Góp ý luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư 2014

PGS.TS. HỒ XUÂN THẮNG (Giảng viên Khoa Luật Kinh tế Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh), NCS.ThS. ĐOÀN TRỌNG CHỈNH (Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech).

TÓM TẮT:

Tại kỳ họp thứ 7, khóa 13 ngày 26/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Đầu tư với 7 chương, 76 điều. Luật này quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015 thay thế cho Luật Đầu tư 2005. Những nội dung mới của Luật Đầu tư 2014 ra đời đã góp phần quan trọng tạo hành lang pháp lý thông thoáng thu hút đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, đảm bảo quyền lợi của các chủ thể trong hoạt động đầu tư và đem lại lợi ích cao nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 4 năm áp dụng trong thực tiễn, nội dung Luật Đầu tư đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo, đòi hỏi phải sửa đổi để tạo môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch, nhằm thu hút hơn nữa đầu tư trong và ngoài nước. Bài viết tập trung bàn về một số vấn đề liên quan đến các nội dung trong dự thảo của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư theo góc nhìn của khoa học pháp lý, góp phần hoàn thiện việc điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ đầu tư, thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội ở nước ta.

Từ khóa: Bất cập, Luật Đầu tư 2014,  Sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư hiện hành...

1. Một số khái niệm tạo điều kiện thống nhất chung trong cách hiểu liên quan đến đầu tư trong thực tiễn

1.1. Khái niệm

“Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.”[1] Với khái niệm này, việc đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế thuộc về nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ tiền và tài sản để kinh doanh kiếm lời. Nhưng khái niệm này vẫn không khoa học, nghĩa là khi  nhà đầu tư bỏ vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh, có nghĩa là nhà đầu tư sẽ được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm (theo Hiếp pháp) chứ không chỉ hạn chế, khoanh vùng ở một vài lĩnh vực như “đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư”.

Quy định như trên đã gây nhiều khó khăn trong thực tiễn, nhất là không thống nhất trong cách hiểu về khái niệm đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Trong nội dung sửa đổi lần này, quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 1 được rút gọn cụ thể hơn về khái niệm so với trước đây “Đầu tư kinh doanh là việc bỏ vốn bằng tiền và các tài sản khác để kinh doanh”. Tuy nhiên, chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với khái niệm này bởi không logic, thiếu khoa học. Khái niệm này chưa thể hiện được phạm vi chủ thể đầu tư là ai? Ai sẽ đầu tư kinh doanh bằng việc bỏ vốn bằng tiền và các tài sản khác. Điều 2 Luật Đầu tư 2014 nói về Đối tượng áp dụng rất cụ thể Luật này áp dụng đối với nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh…”.  Để khái niệm này khoa học hơn, áp dụng thống nhất trong thực tiễn, cần làm rõ đầu tư kinh doanh chỉ duy nhất thuộc về nhà đầu tư, không thể hiểu đó là công việc của “nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh”.

1.2. Khái niệm

“Điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng để kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.”[2] Đây là một khái niệm mới được bổ sung vào khoản 5a của dự thảo nhằm mục đích hoàn thiện hơn trong cách hiểu về điều kiện đầu tư kinh doanh liên quan đến hoạt động sinh lời trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Tuy nhiên, khái niệm này chưa thuyết phục, bởi nó không thể hiện đúng bản chất “điều kiện” bắt buộc phải đáp ứng mới được phép hoạt động đầu tư kinh doanh trong thực tiễn của nhà đầu tư. Nếu hiểu điều kiện là điều kiện phải đáp ứng thì rất tối nghĩa, không khoa học về mặt nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Điều kiện phải được thể hiện trong văn bản pháp luật tối cao nhất của một quốc gia để làm quy tắc xử sự chung cho mọi chủ thể đầu tư trong nước và ngoài nước. Điều kiện này phải thể hiện đúng bản chất là sự quản lý từ Nhà nước, mọi chủ thể đầu tư từ trung ương đến địa phương phải tuân thủ. Theo phân tích của chúng tôi thì điều kiện để một nhà đầu tư được phép hoạt động đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế như nước ta phải thể hiện các yếu tố hợp lý, như: điều kiện thuộc về ngành, nghề đầu tư kinh doanh, điều kiện điều chỉnh chủ thể đầu tư kinh doanh và điều kiện thể hiện đầy đủ trong quy phạm pháp luật hiện hành (điều luật). Do vậy, chúng tôi chưa thỏa mãn với nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh mà ban soạn thảo bổ sung vào khoản 5a của dự thảo.

1.3. Khái niệm

“Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” được bổ sung vào khoản 5b của dự thảo. Đây là một sáng kiến mới của việc sửa đổi Luật Đầu tư đợt này để hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh nhà đầu tư nước ngoài trong thực tiễn. Theo đó,  điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là những quy định bắt buộc, mặc nhiên được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thống nhất ban hành làm quy tắc xử sự chung liên quan đến lĩnh vực đầu tư áp dụng riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài căn cứ vào quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định của Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.Vì vậy, với khái niệm này, “điều kiện là điều kiện” cũng hoàn toàn chưa chính xác. Mặt khác, theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định là hoàn toàn chưa hợp lý, bởi có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài tại nước ta chưa được thể hiện trong văn bản luật của Quốc hội, hoặc pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì thẩm quyền của Quốc hội, hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ phải ban hành nghị quyết, gọi là nghị quyết của cơ quan lập pháp. Đối với cơ quan hành pháp là Chính phủ, phải ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật hoặc pháp lệnh do cơ quan lập pháp ban hành. Do vậy, trong quy định này, cần phải thể hiện đầy đủ thẩm quyền ban hành các điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật để khái niệm “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” khoa học hơn và áp dụng trong thực tiễn hiệu quả.

Dưới góc nhìn của khoa học pháp lý, trong một số nội dung phân tích trên đây, chúng tôi kiến nghị sửa đổi bổ sung để khoa học hơn những khái niệm quy định tại khoản điều 1 của dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư 2014. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Khái niệm “Đầu tư kinh doanh” tại khoản 5 Điều 3 của Luật Đầu tư năm 2014 được sửa đổi trong khoản 1 Điều 1 dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư 2014, đó là:

“Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng tiền và các tài sản khác để kinh doanh”.

Thứ hai: Khái niệm mới được ban soạn thảo bổ sung hoàn toàn mới vào khoản 5a giải thích từ ngữ của Luật đầu tư sửa đổi “Điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng để kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.”[3] Theo phân tích trên,  vấn đề “điều kiện” nhằm mục đích hoàn thiện hơn trong cách hiểu về điều kiện đầu tư kinh doanh liên quan đến hoạt động sinh lời trong nền kinh tế thị trường ở nước ta, chúng tôi kiến nghị ban soạn thảo sửa lại khái niệm này logic và khoa học hơn để dễ hiểu hơn trong thực tiễn thi hành pháp luật, nhất là về điều kiện đầu tư kinh doanh.

“Điều kiện đầu tư kinh doanh là những quy định của pháp luật hiện hành mà nhà đầu tư phải đáp ứng để kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.”

Thứ ba: “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” tại Điểm a khoản 1 Điều 1 của dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư 2014 cần phải khẳng định đó là những nội dung quy định của pháp luật hiện hành mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong ngành, nghề đầu tư có điều kiện, áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định hiện hành của cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, như sau:

Khái niệm “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là những nội dung quy định của pháp luật hiện hành để áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong ngành, nghề đầu tư có điều kiện theo quy định hiện hành của cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

2. Những bất cập trong quy định của dự thảo về ưu đãi đầu tư

Tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật, ban soạn thảo đưa ra Sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Luật Đầu tư năm 2014, xin có ý kiến như sau:

2.1. Nội dung khoản 1

“Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định quyền lợi và ưu đãi đầu tư cao hơn so với quy định trước đó thì nhà đầu tư được hưởng quyền lợi và ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng quyền lợi và ưu đãi đầu tư còn lại kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực”.

Ý của các nhà soạn thảo muốn khẳng định, dù pháp luật mới có ban hành quy định mới liên quan đến ưu đãi đầu tư đối với họ thì đương nhiên họ sẽ được hưởng ưu đãi cao hơn trước đó kể từ ngày văn bản mới ban hành đó có hiệu lực thi hành trong thực tiễn. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý ban soạn thảo sử dụng liên từ “và” trong việc cho phép nhà đầu tư hưởng quyền lợi và ưu đãi đầu tư cao hơn. Bởi vì, ưu đãi đầu tư thực chất là quy định về những quyền lợi mà nhà đầu tư hướng tới khi đầu tư, tức là nó mang ý nghĩa là 1 chứ không phải là 2, cho nên sử dụng liên từ “và” hoàn toàn không khoa học. Nếu quy định như vậy, thể hiện tính thiếu nhất quán của chính sách pháp luật, rất khó khăn áp dụng trong thực tiễn, gây hậu quả rất lớn trong quá trình áp dụng các dự án của các nhà đầu tư trước những thay đổi lớn về chính sách pháp luật của một quốc gia có những dự án đầu tư lớn. Theo chúng tôi chỉ cần bỏ cụm từ “và” giữa quyền lợi với ưu đãi đồng thời bỏ cụm từ “quyền lợi và” để khẳng định đó là những quyền lợi ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư bao hàm đó là quyền lợi của nhà đầu tư được hưởng. Nếu làm được như vậy, việc sửa đổi quy định đối với nhà đầu tư thật sự có ý nghĩa đối với họ xuất phát từ việc thay đổi chính sách pháp luật của quốc gia.

2.2. Nội dung tại khoản 2

“Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định điều kiện và ưu đãi đầu tư làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện và ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng điều kiện và ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian áp dụng điều kiện và hưởng ưu đãi đầu tư còn lại”. Quy định như trên cũng chưa hợp lý và rất hạn chế đối tượng hưởng quyền lợi ưu đãi đầu tư khi chính sách pháp luật về ưu đãi đầu tư của Nhà nước thay đổi. Nếu dự án của Công ty Cổ phần Ánh Dương được tiếp tục áp dụng điều kiện và ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian áp dụng điều kiện và hưởng ưu đãi đầu tư còn lại khi văn bản pháp luật mới được ban hành quy định điều kiện và ưu đãi đầu tư làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện và ưu đãi đầu tư của tổ chức này. Tức là khi văn bản pháp luật mới ban hành, quy định điều kiện và ưu đãi đầu tư làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện và ưu đãi đầu tư mà Công ty Cổ phần Ánh Dương phải hội tụ cả 2 yếu tố bị ảnh hưởng đó là “điều kiện và ưu đãi đầu tư” thì Công ty Cổ phần Ánh Dương đương nhiên được hưởng.

Nếu chỉ bị ảnh hưởng một vấn đề “ưu đãi đầu tư” còn “điều kiện đầu tư” không bị ảnh hưởng thì họ không được hưởng chính sách pháp luật mới ban hành như nói ở trên. Hay Công ty TNHH Hoàng Khanh chỉ bị ảnh hưởng “điều kiện đầu tư” còn “ưu đãi đầu tư” không bị ảnh hưởng so với quy định mới được ban hành thì dự án đầu tư của công ty này không thuộc đối tượng được hưởng của quy định mới, bởi dự án đầu tư của công ty này không bị ảnh hưởng “bất lợi đến điều kiện và ưu đãi đầu tư” theo quy định của khoản 2 Điều 13 này. Tính bất cập khó chấp nhận trong quy định này là phải song song 2 yếu tố bị ảnh hưởng đó là “điều kiện và ưu đãi đầu tư”, bất lợi đến “điều kiện đầu tư” là A và “ưu đãi đầu tư” là B. Một dự án được hưởng quy định mới phải hội tụ cả A và B, nếu thiếu vắng A hoặc B thì dự án đó không thuộc điều chỉnh hưởng quyền lợi khi pháp luật thay đổi trong nội dung quy phạm pháp luật này. Điều này thể hiện sự thiếu linh hoạt trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật mà quy định này mang đến. Giả sử các nhà làm luật không sử dụng liên từ “và” mà thay vào đó là dấu phẩy “,” nằm giữa 2 vấn đề “điều kiện và ưu đãi đầu tư” thì khoa học hơn, mang tính phổ quát rộng rãi đối tượng áp dụng hơn khi quy định này có hiệu lực trong thực tiễn cuộc sống.

Về vấn đề ưu đãi đầu tư, phân tích những bất cập chưa phù hợp với thực tiễn như trên đây làm cơ sở để đưa ra một số kiến nghị mang tính khoa học và hợp lý hơn trong tương lai, cụ thể là:

  1. Đối với khoản 1 Điều 13, khi bỏ cụm từ “quyền lợi và”:

“Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn so với quy định trước đó thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng quyền lợi, ưu đãi đầu tư còn lại kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực”.

  1. Đối với nội dung tại khoản 2, thống nhất bỏ liên từ “và” giữa điều kiện đầu tư và ưu đãi đầu tư bằng dấu phẩy “,” trong kỹ thuật lập pháp để mở rộng giao diện điều chỉnh dự án đầu tư trong thực tiễn.

“Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định điều kiện đầu tư, ưu đãi đầu tư làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư, ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng điều kiện đầu tư, ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian áp dụng điều kiện đầu tư, hưởng ưu đãi đầu tư còn lại”.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1 Khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư 2014.

2 Điểm b khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư.

3 Điểm b khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Luật Đầu tư năm 2014.
  2. Bộ Luật Dân sự năm 2015.
  3. Luật Doanh nghiệp 2014.
  4. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư 2014.

SUGGESTIONS OF ADMENDING AND SUPPLEMENTING THE LAW ON INVESTMENT 2014

Assoc.Prof. Ph.D HO XUAN THANG

Lecturer, Faculty of Economic Law, Banking University of Ho Chi Minh City

Ph.D’s student, Master. DOAN TRONG CHINH

Lecturer, Faculty of Law, Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

On November 26th, 2014, the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam officially passed the Law on Investment which consists of 7 chapters and 76 articles (Law on Investment 2014) during its 7th meeting session of 13th session. This law regulates business investment activities in Vietnam and business investments from Vietnam to foreign countries. This law took effect on July 1st, 2015 and replaced the Law on Investment 2015. The Law on Investment 2014 importantly contributes to create a clear legal corridor for Vietnam to attract investment, build a transparent investment environment, ensure the interests of entities in investment activities and brings the highest benefits for the socio-economic development of our country. However, the 4-year implementation of the Law on Investment 2014 in practice has revealed some shortcoming and legal overlaps of the law and posed a necessity of admending the law in order to create a transparent investment environment to attract more foreign investment and promote domestic investment. This paper discusses some issues related to the content of the Draft of admending and supplementing some articles of the Law on Investment 2014. This paper is expected to perfect the law to effectively regulate investment relations and promote the socio-economic development of our country.

Keywords: Shortcomings, the Law on Investment 2014, amending and supplementing the current Law on Investment.