Với vị thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Để nắm bắt được cơ hội này, Hà Nội đã hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất hàng bán dẫn Made in Vietnam.
Hà Nội có tiềm năng và cơ hội lớn thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn
Thông tin từ Bộ Công Thương, công nghệ bán dẫn là nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia Châu Âu...đến tìm hiểu và đầu tư. Thời gian qua, Việt Nam tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu với tư cách nhà sản xuất lắp ráp và kiểm định mới nổi. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thiết bị bán dẫn đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 3,8% kim ngạch xuất khẩu thế giới, top 3 Châu Á về xuất khẩu chất bán dẫn sang Mỹ.
Đối với Hà Nội, trong nửa đầu năm 2024 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng thành phố đã thu hút 1,165 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó đăng ký cấp mới 120 d án với số vốn 1,036 tỷ USD.
Chia sẻ một số định hướng của Hà Nội về phát triển công nghiệp bán dẫn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, thành phố ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đi đầu trong phát triển các ngành mới nổi theo xu thế công nghệ hàng đầu của thế giới.
Đồng thời, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đầu mối, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, có sự gắn kết với hệ thống đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; là trung tâm thiết kế và cung ứng sản phẩm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo hàng đầu của cả nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực.
Chủ động đón "làn sóng" mới
Để thu hút vốn đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn, thành phố Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng cơ chế riêng, đồng thời, phải xây dựng một chiến lược dài hạn trong 10 năm tới cho hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và chip.
Ngoài ra nên ưu tiên dành nguồn lực, tài lực, tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng nên hệ sinh thái rộng lớn, khuyến khích đầu tư vào công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Blockchain.
Nói về triển vọng thu hút công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài GS. TS Nguyễn Mại cho biết, Hà Nội là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, chính trị, hành chính của Việt Nam. Đồng thời có nhiều trường đại học và đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ, số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng đã góp phần thu hút đầu tư FDI vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, hiện Hà Nội đã triển khai 11 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 2.930ha. Bên cạnh đó, có 14 dự án khu, cụm công nghiệp khác trên địa bàn thành phố đang trong quá trình triển khai cũng như đưa vào quy hoạch phát triển trong giai đoạn sắp tới.
Về chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn, Luật Thủ đô 2024 xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội.
Cụ thể, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại. Đồng thời được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Đối với các doanh nghiệp, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân trong thời hạn 5 năm; miễn một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu khi tham gia đấu thầu các gói thầu của TP Hà Nội.