Hiện trạng và giải pháp tạo hứng thú học trực tuyến cho sinh viên Trường Đại học Văn Lang

NGUYỄN VĂN THẤU (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, gây ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống xã hội, trong đó hoạt động đào tạo đại học. Để ứng phó tình hình này, các trường đại học đã đầu tư trang thiết bị, thay đổi phương pháp giảng dạy, tổ chức các khóa tập huấn giảng dạy trực tuyến nhằm gây sự hứng thú cho sinh viên, đảm bảo chất lượng đào tạo như học trực tiếp. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn dạy - học trực tuyến hiện nay, tác giả khảo sát nghiên cứu thái độ, hành vi, nguyên nhân và hậu quả tác động đến việc tiếp cận tri thức của người học tại Trường Đại học Văn Lang, qua đó đưa ra một số giải pháp để góp phần tăng sự hứng thú và hiệu quả học tập trực tuyến.

Từ khoá: Covid-19, hứng thú học tập, phương pháp giảng dạy, đào tạo trực tuyến.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống xã hội, trong đó có hoạt động Giáo dục đào tạo. Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho thấy: 188 quốc gia trên thế giới đã thực hiện đóng cửa trường học các cấp từ ngày 4/5/2020, ảnh hưởng đến 91,3% học sinh, sinh viên. Tổng số học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng là 1.576.021.818 người”. (Nguồn unicef.org)

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 16/9/2021 cho biết: “Sau 18 tháng xảy ra đại dịch Covid-19. Trên toàn cầu, gần 27% quốc gia tiếp tục đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần trường học” (Nguồn dangcongsan.vn). Tại Việt Nam, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, các trường đại học đã tiến hành tổ chức đào tạo trên các nền tảng trực tuyến. Việc giảng dạy trực tuyến giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn, do chưa có cách thức tổ chức phù hợp, sinh viên chưa thật sự quen với hình thực học tập này.

Theo khảo sát của Tổ chức Mạng lưới giáo dục châu Á - Thái Bình Dương (APQN): “Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, tỷ lệ sinh viên không hài lòng khi tham gia học tập theo hình thức trực tuyến chiếm tỷ lệ rất cao đến 68%, cũng với kết quả khảo sát của tổ chức này vào tháng 7/2020, tỷ lệ không hài lòng giảm một nửa, chiếm khoảng 34%” (Nguồn tổ chức APQN 2020). Số liệu trên cho thấy, đào tạo trực tuyến có sự dịch chuyển theo chiều hướng tích cực, các tổ chức giáo dục đã bắt đầu tập trung nguồn lực để có cải tiến cho chất lượng đào tạo tạo trực tuyến đạt hiệu quả nhất định.

Theo xu thế đó, các trường đại học nỗ lực cải thiện như nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống moodle của các trường được đầu tư tối đa, tập huấn cải tiến phương pháp giảng dạy, các tài liệu thư viện điện tử được cập nhật liên tục, để có thể tác động đến ý thức học tập, tạo điều kiện cho sinh viên trong quá trình tiếp cận các vấn đề, chủ động tìm tòi kiến thức, tăng sự hứng thú say mê khám phá tri thức khoa học,... với mục tiêu đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến.

Tuy vậy, sự nỗ lực để đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến không chỉ một phía từ nhà trường, mà còn từ phía sinh viên. Sinh viên cần có sự hứng thú học tập, chủ động, tích cực tìm tòi tri thức dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Chúng tôi tìm hiểu sự hứng thú học tập online của sinh viên để biết hiện trạng đào tạo trực tuyến của các trường hiện nay, đồng thời đưa ra một số giải pháp giúp sinh viên hứng thú hơn trong học tập trực tuyến.

2. Cơ sở lý thuyết

Theo Curtain (2002), được trích dẫn tại Sinngh & Thurman, Nguyễn Hữu Cương tạm dịch: “Học trực tuyến có thể được định nghĩa rộng là việc sử dụng internet theo một cách nào đó để nâng cao sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Giảng dạy trực tuyến bao gồm cả các hình thức tương tác không đồng bộ, chẳng hạn như công cụ đánh giá và cung cấp tài liệu khóa học dựa trên web và tương tác đồng bộ thông qua email, nhóm tin tức và các công cụ hội thảo, chẳng hạn như nhóm trò chuyện. Nó bao gồm cả dạy học dựa trên lớp học cũng như các phương thức giáo dục từ xa. Các thuật ngữ khác đồng nghĩa với học trực tuyến là "giáo dục dựa trên web" và "học trực tuyến”.

Theo tác giả Nguyễn Quang Uẩn (2011), “Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó, vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống, vừa có khả năng mang lại khoái cảm cho cá nhân trong quá trình hoạt động. Với quan điểm này, để gây hứng thú cho 1 cá nhân, chúng ta phải tạo điều kiện kích thích họ, khơi gợi để họ hăng say với 1 đối tượng, sự vật, sự việc nào đó”.

Hứng thú học tập là thái độ đặc biệt của người học đối với đối tượng học tập và gắn với quá trình hoạt động học tập của họ, tạo ra khoái cảm và thôi thúc người học chủ động chiếm lĩnh tri thức” (Nguyễn Hoài Nam, Cao Thị Quyên (2014)).

Như vậy, qua các lý luận trên cho thấy, một khi con người có hứng thú học tập thì bất kể đó là hình thức nào, họ cũng sẽ chủ động, tích cực thể hiện được sự sáng tạo nhất định của mình. Sự hứng thú đó giúp họ có động lực để xác định các động cơ học tập đúng đắn, có mục tiêu rõ ràng để đạt được kết quả như mong đợi.

Như vậy, để tác động đến sự hứng thú của người học, cần nhiều yếu tố như: phương pháp giảng dạy của giảng viên, thiết bị đầu cuối (phương tiện, đường truyền), chỗ học tập phù hợp, các tài liệu học tập, cách thức làm việc nhóm,… Bên cạnh đó, vai trò của người giảng viên rất quan trọng, họ phải biết cách kích thích, khơi gợi khám phá, gây tò mò để sinh viên thể hiện tối đa năng lực của mình, giải quyết tốt các vấn đề đặt ra.

3. Thực trạng hứng thú học tập trực tuyến của sinh viên - khảo sát từ Trường Đại học Văn Lang

Tác giả tiến hành phỏng vấn một số đối tượng là sinh viên, giảng viên và tiến hành thu thập thông tin của 328 đáp viên là sinh viên năm 1, 2, 3, 4 các ngành của Trường Đại học Văn Lang để tìm hiểu về nhận thức, thái độ, biểu hiện hành vi học tập,.... Số liệu được tác giả xử lý bằng SPSS để phân tích hiện trạng, mối tương quan giữa các đối tượng. Kết quả thu được cụ thể như sau.

3.1. Về nhận thức học tập trực tuyến

Theo kết quả khảo sát về nhận thức học tập trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh, đa số sinh viên cho biết, việc học trực tuyến là cần thiết chiếm tỉ lệ cao (89%). Bên cạnh đó, một tỷ lệ nhỏ sinh viên cho rằng học trực tuyến không cần thiết và ít cần thiết chiếm 11%. Điều đó cho thấy, dù có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng hầu hết sinh đều mong muốn được học tập theo đúng tiến độ để sau 3,5 - 4 năm có thể tốt nghiệp, ra trường.

3.2. Biểu hiện thái độ hứng thú học tập trực tuyến

Thái độ học tập đóng vai trò quan trọng. Thái độ tốt sẽ biểu hiện bằng những hành vi tích cực, mang lại sự hứng thú trong học tập và ngược lại. Chúng tôi tiến hành tìm hiểu thái độ trong quá trình học tập, kết quả được thể hiện tại Bảng 1.

Bảng 1. Thái độ của sinh viên khi tham gia học tập trực tuyến

thai-do-cua-sinh-vien-khi-tham-gia-hoc-tap-truc-tuyen Nguồn: Tác giả thực hiện

Số liệu tại Bảng 1 cho thấy, sinh viên có nhiều thái độ khác nhau trong quá trình học tập: Các thái độ tích cực như sự chủ động, sôi nổi, tập trung cao độ được sinh viên lựa chọn chiếm tỷ lệ khá cao, từ 55% trở lên. Các thái độ tiêu cực như sự nhàm chán, căng thẳng, chiếm tỷ lệ không nhỏ, từ 25 - 29%. Nếu thái độ học tập tiêu cực sẽ triệt tiêu sự hứng thú và khả năng tiếp thu bài học sẽ không đạt được hiệu quả.

Bên cạnh đó, chúng tôi đặt câu hỏi cho sinh viên về sự hứng thú khi tham gia học trực tuyến, kết quả như sau: 5,8% không hứng thú, 43,9% ít hứng thú, 45,7% hứng thú và 4,6% rất hứng thú. Số liệu này cho thấy, mức ít hứng thú chiếm tỷ lệ khá cao, điều này ảnh hưởng ít nhiều đến nhận thức và thái độ khi tham gia vào lớp học của sinh viên.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ sinh viên hứng thú học tập trực tuyến đạt mức trung bình khoảng 50,3% và ít hứng thú hoặc không hứng thú 49,7%. Như vậy, số lượng sinh viên không hứng thú trong học tập chiếm ở mức cao.

3.3. Nguyên nhân giảm sự hứng thú trong học tập trực tuyến

Khi tiến hành tìm hiểu các nguyên nhân giảm sự hứng thú trong quá trình học tập trực tuyến, kết quả thu về được thể hiện tại Bảng 2.

Bảng 2. Nguyên nhân khiến sinh viên không hứng thú học tập

nguyen-nhan-khien-sinh-vien-khong-hung-thu-hoc-tap

Nguồn: Tác giả thực hiện

Tỷ lệ cao nhất thuộc về thiết bị đường truyền, chiếm 71,6%. Như vậy, việc học trực tuyến rất quan trọng ở thiết bị và kết nối đường truyền. Một sinh viên năm thứ 3 cho biết: Giảng viên dạy rất hay, nhưng đường truyền không ổn, khiến chúng em bị tụt hứng khi tham gia học tập, làm giảm bớt sự hứng thú. Tuy vậy, sinh viên cũng xác định nguyên nhân trong thời gian này, cả nước cùng tham gia học tập trực tuyến, nên việc bị ảnh hưởng về đường truyền do quá nhiều người cùng truy cập là tất nhiên. Sinh viên có thể xem lại bài giảng của giảng viên trong phần record, hoặc bài giảng được tải trên trang học trực tuyến (moodle của trường).

Ở các nguyên nhân tiếp theo, nội dung giảng dạy chiếm tỷ lệ cao 33,8%, phương pháp giảng dạy 29% và vai trò của người giảng viên chiếm 11,6%. Các số liệu này cho thấy, giảng viên đóng vai trò quan trọng trong quá trình giảng dạy. Một sinh viên năm thứ 4 cho biết: Do đang trong quá trình học tập chuyên ngành, vì vậy, những lý thuyết nền tảng cơ bản không còn phù hợp với sinh viên nữa. Theo đó, nên đưa những ví dụ thực tế về doanh nghiệp, tạo thêm nhiều tương tác trong giờ học. Không nên mời những người có kinh nghiệm trong làm việc, nhưng lại không có kỹ năng sư phạm để truyền đạt cho người khác hiểu về ngành học. Bài tập phải thực hiện quá nhiều, nên việc học khá căng thẳng, vậy nên giảng viên cần tạo một số trò chơi trên các công cụ để ôn lại kiến thức đã học, có khuyến khích cộng điểm cho sinh viên, tuần nào cũng làm bài tập và chạy deadline (hạn nộp bài), sinh viên không thích cách học nhàm chán như vậy.

Với yêu cầu này, mỗi giảng viên phải tự trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để thiết kế bài giảng cho phù hợp, đồng thời cần thay đổi cách thức truyền đạt để thu hút sinh viên hơn, gây hứng thú cho sinh viên.

3.4. Về hậu quả của việc không gây hứng thú trong học tập trực tuyến

Học tập là quá trình trải nghiệm, với rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng mà giảng viên truyền đạt cho sinh viên. Đó sẽ là hành trang để sinh viên học tập ở những năm tiếp theo, có kinh nghiệm ứng xử với những vấn đề diễn ra trong đời sống và công việc sau này. Nếu người học không tỏ ra hào hứng với hoạt động học tập của mình, sẽ khó đạt mục tiêu như mong đợi. Tác giả đã tiến hành tìm hiểu về hậu quả của việc không gây hứng thú học tập trực tuyến của sinh viên. Việc không gây hứng thú sẽ ảnh hướng đến kết quả học tập của sinh viên được lựa chọn nhiều nhất, với tỷ lệ 68,5%; tiếp đó ảnh hưởng đến tiếp cận tri thức và học đối phó, học cho xong 66,7%, không đủ kiến thức để học tiếp chiếm 58,6%. Điều này càng thể hiện rõ qua ý kiến: Khi đến lớp học là để tiếp cận tri thức, nhưng chính sự truyền đạt nhàm chán làm cho các em không thật sự hứng thú, nguy cơ kết quả học tập yếu, ảnh hướng đến công việc sau này là đương nhiên - một sinh viên năm thứ 4 cho biết.

Ngoài ra, có đến 38,8% sinh viên lựa chọn nghỉ học nếu không thật sự hứng thú trong học tập. Một sinh viên năm thứ nhất cho biết: “nguy cơ bỏ học rất cao nếu bản thân không thật sự hứng thú, mặc dù khi tìm hiểu thì đây là ngành học mà mình rất yêu thích”.

Qua dữ liệu thu thập được, tác giả nhận thấy, việc gây hứng thú cho người học theo hình thức online là cần thiết. Trên thực tế, các trường cũng đã cố gắng đẩy mạnh và cải tiến chất lượng đảm bảo đào tạo trực tuyến, song vẫn còn rất nhiều điều bất cập. Việc đẩy mạnh cải tiến chất lượng chương trình, đội ngũ, tổ chức công tác đào tạo là cần thiết, góp phần tăng sự hứng thú cho người học.

4. Đề xuất các giải pháp tạo hứng thú học tập trực tuyến cho sinh viên

  • Về phía nhà trường

Nhà trường cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, thiết bị đường truyền đảm bảo hệ thống mạng tốt nhất cho người học, tránh truy cập vào các hệ thống moodle làm bài tập bị lỗi hoặc nghẽn mạng.

Cần có chính sách đãi ngộ phù hợp cho các giảng viên giảng dạy thiết kế bài học trên hệ thống moodle, vì giảng viên mất rất nhiều thời gian và công sức để vừa giảng, vừa hoàn thiện bài giảng.

Xây dựng cuộc thi bài giảng hay, ấn tượng để khích lệ giảng viên, tạo sự hấp dẫn, phát huy phương pháp dạy học tối ưu, thi đua khích lệ lẫn nhau, ví dụ như: cuộc thi bài giảng hay, bài giảng sống động, thi đua dạy tốt,…

Tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dạy học trực tuyến, mời chuyên gia trao đổi chia sẻ, tập huấn nâng cao sử dụng các phương tiện nền tảng trực tuyến đảm bảo sử dụng công cụ thuần thục.

Tổ chức lớp học đảm bảo sĩ số vừa phải, 1 lớp học khoảng 50 - 70 sinh viên, vì giảng viên cần tương tác, trao đổi. Số lượng sinh viên ít sẽ giúp giảng viên dễ quản lý và có sự chuẩn bị tương tác tốt hơn.

Xây dựng đội hỗ trợ kỹ thuật thường trực để giúp giảng viên, sinh viên giải quyết tất cả những vướng mắc kỹ thuật xảy ra trong quá trình học. Thực hiện kiểm tra,  giám sát hoạt động giảng dạy online, phát hiện sự cố để có sự can thiệp kịp thời.

  • Về phía giảng viên

Giảng viên có trách nhiệm thông báo và giới thiệu cách thức học tập và tiếp cận tri thức theo mô hình lớp học đảo ngược (Flipped Classroom), hướng dẫn kế hoạch học tập rõ ràng, mục tiêu học tập đầy đủ vào ngay buổi học đầu tiên, giúp sinh viên nắm vững những nhiệm vụ học tập của mình. Cấu trúc nội dung giảng dạy online cần xác định mục tiêu rõ ràng, tổ chức nhiều hoạt động, như: trò chơi, thảo luận nhóm, bài tập, tình huống, thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy vai trò trung tâm của người học, chuyển từ vai trò là người trình bày sang hỏi đáp, đặt các vấn đề để sinh viên thảo luận, tìm hiểu.

Giảng viên nên chuẩn bị sẵn bài giảng, các nội dung lý thuyết tải trên trang học trực tuyến (moodle của nhà trường) cho sinh viên xem trước. Khi vào lớp học, giảng viên chỉ giải thích và phân tích, cho ví dụ về các lý thuyết, thời gian trình bày khoảng 10 - 15 phút, sau đó tổ chức các hoạt động để sinh viên thảo luận hoặc một số trò chơi cho sinh viên rút ra bài học.

Thay đổi cách thức đánh giá cho phù hợp với tình hình thực tế, có thể cho sinh viên làm bài tiểu luận, hoặc bài viết tự luận có sử dụng tài liệu, hoặc tạo điều kiện cho sinh viên thuyết trình đề tài.

Thái độ rất quan trọng trong giảng dạy trực tuyến, vì vậy, mỗi người giảng viên cần rèn luyện thái độ tích cực trên tinh thần hỗ trợ người học, nhiệt tình, trách nhiệm giúp đỡ sinh viên để các em hoàn thành tốt nhất việc học của mình.

  • Về phía sinh viên

Sinh viên cần không ngừng nâng cao nhận thức học tập trực tuyến bằng cách chủ động, tích cực xem trước các nội dung học tập, hiểu rõ bản chất của lớp học đảo ngược để có kế hoạch học tập phù hợp.

Phản hồi là yếu tố cần thiết trong học tập online, vì vậy, sinh viên luôn cần sẵn sàng hợp tác, phát biểu trao đổi bài học với giảng viên, nâng cao ý thức trong học tập. Khi chưa hiểu bài và cần sự giúp đỡ, sinh viên nên mạnh dạn trao đổi và nhờ sự hỗ trợ từ quý thầy cô, bạn bè, hoặc từ các phòng, khoa, ban trong nhà trường.

Sinh viên cần tuân thủ theo các yêu cầu của giảng viên về bài tập, thảo luận, làm việc nhóm. Bên cạnh đó, cần rèn luyện tư duy phản biện, sắp xếp thời gian hợp lý, khi vắng buổi học, cần thể hiện trách nhiệm xin phép và xem lại các bài giảng trước đó, hoặc có thể xem lại nội dung trên trang học trực tuyến.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. NXB Hồng Đức, Hà Nội.
  2. Lưu Chí Danh, Nguyễn Thị Như Huyền, Đỗ Nguyễn Như Quỳnh, Võ Thị Mỹ Diệu (2021). Các nhân tố tác động đến sự hứng thú trong học tập của sinh viên. Tạp chí Công Thương, số 19 tháng 8/2021.
  3. Nguyễn Hoài Nam, Cao Thị Quyên (2014). Nâng cao hứng thú học tập cho Sinh viên Trường Cao đẳng nghề. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 59, (8),142-150.
  4. Nguyễn Quang Uẩn (2013). Giáo trình Tâm lý học đại cương. NXB Đại học Sư phạm.
  5. Phạm Ngọc Thủy (2008). Những biện pháp gây hứng thú trong dạy học hóa học ở trường phổ thông. Luận văn thạc sĩ Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
  6. Lê Thị Minh Thanh (2016). Xây dựng mô hình “lớp học đảo ngược” ở trường đại học. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 61 (3), 20-27.
  7. Education: From disruption to recovery. Retrieved form: https://en.unesco.org/covid19/educationresponse
  8. Khánh Linh (2021). Hàng chục trẻ em vẫn phải nghỉ học vì đại dịch covid. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/hang-chuc-trieu-tre-em-van-phai-nghi-hoc-vi-dai-dich-covid-19-591279.html
  9. Jianxin Zhang(2020). APQN Survey Research on the Covid 19 Impact in Higher Education Institutions (HEls).
  10. Esra Öztürk Çalık, İsmail Fırat Altay (2021). Analysis of English leson broadcasts during emergency remote teaching from pedagogicial, instructional and technical asprects. International Journal of Education, Technology and Science, 71-87.

 

CURRENT SITUATION OF ONLINE LEARNING AND SOLUTIONS

TO GET STUDENTS MORE ENGAGED IN ONLINE LEARNING

IN VAN LANG UNIVERSIY

NGUYEN VAN THAU

Van Lang Universiy

ABSTRACT:

The Covid-19 pandemic has spread globally and has significantly affected to all areas including the education and training field. In order to response to the pandemic, many universities have invested in their teaching equipments, have changed their teaching methods and have organized online learning courses to get students engaged in learning and ensure the quality of online learning. Stemming from the current practical needs of online teaching and learning, this study examines attitudes, behaviors, causes and consequences affecting learners' access to knowledge via online learning methods. Based on the study’s findings in Van Lang Universiy, some recommendations are made to get students more engaged in learning and improve their online learning performance.

Keywords: Covid-19 pandemic, interest in learning, teaching method, online training.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 24, tháng 10 năm 2021]