TÓM TẮT:
Chức năng giám sát của Quốc hội giữ một vai trò quan trọng. Trong những năm gần đây, hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam liên tục được đẩy mạnh, chất lượng, hiệu lực được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Bài viết đã nêu rõ thực trạng và kiến nghị về giám sát của Quốc hội hiện nay, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm bảo đảm cho hoạt động giám sát có tính hiệu quả và khả thi cao hơn trong thực tiễn.
Từ khóa: Quốc hội, giám sát, thực trạng, kiến nghị.
1. Chức năng giám sát của Quốc hội
Trong bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội chính là cơ quan giám sát tối cao đối với các hoạt động của Nhà nước, có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị nước nhà.
Giám sát là việc chủ thể theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Tại điều 69 Hiến pháp 2013 quy định: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Quốc hội “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập (Khoản 2, Điều 70, Hiến pháp 2013).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập (khoản 3, Điều 72, Hiến pháp 2013). Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân (khoản 7, Điều 72, Hiến pháp 2013).
Hội đồng dân tộc nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (khoản 2, Điều 75, Hiến pháp 2013). Tại khoản 2, điều 76 quy định về quyền giám sát của Ủy ban của Quốc hội là “thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Ủy ban”.
Về mặt pháp lý, các quy định hiện hành đã chỉ rõ thẩm quyền giám sát tối cao của Quốc hội, việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị được tăng cường giám sát hiệu quả hơn. Việc thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
2. Các hình thức giám sát của Quốc hội
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền giám sát của mình thông qua nhiều hình thức khác nhau, như: nghe báo cáo của các cơ quan tại các cuộc họp, thực hiện chất vấn trong và ngoài kỳ họp, thực hiện giám sát bằng các đoàn kiểm tra (thường là các đoàn kiểm tra của Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội).
2.1. Về xem xét báo cáo
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát thông qua việc xem xét, thẩm tra báo cáo công tác hàng năm, 6 tháng 1 lần và báo cáo chuyên đề của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Bên cạnh đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có thể yêu cầu thành viên của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trực tiếp đến báo cáo, hoặc báo cáo bằng văn bản, hay cung cấp các tài liệu mà Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội quan tâm.
Hàng năm, cuối mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét báo cáo công tác hoạt động năm của Chính phủ. Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tiến hành thẩm tra các báo cáo trước khi trình Quốc hội.
2.2. Giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
Việc giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tiến hành thường xuyên, nhằm bảo đảm các văn bản pháp luật được ban hành kịp thời, phù hợp với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Văn bản pháp luật được ban hành phải bảo đảm tính toàn diện, nếu không sẽ "vênh” đối với các văn bản khác. Đồng thời cũng phát hiện những nội dung sai trái của văn bản để kịp thời yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật.
Theo báo cáo “Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” của Quốc hội, trong giai đoạn này, “Bên cạnh các văn bản do Quốc hội ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng đã ban hành hơn 200 văn bản pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước như Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp…”. Ở địa phương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp cũng chú trọng công tác ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản theo thẩm quyền. Theo đó, nhiều văn bản được chính quyền địa phương ban hành để triển khai thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, ví dụ: tại Tuyên Quang có 44 văn bản, Hải Phòng có 19 văn bản, Thanh Hóa có 19 văn bản, Thừa Thiên - Huế có hơn 90 văn bản.
Số lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết mà Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Thẩm tra ngày càng tăng lên (riêng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI thông qua 8 bộ luật, luật, 15 nghị quyết có chứa quy phạm và xem xét thông qua 34 pháp lệnh”.
2.3. Giám sát thông qua hoạt động chất vấn, giải trình
Đây là hình thức giám sát quan trọng của Quốc hội, thể hiện trực tiếp quyền giám sát của Quốc hội, thể hiện rõ nét tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Có 2 hình thức chất vấn của đại biểu Quốc hội, đó là chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội và giữa hai kỳ họp Quốc hội. Quốc hội có thể giám sát được hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội thông qua việc trả lời của người bị chất vấn. Từ năm 2013 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành một số phiên chất vấn đối với thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội tiến hành tổ chức các phiên giải trình về các lĩnh vực được phân công phụ trách. Thông qua các phiên giải trình, các cơ quan của Quốc hội đã góp phần làm rõ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục, nhằm đẩy mạnh có hiệu quả việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.
2.4. Thực hiện hoạt động giám sát ở địa phương
Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội dựa trên chương trình giám sát hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế để thành lập các đoàn giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc Chính phủ, hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương. Tùy theo cấp độ và tính chất của sự việc mà thành lập những đoàn giám sát khác nhau.
Các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua giám sát cho thấy, tại một số địa phương đã có sự linh hoạt trong thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, như: Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Trưởng Ban công tác Mặt trận; Trưởng thôn kiêm Thôn đội trưởng; Công an viên kiêm Tổ phó Tổ dân phố... Đồng thời, thực hiện khoán kinh phí hoạt động (tính theo mức lương cơ sở) cho một số tổ chức đoàn thể ở cấp xã, tổ dân phố, gồm: Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Liên hiệp Phụ nữ, Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Nông dân, Chi hội Cựu chiến binh.
Việc thực hiện chế độ kiêm nhiệm như vậy đã giảm được một phần số lượng người hoạt động không chuyên trách. Theo kết quả tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thực hiện theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP đã giảm 11.668 người (giảm 1,4%) -Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
3. Thực trạng và kiến nghị về giám sát của Quốc hội hiện nay
Cùng với quá trình đổi mới của hệ thống chính trị nước nhà, Quốc hội đã có nhiều đổi mới và đạt được những thành tựu quan trọng. Hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh. Các hoạt động giám sát được tăng cường hơn trước, Quốc hội đã chủ động xây dựng chương trình giám sát, tiến hành giám sát theo kế hoạch, đúng tiến độ, đảm bảo đem lại hiệu quả tốt nhất. Các đoàn đại biểu Quốc hội đã xây dựng kế hoạch giám sát, phối hợp tốt trong các chuyên đề. Các cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp đã nghiêm túc thực hiện, giải quyết những vấn đề mà đoàn giám sát đề cập tới. Nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống, có tác động tích cực đến hoạt động lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước.
Bên cạnh những hiệu quả giám sát mà Quốc hội đã đạt được, việc giám sát của Quốc hội còn tồn tại một số hạn chế sau:
Thứ nhất, mục đích giám sát của Quốc hội chưa thật sự rõ ràng, thiếu tập trung, đối tượng giám sát quá rộng nên chưa đem lại hiệu quả cao, đáp ứng ở mức độ thấp so với yêu cầu và đòi hỏi từ nguyện vọng của nhân dân và quy định của Hiến pháp, pháp luật về quyền giám sát tối cao của Quốc hội.
Thứ hai, một số nội dung của giám sát chưa được tập trung cao như công tác cải cách thủ tục hành chính, quản lý vốn và tài sản nhà nước. Một số nội dung giám sát còn chưa cụ thể, rõ ràng, phạm vi giám sát còn khái quát. Việc ôm đồm trong hoạt động giám sát của Quốc hội ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện các chức năng quan trọng khác của Quốc hội, đặc biệt là chức năng lập pháp.
Thứ ba, các cơ quan tổ chức chưa thực hiện tốt việc phối hợp với đoàn giám sát. Có cơ quan cung cấp thông tin tư liệu cho Quốc hội chưa thực sự đầy đủ, thiếu chính xác, chưa kịp thời, một số báo cáo chưa khách quan và đầy đủ theo yêu cầu của Quốc hội. Một số cá nhân đứng đầu cơ quan chưa thật sự có trách nhiệm với công việc, ủy thác trách nhiệm cho cấp dưới, chưa quan tâm sát sao tới những vấn đề mà cấp trên đưa xuống.
Thứ tư, hoạt động giám sát với các cơ quan hành chính nhà nước chưa rõ nét, chưa có hoạt động giám sát của Quốc hội đối với những người thực hiện trái quy định pháp luật, lạm dụng chức quyền, hách dịch, gây khó khăn cho người dân. Nguồn nhân lực giám sát còn thiếu, nhất là những cán bộ, công chức có kinh nghiệm, năng lực và chuyên môn sâu.
Thứ năm, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa thực hiện được thường xuyên; việc giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn lúng túng, chưa đem lại hiệu quả cao; việc theo dõi, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị chưa được chú trọng, đôn đốc đến cùng; trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, hoạt động giám sát cũng chưa đạt được hiệu quả cao. Hoạt động chất vấn còn hạn chế, trong các kỳ họp, một số thành viên Chính phủ, người đứng đầu ngành chưa trả lời đúng vào vấn đề chất vấn; việc trả lời mới tập trung vào thực trạng, chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân đối với những hạn chế, bất cập.
Trong hoạt động giám sát của Quốc hội còn tồn tại một số hạn chế là do phạm vi giám sát của Quốc hội còn rộng, các chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát còn chưa sát với thực tế, chưa kịp thời giải quyết được những thắc mắc, khiếu nại của người dân. Các cơ quan nhà nước chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chưa tập trung, xem xét, giải quyết nghiêm túc những vấn đề giám sát. Các cơ quan giúp việc chưa thực hiện đúng và hết khả năng của mình trong việc thực hiện giám sát.
4. Đề xuất một số giải pháp
Chức năng giám sát của Quốc hội giữ một vai trò quan trọng và đã có những thành tựu nhất định trong thời quan vừa qua. Tuy nhiên, việc giám sát của Quốc hội vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Thời gian tới cần có những giải pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội. Tác giả xin đề xuất một số biện pháp như sau:
Một là, cần xác định rõ mục đích giám sát của Quốc hội, tập trung giám sát tốt những vấn đề mà Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra, có những biện pháp cụ thể, kịp thời với những vấn đề thực hiện giám sát. Chương trình giám sát cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, tiến hành giám sát theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Hoạt động giám sát cần được quan tâm thường xuyên, hạn chế tối đa sự chồng chéo.
Hai là, xác định rõ nội dung giám sát cần tập trung vào những vấn đề mà nhân dân quan tâm, phù hợp với điều kiện Quốc hội, những mục tiêu chính sách đã được xác định trong các đạo luật và trong các nghị quyết của Quốc hội. Việc ban hành các văn bản quy phạm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước, liên tục rà soát các quy định của pháp luật để kịp thời có biện pháp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, nâng cao vai trò của quản lý của Nhà nước.
Ba là, đề cao trách nhiệm của Quốc hội khi ban hành các nghị định, nêu rõ thời gian hoàn thành, mục đích và yêu cầu các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và báo cáo cụ thể với Quốc hội. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giám sát của Quốc hội với việc thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước, tránh đùn đẩy trách nhiệm, thực hiện tốt việc báo cáo tại các kỳ họp. Tăng cường hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như tại các hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Cần có những biện pháp cụ thể đối với những cơ quan, tổ chức cá nhân không thực hiện hay thực hiện chưa triệt để những kiến nghị của Quốc hội đưa ra. Nghiên cứu tăng thẩm quyền cho Ủy ban trong hoạt động giám sát bằng các sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong đó, quy định Ủy ban Giám sát có thẩm quyền đề nghị xử lý kỷ luật, khiển trách đối với tổ chức, cá nhân không chấp hành yêu cầu của đoàn giám sát.
Bốn là, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Đây là một trong những nội dung quan trọng đã được Đảng đề cập đến tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X “…tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Hoàn thiện cơ chế bầu cử nhằm nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội; tăng hợp lý số đại biểu chuyên trách; phát huy tốt hơn nữa vai trò của đại biểu Quốc hội. Tổ chức lại một số ủy ban của Quốc hội; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Đổi mới hơn nữa quy trình xây dựng luật, giảm mạnh việc ban hành pháp lệnh. Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao”. Cần “nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của hoạt động giám sát, tích cực hoàn thiện cơ sở pháp lý, đổi mới phương thức giám sát và tăng cường sự lãnh đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là những yếu tố rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” (Thông báo kết luận số 144-TB/TW năm 2008).
Năm là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Cần có những quy định pháp chế cụ thể về thực hiện giám sát, những nội dung mà nghị quyết đưa ra phải rõ ràng, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, cá nhân trong quá trình thực hiện giám sát.
Sáu là, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của văn phòng Quốc hội cũng như các cơ quan, đoàn thể; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu cần thiết theo từng lĩnh vực. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện tối đa để đại biểu có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của Quốc hội nói chung và nhiệm vụ giám sát nói riêng.
Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào việc phát huy vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy còn tồn tại một số hạn chế, song những biện pháp đề ra sẽ nhằm góp phần hoàn thiện vai trò, cũng như hiệu quả giám sát ngày càng cao của Quốc hội trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Chính trị (2008), Thông báo Kết luận số 144-TB/TW.
- Nguyễn Như Ý (1998), Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa Thông tin.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Quốc hội (2013), Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
5. Quốc hội (2015), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2017), “Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội”.
- Đoàn Giám sát - Quốc hội (2017), Báo cáo số 08/BC-ĐGS, Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
The supervision function of the National Assembly of Vietnam: Status quo and recommendations
Master’s student, Phan Khuyen
National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus
ABSTRACT:
The supervision function of national assemblies plays an important role. In recent years, the supervision function of the National Assembly of Vietnam has been continuously strengthened. However, it still has some shortcomings. This paper presents the status quo of the National Assembly of Vietnam’s supervision function and proposes some recommendations to enhance the effectiveness of supervision activities.
Keywords: National Assembly, supervision, status quo, recommendations.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 4 năm 2021]