Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam: Xây dựng mô hình kinh doanh bền vững trên sàn thương mại điện tử toàn cầu

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và xu hướng chuyển đổi số lên ngôi, giao thương toàn cầu thông qua thương mại điện tử B2B có thể đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững, tạo điều kiện để phục hồi và tăng trưởng. Ông Roger Lou - Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam đã có những chia sẻ cụ thể hơn với Tạp chí Công Thương xoay quanh câu chuyện này.
Ông Roger Lou - Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam
Ông Roger Lou - Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tiềm năng xuất khẩu trực tuyến của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa? 

Ông Roger Lou: Là một trong những quốc gia sản xuất đại diện cho khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã và đang xây dựng được uy tín lớn đối với khách hàng trên toàn thế giới nhờ năng lực sản xuất, cung cấp được sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh và tập trung vào xuất khẩu. 

Trong khi thị trường B2C đã ứng dụng thương mại điện tử một cách sâu rộng hơn, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã thiết lập giao dịch B2B toàn cầu bằng cách sử dụng các kênh kỹ thuật số. 

Năm nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy rằng cần phải có các mô hình kinh doanh bền vững hơn. Chúng tôi tin rằng, giao thương toàn cầu thông qua thương mại điện tử B2B có thể đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững, tạo điều kiện để phục hồi và tăng trưởng.

Việt Nam hiện đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại quốc tế. Tôi cho rằng các hiệp định thương mại tự do này có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam về lâu dài. Nhờ vào các điều kiện thuận lợi mà các hiệp định này mang lại cùng với nỗ lực toàn cầu hóa, các doanh nghiệp trong nước sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn để giảm rào cản xuất khẩu sang các thị trường mới. Tất cả những điều này đều xuất phát từ sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ Việt Nam.

Bản thân tôi đã sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2021; chứng kiến đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hàng ngày của người dân và công việc kinh doanh, thương mại. 

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số nói chung và thương mại điện tử nói riêng là một công cụ hiệu quả với chi phí hợp lý để các doanh nghiệp có thêm các kênh ban hàng mới và đa dạng nguồn doanh thu. 

Các thị trường lớn trên thế giới như Hoa Kỳ và Châu Âu đã đạt được "mức bình thường mới", từ dữ liệu nền tảng, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng cũng phục hồi và đang tăng trở lại. 

Đây là cơ hội lớn để các nhà sản xuất và kinh doanh Việt Nam tiếp cận trực tiếp với các khách hàng tiềm năng thông qua Alibaba.com ngay bây giờ.

PV: Theo ông, sự vào cuộc của Chính phủ, cụ thể là Bộ Công Thương, đóng vai trò thế nào trong hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử? Hoạt động phối hợp giữa Bộ và Alibaba.com đã được triển khai ra sao và đạt được những kết quả thế nào đến nay? 

Ông Roger Lou: Alibaba.com Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ với Vietrade (Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương) vào tháng 3/2021 để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số và nâng cao năng lực thương mại điện tử của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thông qua đó tăng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, và tạo được lực lượng lao động có trình độ về thương mại điện tử.

Tính tới nay, chúng tôi đã đồng tổ chức 15 hội thảo và webinar trên khắp cả nước, nhận được sự tham gia của hơn 2.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu trong nước, đến từ các khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Yên Bái, Thái Nguyên, Hưng Yên và Bắc Giang; khu vực miền Trung như Quy Nhơn; Khu vực phía Nam như Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh, Cà Mau, Kiên Giang.

Hội nghị Quốc tế xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com “We choose ACCELERATION” lần thứ hai do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương và Alibaba.com tổ chức ngày 18/3/2022
Hội nghị Quốc tế xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com “We choose ACCELERATION” lần thứ hai do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương và Alibaba.com tổ chức ngày 18/3/2022

Vào tháng 9/2021, thấu hiểu được những khó khăn to lớn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang phải đối mặt trong bối cảnh đại dịch và giãn cách xã hội kéo dài, Vietrade đã hợp tác với Alibaba.com ra mắt chương trình “Đồng lòng, cùng tiến”. 

Đây là chương trình được thiết kế riêng cho các doanh nghiệp Việt Nam do các chuyên gia đến từ toàn cầu và tại Việt Nam dẫn dắt, đánh dấu bước tiếp theo trong quan hệ đối tác chiến lược này. 

Với mục tiêu giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt được thành công trong thương mại điện tử bằng cách vượt qua những thách thức hiện tại và tiếp cận với các cơ hội kinh doanh toàn cầu, chương trình cung cấp năm giải pháp dành riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. 

Các giải pháp này trang bị cho họ những công cụ, kiến ​​thức phù hợp và đồng thời truyền cảm hứng bằng các câu chuyện của doanh nghiệp thành công trên nền tảng. 

Chương trình hỗ trợ “Đồng lòng, cùng tiến” giúp các doanh nghiệp nâng cao kỹ năng thương mại điện tử và phát triển tư duy “số hoá thành công” bằng cách: 

(i) Cung cấp những cập nhật về chính sách thương mại điện tử và tư liệu tập huấn mới nhất từ Vietrade và Bộ Công Thương;

(ii) Được truy cập độc quyền hơn mười khoá tập huấn thương mại điện tử chưa từng có trước đây trị giá 8.000 USD;

(iii) Giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định kinh doanh sáng suốt bằng những phân tích sâu sắc nhất về số liệu và thị trường từ Alibaba.com.

Ngoài ra, chương trình còn cung cấp những giải pháp thiết thực được thiết kế riêng cho doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ dễ dàng tiến gần hơn đến với mục tiêu số hoá thành công, bằng cách tăng cường kiến thức chuyên môn về hoạch định chính sách, thương mại điện tử và mở rộng trải nghiệm thực tế trong thời kì Covid-19 thông qua những chia sẻ của các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về hành trình chuyển đổi số trên sàn thương mại điện tử, từ đó, phát triển những giải pháp hiệu quả dành riêng cho doanh nghiệp của họ.

Đồng thời, chúng tôi tham gia tư vấn trực tiếp 1 - 1 với các chuyên gia chuyển đổi số đến từ Alibaba.com, nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp với từng doanh nghiệp.

PV: Từ quá trình song hành với các doanh nghiệp Việt thời gian qua, Alibaba.com cho rằng những bài học nào có thể rút ra để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu trực tuyến thời gian tới? Trong đó, các doanh nghiệp và địa phương cần làm gì? 

Ông Roger Lou: Các nhà xuất khẩu trực tuyến thành công thông qua Alibaba.com thường có ba lời khuyên nổi bật như sau:

Một là, tập trung vào nghiệp vụ nhân sự, họ không chỉ cần có kiến thức và hiểu biết về xuất khẩu mà còn phải thường xuyên tham gia các khóa đào tạo để có thể tối ưu hóa hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử.

Hai là, thường xuyên cập nhật kiến thức về thị trường mục tiêu bao gồm nhu cầu sản phẩm, hành vi khách hàng và điều kiện xuất khẩu.

Ba là, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, quy trình bán hàng, giá cả và hậu mãi.

Alibaba.com hiện đang cung cấp tất cả các tính năng và dịch vụ cần thiết cho các doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến.

Trước hết, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua đại dịch Covid-19, chúng tôi phối hợp với Vietrade tổ chức hội thảo trực tuyến webinar, giúp các doanh nghiệp có tư duy và công cụ đúng đắn để vượt qua thời kỳ khó khăn khi phải giãn cách xã hội.

Thứ hai, chúng tôi tập trung vào nâng cao tỉ lệ thành công của các doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng, các chuyên gia chuyển đổi số của Alibaba sẽ tiếp tục tăng cường tư vấn doanh nghiệp trong hành trình thương mại điện tử;

Chúng tôi đã và đang ra mắt các sản phẩm mới dành riêng cho thị trường Việt Nam, để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội giới thiệu các sản phẩm đến người mua toàn cầu tốt hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thy Thảo