TÓM TẮT:
Nghiên cứu thực hiện đánh giá thực tế các tổ chức xếp hạng tín nhiệm (CRA) doanh nghiệp tại Việt Nam trong 2 giai đoạn trước và sau tháng 11/2014 (khi Nghị định 88/2014/NĐ-CP chính thức có hiệu lực). Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ phát triển của các CRA doanh nghiệp ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn khởi đầu. So với các quốc gia châu Á khác, CRA doanh nghiệp chính thức tại Việt Nam được thành lập chưa lâu, chưa có hoạt động nổi bật và mức độ đóng góp hiệu quả cho thị trường tài chính chưa rõ ràng. Do đó, cần có định hướng phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững hơn.
Từ khóa: Tổ chức xếp hạng tín nhiệm, xếp hạng tín nhiệm, doanh nghiệp Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Tang (2009) đã khẳng định vai trò giảm thiểu bất cân xứng thông tin trên thị trường tài chính của các CRA, từ đó tác động tích cực đến tiếp cận vốn của các doanh nghiệp. Theo Lê Quang Cường (2007), thị trường Việt Nam cần xây dựng tổ chức xếp hạng tín nhiệm (XHTN). Theo HNX (2016), cần cân nhắc sử dụng XHTN doanh nghiệp với thị trường mới nổi như Việt Nam hay tại các quốc gia như Malaysia đang cân nhắc loại bỏ XHTN đối với thị trường trái phiếu. Không thể phủ nhận hiện tượng bất cân xứng thông tin trên thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu Việt Nam nói riêng làm cho việc thúc đẩy phát triển thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc xem xét một cách khái quát về hoạt động của các CRA doanh nghiệp tại Việt Nam là một điều cần thiết.
2. Hoạt động của các CRA doanh nghiệp tại Việt Nam
DCRA được công nhận một cách chính thức đầu tiên tại Việt Nam là Trung tâm Đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp (CRVC), được thành lập vào tháng 5/2005. Theo công bố, việc đánh giá sẽ tiến hành theo quy trình có cơ sở nghiên cứu, tham khảo từ các tổ chức trên thế giới, như Standard & Poor’s, Moodys, và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kết quả được Hội đồng đánh giá thống nhất với sự tham gia của đại diện các nhà khoa học, các chuyên gia tài chính ở các bộ ngành, đại diện doanh nghiệp và các cơ quan khác. Tuy nhiên, sau hơn một năm hoạt động, trung tâm đã đóng cửa do thị trường XHTN doanh nghiệp tại Việt Nam còn quá nhỏ, trung tâm không tạo lập được vị thế và danh tiếng đủ trên thị trường, thiếu sự hỗ trợ cần thiết của cơ quan chức năng cũng như các bên liên quan (ADB, 2018).
Công ty TNHH Thông tin Tín nhiệm và Xếp hạng Doanh nghiệp (Vietnam Credit): Được thành lập năm 2004 với tên gọi là Công ty C&R Việt Nam, đến 2009 đổi tên thành Vietnam Credit và chính thức có các hoạt động trên thị trường XHTN. Hoạt động của tổ chức này hướng đến các ngân hàng thương mại. Ngày 09/12/2009, Công ty công bố bảng xếp hạng ngân hàng (Vietnam Bank Rating) năm 2009, đưa ra đánh giá về chỉ số tín nhiệm của 47 ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam. Ngay lập tức, kết quả xếp hạng vấp phải sự phản đối từ phía ngành ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã gửi công văn đến Ngân hàng Nhà nước để phản đối. Vietnam Credit sau đó cũng đã hủy việc công bố tài liệu diễn giải về phương pháp và rút lại kết quả xếp hạng. Không chỉ vậy, đến ngày 28/9/2012, Cơ quan Điều tra công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự trốn thuế và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, xảy ra tại Vietnam Credit. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của tổ chức và giảm sự tin cậy của thị trường, hoạt động sau đó của họ gần như không có thêm sự phát triển mới.
Công ty Cổ phần XHTN Doanh nghiệp Việt Nam (CRV): Được thành lập từ ngày 05/12/2006, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Mảng dịch vụ trọng tâm của công ty là cung cấp dịch vụ XHTN và thẩm định doanh nghiệp. CRV cũng giới thiệu sẽ cung cấp thông tin tín nhiệm của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và thông tin tín nhiệm của các ngành kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, cũng có dịch vụ đánh giá định mức tín nhiệm theo yêu cầu của khách hàng.
Năm 2010, CRV lần đầu tiên đưa ra thị trường cuốn báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm Việt Nam bao gồm nhiều nội dung về đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp, đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán (CRV, 2010). Các năm sau đó, từ 2011 - 2014, CRV liên tục xuất bản báo cáo thường niên này. Tuy nhiên, hoạt động của CRV sau đó cũng không thể mở rộng và gặp nhiều khó khăn tương tự như Vietnam Credit.
Nghị định số 88/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Quy định về dịch vụ Xếp hạng tín nhiệm có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2014 được xem là quy định pháp luật hoàn chỉnh đầu tiên về hoạt động CRA tại thị trường Việt Nam. Nghị định quy định rõ ràng các doanh nghiệp xếp hạng bắt buộc phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định, không còn các doanh nghiệp tự phát hành các báo cáo XHTN hay công bố thông tin về kết quả XHTN như trong các giai đoạn trước.
Mặc dù các quy định về điều kiện kinh doanh đưa ra khá rõ, tuy nhiên trong 3 năm, từ năm 2014 đến giữa năm 2017, không có bất kỳ DCRA nào được thành lập tại Việt Nam, phản ánh sự khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư vào một thị trường mới mẻ.
Đến ngày 21/7/2017, Bộ Tài chính mới cấp phép cho doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thực hiện dịch vụ XHTN là Công ty Cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating (PTR). PTR nhanh chóng đưa ra thị trường các dịch vụ là XHTN doanh nghiệp và XHTN các công cụ nợ. Tiếp theo đó, PTR cũng công bố về các dịch vụ khác có thể thực hiện như giám sát XHTN, nghiên cứu thị trường, cung cấp giải pháp quản trị rủi ro tín dụng, phân tích đánh giá và báo cáo chuyên sâu doanh nghiệp… PTR cũng công bố mức phí đối với các dịch vụ XHTN tổ chức phát hành, XHTN trái phiếu dài hạn, XHTN tổ chức bảo lãnh. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, PTR mới công bố kết quả xếp hạng của 2 doanh nghiệp là khách hàng của họ, số lượng khá khiêm tốn sau hơn 2 năm hoạt động.
3. So sánh với hoạt động của DCRA tại các quốc gia châu Á và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Bảng 1. Quy định của các quốc gia châu Á về yêu cầu sử dụng XHTN doanh nghiệp
Nguồn: ACRAA (2016), ACRAA (2018)
Tại từng quốc gia châu Á, quy định pháp lý được quan tâm là có hay không bắt buộc thực hiện XHTN đối với các chủ thể tham gia trên thị trường và các nghĩa vụ nợ. Tổng hợp từ ACRAA (2016) và ACRAA (2018) cho thấy, đa số là yêu cầu bắt buộc phải có kết quả XHTN đối với phát hành đại chúng các trái phiếu doanh nghiệp và không bắt buộc xếp hạng với phát hành riêng lẻ. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU đã sửa đổi chính sách với CRA để thúc đẩy cạnh tranh. Tuy nhiên, hệ thống yêu cầu cấp phép chặt chẽ vẫn được áp dụng tại các quốc gia châu Á.
Việc trao đổi quan điểm được thực hiện giữa các cơ quan CRA một cách thường xuyên tại các sự kiện như các cuộc họp của ACRAA. Phạm vi xếp hạng của các CRA tại châu Á cũng khá đa dạng, có thể không giới hạn trong việc XHTN trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ mà còn được cho phép xếp hạng cho một loạt các công cụ nợ, thương phiếu, khoản nợ ngân hàng,… theo tiêu chí quy định của từng quốc gia (The 21st Century Public Policy Institute, 2011).
Theo ACRAA (2016), đa số các quốc gia châu Á đã có thành lập DCRA. Tùy thuộc vào quy mô thị trường và nhu cầu phát triển mà số lượng CRA có thể từ 1 đến 7 tổ chức, thậm chí nhiều hơn do có các DCRA không gia nhập hiệp hội, không có thông tin phổ biến trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các GCRA tại các thị trường này thông qua tham gia trực tiếp xếp hạng hoặc liên doanh, góp vốn với các DCRA.
Các DCRA được thành lập trong khoảng hơn 30 năm trở lại đây tại châu Á. CRA lâu đời nhất là KR của Hàn Quốc (1983) và gần đây nhất là NCRL (2010) tại Bangladesh. Thời điểm nở rộ của DCRA tại châu Á là ở đầu thập niên 90. Đầu năm 2000, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, chỉ có hai cơ quan CRA mới được thành lập vì những lời chỉ trích cho cung cấp XHTN không chính xác của các CRA trong giai đoạn này. Sau đó, Ngành XHTN châu Á chứng kiến sự ra mắt của ACRAA (Hiệp hội Các tổ chức XHTN Châu Á) năm 2001, dựa trên nền tảng hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Hiệp hội này đã có những hành động cụ thể để thống nhất tiêu chuẩn xếp hạng, cải thiện mức độ chính xác của báo cáo.
Các quốc gia châu Á đa số có định hướng bắt buộc xếp hạng. Cơ quan quản lý định hướng theo hướng khuyến khích hoạt động CRA và thị trường trái phiếu phát triển mới tạo ra cơ hội lớn để CRA phát triển hoạt động. Các tổ chức DCRA này đều thành lập trước PTR tại Việt Nam, hoạt động của các tổ chức này cũng ngày càng tăng lên về số lượng. Với các quốc gia có quy mô thị trường lớn, CRA đã được thành lập từ những năm 1970 - 1980 - như Trung Quốc, Ấn Độ - thì số lượng chủ thể được xếp hạng có thể lên đến hàng nghìn. Tại thị trường nhỏ hơn như Philippines hay Bahrain, số lượng chủ thể được xếp hạng cũng gần 100.
Bảng 2. Danh sách DCRA doanh nghiệp tại các quốc gia châu Á
Nguồn: ACRAA (2016), ACRAA (2018)
4. Đánh giá và một số khuyến nghị cho phát triển thị trường XHTN doanh nghiệp Việt Nam
Bối cảnh thực tế của các CRA tại Việt Nam trong 2 giai đoạn trước và sau tháng 11/2014 đã chỉ ra, mức độ phát triển của thị trường XHTN doanh nghiệp ở Việt Nam mới chỉ đang trong những giai đoạn khởi đầu.
Về mức độ tin tưởng, uy tín và danh tiếng của các tổ chức có hoạt động xếp hạng tại Việt Nam trong thời gian qua đều không tạo lập được niềm tin trên thị trường. Nguyên nhân chủ yếu do các tổ chức này có quy mô nhỏ, số lượng chuyên gia ít, không có các chuyên gia đủ uy tín trong đánh giá. Đồng thời, do thị trường thiếu các quy định định hướng và hoạt động thiếu hiệu quả của các tổ chức nêu trên nên dẫn đến tình trạng hoài nghi, không tin tưởng, thậm chí là phản đối hoạt động của các tổ chức đó.
Sau khi PTR được cấp phép thành lập và nhanh chóng đưa ra thông tin cơ bản, đầy đủ về hoạt động XHTN doanh nghiệp đã tác động ít nhiều đến thị trường. Với các quy định pháp luật rõ ràng hơn, việc ra đời một DCRA tuân thủ các quy định của Chính phủ và được cấp phép chính thức là một bước tiến lớn cho thị trường XHTN doanh nghiệp còn sơ khai của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ này vẫn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Thông tin về XHTN tại các quốc gia châu Á cũng góp phần đưa ra thực trạng về “xuất phát chậm” của thị trường Việt Nam so với khu vực cả về số lượng và chất lượng. Có thể thấy, Nghị định 88/NĐ-CP của Chính phủ đã có những phần thích ứng và tương đồng với các quy tắc thống nhất ở những quốc gia châu Á khác. Mâu thuẫn lợi ích, phạm vi áp dụng của hoạt động XHTN, tiến trình xếp hạng,… đã có các quy định định hướng rõ ràng trên thị trường.
Tuy nhiên, từ ban hành quy định đến việc áp dụng thực tế còn nhiều khó khăn do thị trường XHTN doanh nghiệp nói riêng và thị trường XHTN nói chung vẫn còn khá mới mẻ. Bộ Tài chính cần phải tiếp tục nghiên cứu và tiến tới ban hành quy định chi tiết lựa chọn các tổ chức độc lập có uy tín, phương pháp khoa học để công nhận kết quả XHTN của họ và để kết quả xếp hạng được sử dụng rộng rãi như Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ - SEC và các quốc gia khác đã thực hiện thành công. Đồng thời, hoàn thiện quy định pháp lý để thu hút sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước để thành lập thêm CRA tại Việt Nam.
Các quy định về áp dụng XHTN doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn dừng ở mức khuyến khích. Điều này dẫn đến một vòng tròn lặp lại: Thị trường trái phiếu sẽ làm tăng nhu cầu thực hiện XHTN khi các CRA và cơ sở hạ tầng liên quan đến XHTN đã được phát triển, trong khi các CRA và thị trường XHTN doanh nghiệp sẽ chỉ phát triển khi có nhu cầu thực sự rõ ràng trên thị trường trái phiếu. Để phá vỡ vòng tròn lặp lại đó, các quốc gia lựa chọn nhiều giải pháp đồng bộ, trong số đó là sử dụng cơ chế của lý thuyết danh tiếng và phát tín hiệu với yêu cầu bắt buộc thực hiện xếp hạng từ CRA được chứng nhận để công bố ra công chúng mức độ rủi ro trước khi phát hành.
Việc định hướng của Chính phủ về việc có tối thiểu hai tổ chức DCRA đạt yêu cầu tại Việt Nam đến năm 2020 để các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đều phải được XHTN, đang gặp nhiều thách thức. Vì vậy, khuyến nghị tạo lộ trình để hình thành cơ sở pháp lý về việc bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp là điều cần thiết. Điều này sẽ có lợi lớn trong việc bảo vệ các nhà đầu tư không chuyên như nhà đầu tư cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khitham gia thị trường và gia tăng kỷ cương của thị trường trái phiếu đang phát triển nóng tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Association of Credit Rating Agencies in Asia (2016). Asia Credit Rating Guidebook. ACRAA Publication.
- Association of Credit Rating Agencies in Asia (2018). Asia Credit Rating Guidebook-2018 Update. ACRAA Publication .
- Asian Development Bank (2018). ASEAN+3 Bond Market Guide 2018: Viet Nam. ADB Publication Stock No.TCS189569-2
- CRV (2010). Báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2010. NXB Thời Đại
- HNX (2016). Đề án Phát triển thị trường Trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam. Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Bộ Tài chính.
- Lê Quang Cường (2007). Xây dựng mô hình tổ chức định mức tín nhiệm ở Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế, Số 198.
- Tang, T. T. (2009). Information asymmetry and firms’ credit market access: Evidence from Moody's credit rating format refinement. Journal of Financial Economics, 93(2), 325-351.
- The 21st Century Public Policy Institute (2011). Asian Bond Market Development and Regional Financial Cooperation: Study Group Report. Asian Bonds Online - Asian Development Bank.
THE PERFORMANCE OF VIETNAMESE
CREDIT RATING AGENCIES COMPARED TO OTHERS
IN ASIAN COUNTRIES
• Master. NGUYEN TRUNG HIEU
Lecturer, Faculty of Banking,
Banking University of Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This study carried out a realistic assessment of credit rating agencies (CRAs) in Vietnam before and after the promulgation of Decree 88/2014-ND-CP in November 2014. This study’s findings show that CRAs in Vietnam is at an early development stage, in comparison to well-established CRAs in other Asian countries. As a result, it is important for CRAs in Vietnam to have stronger and more sustainable development orientations.
Keywords: Credit rating agency, credit rating, Vietnamese enterprises.