TÓM TẮT:
Bài nghiên cứu phân tích thực trạng phát triển sản xuất - kinh doanh các doanh nghiệp chế biến lúa gạo tại TP. Cần Thơ trong thời gian qua, chỉ ra những tồn tại và hạn chế trong phát triển sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo, như: Chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định; Thông tin của các DN về sản phẩm, thị trường và khách hàng còn nhiều hạn chế; Hiệu quả sử dụng vốn trong sản xuất - kinh doanh của các DN chưa thật sự hiệu quả; Quy mô DN còn nhỏ với nguồn vốn còn ít; các hoạt động marketing, nghiên cứu phát triển sản phẩm của DN còn chưa thỏa đáng. Từ đó, bài nghiên cứu đề xuất 6 giải pháp nhằm giúp cho các doanh nghiệp chế biến lúa gạo tại TP. Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới
Từ khóa: Công nghiệp chế biến, lúa gạo, sản xuất, kinh doanh.
1. Đặt vấn đề
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích tự nhiên khoảng 3,97 triệu ha (chiếm khoảng 12% diện tích đất của cả nước), dân số trên 17,9 triệu người, chiếm hơn 20% dân số cả nước, GDP của vùng chiếm khoảng 27% GDP của cả nước. Hàng năm, toàn vùng sản xuất hơn 50% sản lượng lúa và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, thu về nguồn ngoại tệ khoảng 3,5 tỷ USD/năm. Vì vậy, có thể khẳng định sản xuất và chế biến lúa gạo là thế mạnh của vùng ĐBSCL. Sản xuất và chế biến lúa gạo đã góp phần rất lớn vào việc đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, là tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng.
TP. Cần Thơ là nơi hội tụ của nhiều tuyến giao thông thủy, bộ và hàng không quan trọng. Có 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu trải dài khắp các tỉnh, thành trong vùng, hệ thống các cảng biển lớn nhất vùng như cảng Cái Cui, cảng Cần Thơ, đặc biệt là có kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn ra vào sông Hậu, cảng Trần Đề được quy hoạch là cảng nước sâu của vùng. Quốc lộ 1A và hệ thống đường cao tốc đi từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ và đến tỉnh Cà Mau; các tuyến quốc lộ từ Cần Thơ đi đến các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang hướng về Phnôm Pênh (Campuchia); cùng với đó là sân bay Cần Thơ được đầu tư nâng cấp để trở thành sân bay quốc tế. Với những lợi thế trên, TP. Cần Thơ có đủ điều kiện để phát triển công nghiệp chế biến lúa gạo và trở thành trung tâm chế biến lúa gạo của vùng ĐBSCL.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến lúa gạo của TP. Cần Thơ đã có những bước phát triển đáng khích lệ như: giá trị sản xuất - kinh doanh của năm sau đều tăng cao so với năm trước, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng trưởng khá cao trong nhiều năm liền, thị trường xuất khẩu được mở rộng, chất lượng và mẫu mã sản phẩm ngày càng được cải tiến, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và nâng cao đời sống cho người trồng lúa.
Tuy vậy, nếu so với những tiềm năng và yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì các doanh nghiệp chế biến lúa gạo của TP. Cần Thơ còn rất nhiều hạn chế.
Bài viết nghiên cứu “Giải pháp phát triển sản xuất - kinh doanh các doanh nghiệp chế biến lúa gạo TP. Cần Thơ đến năm 2030” nhằm giúp các doanh nghiệp chế biến lúa gạo tại TP. Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
2. Phương pháp nghiên cứu
Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực tiễn dựa trên những quy luật phát triển khách quan về kinh tế - xã hội, cùng với những quan điểm, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực lúa gạo.
Phương pháp thống kê mô tả, phân tích thống kê, so sánh tổng hợp, phương pháp điều tra và phương pháp chuyên gia.
Nguồn thu thập thông tin: Thông tin được thu thập từ 2 nguồn:
- Nguồn thông tin thứ cấp: Các thông tin được thu thập từ số liệu thống kê, báo cáo của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
- Nguồn thông tin sơ cấp: Các thông tin được thu thập thông qua bảng câu hỏi khảo sát các doanh nghiệp và chuyên gia.
3. Đánh giá thực trạng sản xuất - kinh doanh các doanh nghiệp chế biến lúa gạo TP. Cần Thơ
3.1. Kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh
Kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của 85 doanh nghiệp chế biến lúa gạo trên địa bàn TP. Cần Thơ cho thấy: đa số các DN đều có lợi nhuận, đặc biệt là trong năm 2020 không có DN nào bị lỗ vốn, năm 2021 chỉ có 2 DN bị thua lỗ (chiếm tỷ lệ 2,43%). Trong năm 2022, có số các DN làm ăn thua lỗ cao nhất trong 3 năm, cũng chỉ có 4 DN bị thua lỗ (chiếm tỷ lệ 4,76%). Có thể thấy, các doanh nghiệp chế biến lúa gạo rất nỗ lực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm đạt được mức lợi nhuận trong khả năng có thể của DN.
Bảng 1. Kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh
của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo trong 3 năm 2020 - 2022
Nguồn: Tác giả
Trong đó: doanh thu của các DN năm 2022 đạt 17.857 tỷ đồng, tăng 5,47% so với năm 2021 và tăng 40,92% so năm 2020, doanh thu tăng là do kim ngạch xuất khẩu gạo của các DN tăng qua các năm. Lợi nhuận sau thuế của năm 2022 đạt 378 tỷ đồng, giảm 4,06% so với năm 2021 và tăng 43,82% so năm 2020.
Bảng 2. Kết quả về doanh thu, chi phí và lợi nhuận sau thuế
của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo trong 3 năm 2020 - 2022
ĐVT: Tỷ đồng
Nguồn: Tác giả
3.2. Hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh
Về năng suất lao động: Theo kết quả khảo sát, năng suất lao động của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo tăng đều qua các năm, năm 2021 là 1.046 triệu đồng/người, tăng 16,87% so với năm 2020 và năm 2022 là 1.142 triệu đồng/người, tăng 10,91% so với năm 2021.
Về hiệu quả sử dụng vốn:
- Lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu: Hầu hết các DN đều có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận của các DN đạt được không cao. Các DN đạt lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu trên 20% còn rất thấp. Vì vậy, có thể nói hiệu quả sử dụng vốn trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo là chưa cao.
Do đó, trong thời gian tới, các DN cần có những biện pháp nhằm cải tiến hơn nữa hoạt động sản xuất - kinh doanh để góp phần làm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Trong đó, theo kết quả khảo sát thì tỷ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân của các DN trong năm 2022 là 18,71%, có nghĩa là cứ mỗi 100 đồng vốn DN bỏ ra kinh doanh thì thu về được 18,71 đồng lợi nhuận.
- Lợi nhuận sau thuế trên doanh thu: Theo kết quả khảo sát, tỷ số lợi nhuận sau thuế trên doanh thu bình quân của các DN năm 2020 là 2,08%; trong khi đó, tỷ số này của năm 2021 là 2,33% và năm 2022 là 2,12%, thấp hơn 0,21% so với năm 2021. Như vậy, trong năm 2022 cứ mỗi 100 đồng doanh thu thì tạo ra được 2,12 đồng lợi nhuận cho DN, mức lợi nhuận này là không cao so với yêu cầu phát triển của các DN.
Do đó, để nâng cao tỷ số lợi nhuận trên doanh thu các DN cần có biện pháp cải tiến sản xuất nhằm làm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao lợi nhuận.
4. Phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo
4.1. Nguồn nguyên liệu
Nguồn nguyên liệu được các DN thu mua từ các nguồn như thương lái, nông dân, DN, nhưng chủ yếu là các DN.
Bảng 3. Nguồn gốc của nguyên liệu mà các doanh nghiệp mua vào
Ghi chú: Tỷ lệ này ứng với số DN chọn, tỷ lệ tổng cộng không phải là 100% do các DN có thể mua nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau.
Nguồn: Tác giả
Bảng 3 cho thấy, có tới 71,76% DN mua lúa từ thương lái, điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguyên liệu đầu vào. Nguyên nhân do thương lái là người thu mua lúa của rất nhiều nông dân với số lượng nhỏ lẻ và lúa được trồng từ nhiều giống lúa khác nhau, vì vậy có rất nhiều giống lúa bị trộn lẫn với nhau trước khi chế biến, từ đó làm cho chất lượng gạo sau khi chế biến không cao, do không đồng nhất về kiểu dáng, mùi thơm, màu sắc, độ dẻo của hạt gạo.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL và nằm tiếp giáp với các tỉnh có nguồn nguyên liệu dồi dào như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang nên các doanh nghiệp chế biến lúa gạo tại TP. Cần Thơ rất thuận lợi trong việc thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến. Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác tổ chức thu mua của các DN thực hiện chưa tốt, hầu hết các DN đều quá phụ thuộc vào các thương lái. Đặc biệt, các DN chưa quan tâm nhiều đến việc tự xây dựng vùng nguyên liệu thông qua ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp. Theo khảo sát, chỉ có 7,05% DN là có xây dựng vùng nguyên liệu và 48,24% DN là có mua lúa trực tiếp của nông dân.
4.2. Lao động trong các doanh nghiệp chế biến lúa gạo
Theo kết quả khảo sát DN, tỷ lệ lao động có trình độ trên đại học và đại học của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo còn rất thấp, chỉ chiếm 7,45%; lao động có trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm tỷ lệ 8,4%; lao động qua đào tạo nghề chiếm tỷ lệ 37%; còn lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao nhất là 47,15%.
Về lương của cán bộ quản lý và công nhân: lương bình quân của cán bộ quản lý có trình độ trên đại học là 5,62 triệu đồng/tháng, trình độ đại học là 3,2 triệu đồng/tháng, trình độ cao đẳng và trung cấp 2,65 triệu đồng/tháng, công nhân kỹ thuật có đào tạo nghề 2,95 triệu đồng/tháng, lương của công nhân chưa qua đào tạo là 2,42 triệu đồng/tháng.
Bảng 4. Lương bình quân của lao động làm việc
trong các doanh nghiệp chế biến lúa gạo năm 2022
ĐVT: Đồng/tháng
Nguồn: Tác giả
4.3. Vốn trong các doanh nghiệp chế biến lúa gạo
Quy mô vốn bình quân của một doanh nghiệp chế biến lúa gạo năm 2022 là 39,22 tỷ đồng. Có thể nói, với số vốn như trên, quy mô vốn sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo là khá nhỏ. Trong đó, quy mô trung bình vốn tự có của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo là 23,76 tỷ đồng, vốn tự có chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu vốn của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo (chiếm 60,58%) trong tổng vốn. Vốn vay ngân hàng chiếm tỷ trọng 38% trong tổng vốn.
Bảng 5. Nguồn vốn và cơ cấu vốn bình quân
của một doanh nghiệp chế biến lúa gạo năm 2022
Nguồn: Tác giả
4.4. Những thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo TP. Cần Thơ
4.4.1. Những thuận lợi
- Thị trường ngày càng được mở rộng, các DN luôn quan tâm đến việc duy trì thị trường đã có và tìm kiếm mở rộng thị trường mới, nhất là đối với các thị trường không phải là truyền thống.
- Với dân số của Việt Nam khoảng 100 triệu người, đây là thị trường tiêu thụ rộng lớn và là điều kiện thuận lợi để các DN phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.
- Giá gạo của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan nên các DN có lợi thế hơn về phát triển ngành hàng xuất khẩu.
- TP. Cần Thơ với vị trí địa lý thuận lợi nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL, tiếp giáp với các tỉnh có nguồn nguyên liệu lớn nhất cả vùng và cả nước nên các DN rất thuận lợi trong việc thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến.
4.4.2. Những khó khăn
- Chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định, do các doanh nghiệp chế biến lúa gạo chưa xây dựng được vùng nguyên liệu với quy mô sản xuất lớn để sản xuất ra lượng lúa hàng hóa với số lượng lớn và cùng một loại giống; hầu hết các DN thu mua lúa nguyên liệu của nhiều thương lái khác nhau.
- Các DN chưa đầu tư thỏa đáng cho hoạt động marketing, nghiên cứu phát triển sản phẩm và thị trường; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm.
- Thông tin của các DN về sản phẩm, thị trường và khách hàng còn nhiều hạn chế. Các DN chưa nắm bắt đầy đủ và kịp thời những thông tin về thị trường, nhất là đối với thị trường nước ngoài.
- Hiệu quả sử dụng vốn trong sản xuất - kinh doanh của các DN chưa thật sự hiệu quả, còn một số DN bị thua lỗ hoặc đạt lợi nhuận rất ít.
- Quy mô của các DN còn nhỏ, vốn ít và các doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn do không đáp ứng được các yêu cầu về thế chấp ngân hàng.
5. Giải pháp phát triển sản xuất - kinh doanh các doanh nghiệp chế biến lúa gạo của TP. Cần Thơ đến năm 2030
5.1. Giải pháp về phát triển nguồn nguyên liệu
(1) Liên kết với các tỉnh trong vùng để xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn: Ngành Nông nghiệp và các doanh nghiệp chế biến lúa gạo của Cần Thơ cần liên kết với ngành Nông nghiệp, nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp của các tỉnh trong vùng ĐBSCL để xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn và trong vùng sản xuất để chỉ trồng một số giống lúa nhất định.
Trên thực tế, muốn xây dựng được vùng sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn, vai trò của sự liên kết 4 nhà, đó là “Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà DN và Nhà nông” là rất quan trọng.
(2) Xây dựng vùng nguyên liệu tại địa phương ổn định về số lượng và nâng cao về chất lượng: Diện tích đất trồng lúa sẽ giảm dần do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa trong tương lai, nhất là hiện nay TP. Cần Thơ đã là thành phố loại I trực thuộc Trung ương. Vì vậy, ngay từ bây giờ thành phố cần có quy hoạch diện tích đất trồng lúa đến năm 2030 và các năm tiếp theo để tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các doanh nghiệp chế biến lúa gạo của địa phương.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng lúa gạo, TP. Cần Thơ cần sớm xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo quy mô trang trại tại các quận, huyện như: Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh.
(3) Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác xã để tổ chức sản xuất lúa gạo tập trung: Để khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất dưới hình thức sản xuất lúa theo nông hộ, Nhà nước cần tổ chức và hỗ trợ nông dân chuyển hóa dần từ hình thức kinh tế hộ sang kinh tế trang trại nhỏ và vừa, kinh tế hợp tác xã để phát triển sản xuất lúa gạo tập trung, tạo điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa chất lượng lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại chuyên môn hóa sản xuất lúa gạo hoặc kết hợp sản xuất lúa gạo với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, gieo trồng các cây ngắn ngày khác trên cơ sở luân canh, luân vụ hợp lý. Tại các vùng sản xuất lúa chuyên canh khuyến khích tập trung sản xuất lớn, phát triển kinh tế trang trại bằng các chính sách như mở rộng quy định về mức hạn điền, miễn thuế chuyển nhượng cho nông dân có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất lúa, khuyến khích cho thuê đất để sản xuất lúa theo hình thức trang trại.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã để khắc phục hạn chế về ruộng đất phân tán, manh mún trong sản xuất lúa gạo, khai thác ưu điểm của mô hình sản xuất vừa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn vừa đáp ứng được yêu cầu tạo điều kiện cho các hộ nông dân hợp tác cùng nhau phát triển sản xuất.
(4) Tổ chức lại hệ thống thu mua và tăng cường ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người nông dân: Các doanh nghiệp chế biến lúa gạo cần tổ chức lại hệ thống thu mua lúa bằng cách thiết lập các tổ thu mua đến tận nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp. Đẩy mạnh việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp; thông qua việc ký kết hợp đồng này, các DN có thể ứng vốn trước một phần hoặc cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân để họ có điều kiện thâm canh sản xuất lúa, từ đó năng suất và chất lượng lúa sẽ được nâng lên.
5.2. Giải pháp nâng cao trình độ nguồn nhân lực
Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho nhu cầu trước mắt và các giai đoạn tiếp theo, TP. Cần Thơ cần thực hiện các giải pháp về nguồn nhân lực như sau:
(1) Các doanh nghiệp cần quan tâm đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Với xu thế hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của DN. Thực tế cho thấy, đầu tư vào nguồn nhân lực có thể mang lại hiệu quả cao hơn so với việc đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và các yếu tố khác của quá trình sản xuất - kinh doanh. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp chế biến lúa gạo cần quan tâm một số vấn đề sau:
- Các DN dựa vào khả năng tài chính và mục tiêu của mình để xác định nhu cầu, lĩnh vực cần đào tạo cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu công việc của DN.
- Đối với các vị trí chủ chốt, cán bộ quản lý DN cần xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo dài hạn như đào tạo sau đại học, đào tạo Giám đốc điều hành, Giám đốc tài chính, kỹ năng lãnh đạo, các khóa học bồi dưỡng ở nước ngoài, các khóa học bồi dưỡng ngắn hạn và thường kỳ,… nhằm tạo ra đội ngũ quản lý có đầy đủ trình độ và bản lĩnh đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh của DN và ứng phó tốt với những biến động của môi trường.
- Đối với các công nhân kỹ thuật đòi hỏi phải có trình độ tay nghề cao, DN có thể đào tạo bằng hình thức cử người lao động tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn, các khóa tập huấn kỹ năng nghề nghiệp.
Ngoài ra, để nâng cao tính hiệu quả trong công tác đào tạo tay nghề cho người lao động, cần có sự liên kết giữa DN với các trung tâm dạy nghề trong việc xây dựng nội dung và chương trình đào tạo. Trong quá trình học tập, học viên có thể thực hành ngay tại các nhà máy, xí nghiệp của DN để liên hệ giữa lý thuyết với thực tiễn của quá trình sản xuất và sau khi hoàn thành khóa học người lao động có thể ứng dụng ngay vào công việc của mình.
- Đối với lao động phổ thông, DN chỉ cần đào tạo bằng cách kèm cặp, hướng dẫn tại chỗ, giảng viên là những người lao động có thâm niên nghề nghiệp và những công nhân có trình độ tay nghề giỏi. Các DN có thể cử người lao động tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn, các khóa tập huấn kỹ năng nghề nghiệp tại các cơ sở dạy nghề ở địa phương.
(2) Các DN cần có chính sách đãi ngộ nhân tài hợp lý: Các DN cần có chính sách trả lương, trả thưởng hợp lý để thu hút lao động giỏi vào làm việc và giữ chân những người lao động giỏi này. Đồng thời, khen thưởng kịp thời cho những trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhằm khuyến khích họ tăng cường thi đua, mang lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao cho DN. Bên cạnh đó. DN cần cải thiện điều kiện làm việc để thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao.
(3) Nâng cao hiệu quả công tác tuyển dụng và bố trí nhân sự hợp lý: Các doanh nghiệp chế biến lúa gạo cần xây dựng quy chế, chính sách về tuyển dụng lao động cho DN. Các thông tin về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, yêu cầu của DN đối với người được tuyển dụng,... cần được thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và tại nơi phỏng vấn của DN; quá trình thi tuyển cần được giám sát chặt chẽ và bảo đảm tính công bằng. Ngoài ra, thông qua các chương trình nhận sinh viên thực tập tại DN, cấp học bổng khuyến học cho các trường đại học, trung tâm dạy nghề, giúp doanh nghiệp có thể tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng tốt.
DN cần quan tâm bố trí nhân sự một cách hợp lý, việc sắp xếp nhân sự phải căn cứ vào khả năng và yêu cầu công việc. Cần mạnh dạn giao việc và ủy quyền để nhân viên có thể độc lập tự chủ trong công việc. DN nên có kế hoạch luân chuyển hợp lý nhân viên để phát huy tính sáng tạo và tạo sự cạnh tranh công bằng trong nhân viên. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp với những giá trị bình đẳng, tạo môi trường hợp tác và tinh thần vì tập thể trong đơn vị để tất cả mọi người luôn quyết tâm thực hiện mục tiêu chung. Các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với từng vị trí cần được công bố công khai để tất cả mọi người cùng phấn đấu thi đua và phải thật sự xứng đáng với vị trí của mình.
(4) Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực: TP. Cần Thơ có cơ chế chế chính sách để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư mở thêm các trường, các trung tâm dạy nghề có chất lượng cao nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động. Các trường và các trung tâm tâm dạy nghề cần có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo, tổ chức thực tập, kiểm tra và đánh giá tốt nghiệp để giúp nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo nghề.
Bên cạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hàng năm thành phố cần tổ chức các hội thi tay nghề để xây dựng phong trào thi đua rèn luyện tay nghề, phát huy sáng kiến nghề nghiệp của người lao động, vấn đề này chưa được thành phố quan tâm một cách thỏa đáng trong thời gian qua.
5.3. Giải pháp tạo vốn và nâng cao năng lực về vốn cho các doanh nghiệp
Để tạo vốn và sử dụng vốn có hiệu quả, các DN cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
(1) Tăng tốc độ luân chuyển của vốn lưu động: Muốn tăng nhanh tốc độ luân chuyển vốn lưu động, doanh nghiệp cần quan tâm đến sử dụng vốn thật hợp lý và tiết kiệm. Phải có những biện pháp cụ thể nhằm tiết kiệm vốn ở từng khâu như dự trữ, sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể là:
- Ở khâu dự trữ, doanh nghiệp cần rút ngắn thời gian thu mua, vận chuyển, bốc dỡ và kiểm nghiệm nguyên vật liệu; tiết kiệm nguyên vật liệu, có mức dự trữ nguyên vật liệu hợp lý và phải đảm bảo chất lượng, giảm thiểu tổn thất, hao hụt nguyên vật liệu.
- Ở khâu sản xuất, có biện pháp rút ngắn chu kỳ sản xuất, áp dụng phương pháp tổ chức sản xuất hợp lý để quá trình sản xuất được liên tục và giảm thiểu thời gian gián đoạn trong sản xuất để nâng cao năng suất.
- Ở khâu tiêu thụ, các doanh nghiệp phải có thị trường tiêu thụ ổn định. Muốn có thị trường tiêu thụ ổn định, các doanh nghiệp phải tăng cường các hoạt động marketing để mở rộng thị trường, bên cạnh đó cần thiết lập các thị trường và các khách hàng truyền thống.
(2) Vốn vay tín dụng và hợp tác với bên ngoài: Để thuận lợi cho việc vay vốn ngân hàng các DN cần có hệ thống báo cáo tài chính một cách minh bạch, rõ ràng, có các dự án kinh doanh khả thi nhằm phát triển sản xuất - kinh doanh có hiệu quả cao để có thể thu hút nguồn vốn vay tín dụng.
Thực hiện sự liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp chế biến lúa gạo trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác nhau để khai thác tối đa tiềm năng tài chính của mỗi DN. Thực hiện cổ phần hóa DN, đặc biệt, bằng hình thức cổ phần hóa các DN có thể thu hút vốn từ những cổ đông là những người nông dân sản xuất lúa, các thương lái.
Bên cạnh các giải pháp trên, để tạo vốn thì những DN có thực lực nên tham gia thị trường chứng khoán nhằm tạo kênh thu hút vốn từ công chúng.
5.4. Giải pháp xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm lúa gạo
Việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng là rất cấp thiết. Cụ thể:
(1) Cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các chủ thể có liên quan, cụ thể:
Một là, các nhà khoa học cần nghiên cứu tìm ra các giống lúa chất lượng cao, có giá trị thương phẩm tốt đối với thị trường nội địa và xuất khẩu, dựa trên cơ sở của một nền nông nghiệp bền vững. Đồng thời, phải đào tạo nông dân về kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn GAP để mặt hàng gạo luôn đảm bảo được an toàn vệ sinh.
Hai là, hình thành những vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, xây dựng những cánh đồng một giống, nhằm tạo ra một lượng lúa hàng hóa lớn và đồng bộ, như vậy sẽ thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu.
Ba là, xây dựng hệ thống thu mua có lợi cho nông dân, giảm trung gian. Muốn như vậy, cần có sự ký kết hợp đồng tiêu thụ giữa DN với người nông dân sản xuất lúa, thông qua đó những DN chế biến và kinh doanh lúa gạo sẽ chịu trách nhiệm về xây dựng thương hiệu của sản phẩm.
Bốn là, các DN cần tìm hiểu sở thích, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài để xây dựng nhiều thương hiệu gạo đặc sản cho doanh nghiệp. Đồng thời phải có những chiến lược quảng bá sản phẩm thông qua các khâu đóng gói, mẫu mã của bao bì, tên thương hiệu, logo,...
Năm là, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nông, Nhà DN, Nhà khoa học và Nhà nước, để tạo ra được sản phẩm đồng nhất, chất lượng cao.
(2) Các DN cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm gạo có chất lượng cao dựa trên cơ sở các liên kết trên
Cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Cần xác định cho mình các thành phần quan trọng của thương hiệu với bản sắc riêng, gây ấn tượng cho người tiêu dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên, giúp khách hàng dễ nhận biết và dễ nhớ thương hiệu hơn. Cần phối hợp thực hiện hiệu quả năm công cụ truyền thông của marketing, là: quảng cáo, xúc tiến bán hàng, bán hàng trực tiếp, marketing trực tiếp và quan hệ công chúng.
5.5. Giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
Để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, trong thời gian tới các doanh nghiệp chế biến lúa gạo của Cần Thơ cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, các giải pháp đối với thị trường trong nước:
(1) Xác định thị trường mục tiêu: Thị trường mục tiêu trong nước của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo Cần Thơ là thị trường tiêu dùng ở trung tâm các quận, huyện, thị trấn, thành thị của TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận trong vùng; đặc biệt là thị trường tiêu dùng rất rộng lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Các sản phẩm chủ yếu của những thị trường mục tiêu này là các loại gạo thơm và gạo trắng hạt dài chất lượng cao.
(2) Xây dựng hệ thống kênh phân phối: Việc xây dựng hệ thống kênh phân phối bao gồm các cửa hàng kinh doanh lúa gạo của DN, hệ thống các siêu thị và nhà bán lẻ tại các thị trường nêu trên có vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng và phát triển thị trường trong nước.
(3) Phát triển các sản phẩm mới, đa dạng về mẫu mã và nâng cao về chất lượng: Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, DN cần quan tâm phát triển các sản phẩm gạo cao cấp như: gạo trắng hạt dài và gạo thơm đóng gói 2 kg, 5 kg và 10 kg. Ngoài ra, các DN cần quan tâm phát triển thêm các sản phẩm mới như: gạo có hàm lượng sắt, gạo có hàm lượng Vitamin A, gạo dành cho người bệnh tiểu đường,...
Thứ hai, các giải pháp đối với thị trường xuất khẩu:
(1) Xác định thị trường xuất khẩu mục tiêu: Trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là các nước khu vực Châu Á như Philippines, Indonesia và các nước khu vực Châu Phi với gạo trắng cấp trung bình và cấp thấp. Để mở rộng thị trường xuất khẩu, các DN cần đẩy mạnh thâm nhập thị trường các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và một số thị trường châu Á như: Malaysia, Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc với các loại gạo thơm chất lượng cao. Thị trường của các sản phẩm gạo chất lượng cao bước đầu chiếm từ 10% đến 20% trên tổng sản lượng gạo xuất khẩu, nhưng phải từng bước được nâng cao hơn nữa và phấn đấu chiếm tỷ trọng khoảng 50% vào năm 2030 nhằm để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu của Cần Thơ.
- Mở rộng kênh phân phối sản phẩm: Các DN cần tiếp tục duy trì xuất khẩu gạo theo 2 hình thức là xuất khẩu trực tiếp và xuất khẩu gián tiếp. Đối với xuất khẩu trực tiếp, ngoài việc phân phối thông qua nhà nhập khẩu và nhà bán buôn nước ngoài như trước đây, các DN có thể hợp tác với các nhà bán lẻ ở nước ngoài để cung cấp các sản phẩm gạo thơm đóng gói 2 kg, 5 kg và 10 kg nhằm rút ngắn kênh phân phối và qua đó quảng bá hình ảnh gạo Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng trên thế giới.
5.6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hoàn thiện hệ thống thông tin trong doanh nghiệp
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hoàn thiện hệ thống thông tin trong DN, các giải pháp cần được được áp dụng trong thời gian tới như sau:
(1) Sở Thông tin và truyền thông của thành phố hỗ trợ các DN mở các khóa huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin của DN để nâng cao trình độ chuyên môn.
(2) Các DN nên chủ động thiết lập mạng thương mại điện tử để giải quyết có hiệu quả những vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh. Xây dựng hệ thống truy xuất thông tin về sản phẩm, trong đó sản phẩm sau khi chế biến và đóng gói sẽ lưu lại các thông tin về thời điểm sản xuất, công nhân đứng máy trực tiếp sản xuất, chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào để truy xuất khi cần thiết.
(3) Các DN cần có phòng hay bộ phận phụ trách thông tin, có trách nhiệm thu thập các thông tin liên quan đến môi trường kinh doanh của DN và tổng hợp các thông tin nội bộ được cung cấp từ những bộ phận khác, sau đó hệ thống lại và có những dự báo làm cơ sở cho lãnh đạo DN ra quyết định. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cấp thường xuyên hệ thống mạng nội bộ để dòng chảy thông tin giữa các bộ phận trong DN được thông suốt. Như vậy, các công việc của DN sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác, đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời những vướng mắc gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Quản lý các Khu công nghiệp Cần Thơ, (2022). Báo cáo tình hình hoạt động và kết quả đầu tư xây dựng của các khu công nghiệp Cần Thơ, Cần Thơ.
- Sở Lao động Thương binh và Xã hội Cần Thơ, (2022). Báo cáo tình hình lao động và thu nhập của người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ.
- Thành ủy Cần Thơ, (2022). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Cần Thơ các năm 2020, 2021, 2022.
SOLUTION FOR THE DEVELOPMENT OF RICE PROCESSING ENTERPRISES
IN CAN THO CITY BY 2030
• Ph.D. NGUYEN HUYNH PHUOC
Lecturer, Nguyen Tat Thanh University
ABSTRACT
This study analyzes the current development of rice processing companies in Can Tho city over the past years. The study also points out the shortcomings and limitations of these companies. For example, the quality of inputs is unstable; enterprises lack information about products, markets, and customers; enterprises ineffectively use capital in doing business activities; the size of enterprises is still small with low capital; and enterprises do not conduct adequate marketing activities, and product research and development. Based on the study’s findings, six solutions are proposed to help rice processing companies grow faster and more sustainably in the coming years.
Keywords: processing industry, rice, production, business.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]