TÓM TẮT:
Sau 2 năm đại dịch đã làm thay đổi mạnh mẽ hành vi tiêu dùng của khách hàng từ tiêu dùng trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Các ngân hàng buộc phải thay đổi và thích nghi với xu hướng mới này. Ngành Tài chính Ngân hàng trở thành ngành tiên phong trong việc áp dụng công nghệ số hóa. Chuyển đổi số đã và đang liên tục đem lại những cải tiến và đột phá trong việc cung cấp các hoạt động dịch vụ. Bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển ngân hàng số của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: ngân hàng số, chuyển đổi số, AI, Bigdata.
1. Đặt vấn đề
Những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi số của người tiêu dùng ở mọi giới tính, độ tuổi và nghề nghiệp dần trở nên mạnh mẽ và rõ rệt hơn bao giờ hết. Theo một cuộc khảo sát của Citi, 91% người dùng ngân hàng di động (mobile banking) thích sử dụng ứng dụng trên điện thoại cho các tác vụ liên quan đến ngân hàng, hơn là có mặt trực tiếp tại các phòng giao dịch; và 68% thế hệ trẻ sử dụng dịch vụ ngân hàng di động (mobile banking) cho rằng điện thoại thông minh, ví điện tử và thanh toán trực tuyến sẽ sớm thay thế toàn bộ những chiếc ví truyền thống và giao dịch tiền mặt. Bên cạnh đó, khảo sát từ Ipsos - Forbes Advisor cho thấy, 76% người dân Hoa Kỳ đã sử dụng ứng dụng di động của ngân hàng để thực hiện các tác vụ ngân hàng mỗi ngày trong năm 2021. Điều này cho thấy sở thích người tiêu dùng đang thay đổi theo nhịp phát triển của công nghệ, cũng là lúc các ngân hàng cần bắt kịp nhu cầu mới mẻ này để có thể giải quyết bài toán về lợi thế cạnh tranh. Và ngân hàng số là một trong những xu hướng cần thiết của các ngân hàng.
2. Thực trạng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam
Đại dịch Covid-19 đóng vai trò chính yếu trong việc tạo ra những thay đổi vĩnh viễn trong hành vi và mục tiêu của các tổ chức tài chính liên quan đến chuyển đổi số. Trên thực tế, điều này có nghĩa là quá trình chuyển số đang tăng tốc nhanh hơn trước, với đại dịch làm nền tảng cho các ngân hàng tăng cường đầu tư vào số hóa để duy trì tính cạnh tranh. Kết quả thực tế cho thấy đến nay, các ngân hàng hầu hết đã chuyển trọng tâm phát triển sang lĩnh vực ngân hàng số. Đây cũng là chiến lược kinh doanh cụ thể của họ. Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp, kết quả khảo sát tháng 9/2020 cho thấy 95% ngân hàng đã và đang xây dựng hoặc sẽ có kế hoạch xây dựng chiến lược chuyển đổi số, với 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin và hiện tại có 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Mục tiêu đặt ra theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN vào tháng 5/2021 do Thống đốc Ngân hàng ký duyệt cụ thể như trình bày tại Bảng.
Bảng. Mục tiêu thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025 - 2030
Mục tiêu đến năm 2025 |
Mục tiêu đến năm 2030 |
- Đối với (NHTM) a) Ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; b) Ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; c) Ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet); d) Ít nhất 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; đ) Ít nhất 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động; e) Ít nhất 70% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); |
- Đối với NHTM a) Ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; b) Ít nhất 80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; c) Ít nhất 80% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; d) Ít nhất 80% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; đ) Ít nhất 70% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động; e) Ít nhất 90% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). |
Nguồn: Quyết định số 810/QĐ-NHNN
Ví dụ Techcombank định hướng đến năm 2025, ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân 500 triệu USD đầu tư cho công nghệ, đẩy mạnh các giải pháp ngân hàng số, đặc biệt đối với khách hàng doanh nghiệp - những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thời kỳ đại dịch. Một trong những giải pháp hỗ trợ kinh doanh phải kể đến là nền tảng ngân hàng số Techcombank Business vừa ra mắt đầu tháng 6/2022. Với sự tích hợp nhiều tiện ích như mở tài khoản trực tuyến, xác thực chữ ký số, giao dịch 24/7 và quản lý tài chính… Techcombank Business là sự kế thừa và phát triển những ưu điểm của các giải pháp trước đây với mục tiêu tiết kiệm, an toàn và hiệu quả cho doanh nghiệp.
Hưởng ứng “Chương trình chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và thực hiện theo mục tiêu NHNN đề ra, hoạt động chuyển đổi số tại các NHTM đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng khi NHNN ghi nhận hầu hết các ngân hàng đều đã triển khai các giải pháp kỹ thuật số và công nghệ số trong quá trình làm việc, có 9/19 nghiệp vụ của ngân hàng tại một số NHTM đã được số hóa toàn bộ như mở thẻ thanh toán, gửi tiền, rút tiền, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, liên kết tài khoản với các ví điện tử và các trang thanh toán điện tử.
Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến hết tháng 4/2021 đã có 79 tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet, 49 tổ chức hỗ trợ thanh toán qua di động, mạng lưới 271.000 POS và 19.000 ATM phủ sóng cả nước, lượng giao dịch qua internet tăng 65,9% về số lượng và khoảng 31,2% giá trị so với năm 2020, các giao dịch qua điện thoại di động và mã QR cũng có được sự tăng trưởng ấn tượng. Trong quý I năm 202, số lượng sản phẩm mua sắm qua kênh điện thoại di động đã vượt 395 triệu mặt hàng với tổng giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (đã tăng tương ứng với 78% về số lượng và 103% về giá trị giao dịch). Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng giao dịch qua kênh QR code, với số lượng giao dịch đạt 5,3 triệu sản phẩm và tổng giá trị đạt được là 4,479 tỷ đồng, tăng 83% về số lượng và 146% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, tính đến hết tháng 4/2022, giao dịch qua hệ thống liên ngân hàng đã tăng trưởng mạnh (hơn 32,37%) so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, giao dịch không dùng tiền mặt tăng 27,5% giá trị, 69,7% về số lượng, giao dịch qua điện thoại di động tăng 86,68% về giá trị, 97,6% về số lượng (so với năm 2021). Tổng số ví điện tử kích hoạt tăng 10,37%, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch, tốc độ tăng trưởng mobile banking đạt 200%, giá trị giao dịch hằng ngày trên di động đạt 300 tỷ đồng/ngày. Đây là mức tăng trưởng vượt bậc rất đáng được ghi nhận trong quá trình phát triển ngân hàng số tại Việt Nam. Theo thống kê, tính đến quý II/2022, Mobile Banking đạt là 200% về tốc độ tăng trưởng. Trong đó, khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ cơ bản. Bao gồm số hóa quy trình và kênh giao tiếp. Bên cạnh đó, một số ngân hàng tiên phong ứng dụng nền tảng dữ liệu.
Đến nay, các chuyên gia công nghệ đánh giá hầu hết các NHTM ở Việt Nam đang ở giai đoạn thứ hai của quá trình số hóa - chuyển đổi kỹ thuật số (số hóa toàn diện mọi dịch vụ ngân hàng cung cấp và đưa lên một ứng dụng, giúp khách hàng thực hiện được những gì họ cần một cách nhanh chóng và thuận tiện). Nhiều ngân hàng đã ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến vào công cuộc chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, nhận dạng sinh trắc học, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, QR code, công nghệ phân tích dữ liệu do IBM phát triển để phân tích hành vi khách hàng và đồng bộ hóa dữ liệu của khách hàng.
Theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN 2021 về Phê duyệt kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, mục tiêu đặt ra cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng là trong trong lộ trình từ 5 -10 năm (2025-2030) sẽ chuyển đổi số, số hóa toàn bộ các hoạt động ngân hàng ít nhất từ 70-90%. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu thời gian trên còn rất nhiều thách thức và rủi ro. Một số vấn đề có thể kể đến như việc xác định các tỷ lệ số hóa không đơn giản, các vấn đề pháp lý, nguồn nhân lực, công nghệ, hay chi phí đầu tư và lợi nhuận đem lại là bao nhiêu cho từng giai đoạn chuyển đổi số để phát triển ngân hàng số và còn nhiều thách thức và rủi ro khác khi chuyển đổi số để phát triển ngân hàng số Việt Nam.
3. Giải pháp phát triển ngân hàng số
Một là, xây dựng lộ trình chuyển đổi số, bao gồm cốt lõi việc chuyển dịch ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số và kế hoạch phân bổ nguồn lực. Để thực hiện chiến lược chuyển đổi số đạt được mục tiêu bền vững, trong bối cảnh hiện nay, lộ trình chuyển dịch với các ngân hàng Việt Nam được đề xuất như sau: (i) Trước hết các NHTM Việt Nam cần chuẩn hóa quản trị, hoạt động ngân hàng, (ii) Tiếp theo là thực hiện số hóa từng phần, (iii) Phát triển dịch vụ ngân hàng truyền thống và ngân hàng số song hành, (iv) Triển khai mô hình ngân hàng số hoàn chỉnh tiến đến ngân hàng số thông minh.
Hai là, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách phát triển hạ tầng số, đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu thông qua phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc, phát triển và nâng cấp hạ tầng mạng di động, mở rộng kết nối internet trong nước, khu vực và quốc tế.
Ba là, cơ quan quản lý cần theo dõi sát sao để nhận diện các điểm hạn chế, xác định phương án khắc phục, bao gồm việc yêu cầu các tổ chức tín dụng kiên trì thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường công tác bảo vệ thông tin khách hàng, chịu trách nhiệm với các rủi ro công nghệ thông tin phát sinh trong quá trình hoạt động của mình cũng như của đối tác; nâng cao năng lực số cho lực lượng lao động trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển đồng bộ hạ tầng số, tạo điều kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khai thác đầy đủ các dịch vụ ngân hàng số.
Bốn là, đào tạo nguồn nhân lực. Khắc phục tình trạng khan hiếm nhân sự điều hành mô hình ngân hàng số cũng như có kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi. Như vậy, mỗi ngân hàng tham gia chuyển đổi số cần có giải pháp với các vấn đề này, tùy theo chiến lược, ưu tiên và mục tiêu của mỗi ngân hàng từng thời kỳ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2020). Nghị quyết số 50/NQ-CPban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.
- Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 2289/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2030.
- Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
- Bộ Thông tin và Truyền thông (2020). Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT phê duyệt Đề án “Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”.
- Ngân hàng Nhà nước (2021). Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030”.
Solutions to facilitate the development of digital banking in Vietnam
Master. Bui Le Giang
Faculty of Economic Management, National Academy of Public Administration
Abstract:
After two years of the COVID-19 pandemic, the consumption behavior has been changed drastically towards online shopping. Banks have to change and adapt to this change. The banking and finance industry has become a pioneer in the application of digital technology. The digital transformation has brought improvements and breakthroughs in service sectors. This paper proposes some solutions to develop Vietnam's digital banking in the current context.
Keywords: digital banking, digital transformation, AI, Bigdata.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 3 năm 2023]