Tuy nhiên, từ khi có Nghị quyết 13 đến nay, sự phát triển hạ tầng thương mại (HTTM) trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng vai trò trong sự phát triển chung của đất nước. Với tỷ lệ hàng hóa và dịch vụ lưu thông qua hệ thống chợ bình quân khoảng 40%, chợ vẫn là loại hình cơ sở hạ tầng phổ biến, đặc biệt ở nông thôn. Cả nước có khoảng 8.600 chợ, trong đó trên 70% là chợ nông thôn. Số lượng chợ tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Cơ sở hạ tầng chợ chưa được quan tâm đầu tư, hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế, trên 80% là chợ hạng III, cơ sở vật chất yếu kém.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới và mở cửa dịch vụ phân phối theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thế nhưng HTTM Việt Nam đang phát triển theo hướng vừa theo quy hoạch, vừa tự phát nên không thể tồn tại lâu dài với hệ thống HTTM còn yếu kém, lạc hậu, chưa được quan tâm đầu tư phát triển đúng mức nên đã và đang thực sự tác động không nhỏ, làm hạn chế tới hiệu quả hoạt động thương mại. Hạn chế này một phần do nhận thức về vai trò của thương mại trong nước, cụ thể là vai trò của phát triển HTTM còn chưa được nhất quán từ Trung ương đến địa phương, dẫn đến chính sách phát triển HTTM còn bất cập, hạn chế, chưa có chính sách riêng cho phát triển HTTM để hướng đến một hệ thống HTTM hiện đại, đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và nền kinh tế trong thời đại hội nhập toàn cầu.
Với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển; là động lực giải phóng sức sản xuất. Từ chính sách phát triển HTTM Việt Nam có thể thấy định hướng các nguồn lực được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhưng phải phù hợp với kinh tế thị trường. Thông qua qua đó, có thể thấy rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển HTTM của Việt Nam nói chung và theo hướng đồng bộ, hiện đại nói riêng như:
Thứ nhất, quy hoạch phát triển hệ thống HTTM phải hiện đại, đồng bộ trên phạm vi cả nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; có phân kỳ đầu tư, ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan toả lớn. Tăng cường công tác quản lý trong khai thác sử dụng công trình.
Thứ hai, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển HTTM; đồng thời tiếp tục dành vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động các nguồn lực xã hội.
Thứ ba, phát triển HTTM là sự nghiệp chung, vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia đóng góp, trước hết là trong thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; bảo đảm lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Thứ tư, phát triển hệ thống HTTM phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách vùng, miền; gắn với tiết kiệm đất canh tác, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các giải pháp chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống thông qua pháp luật. Vì thế, hoạch định chính sách công phải dựa trên căn cứ rõ ràng, với mục đích tạo ra những chính sách có chất lượng, bảo vệ lợi ích chung. Trong đó, đánh giá chính sách, bao gồm việc thực hiện các hoạt động để nắm bắt thông tin về đối tượng của chính sách, dựa trên các tiêu chí nhất định, là một nội dung trọng tâm của việc hoạch định chính sách.
Việc xây dựng tiêu chí đánh giá chính sách cần phải đáp ứng yêu cầu vừa là thước đo cụ thể của vấn đề chính sách được đề cập, vừa phản ánh được lợi ích của đa số thành viên xã hội và được họ chấp nhận. Các tiêu chí đánh giá phương án chính sách phải đáp ứng được yêu cầu về: mức độ thỏa đáng; độ tin cậy; có thể hiểu được; kịp thời; phù hợp với mục đích; mức độ ảnh hưởng của chính sách; khả năng đo lường….
Trên thực tế, chính sách công nhằm mục đích giải quyết các vấn đề cụ thể trong cái tổng thể, có mối liên hệ với nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Vì thế, mục tiêu và các thước đo của những mục tiêu chính sách công rất đa dạng. Gắn với mục tiêu công có thể liệt kê ra nhiều tiêu chí như: tính hiệu lực, tính hiệu quả, tính khả thi (về kinh tế, về chính trị, về hành chính), tính công bằng, tính hiệu suất, tính hợp hiến, tính thống nhất, tính minh bạch, tính thuận lợi, tính dân chủ,... Tùy thuộc vào từng chính sách và việc xác định mục tiêu chính sách, cần phải xác định đúng tiêu chí cần thiết để đánh giá. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, để đánh giá chính sách phát triển HTTM, bốn tiêu chí cơ bản được đưa ra là: Tính hiệu quả và thực tiễn; Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu của xã hội; Tính đồng bộ giữa HTTM truyền thống và hiện đại; Tính đồng bộ giữa HTTM giữa thành thị và nông thôn. Trên cơ sở những tiêu chí này và qua thực tiễn, có thể thấy vai trò của thương mại trong nước trong thời gian qua, cụ thể là vai trò của phát triển HTTM còn chưa được nhất quán từ Trung ương đến địa phương, dẫn đến chính sách phát triển HTTM còn bất cập, hạn chế, chưa có chính sách riêng cho phát triển HTTM để hướng đến một hệ thống HTTM hiện đại, đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và nền kinh tế trong thời đại hội nhập toàn cầu.
Để giải quyết những vấn đề này, nhóm nghiên cứu đề xuất Nhà nước cần xem xét sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống HTTM theo hướng đồng bộ, hiện đại trong thời gian tới nhằm góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay để đáp ứng yêu cầu thúc đẩy thị trường trong nước phát triển trong điều kiện mới. Trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu như:
- Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tự có và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển HTTM tại các địa phương.
- Rà soát lại các quy định ưu đãi, ưu tiên về thủ tục, chính sách thuế có liên quan để HTTM, với các dự án HTTM có tổng vốn đầu tư lớn hay các điều kiện không cho phép thu hồi vốn nhanh, nên nới lỏng thời hạn cho vay đến 15 năm. Có chính sách ưu đãi lãi suất vốn vay cho thương nhân kinh doanh tại các chợ đầu mối nông sản, thuỷ - hải sản, chợ mới xây dựng (có thể được vay vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại cùng thời điểm) để đầu tư nâng cấp quầy, sạp, mua dụng cụ đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào hoặc tăng vốn lưu động mở rộng kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
- Cho phép thương nhân có hợp đồng góp vốn ứng trước để đầu tư xây dựng chợ hoặc trả tiền sử dụng một lần trong một thời hạn nhất định sau khi chợ xây dựng xong được sử dụng điểm kinh doanh để thế chấp vay vốn kinh doanh tại ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
- Từng địa phương cần công khai khung giá thuê đất cho từng khu vực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lựa chọn; phổ biến các biểu thuế theo lộ trình cam kết với WTO để doanh nghiệp chủ động các giải pháp thực hiện.
- Tranh thủ các nguồn vốn trong và ngoài nước để hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp, trong đó phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước. Đề nghị Bộ Tài chính hàng năm bố trí ngân sách bảo đảm việc nâng cấp cơ sở vật chất- kỹ thật, xây dựng đội ngũ giáo viên và nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng về phát triển và quản lý HTTM cho hệ thống các trường dậy nghề, cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành thương mại.
Qua phân tích, đánh giá thực trạng, có thể thấy hệ thống HTTM có vị trí, vai trò quan trọng việc phát triển thương mại và kinh tế-xã hội trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương. Tuy nhiên, HTTM chưa phát triển đồng bộ, hiện đại được như mong muốn và còn nhiều hạn chế, tồn tại. Trong số những nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại đó có nguyên nhân do cơ chế, chính sách phát triển và quản lý HTTM còn nhiều bất cập. Trong đó, trên cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển HTTM, kết hợp với phân tích xu hướng cũng như kinh nghiệm quốc tế về quản lý và phát triển HTTM, nhóm nghiên cứu đã xây dựng các mục tiêu, quan điểm, định hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển HTTM, đồng thời đã tập trung đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống HTTM theo hướng đồng bộ, hiện đại trong thời gian tới nhằm góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay để đáp ứng yêu cầu thúc đẩy thị trường trong nước phát triển trong điều kiện mới./.