vụ tăng 19,7%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 38,9 triệu đồng.
Cùng với đó là công nghiệp có bước phát triển đột phá cả về quy mô và năng lực sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 38,3% (chỉ tiêu đại hội 35%). Cơ cấu ngành Công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo từ 66,43% (năm 2010) lên 69,69%. Các loại hình doanh nghiệp và hợp tác xã phát triển nhanh, bình quân mỗi năm thành lập mới 450 doanh nghiệp; đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có trên 5.000 doanh nghiệp và 950 hợp tác xã. Nhiều dự án công nghiệp trọng điểm hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần tăng năng lực sản xuất như Khu Liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn… Đến nay, toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 19 khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Điểm nhấn trong nhiệm kỳ qua của Hà Tĩnh phải nói đến các mô hình nông nghiệp, nông thôn phát triển khá toàn diện, trọng tâm là thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Với quan điểm phát triển toàn diện và chú trọng các điểm nhấn tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách vì thế liên tục tăng. Nếu như cách đây 5 năm, Hà Tĩnh thuộc trong nhóm các tỉnh thu ngân sách dưới 2.000 tỷ đồng thì riêng năm 2015 dự kiến đạt trên 15.000 tỷ đồng, gấp 7,6 lần so với năm 2010, trong đó, thu nội địa đạt 7.500 tỷ đồng (chỉ tiêu đại hội 5.000 tỷ đồng). Công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh được triển khai đồng bộ, đã thu hút được 64 dự án nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký trên 20 tỷ USD, trở thành 1 trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2015 tỉnh đã vận động được 36 chương trình, dự án viện trợ ODA, gần 100 dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị trên 7.800 tỷ đồng…
1.2. Về văn hóa - xã hội
Văn hóa xã hội cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Các thiết chế văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm đầu tư. Cùng với Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Đại Thi hào dân tộc Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới; Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt…
Cùng với đó là chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ… Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo đạt kết quả thiết thực. Giai đoạn 2011-2015, mỗi năm tạo việc làm cho hơn 32.000 lượt người/năm; xây mới, sữa chữa, nâng cấp trên 51.000 nhà ở cho các đối tượng…
2. Đánh giá thực trạng chiến lược marketing địa phương thu hút lấp đầy các KCN tại Hà Tĩnh
2.1. Những thành công và điểm mạnh cơ bản chiến lược marketing địa phương
Năm 2015, đã có 85 dự án đầu tư vào Hà Tĩnh với số vốn đăng ký trên 16.700 tỷ đồng (tương đương 760 triệu USD). Trong đó có 75 dự án đầu tư trong nước, vốn đầu tư trên 14.102 tỷ đồng và 10 dự án FDI, vốn đầu tư trên 2.660 nghìn tỷ đồng. So với năm 2014, giảm 07 dự án nhưng tăng hơn 9.750 tỷ đồng (tương đương 443 triệu USD) vốn đầu tư đăng ký.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư đã có 06 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đầu tư được ký kết với các đối tác trên các lĩnh vực đào tạo, xuất khẩu lao động, xây dựng cảng biển, nông nghiệp, cung ứng hàng nông sản giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco).
Ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư, thương mại giai đoạn 2015 - 2020 với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI).
2.2. Những hạn chế vào những điểm yếu chủ yếu chiến lược marketing địa phương
Nói chung, hoạt động marketing địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đang được thực hiện một cách tự phát, chưa thể hiện được sự bài bản gắn với tư duy về marketing, đặc biệt là hoạt động marketing gắn với thu hút đầu tư phát triển.
Với những điều kiện về tự nhiên, xã hội và sự tăng trưởng của kinh tế địa phương, tỉnh Hà Tĩnh hoàn toàn có những cơ sở vững chắc để tổ chức thực hiện các chương trình marketing địa phương với những kế hoạch toàn diện và hoàn chỉnh, nhằm thu hút đầu tư phát triển ngày càng tốt hơn, tạo tiền đề phát triển cho cả khu vực Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, những điều kiện đó lại chưa được gắn kết tạo thành một thể thống nhất cùng với các chính sách thu hút đầu tư nhằm góp phần tạo nên những sản phẩm địa phương hấp dẫn. Các nhân tố đó vẫn tồn tại một cách rời rạc và hầu hết không được làm gia tăng lên giá trị để tạo sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Hà Tĩnh khuyến khích các dự án đem lại nhiều nguồn thu cho ngân sách của tỉnh nhưng việc thực hiện hàng loạt các chính sách ưu đãi đầu tư như miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thuế VAT và cả hỗ trợ đào tạo tay nghề cho lao động… các khoản ưu đãi này đều làm giảm đáng kể các khoản thu từ các doanh nghiệp cho ngân sách địa phương. Như vậy là mục tiêu tạo nhiều nguồn thu cho ngân sách địa phương cũng cần phải xem xét lại.
Cũng như nhiều địa phương khác, Hà Tĩnh chưa thấy được tầm quan trọng của định vị địa phương trong chiến lược thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của địa phương mình. Chính vì vậy mà tình hình chung là các địa phương đều chưa định vị hoặc định vị thiếu thuyết phục về môi trường kinh doanh của địa phương. Thay vì tìm cách định vị những yếu tố lợi thế riêng biệt, độc đáo của địa phương, khắc sâu chúng vào trong tâm trí nhà đầu tư - đặc biệt là các nhà đầu tư tiềm năng, các địa phương đều cạnh trạnh với nhau bằng cách thực hiện tràn lan các ưu đãi đầu tư. Nói cách khác, các địa phương trong đó có Hà Tĩnh đều quan tâm tới chiến lược cạnh tranh về “giá” chứ chưa có sự quan tâm thỏa đáng tới cạnh tranh về chất lượng và cạnh tranh bằng sự khác biệt hóa.
Bên cạnh những yếu kém về sản phẩm địa phương dành cho nhà đầu tư, thì các hoạt động marketing địa phương khác ở tỉnh Hà Tĩnh cũng chưa được trú trọng và đầu tư thực hiện. Những nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự kém năng động của lãnh đạo địa phương, theo sự đánh giá của VCCI và kết quả điều tra nghiên cứu thực tiễn đã có, trong việc đề ra các chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là những nguyên nhân cố hữu như ngân sách địa phương hạn hẹp, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận với các nhà đầu tư còn nhiều khó khăn.
Các hoạt động liên quan đến việc tổ chức phân phối sản phẩm địa phương cũng chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Theo như kết quả nghiên cứu, dường như doanh nghiệp còn gặp nhiều trở ngại và khó khăn để tiếp cận đầy đủ thông tin về sản phẩm địa phương của tỉnh Hà Tĩnh. Sự yếu kém này đã thể hiện bằng những kết quả thu hút đầu tư chưa cao, chưa có những thương hiệu mạnh tìm đến hoặc đã tìm đến nhưng lại bỏ đi hoặc không triển khai dự án đầu tư. Phong trào làm marketing địa phương chưa được triển khai sâu rộng tới mọi đối tượng xã hội, đặc biệt là các đối tượng được coi là chủ thể thực hiện hoạt động marketing địa phương, như: cộng đồng doanh nghiệp hiện có trên địa bàn; các tổ chức, đoàn, hội và công chúng địa phương. Phần nhiều nguyên nhân chính thuộc về khả năng tuyên truyền sâu rộng của các cấp chính quyền. Cùng với đó là sự thiếu hụt những chương trình marketing hoàn chỉnh và bài bản, thuận lợi cho việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện.
Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư cũng mới chỉ được thực hiện nhỏ lẻ và không thường xuyên. Địa bàn tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, nhất là không tiếp cận được với những đối tượng mục tiêu cần xúc tiến. Các hoạt động như hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, phát triển website, quảng bá địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc hiện đại vẫn được thực hiện một cách cầm chừng theo kiểu vừa làm vừa học hỏi, khiến gây ra những lãng phí và không mang lại những hiệu quả có tính chất đột phá.
Sự cố môi trường của Formusa đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Tĩnh, đây cũng là một trường hợp cần được quan tâm để các nhà quản lý có thể rút ra nhiều bài học trong việc định hướng và thực hiện tiếp nhận có chọn lọc các dự án đầu tư vào Hà Tĩnh trong thời gian tới.
3. Một số giải pháp nhằm phát triển chiến lược marketing địa phương nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư lấp đầy các KCN tại Hà Tĩnh
Một là, giải pháp vừa căn bản vừa cấp thiết là bộ máy quản trị marketing địa phương cấp cao (Top management) cần thiết lập khung khổ, lộ trình để cung ứng các năng lực chiến lược marketing địa phương vừa phù hợp, vừa có giá trị cao, vừa khó bắt chước, vừa đảm bảo năng lực nguồn lực chiến lược marketing cốt lõi, vừa thực hành và tạo độ nhấn trong cung ứng các năng lực chiến lược marketing khác biệt, vừa xây dựng và phát huy các năng lực marketing khác biệt cốt lõi. Cụ thể: Với năng lực nguồn lực cốt lõi cần tập trung nâng cấp, trước hết nguồn nhân lực (NNL) marketing như nêu trên, bên cạnh đó là các năng lực công nghệ và MIS và năng lực tài sản tri thức marketing; với năng lực khác biệt và cốt lõi khác biệt cần tập trung khai thác các yếu tố khác biệt hóa và bản sắc sản phẩm - ĐĐĐT; thực hành marketing tốt nhất về chất lượng và tốc độ, làm tốt marketing nội bộ và trách nhiệm xã hội, tiên phong trong thực hành chính phủ điện tử và marketing địa phương điện tử.
Hai là, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; địa phương nào nắm được và đi trước trong thực hành marketing cơ sở dữ liệu (Database Marketing) sẽ tạo lợi thế cạnh tranh dẫn đạo bền vững. Marketing cơ sở dữ liệu là quá trình xây dựng, bảo đảm và sử dụng các cơ sở dữ liệu khách hàng/NĐT và các cơ sở dữ liệu khác (sản phẩm, ngành kinh doanh, nhà cung ứng, nhà bán lại, công nghệ) cho mục đích tiếp xúc và giao dịch. Ở đây cơ sở dữ liệu khách hàng/NĐT là một tập hợp được tổ chức các dữ liệu tổng hợp về từng khách hàng/NĐT hiện hữu và tiềm năng có xu hướng, có khả năng tiếp cận và đáp lại đối với những mục đích marketing như tạo động lực và khả năng trở thành khách hàng, bản sắc sản phẩm và dịch vụ hoặc thiết lập các quan hệ khách hàng/NĐT. Một cơ sở dữ liệu khách hàng/NĐT được phát triển tốt là một tài sản độc quyền có thể mang lại những lợi thế cạnh tranh duy nhất cho địa phương trong thu hút đầu tư. Được trang bị với các thông tin trong cơ sở dữ liệu của nó, một địa phương có thể đạt tới độ chính xác thị trường mục tiêu cao hơn nhiều so với marketing hàng loạt, marketing phân đoạn hoặc marketing nép góc có thể thực hiện. Địa phương có thể nhận diện những nhóm khách hàng/NĐT nhỏ chấp nhận tốt hơn những chào hàng và truyền thông marketing. Đầu tư có thể thực hành marketing cơ sở dữ liệu bằng 4 cách: Nhận diện các NĐT tiềm năng; Quyết định những NĐT nào nên nhận một chào hàng thị trường cụ thể, làm sâu sắc làm trung thành khách hàng/NĐT; khách hàng hóa các dự định và quyết định hành vi đầu tư của nhà đầu tư. Nhiều chuyên gia hàng đầu về quản trị thông tin marketing đã dự báo rằng phân tích thông tin marketing sẽ là một nghề hấp dẫn, “hot” và có thu nhập cao trong hiện tại và triển vọng bởi marketing cơ sở dữ liệu đang là một xu thế nổi trội. Vì vậy, nếu HT chấp nhận sớm và đi tiên phong trong lĩnh vực này là một giải pháp chiến lược độc đáo, hiệu quả và bền vững.
Ba là, hoàn thiện các yếu tố chiến lược kênh marketing và xúc tiến đầu tư hàng hóa tạo tiền đề nâng cao hiệu quả và hiệu năng quản trị marketing chiến thuật và tác nghiệp. Với 2 cấu trúc chiến lược này cần tập trung một số giải pháp cụ thể sau:
- Kiện toàn kênh QLNN về dự án đầu tư đăng nhập, trong đó chú trọng khâu thẩm định tiền khả thi và khả thi các tác động môi trường của dự án, song hành với nâng cao kỹ năng chuyên môn của đội ngũ thẩm định dự án đầu tư và nâng cấp năng lực hệ thống giám sát, kiểm định, cảnh báo sớm tác động gây nguy hại môi trường và thực hành nghiêm việc kết nối hệ thống xả thải từng DN KCN với hệ thống xử lý môi trường chung của KCN và ngoài KCN.
- Tập trung nâng cấp chất lượng và năng suất 5 quá trình marketing địa phương cốt lõi mà địa phương hoặc chưa quan tâm, hoặc coi nhẹ. Bao gồm: nhận biết và cập nhật thị trường NĐT; giữ gìn và thu hút đúng khách hàng/nhà đầu tư mới; phát triển và hiện thực hóa CHTT mới; hiện thực hóa vốn đăng ký các dự án đầu tư; quản trị xung đột, rủi ro, thay đổi.
- Chuyển phương pháp “bán” địa điểm đầu tư vật lý hiện tại thành phương thức “bán” gói marketing tổng lực là: giải pháp nhà đầu tư; thông tin cho nhà đầu tư, giá trị khách hàng/nhà đầu tư (chiến lược địa điểm đầu tư, giá/phí, dịch vụ); sự dễ dàng tiếp cận cho NĐT của mô thức SIVA.
Tài liệu tham khảo:
1. Mai Thế Cường (2005) - Cách tiếp cận marketing trong thu hút FDI - VDF.
2. Vũ Trí Dũng (2011) - Marketing lãnh thổ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
3. Nguyễn Bách Khoa (2011) - Chiến lược kinh doanh dựa trên giá trị và tri thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí KHTM, tháng 6/2016.
4. P. Kotler et al (2010), Marketing Management - Prentice Hall – NewYork.
5. P.Kotler et al (2010) - Marketing Asian Places: Attracting Investment, Industry and Tourism to Cities - States & Nations.
6. P.Kotler (2001), Marketing Management - Prentice Hall - NewYork.
7. A.Thompson, J., A.Stricland (2001), Strategic Management: Concepts and Cases - Mc Graw Hill - Boston.
8. Trương Bá Thanh và cộng sự (2015) - Các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút FDI ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tạp chí KHTM, tháng 4/2015.
Solutions to develop local marketing strategies to attract investment for industrial zones in Ha Tinh province
NGUYEN HUY HOANG
Post graduate student of Thuong Mai University
ABSTRACT:
Researching local marketing strategies to attract investment for industrial parks helps contributing and developing marketing management theory in general and has practical implications for Ha Tinh province. It also has good practical reference value for other localities. Through this article, the author would like to introduce some of the current situation of attracting Ha Tinh from the past and to propose a number of strategic solutions to promote investment in industrial zones in Ha Tinh.
Keywords: Local marketing strategies, investment attraction, industrial zones, Ha Tinh province.