Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, đến nay, đã có 270 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (148 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (38 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc).
Riêng năm 2024 ghi nhận dấu hiệu gia tăng đáng kể về số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, với 28 vụ việc phòng vệ thương mại bị nước ngoài khởi xướng điều tra mới phát sinh tại 12 thị trường, trong đó có tới 13 vụ việc từ thị trường Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, các cuộc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ. Năm 2024, lần đầu tiên Hoa Kỳ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia trong vụ việc chống trợ cấp đối với pin mặt trời và tiếp đó là vỏ viên nhộng từ Việt Nam. Các nước cũng có xu hướng đồng thời điều tra/áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với cùng một sản phẩm.
“Năm 2024 là một trong những năm có tổng số vụ việc phòng vệ thương mại nhiều nhất từ trước đến nay, chỉ sau năm 2020 (với 39 vụ), điều này cho thấy xu hướng bảo hộ đang ngày càng gia tăng và dự kiến tiếp tục trong thời gian tới”, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận định.
Trong công tác kháng kiện, Bộ Công Thương đã kịp thời hoàn tất xử lý một số vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ năm 2023 và một số vụ việc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cần được xử lý trong năm 2024. Cùng sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã hỗ trợ trong việc cung cấp thông tin hướng dẫn trả lời bản câu hỏi; nghiên cứu lập luận tại các giai đoạn cụ thể của từng vụ việc; đồng thời, nghiên cứu các kết luận và gửi thư tham vấn với cơ quan điều tra nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại (danh sách cập nhật vào tháng cuối hàng quý) gửi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi. Công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực.
Nhờ vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả giữa các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh triển khai thực hiện, đặc biệt là các thông tin liên quan đến diễn biến các vụ việc phòng vệ thương mại, thông tin cảnh báo sớm các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại và lẩn tránh thuế thường xuyên được đăng tải, lan tỏa thông qua các phương tiện truyền thông nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội, các cơ quan, tổ chức liên quan.
Trong tháng cuối năm, tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, các biện pháp phòng vệ thương mại dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, cùng với đó mức độ phức tạp và quy mô của các vụ việc cũng tăng lên, như đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tối đa hóa mức thuế; tăng cường việc áp dụng các quy định điều tra mới, chưa từng có tiền lệ; tiếp tục sửa đổi thêm các quy định về phòng vệ thương mại theo hướng bảo hộ và khó dự đoán hơn, đồng thời sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại phi truyền thống như tự vệ, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại,… để tăng cường bảo hộ.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ hiệu quả ngành hàng, doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm để giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực; xây dựng kế hoạch ứng phó, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra.