Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, trong đó có 14 FTA đã có hiệu lực. Theo Báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên" của Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội, các FTAs là động lực quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu suốt thời gian qua. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa tận dụng hết cơ hội từ các FTAs mang lại.
Lý do chủ yếu là chưa đảm bảo tỷ lệ xuất xứ theo quy định của các FTAs. Đây là tình trạng của nhiều doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp Hà Nội. Theo nhận định của các chuyên gia, câu chuyện tỷ lệ xuất xứ có nguyên nhân từ ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn chưa đủ mạnh. Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn Thủ đô vẫn còn hạn chế về năng lực tổ chức quản lý. Dù cũng đã có nền tảng về các hệ thống quản lý chất lượng như: ISO, 5S, Kaizen..., nhưng thực tế việc triển khai còn chưa nghiêm túc, thường xuyên, cho nên chưa trở thành nền nếp và phát huy hiệu quả.
Trước thực tế này, Hà Nội đã triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chương trình đặt ra 5 mục tiêu chung:
Một là, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển các doanh nghiệp CNHT.
Hai là, tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt: Sản xuất linh kiện phụ tùng, CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may - da giày. Đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Ba là đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành CNHT Hà Nội thông qua việc nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn.
Bốn là nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Năm là, thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT.
Trên cơ sở đó, đưa ra những mục tiêu cụ thể, như có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội; trong đó, có khoảng 400 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam; giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hàng năm tăng trên 12%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân ngành công nghiệp.
Để đạt được những mục tiêu trên, một nội dung rất quan trọng được thành phố quan tâm chỉ đạo, đó là kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT. Trong đó có tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp CNHT: Thuê chuyên gia tư vấn để trực tiếp tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp CNHT thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển (thực hiện theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT).
Tổ chức Hội chợ, triển lãm quốc tế trưng bày các sản phẩm CNHT Hà Nội, bao gồm tổ chức Hội chợ, triển lãm quốc tế trưng bày các sản phẩm CNHT tại Hà Nội năm 2020, với quy mô khoảng 250 gian hàng của các doanh nghiệp CNHT Hà Nội và trong nước, các doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông - Trung Quốc, Thái Lan,... Thông qua Hội chợ giúp các doanh nghiệp Hà Nội nâng cao năng lực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo: linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm; sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng;
Tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế; Tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp (matching) nhằm sản xuất chế tạo cung ứng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất công nghiệp chính.
Tổ chức Hội thảo quốc tế bên lề Hội chợ, triển lãm quốc tế trưng bày các sản phẩm CNHT tại Hà Nội. Dự kiến, Hội thảo thu hút khoảng 200 đại biểu là đại diện các Bộ ngành, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp CNHT, các chuyên gia về CNHT trong và ngoài nước.
Các giải pháp nói trên nhằm hỗ trợ trực tiếp cho ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời hỗ trợ gián tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong chuỗi cung ứng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa , đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của các FTAs.