TÓM TẮT:
Một trong những nội dung mới của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 là mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước (khu vực tư). Đây là lần đầu tiên Luật PCTN mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực tư, gồm cả các quy định mang tính chất khuyến nghị cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước và các quy định mang tính chất bắt buộc cho một số loại hình doanh nghiệp và tổ chức ngoài nhà nước. Bài viết tập trung nghiên cứu một số vấn đề chung về lý luận, điều chỉnh pháp luật, nhận diện những bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về PCTN trong khu vực tư.
Từ khóa: Phòng, chống tham nhũng, khu vực tư, hoàn thiện pháp luật, Luật Phòng, chống tham nhũng.
1. Khái niệm, đặc điểm của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư
Tham nhũng hiện nay không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước (khu vực công) mà còn là vấn đề cần được quan tâm trong khu vực doanh nghiệp (khu vực tư).. Có đến 66% doanh nghiệp dân doanh trong nước đã phải chi trả các chi phí không chính thức và 59% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan[1].
Khu vực tư là thuật ngữ để chỉ “các cơ sở, các tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, dịch vụ do tư nhân hoặc nước ngoài đầu tư, quản lý, khai thác và sử dụng”[2]. Theo Luật PCTN năm 2018, khu vực tư được điều chỉnh bao gồm: Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.
Pháp luật về PCTN trong khu vực tư có thể hiểu là tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng của các cơ sở, các tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, dịch vụ do tư nhân hoặc nước ngoài đầu tư, quản lý, khai thác và sử dụng.
Pháp luật về PCTN trong khu vực tư có các đặc điểm sau:
Một là, pháp luật về PCTN trong khu vực tư ở Việt Nam ra đời muộn, phạm vi còn bó hẹp trong một số ít chủ thể. So với khu vực công đã ra đời, tồn tại và có hệ thống tương đối hoàn thiện, pháp luật về PCTN ở khu vực doanh nghiệp mới chính thức được thừa nhận trong Luật PCTN năm 2018 (dù những ý tưởng, đề xuất đã có từ khá lâu); đối tượng điều chỉnh hẹp hơn nhiều so với khu vực nhà nước.
Hai là, pháp luật về PCTN trong khu vực tư có những nét đặc trưng, phụ thuộc vào tính chất của quan hệ kinh tế do pháp luật điều chỉnh, trong đó yếu tố kinh doanh, thương mại và tính “mở” của doanh nghiệp so với Nhà nước. Điều này đặt ra yêu cầu khi xây dựng pháp luật về PCTN trong khu vực tư phải đặc biệt chú ý, hiểu rõ, đầy đủ bản chất của các quan hệ kinh tế, xã hội trong khu vực tư.
Ba là, việc thực thi pháp luật về PCTN trong khu vực tư đã, đang và sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng cần phải thực hiện kiên trì, bền bỉ, có lộ trình phù hợp. Một trong những cản trở lớn khi triển khai pháp luật về PCTN trong doanh nghiệp là tính mới của vấn đề, sự khó khăn trong việc chấp thuận các ràng buộc của doanh nghiệp vốn không mặn mà với các quy định của Nhà nước.
Bốn là, pháp luật về PCTN trong khu vực tư có mối quan hệ chặt chẽ với khu vực công, không tách rời khu vực công và có gắn bó mật thiết với pháp luật PCTN của quốc tế.
2. Nội dung cơ bản của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư
Để phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng trong khu vực tư, Luật PCTN năm 2018, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) đã quy định về phòng, chống tham nhũng trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Luật PCTN năm 2018 đã có 10 điều khoản quy định về PCTN trong khu vực tư, có thể chia thành các nội dung lớn.
Thứ nhất, các quy định phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư áp dụng cho đối với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức. Nhóm này bao gồm các quy định về:
i) trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong PCTN: thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật; động viên người lao động, thành viên, hội viên thực hiện quy định của pháp luật về PCTN; kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN;
ii) xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư: xây dựng, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử; ban hành và thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ; hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích thành viên, hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; giám sát việc chấp hành pháp luật về PCTN của thành viên, hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật.
Thứ hai, các quy định phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư bắt buộc áp dụng đối với một số loại hình doanh nghiệp, tổ chức. Theo quy định của Luật PCTN 2018, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội là nhóm chủ thể bắt buộc phải áp dụng một số nhóm quy định của Luật để phòng ngừa tham nhũng trong chính doanh nghiệp, tổ chức mình. Bởi lẽ, đối với công ty đại chúng và tổ chức tín dụng, đây là nhóm chủ thể trong hoạt động có huy động vốn của nhiều cổ đông, người gửi tiền; đồng thời là nhóm chủ thể mà trong cơ chế quản trị và điều hành có sự phân tách rõ ràng giữa chủ sở hữu và người quản lý, đặc biệt là về lợi ích. Đây chính là yếu tố dẫn đến nguy cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người quản lý để trục lợi. Bên cạnh đó, việc lành mạnh hóa nhóm chủ thể này có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, phù hợp với định hướng đổi mới kinh tế ở Việt Nam hiện nay[3].
Theo quy định tại Điều 80 của Luật, các quy định sau đây được áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội: (1) Nguyên tắc công khai, minh bạch, nội dung công khai, minh bạch, hình thức công khai trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch quy định tại Điều 9, các điểm a, c và d Khoản 1 Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Luật; (2) kiểm soát xung đột lợi ích quy định tại Điều 23 của Luật; (3) trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vụ do mình quản lý, phụ trách và 4) giám sát như quy định tại Điều 72, các điểm a, b và d Khoản 3 Điều 73 của Luật.
Thứ ba, các quy định nhằm bảo đảm liêm chính trong hoạt động kinh doanh và tuân thủ quy định về phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư. Đây thực chất là các quy định về cơ chế kiểm soát tham nhũng trong khu vực tư từ bên trong về bên ngoài. Cơ chế kiểm soát từ bên ngoài bao gồm các phương thức thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện pháp luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức. Việc quy định áp dụng bắt buộc một số chế định của Luật PCTN đối với một số loại hình doanh nghiệp, tổ chức như đã nêu ở trên đặt ra yêu cầu thanh tra việc thực hiện để đảm bảo cho các quy định của pháp luật được tuân thủ một cách nghiêm túc.
Về cơ chế tự kiểm tra của doanh nghiệp, tổ chức, Luật PCTN quy định mang tính khuyến nghị các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư ban hành và thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ. Việc đảm bảo liêm chính và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng không chỉ là yêu cầu của Luật PCTN mà còn là nhu cầu tự thân của chính các doanh nghiệp, tổ chức để hướng tới sự phát triển bền vững. Đặc biệt trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay thì yêu cầu này càng cần thiết và quan trọng. Để làm được điều này, các doanh nghiệp tổ chức phải có cơ chế kiểm soát, giám sát từ bên trong chính doanh nghiệp, tổ chức của mình.
Như vậy, khi quy định và cụ thể hóa các biện pháp phòng, chống tham nhũng bắt buộc theo quy định của Luật (bao gồm: công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng), tại Quy chế, điều lệ của mình thì doanh nghiệp phải có các biện pháp tự kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo các quy định này được tuân thủ một cách đúng đắn.
3. Nhận diện những ưu điểm và hạn chế của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư
Có thể thấy việc quy định PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành là cần thiết, có nhiều điểm tiến bộ. Hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, gồm hành vi tham ô tài sản, hành vi nhận hối lộ và hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Luật PCTN năm 2018 đã quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực tư cũng như quy định các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật, điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức. Luật PCTN cũng quy định khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ thành lập huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, phải quy định và áp dụng quy định công khai, minh bạch, kiểm soát xung đột lợi ích và quy định trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện, pháp luật về PCTN đối với khu vưc tư còn tồn tại những hạn chế, yếu kém, cụ thể:
Một là, các quy định của pháp luật hiện nay mới dừng lại ở các quy định chung chung, mang tính nguyên tắc mà chưa cụ thể, rõ ràng để doanh nghiệp có thể hiểu và thực hiện có hiệu quả trách nhiệm của mình. Điều này đặt ra đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư trong thực hiện pháp luật về PCTN.
Hai là, phạm vi chủ thể trong khu vực tư quy định như hiện nay là hẹp, chưa đảm bảo tính khả thi. Khu vực tư là một chỉnh thể, tác động qua lại rất phức tạp, nếu khu vực tư khác như các loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân,… không được điều chỉnh trực tiếp bởi pháp luật về PCTN thì việc PCTN sẽ không thể đạt hiệu quả.
Ba là, pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh chưa đủ mạnh, đủ hiệu quả, thậm chí kể cả sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Bốn là, pháp luật về văn hóa liêm chính trong kinh doanh của doanh nghiệp chưa thật sự phát huy được giá trị văn hóa trong PCTN.
Năm là, pháp luật về PCTN nói chung, PCTN trong khu vực tư nói riêng mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn nhiều bất cập, trong đó nhiều quy định chưa tương thích với pháp luật quốc tế và bảo đảm thực thi công ước UNCAC.
4. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư
Thứ nhất, mở rộng chủ thể chịu điều chỉnh của Luật PCTN, từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước tại Kết luận số 10/KL-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó các tổ chức như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân cần phải được đưa vào phạm vi điều chỉnh của pháp luật PCTN.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định chống cạnh tranh không lành mạnh trong doanh nghiệp. Cần sửa đổi pháp luật PCTN, pháp luật hình sự theo hướng quy định các hành vi phạm tội trong một chuỗi có liên quan, thể hiện đầy đủ cả khía cạnh phòng ngừa và chống tham nhũng: từ cung cấp báo cáo kế toán hoặc sổ sách kế toán gian dối đến giấu giếm tài sản hoặc phân chia tài sản sai trái trong quá trình thanh lý (có bản chất như tham ô tài sản), từ nhận và đưa hối lộ đến hành vi có tính chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn khác trục lợi cho cá nhân.
Bên cạnh đó, có thể tham khảo Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc: Cấm các nhà quản lý doanh nghiệp không được sử dụng tiền hoặc tài sản hoặc các phương tiện khác để hối lộ người khác bán hoặc mua hàng hóa. Hành vi sẽ bị coi là đưa hối lộ nếu những người quản lý đưa khoản hoa hồng bí mật cho các tổ chức hoặc cá nhân khác mà không có chứng từ kế toán thông thường. Hành vi sẽ bị coi là nhận hối lộ nếu các tổ chức hoặc cá nhân nhận khoản hoa hồng bí mật mà không có chứng từ kế toán (Điều 8). Hành vi đưa hối lộ theo Điều 8 nếu chưa cấu thành tội phạm trong Bộ luật hình sự sẽ bị phạt tiền và bị tịch thu tài sản bất chính theo Luật này (Điều 22)[4].
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật khuyến khích thúc đẩy văn hóa liêm chính trong kinh doanh, tạo ra sân chơi bình đẳng nhưng đồng thời không nên tạo thêm những gánh nặng không cần thiết đối với doanh nghiệp trong tổ chức, hoạt động. Đặc biệt là tăng cường nhận thức, xóa bỏ bôi trơn, xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, xoá bỏ các điểm chồng chéo trong Luật Đầu tư (khoảng 20 điểm); xóa bỏ các điểm chồng lấn, không minh bạch. Bên cạnh đó, sửa đổi đối tượng tiếp cận chuẩn mực quản trị của OECD; đưa các hộ kinh doanh (5 triệu hộ kinh doanh, nhưng chỉ 2 triệu hộ đăng ký) vào Luật Doanh nghiệp để minh bạch và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp này[5].
Thứ tư, doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư cần đặc biệt chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh và cơ chế kiểm soát nội bộ. Cụ thể: i) cần quy định xử lý mâu thuẫn lợi ích, quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý; ii) hình thức xử lý trách nhiệm; iii) các trường hợp được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng nặng trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý; iv) quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu; v) quy định xử lý người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức mình khi vi phạm quy định bắt buộc phải thực hiện theo Luật PCTN.
Thứ năm, hoàn thiện quy định xử lý hành vi làm giàu không chính đáng trong khu vực tư. Theo Điều 9, Công ước chống tham nhũng của tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS) có quy định về tội làm giàu bất chính là sự tăng lên đáng kể về tài sản của một công chức Chính phủ mà công chức không thể chứng minh tài sản đó xuất phát từ nguồn thu nhập hợp pháp của mình. Tại Việt Nam, hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào trực tiếp về tội làm giàu bất chính. Trong thời gian tới, Việt Nam cần nghiên cứu thấu đáo các quy định về tội làm giàu bất chính được quy định trong Bộ Luật hình sự và các văn bản có liên quan nhằm tránh hiện tượng bỏ lọt tội phạm có liên quan đến tham nhũng.
Thứ sáu, hoàn thiện pháp luật PCTN trong khu vực tư bảo đảm thực thi công ước UNCAC. Công ước Quốc tế về PCTN (tiếng Anh: United Nations Convention against Corruption; viết tắt: UNCAC) đã được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 31 tháng 10 năm 2003. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước UNCAC ngày 3 tháng 7 năm 2009, do vậy, Việt Nam có nghĩa vụ phải thực thi những cam kết thể hiện trong các điều khoản, trừ những điều khoản được bảo lưu. Việt Nam đã tuyên bố bảo lưu Điều 20 về tội làm giàu bất hợp pháp; Điều 26 về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Điều 44 quy định trực tiếp về dẫn độ.
5. Kết luận
Từ cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn đã chứng minh, việc mở rộng điều chỉnh pháp luật PCTN sang khu vực tư là đúng đắn, khách quan và cần thiết. Khu vực công và khu vực tư giống như “bình thông nhau”, nếu chỉ PCTN trong khu vực công thì không hiệu quả. Vấn đề quan trọng nhất là xây dựng, hoàn thiện pháp luật về PCTN trong khu vực tư là điều chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy vậy, với quyết tâm chính trị và xu thế thời đại, Việt Nam sẽ có các giải pháp xây dựng hệ thống pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện, không cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp và tương thích với các quy định của luật pháp quốc tế.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Lê Quang Kiệm (2019). Tham nhũng trong khu vực tư theo cách nhìn từ cơ sở lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. <https://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/59911/tham-nhung-trong-khu-vuc-tu-theo-cach-nhin-tu-co-so-ly-luan-va-thuc-tien-o-viet-nam-hien-nay.aspx>
[2] Học viện Hành chính (2009), Thuật ngữ hành chính, Hà Nội, tr.178
[3] Đỗ Thanh Thủy (2020), Báo cáo đánh giá quy định pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước và hướng dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, Thanh tra Chính phủ, tr. 16
[4] Nguyễn Phương Thảo (2018). Kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư. <http://noichinh.vn/ho-so-tu-lieu/201809/kinh-nghiem-quoc-te-ve-phong-chong-tham-nhung-trong-khu-vuc-tu-304434/>
[5] T. Vương (2019). Thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh: Phải xóa bỏ “văn hóa bôi trơn”. <https://laodong.vn/kinh-te/thuc-day-liem-chinh-trong-kinh-doanh-phai-xoa-bo-van-hoa-boi-tron-770193.ldo>
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Chính trị (2016), Kết luận số 10/KL-TW ngày 26/12/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Học viện Hành chính (2009), Thuật ngữ hành chính, Hà Nội.
- Trần Văn Long (2009), Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng các công cụ đo lượng tham nhũng và đề xuất áp dụng cho Việt Nam, Đề tài khoa học.
- Nguyễn Văn Quyền, Phạm Tất Thắng, Lê Văn Lân (2005), Kinh nghiệm PCTN của một số nước trên thế giới, Sách chuyên khảo, NXB. Chính trị Quốc gia.
- Phan Xuân Sơn, Phạm Thế Lực (Chủ biên) (2008), Nhận diện tham nhũng và các giải pháp PCTN ở Việt Nam hiện nay, Sách chuyên khảo, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Đỗ Thanh Thủy (2020), Báo cáo đánh giá quy định pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước và hướng dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, Thanh tra Chính phủ.
PERFECTING THE LAW ON ANTI-CORRUPTION
FOR THE PRIVATE SECTOR IN VIETNAM
Ph.D NGUYEN HUU LUAN
Faculty of State - Law and Theoretical Foundations
National Academy of Public Administration
ABSTRACT:
A new content of the 2018 Law on Anti-Corruption of Vietnam is to expand the scope of adjustment to the non-state sector or private sector. This is the first time that the law is enforced into the private sector including the law’s recommended regulations for all business types and non-state organizations and the law’s obligatory regulations. This paper researches some general theoretical issues, law adjustments and identifies shortcomings of the law, thereby proposing some recommendations to perfect the Law on Anti-corruption’s regulations which are enforced in the private sector.
Keywords: Anti-corruption, private sector, perfecting law, Law on Anti-corruption.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 23, tháng 9 năm 2020]