Hiệu quả kinh tế và môi trường của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

ThS. Nguyễn Văn Luân (Khoa Pháp luật Kinh tế - Đại học Luật Hà Nội)

Tóm tắt:

Quỹ Bảo vệ môi trường là một công cụ quan trọng của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và tái tạo môi trường. Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường, trong bài viết này, tác giả phân tích đánh giá sâu tính hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường trong hoạt động của Quỹ thời gian qua, từ đó đưa ra những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ trong thời gian tới.

Từ khóa: Quỹ bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường.

1. Đặt vấn đề

Khi phát triển những chính sách và công cụ để bảo vệ môi trường, các nhà làm chính sách cần phải đánh giá tính hiệu quả của từng chính sách và công cụ trên nhiều phương diện khác nhau, như: tính hiệu quả về kinh tế, tính hiệu quả về môi trường, tính khả thi, khả năng thích ứng,…. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đưa ra quan điểm đánh giá tính hiệu quả về mặt kinh tế và tính hiệu quả về mặt môi trường của một trong những công cụ của Nhà nước trong bảo vệ môi trường tại Việt Nam, đó là Quỹ Bảo vệ môi trường.

2. Khái quát chung về Quỹ Bảo vệ môi trường

Theo quan điểm của các nhà kinh tế, Quỹ Môi trường có thể được hiểu là một thể chế hoặc một cơ chế được thiết kế để nhận kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau và từ đó phân phối các nguồn này để hỗ trợ quá trình thực hiện các dự án hoặc các hoạt động cải thiện chất lượng môi trường.

Nguồn thu cho Quỹ Môi trường được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, như:

- Phí và lệ phí môi trường.

- Tiền đóng góp tự nguyện của các cá nhân và doanh nghiệp.

- Khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật của các tổ chức trong nước, chính quyền địa phương và chính phủ, và các tổ chức quốc tế.

  • Tiền phạt các hoạt động ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường hoặc từ các công cụ kinh tế khác, như: lệ phí thải, giấy phép có thể chuyển nhượng, thuế môi trường,...
  • Tiền lãi và các khoản lợi khác thu được từ hoạt động của các quỹ.

Quỹ Môi trường hoạt động thông thường dưới hình thức cung cấp hỗ trợ tài chính với các điều khoản ưu đãi, các khoản trợ cấp không hoàn lại, các khoản vay vốn dài hạn với lãi suất thấp hơn lãi suất hiện hành trên thị trường.

Tại Việt Nam, Theo Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường 2014, Quỹ Bảo vệ môi trường được định nghĩa như sau:

“1. Quỹ Bảo vệ môi trường là tổ chức tài chính được thành lập ở trung ương, ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường.

  1. Vốn hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia và cấp tỉnh được hình thành từ các nguồn sau:
  2. a) Ngân sách Nhà nước hỗ trợ;
  3. b) Phí bảo vệ môi trường;
  4. c) Các khoản bồi thường cho Nhà nước về thiệt hại môi trường;
  5. d) Các khoản hỗ trợ, đóng góp, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
  6. Thẩm quyền thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường được quy định như sau:
  7. a) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia, Quỹ Bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang bộ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
  8. b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ môi trường của mình;
  9. c) Tổ chức, cá nhân thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường của mình và hoạt động theo điều lệ của quỹ.”

Đến nay, nước ta có 41 tổ chức Quỹ Bảo vệ môi trường, trong đó, có 1 Quỹ Bảo vệ môi trường Trung ương (Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam), 39 Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương và 1 Quỹ Bảo vệ môi trường ngành Than. Quỹ được thành lập ở cấp Trung ương gọi là Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và được thành lập ở cấp tỉnh gọi là Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, tổ chức và hoạt động của các Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương. Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Sở Tài chính.

Nguyên tắc hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhưng phải bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý hoặc tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên; bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng. Quỹ Bảo vệ môi trường là tổ chức tài chính của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, con dấu và bảng cân đối kế toán riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Để đánh giá tính hiệu quả về kinh tế và môi trường của các Quỹ Bảo vệ môi trường tại Việt Nam, tác giả đánh giá thông qua hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam -  trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) được thành lập ngày 26/6/2002 theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, hiện được tổ chức hoạt động theo Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định quy định lại tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, với số vốn điều lệ là 500 tỷ đồng và một số nhiệm vụ được bổ sung.

Thực hiện theo tiêu chí "hoạt động không vì mục đích lợi nhuận", các nguồn lực của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đều hướng tới mục tiêu cải thiện môi trường, nhằm góp phần tạo nên một môi trường xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững đất nước.

Từ khi thành lập cho đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã cho vay hơn 275 dự án, với tổng số vốn 2.654 tỷ đồng; tài trợ cho 62 dự án và hoạt động bảo vệ môi trường, với tổng số tiền 92,2 tỷ đồng; hỗ trợ giá điện gió nối lưới cho 5 dự án điện gió, với số tiền 86,6 tỷ đồng; trợ giá sản phẩm CDM (Điện gió Bình Thuận) với số tiền 67,6 tỷ đồng, hỗ trợ dự án và hoạt động CDM 3,1 tỷ đồng; thu lệ phí bán/chuyển CERS (Chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận) được 45,19 tỷ đồng; vận động tài trợ được 2,32 tỷ đồng, chi hỗ trợ từ nguồn vận động tài trợ 2,26 tỷ đồng.

Các lĩnh vực mà Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hỗ trợ cho vay gồm:

- Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500 m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.

- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

- Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.

- Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại.

- Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.

- Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.

- Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.

- Quan trắc môi trường.

- Các lĩnh vực khác quy định tại Phụ lục III Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Phụ lục III Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019).

3. Hiệu quả kinh tế và môi trường của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là một trong những công cụ của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Theo quy định hiện hành, vốn điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Đối tượng cho vay của Quỹ là các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư bảo vệ môi trường với mức lãi suất ưu đãi cố định trong suốt thời gian cho vay từ 2,6 % - 3,6%, với thời hạn vay lên đến 10 năm. Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, tính đến cuối năm 2018, Quỹ đã giải ngân 76% vốn cho vay với lãi suất ưu đãi ở 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả cho vay theo vùng miền của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

bang 1

Nguồn: Cập nhật đến ngày 31/12/2018 - Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Đến cuối năm 2018, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã ký kết hợp đồng tín dụng đạt 379,99 tỷ đồng, giải ngân vốn vay đạt 324,77 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng hơn 33% so với năm 2017, thu hồi nợ gốc đạt 161,23 tỷ đồng. Tính trong giai đoạn từ năm 2010 - 2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Quỹ đều tăng trên 10%/năm. (Biểu đồ 1)

Biểu đồ 1: Kết quả sử dụng vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

bieu do 1

Nguồn: Cập nhật đến ngày 31/12/2018 - Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

 

Biểu đồ 2: Kết quả tăng trưởng tín dụng của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

bieu do 2

Nguồn: Cập nhật đến ngày 31/12/2018 - Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Thông qua hoạt động chủ yếu là cho vay quay vòng vốn, nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ Bảo vệ môi trường đã hỗ trợ được cho nhiều dự án, hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời có nguồn thu tự trang trải chi phí hoạt động, từ đó giảm bớt áp lực, gánh nặng ngân sách nhà nước chi cho hoạt động này. Quỹ Bảo vệ môi trường đã góp phần tích cực vào quá trình đồng bộ hóa các công cụ tài chính, chính sách của Nhà nước, hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Mặc dù kết quả về tăng trưởng tín dụng của Quỹ trong giai đoạn 2004 - 2018 (Biểu đồ 3) đều tăng nhanh qua các năm, nhưng lại đang có một nghịch lý xảy ra trong hoạt động cho vay của Quỹ Bảo vệ môi trường trong giai đoạn hơn 10 năm qua, đó là người muốn vay thì không đáp ứng đủ điều kiện, ngược lại người đủ điều kiện thì không muốn vay. Nguyên nhân xảy ra nghịch lý trên là do:

Thứ nhất, nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường hiện nay rất hạn chế. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014, vốn hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường được hình thành từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước; Phí bảo vệ môi trường; Các khoản bồi thường cho Nhà nước về thiệt hại môi trường; Các khoản hỗ trợ, đóng góp, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn của Quỹ hầu như chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Nguồn vốn này thường là ổn định, ít khi được tăng, bổ sung. Trong khi đó, các nguồn vốn có thể bổ sung thường xuyên cho Quỹ như phí bảo vệ môi trường, các khoản bồi thường cho Nhà nước về thiệt hại môi trường lại chưa có cơ chế chuyển vốn.

Thứ hai, với nguồn vốn ít ỏi, các Quỹ Bảo vệ môi trường thường rất thận trọng trong lựa chọn xét duyệt đối tượng được vay. Quỹ thường có những quy định rất chặt chẽ về đối tượng cho vay, cũng như những yêu cầu về tài sản đảm bảo. Thực trạng chung hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực môi trường có chi phí đầu tư ban đầu lớn, thời gian hoàn vốn dài, chính sách tín dụng phức tạp... Vì vậy, các doanh nghiệp có đủ tiềm lực sẽ tự mình đầu tư hoặc tìm đến những cơ chế tín dụng khác với nhiều thuận lợi và ưu đãi hơn cơ chế vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường. Còn đối với các doanh nghiệp thiếu tiềm lực, cần vốn vay, thường không đáp ứng được các tiêu chí cho vay mà Quỹ đặt ra.

Ngoài ra, việc xét duyệt hồ sơ đối tượng cho vay của Quỹ vẫn còn xảy ra tình trạng tiêu cực. Kết quả thanh tra năm 2016 của Thanh tra Bộ Tài chính trong việc thanh tra công tác quản lý thu và sử dụng Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ Bảo vệ môi trường của 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương cho thấy, công tác cho vay của Quỹ vẫn còn các tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách.

Cụ thể như: Việc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi các dự án bảo vệ môi trường chưa phù hợp về đối tượng cho quy định tại Khoản 1, Điều 38 và Khoản 1, phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đối với các dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải; Việc tính toán và xác định tiền lãi ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại một số Quỹ Bảo vệ môi trường chưa đúng quy định; Việc thực hiện kê khai và nộp thuế tại các Quỹ không đồng nhất.

Có 2/5 Quỹ Bảo vệ môi trường chưa thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản lãi tiền gửi ngân hàng phát sinh tại các quỹ. Qua thanh tra, đã xác định và kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước gần 4 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp từ các Quỹ Bảo vệ môi trường.

Về mặt hiệu quả môi trường, trong thời gian hơn 10 năm thành lập cho đến nay, một trong những kết quả nổi bật, có ý nghĩa đối với lĩnh vực môi trường và khai thác khoáng sản đó là hoạt động đăng ký ký Quỹ Cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Tổng số tiền ký Quỹ thời gian qua mà Quỹ thu nhận là hơn 130 tỷ đồng. Thông qua Quỹ, các tổ chức cá nhân thực hiện được trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. 

Một mảng hoạt động khác cũng được Quỹ hỗ trợ thực hiện có hiệu quả liên quan đến biến đổi đổi khí hậu - đối với các dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), từ việc thu phí lệ phí bán/chuyển chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs). Các chứng nhận này do Ban chấp hành quốc tế về CDM cấp cho dự án CDM; thuộc sở hữu của nhà đầu tư xây dựng và thực hiện dự án CDM, được theo dõi và quản lý thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Đến nay, đã có 37 dự án được thu lệ phí bán/chuyển CERs với số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Dù đã có nhiều tác động tích cực đến hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng thực sự hoạt động của Quỹ vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Việc xác định đối tượng được nhận hỗ trợ từ Quỹ tại các địa phương trên đều “rộng rãi” giống nhau. Đó là mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động bảo vệ môi trường như đầu tư xử lý nước thải, tái chế chất thải, khắc phục ô nhiễm đều có thể được vay tiền từ Quỹ.

Các Quỹ đều xác định ưu đãi là hình thức quan trọng nhất, với lãi suất tối đa ở mức “không quá 50% lãi suất thương mại” (Bình Dương, Đồng Nai), hoặc “không thấp hơn 1/3 lãi suất thương mại” (Hà Nội), với qui mô không quá 70% giá trị dự án, trong khoảng thời gian từ 3 năm (Hà Nội), tới 5 năm (Bình Dương), thậm chí là 7 năm (Thành phố Hồ Chí Minh). Các Quỹ cũng xác định sẽ “tài trợ không hoàn lại” cho các dự án, nhưng không nói rõ đối tượng cụ thể và qui mô cho vay, ngoại trừ Hà Nội khẳng định “không quá 50% giá trị dự án”.

Sỡ dĩ còn tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình hoạt động của Quỹ, vì Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã có quy định về việc thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương với mục đích là nơi ký Quỹ cải thiện, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa có một thông tư hướng dẫn nào về việc triển khai quy định này, nên các địa phương đang rất lúng túng, mỗi nơi làm một kiểu, thiếu thống nhất về mô hình tổ chức.

Do chưa có văn bản hướng dẫn từ Trung ương đến các địa phương, nên quá trình hoạt động của Quỹ địa phương chủ yếu dựa vào các văn bản quy định tổ chức, hoạt động do UBND tỉnh ban hành và một số văn bản liên quan đến hoạt động của Quỹ nằm rải rác trong các văn bản pháp lý của Nhà nước. Vì thế, của các Quỹ địa phương hoạt động không tập trung, thiếu thống nhất, hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, chế độ quản lý tài chính của các Quỹ địa phương cũng chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất. Vì vậy, chế độ tiền lương, tiền công cho người lao động, cán bộ của Quỹ chưa được áp dụng thống nhất; có địa phương áp dụng theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, có địa phương áp dụng như Công ty TNHH một thành viên.

Những hạn chế này khiến cho hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường gặp nhiều trở ngại như: quyền lợi và chế độ của người lao động trong Quỹ không được đảm bảo ổn định; Quỹ không được hưởng chế độ miễn thuế thu nhập từ các hoạt động có thu do thực hiện nhiệm vụ tài chính như các đơn vị tài chính Nhà nước khác, trong đó có Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam…

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Để khắc phục những hạn chế trên, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, theo tác giả, cần tập trung giải quyết ngay một số việc như sau:

Một là, cần bổ sung các quy định về việc ban hành danh mục các đối tượng dự án được vay ưu đãi quy định tại khoản 1, Điều 38 và khoản 1, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương. Cần sửa đổi, bổ sung: Cơ chế về hoàn trả tiền lãi ký Quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn; Các quy định về việc ký Quỹ nhập khẩu phế liệu tại các Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương; Các quy định hướng dẫn việc xác định, tính toán tiền ký Quỹ cho sát với thực tế hơn để khi xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân không có khả năng phục hồi được môi trường sau hoạt động thì có thể sử dụng số tiền này để thực hiện.

Hai là, ban hành hệ thống văn bản pháp lý nhằm thống nhất mô hình, tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính của Quỹ Bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương. Bổ sung thêm các quy định hướng dẫn về thời điểm và cách xác định, tính toán tiền lãi ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản để các Quỹ áp dụng được thuận tiện và chính xác.

Ba là, cần ban hành cơ chế tài chính thống nhất cho Quỹ Bảo vệ môi trường các địa phương, thống nhất các khoản nghĩa vụ phải nộp và không phải nộp ngân sách nhà nước, tránh tình trạng thực hiện không thống nhất giữa các địa phương như hiện nay.

5. Kết luận

 Quỹ Bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã trở thành một công cụ quan trong của Nhà nước ta trong hoạt động bảo vệ môi trường khi đã giải ngân được nhiều dự án môi trường, góp phần hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thời gian qua, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế trong hệ thống văn bản pháp luật quy định về hoạt động của Quỹ, cũng như các hạn chế trong công tác tổ chức, triển khai giải ngân cho các dự án, nên hiệu quả hoạt động của Quỹ chưa thực sự đạt được như mong muốn. Chính vì vậy, thông qua bài viết này, tác giả đưa ra một số kiến nghị của cá nhân dựa trên phân tích, đánh giá hoạt động của Quỹ trong thời gian qua, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật số 55/2014/QH13, Luật Bảo vệ môi trường 2014.
  2. TS. Nguyễn Thế Chinh (2015), Giáo trình Kinh tế và quản lý môi trường, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  3. Paul A. Samuelson, William D. Nordhaus. (1996), Kinh tế học, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. 4. Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2002), Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg, ngày 26/06/2002, .thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2019), Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
  7. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), Báo cáo kết quả hoạt động Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2018.

The economic and environmental efficiency of Vietnam’s environmental protection fund

Master. Nguyen Van Luan

Faculty of Economic Law, Hanoi Law University

Abstract:

The environmental protection fund is an important tool of governments in protecting environment. This article is to deeply analyse and assess the economic and environmental efficiency of Vietnam’s environmental protection fund over the past time, thereby proposing solutions to the operational efficiency of the fund in the coming time.

Keywords: Environmental protection fund, economic efficiency, environmental efficiency.