Hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cạnh tranh, nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác “Hoàn thiện chính sách và tăng cường năng lực thực thi Luật Cạnh tranh” giữa Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Luật Cạnh tranh năm 2018 được Quốc hội Khóa XIV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, gồm 10 Chương 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, so với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh mới được xây dựng dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hiệu quả thực thi. Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng luật; mở rộng phạm vi điều chỉnh các hành vi cạnh tranh cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam khi hành vi đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã trao đổi về Luật Cạnh tranh và các vấn đề của chính sách cạnh tranh tại Việt Nam tập trung vào việc thực thi quy định có liên quan đến tập trung kinh tế bao gồm: sáp nhập, mua lại, liên doanh, liên kết và các hình thức khác mang tính chất tập trung kinh tế…
Xuất phát từ sự cần thiết phải kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế để tránh tình trạng hình thành các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc gia tăng nguy cơ thông đồng, phối hợp giữa các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường, Luật Cạnh tranh đã có những quy định cho phép các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường.
Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh không kiểm soát tất cả các hoạt động tập trung kinh tế, mà chỉ tập trung vào các trường hợp doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam dựa trên đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế và tác động tích cực của việc tập trung kinh tế.
Hội thảo cũng đưa ra cái nhìn tổng thể về các quyết định tập trung kinh tế và tình hình thực thi, cũng như một số điểm lưu ý liên quan đến ngưỡng thông báo tập trung kinh tế từ quan điểm của Nhật Bản.
Ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, so với chính sách cạnh tranh trên thế giới thì Luật Cạnh tranh của Việt Nam đang được thực thi phù hợp với thực tế đa dạng của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua.
Triển khai từ tháng 11/2019, Dự án hợp tác Hoàn thiện chính sách và tăng cường năng lực thực thi Luật Cạnh tranh do Tổ chức JICA phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện trên cơ sở đề nghị của Chính phủ Việt Nam.
Trong dự án này, JICA đã mời ông Okumura Tsuyoshi của Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản làm chuyên gia dài hạn hỗ trợ tăng cường năng lực thẩm định tập trung cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vào các hoạt động như: xây dựng các tiêu chí liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và ngưỡng tập trung kinh tế, xây dựng các cơ chế chính sách khoan hồng tái cơ cấu tổ chức của cạnh tranh,…
Thông qua hoạt động của dự án này, JICA bày tỏ hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường một cách công bằng từ đó đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
“Hôm nay có rất nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản cũng tham gia hội thảo, tôi hy vọng rằng nội dung của hoạt động này sẽ hữu ích đối với các bạn và hội thảo ngày hôm nay sẽ cung cấp nhiều thông tin cho các doanh nghiệp để triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới một cách hiệu quả nhất, cũng như là thuận lợi nhất. Đặc biệt, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản có sự hợp tác với cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam”, ông Shimizu Akira nói.
Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề thông báo tập trung kinh tế của Nhật Bản, chuyên gia Okumura Tsuyoshi cho biết, đối với các doanh nghiệp là đối tượng phải thực hiện thông báo tập trung kinh tế, nếu như chúng ta không thực hiện thông báo thì sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt. Do vậy việc hiểu một cách chính xác về các ngưỡng là thông báo là một trong những yếu tố rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Từ đó, chúng ta có thể triển khai hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận đưa ra những ý kiến về vướng mắc trong quá trình thực hiện thông báo tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 về một số nội dung như: việc thực thi, cách lập hồ sơ, quy trình thực hiện việc thông báo tập trung kinh tế… Đặc biệt, các vấn đề về nguy cơ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, tập trung kinh tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng được các đại biểu thảo sôi nổi.