Hoạt động liên kết kinh tế trong hoạt động du lịch tại Đà Nẵng

ThS NGUYỄN THỤY PHƯƠNG (Khoa Du lịch Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Đà Nẵng có những bước phát triển mạnh và đạt được những thành tựu to lớn. Trên chặng đường phát triển đó, Du lịch Đà Nẵng ngày càng thể hiện được vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng, thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng sống cho người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Tuy nhiên sức hấp dẫn của du lịch Đà Nẵng trên thị trường du lịch quốc tế còn hạn chế, các doanh nghiệp ngành Du lịch chưa có sự liên kết với nhau.

Từ khóa: doanh nghiệp, du lịch, Đà Nẵng, liên kết kinh tế.

1. Khái niệm liên kết kinh tế trong hoạt động du lịch

Là hình thức liên kết kinh tế của các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp (DN)  trong tất cả các lĩnh vực như: việc xây dựng, khai thác cơ sở vật chất, hoạt động vận tải hành khách, hoạt động quản lý - marketing và đào tạo nguồn nhân lực của hoạt động du lịch nhằm tạo nên sự thống nhất về mặt hiệu quả trong việc phát triển du lịch.

Các loại hình liên kết

- Liên kết nội vùng: là sự liên kết giữa các tỉnh với nhau nhằm phát huy những tiềm năng du lịch của từng vùng đồng thời khắc phục những hạn chế của nhau.

- Liên kết ngoại vùng: là sự liên kết, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các vùng bên ngoài hoặc của các nước trên thế giới có điều kiện như nhau.

- Liên kết các loại hình đặc trưng của du lịch: là sự liên kết nhằm bổ sung cho nhau, giúp đỡ nhau trong việc phát triển du lịch của cả vùng. Gây ra hiệu ứng tốt trong quá trình quảng bá du lịch của từng tỉnh, thành phố cũng như của cả một vùng trọng điểm. Từ đó nhằm tránh được những lãng phí về chi phí đào tạo nhân lực cũng như tránh sự trùng lặp về sản phẩm du lịch và tạo cho khách du lịch một sự hấp dẫn, tò mò muốn khám phá du lịch của vùng đó.

2. Hoạt động liên kết kinh tế trong hoạt động du lịch tại Đà Nẵng

2.1. Liên kết trong việc xác lập các tour du lịch

Du lịch là một ngành kinh tế mang tính đa ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mọi suy nghĩ về tăng tốc du lịch trong không gian bó hẹp mang tính hành chính là hết sức đáng tiếc và không thực tế. Sự phụ thuộc lan tỏa và du lịch giữa các nước trong cùng khu vực, giữa các địa phương trong vùng là một tất yếu. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, công tác liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong xây dựng sản phẩm liên vùng và xúc tiến quảng bá đã được các ngành, các cấp, địa phương quan tâm thúc đẩy. Để tăng cường công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của du lịch Đà Nẵng đã ký kết biên bản hợp tác liên kết phát triển du lịch. Mở đầu là việc 3 địa phương đã có những hành động hưởng ứng chuỗi sự kiện “Đà Nẵng biển gọi”. Du lịch Đà Nẵng đang nâng dần tính chuyên nghiệp của sự liên kết, hướng tới việc phát triển du lịch một cách bền vững.

Trong xu thế phát triển chung, du lịch Đà Nẵng đã có bước tiến vượt bậc đã có sự khởi động mạnh mẽ các dự án đầu tư du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện đáng kể môi trường du lịch, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch đổi mới việc tổ chức các sự kiện du lịch tạo sức thu hút khách. Du lịch Đà Nẵng năm 2020 là năm “Sản phẩm và môi trường du lịch”. Đây là bước đệm để Đà Nẵng xây dựng môi trường du lịch, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, xác định thế mạnh của du lịch Đà Nẵng.

Đà Nẵng có sứ mệnh to lớn trong việc tiếp tục duy trì con đường di sản miền Trung và nối dài tới không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Hơn thế nữa, việc chủ động kết nối du lịch miền Trung - Tây Nguyên với những điểm đến nổi tiếng của 3 nước Đông Dương và tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây sẽ mở ra những vận hội mới cho du lịch trong vùng.

2.2. Liên kết giữa lữ hành và lưu trú

Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp (DN) khách sạn ở Đà Nẵng sẽ cố gắng giảm mọi khoản phí để giảm giá, giúp các DN lữ hành thêm điều kiện mời gọi khách hàng với giá rẻ hơn. Phản hồi của du khách là không biết mình nên đi đâu, mua sắm những gì, giải trí nơi nào giữa thành phố này, nhất là vào buổi tối. Điều này đòi hỏi các DN, các chủ thể khai thác tiềm năng ở địa phương cần phải gấp rút thay đổi, sáng tạo cách làm du lịch mới.

2.3. Liên kết trong hoạt động quản lý, marketing

Cùng với sự bùng nổ thông tin truyền thông tiếp thị của các hãng lữ hành, khách du lịch cũng ngày càng trở nên khó tính hơn trong việc chọn lựa điểm đến cho kỳ nghỉ của mình, khiến cho việc cạnh tranh giữa các điểm đến trở nên gay gắt hơn. Chỉ riêng tại khu vực Đông Nam Á, nơi các quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa và địa lý, đã có những cuộc chạy đua quyết liệt giữa những khu du lịch với nhau, nhằm thu hút khách tham quan với những địa danh nổi tiếng như Sentosa của Singapore, Phuket của Thái Lan, Bali của Indonesia và Borocay của Philippines. Xét trên quan điểm du lịch 5S lấy từ 5 chữ cái đầu tiên trong các từ tiếng Anh: Sea (biển), Sun (ánh nắng chói chang), Smile (sự thân thiện của người dân bản địa), Sand (những bãi biển đẹp) và Stomach (thức ăn ngon), du lịch vùng Đà Nẵng đều đáp ứng được với những bãi biển đẹp, đầy nắng gió. Đà Nẵng có bãi biển Bắc Mỹ An nằm trong top 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh do Tạp chí Forbes bình chọn. Đây là những kết quả bước đầu đáng ghi nhận của du lịch vùng trong việc quảng bá hình ảnh ra thế giới. Tuy nhiên, nếu có dịp ra nước ngoài và nói chuyện về các bãi biển hấp dẫn đáng đến với bất kỳ khách du lịch nào, bạn sẽ nghe họ nói nhiều về Bali của Indonesia, hay Phuket của Thái Lan mà chưa biết đến bãi biển nào của Việt Nam.

2.4. Liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực

Mô hình tăng trưởng của Đà Nẵng là hướng đến phát triển dịch vụ. Đầu tư cho du lịch để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến năm 2020, giá trị ngành Dịch vụ chiếm 50,1% trong cơ cấu GDP của thành phố. Do đó, đây là ngành có nhu cầu nhân lực cần dạy nghề lớn nhất trong tổng nhu cầu nhân lực của thành phố. Đào tạo nghề trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có tính chuyên nghiệp và đặc biệt chú trọng ngoại ngữ. Cụ thể:

- Nhu cầu lao động qua dạy nghề Khách sạn, Nhà hàng (hướng dẫn viên, tiếp thị, lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, bảo dưỡng, bảo vệ,...) cần khoảng 7.000 lao động, trong đó trình độ cao đẳng nghề: 500 lao động, trung cấp nghề: 2.300 người, sơ cấp nghề: 4.200 lao động.

- Nhu cầu lao động qua dạy nghề ngành Thương mại (thương mại điện tử, chợ, siêu thị, quản lý thị trường, kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, bán hàng,...) cần khoảng 1.800 lao động, trong đó trình độ cao đẳng nghề 100, trung cấp nghề 440 lao động, sơ cấp nghề 2.260 lao động.

- Nhu cầu lao động qua dạy nghề ngành dịch vụ Bưu chính viễn thông (nhân viên bưu phẩm, bưu kiện, chuyển tiền nhanh, điện hoa, EMS, internet,...) cần khoảng 4.200 lao động, trong đó cao đẳng nghề 2.000 lao động, trung cấp nghề 1.000 lao động, sơ cấp nghề 1.200 lao động.

- Nhu cầu lao động qua dạy nghề dịch vụ Vận tải (vận tải đường bộ, đường ống, đường sông, đường biển,...) cần khoảng 4.000 lao động, trong đó cao đẳng nghề 500 lao động, trung cấp nghề 1.000 lao động, sơ cấp nghề 2.500 lao động.

Như vậy, để thực hiện được các mục tiêu mà du lịch Đà Nẵng đã đặt ra, các trường đào tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang chuyển hướng mạnh mẽ để đón đầu và đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch. Ví dụ, Đại học Kinh tế Đà Nẵng - trường đầu tiên đào tạo nguồn nhân lực quản lý cho ngành Du lịch tại miền Trung - Tây Nguyên. Từ năm 1990 đến nay, mỗi năm, Trường đã cung cấp khoảng 80 cử nhân quản trị du lịch. Tuy vậy, số sinh viên làm đúng chuyên ngành đã được học không cao. Nhận thức được sự chênh lệch giữa giảng đường và yêu cầu thực tế, Nhà trường đã thay đổi phương pháp và đa dạng hóa loại hình đào tạo. Hiện nay, sinh viên của Trường đã chủ động hơn trong từng buổi học và trong cả chương trình học của mình thông qua hệ thống tín chỉ. Trường cũng đã liên kết với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trong việc trao đổi sinh viên của 2 bên. Đổi mới tích cực phương thức và tăng cường hợp tác trong giáo dục đang là định hướng lớn của trường trong thời gian tới.

Như vậy, du lịch Đà Nẵng có những tiềm năng to lớn và cần được khai thác đúng cách. Lời giải này nằm ở khâu đào tạo con người và cách giải cũng từ chính con người. Đào tạo những nhân viên tốt cho ngành Du lịch chính là giải pháp hàng đầu cho sự phát triển trước mắt và bền vững của du lịch Đà Nẵng.

3. Giải pháp nâng cao liên kết kinh tế hoạt động du lịch tại Đà Nẵng

Thứ nhất, một số DN lữ hành cho rằng, nếu chỉ trọn gói không gian du lịch cho du khách bằng những sản phẩm, dịch vụ trong khách sạn, nhà nghỉ, chất lượng các tour sẽ không thể đổi mới. Vậy, chính các cơ sở lưu trú hãy cùng lữ hành bước ra bên ngoài tìm kiếm cơ hội khai thác trong xã hội, như tạo thêm điểm tham quan mới trong chính các ngôi nhà cư dân Đà Nẵng, các điểm văn hóa địa phương, những khu chợ truyền thống, những làng xã có lịch sử lâu năm,... Nếu các DN cùng nhìn nhận lại để bắt tay nhau và nhận thêm hỗ trợ từ các cấp quản lý, sự cộng hưởng của các ngành hữu quan để biến những tour tuyến tưởng chừng đơn giản nhất trở nên hấp dẫn, thì tình hình sẽ khác hẳn đi.

Thực tế kinh nghiệm khai thác du lịch dạng này xung quanh không thiếu, nhất là những nơi như Thái Lan, có nhiều điểm du lịch thực sự chỉ nhờ vào dịch vụ khéo khai thác mà có. Vậy, các DN du lịch Đà Nẵng nên học hỏi và nắm bắt được các ý tưởng của nhau để làm mới mình hơn, rồi tiến đến bắt tay nhau tạo nên bối cảnh mới cho du lịch địa phương.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, các đề án du lịch lớn đã phê duyệt tại Nam Ô, Thọ Quang, K20, Hòa Vang và hỗ trợ hình thành các sản phẩm mới, đặc sắctrên các tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, Phố du lịch An Thượng, phố đêm 24/7, bán đảo Sơn Trà. Kêu gọi đầu tư Cảng Sông Hàn, Cảng Sông Thu, trung tâm du thuyền, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, chuyển đổi Cảng biển Tiên Sa thành cảng du lịch.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - chất lượng dịch vụ. Đặt mục tiêu chuyên nghiệp lên hàng đầu, triển khai chuẩn hóa nguồn nhân lực và quy trình phục vụ đối với các hoạt động, dịch vụ phục vụ du lịch đạt chuẩn chuyên nghiệp.

Thứ tư, đổi mới công tác quản lý nhà nước, phát triển du lịch phù hợp định hướng và mục tiêu đề ra. Tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc hiện nay để phát triển du lịch bền vững. Tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch, phát triển các mô hình hợp tác công - tư trong quản lý khai thác các khu điểm du lịch, di tích văn hóa lịch sử,… Hỗ trợ khuyến khích hình thành các doanh nghiệp du lịch có thương hiệu, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế. Đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng, gìn giữ môi trường du lịch an ninh, an toàn và mến khách.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  2. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  3. Lê Đức Viên (2016), Phát triển bền vững du lịch Đà Nẵng: Quan điểm và nội dung, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, số 2 (40), trang 12-18.
  4. Lê Đức Viên (2016), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch Đà Nẵng theo hướng bền vững, Tạp chí Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 75, trang 2-6.

 Economic links in Da Nang city’s tourism activities

 Master. Nguyen Thuy Phuong

Faculty of Hospitality and Toursim, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Da Nang city has made strong development steps and has achieved great results. The tourism sector has played an increasing role in the city’s development. The tourism sector has become the city’s spearhead economic sector which contributes to the city’s economic restructuring, promotes the city’s image, attracts investment, creates jobs, improves the quality of life for local people, preserves and promotes national cultural values. Howeverr, the attractiveness of Da Nang city’s tourism sector in the international tourism market is still limited and the local tourism comapnies have not well cooperated with each other.

Keywords: company, tourism, Da Nang, economic links.

 [Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]