Đi lên từ nền kinh tế lạc hậu
Trong hành trình 70 năm từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đến nay, Hà Nội từ một đô thị nhỏ bé, nghèo nàn, có diện tích khoảng 152km2 và 43 vạn dân, nay đã trở thành một đô thị rộng lớn gấp gần 22 lần và dân số gấp hơn 23 lần; đồng thời luôn giữ vị trí đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Hà Nội đã tăng tốc rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, GRDP giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 6,67%/năm. Xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong giai đoạn 2011 - 2023, với tổng kim ngạch tăng bình quân 4,57%/năm.
Mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới. Hiện nay, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương. Đây là một hướng đi đúng đắn.
Về thương mại, trước kia Hà Nội chỉ có một số chợ và các hộ bán lẻ nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân. Hiện nay, lĩnh vực thương mại của Hà Nội trở thành ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống người dân mà còn đảm bảo cung ứng phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội.
Hà Nội hiện có hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động, hàng chục nghìn hộ bán lẻ, hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh. Hạ tầng thương mại nội địa như trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… được Hà Nội chú trọng phát triển. Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.
Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. 9 tháng năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt, tăng 11,7%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành phố.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của Hà Nội. Trên địa bàn có 9 khu công nghiệp hoạt động (tổng diện tích 1.670,6ha), 3 khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng (diện tích 663,4ha). Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, robot, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Thực hiện chủ trương phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong 3 năm gần đây (2021, 2022, 2023), đã có 79 doanh nghiệp với 112 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội.
Hà Nội đã thu hút khoảng 4.500 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD; có 1.350 làng nghề, trong đó 313 được công nhận là làng nghề truyền thống.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đạt được trong 70 năm sau Ngày Giải phóng là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển chung của cả nước.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững; nâng cao hiệu quả các nguồn lực, phù hợp với làn sóng đổi mới sáng tạo cũng như Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, Hà Nội chủ trương tập trung phát triển kinh tế số, sản xuất xanh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, kết hợp bảo vệ môi trường; xác định mục tiêu đối với các ngành, lĩnh vực.
Theo Chương trình Chuyển đổi số của TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và lọt vào top 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP và năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm…
Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển cho kinh tế Thủ đô và Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua chính là điều kiện rất thuận lợi để Hà Nội phát triển. Trong quá trình này, Thủ đô rất cần có những chiến lược cùng những giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tốc độ và bảo đảm tính bền vững.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, vấn đề đặt ra đối với Hà Nội là chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, được hậu thuẫn bởi kỹ năng, công nghệ, có sự đột phá về năng suất và bền vững. Hà Nội cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, phát triển xanh, thân thiện với môi trường và chuyển sang giai đoạn 3 của quá trình phát triển, tức nền kinh tế dựa vào đổi mới, sáng tạo và kinh tế số; tăng trưởng cao nhưng phải nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời Hà Nội chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động, lợi thế cạnh tranh bậc cao.