Hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với phát triển du lịch sinh thái tỉnh Phú Yên

THS. BÙI THANH TOÀN (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên)

TÓM TẮT:

Trong bài này, trên cơ sở nghiên cứu bối cảnh tình hình và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập về du lịch; các nghị quyết, chính sách của tỉnh Phú Yên về phát triển du lịch, tác giả phân tích các thách thức và cơ hội của ngành Du lịch Phú Yên, đồng thời đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch sinh thái tỉnh Phú Yên trong bối cảnh hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Từ khóa: du lịch sinh thái, tỉnh Phú Yên, Cộng đồng kinh tế ASEAN.

1. Đặt vấn đề

Tỉnh Phú Yên có tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Địa hình của Tỉnh dốc từ Tây sang Đông với các dạng: miền núi, cao nguyên, đồng bằng; lại có bờ biển dài 189km, núi biển sát nhau, quanh co, khúc khuỷu tạo nên nhiều vịnh, đầm, thắng cảnh có vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ: vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, đầm Ô Loan, Hòn Yến, Hòn Nưa, Gành Đá Đĩa… Khu vực rừng núi Phú Yên có nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, có khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng Đèo Cả, nhiều hồ nước, suối, thác, vực. Phú Yên còn nổi tiếng với nhiều món hải sản ngon như cá ngừ đại dương, tôm hùm, sò huyết, ốc nhảy, các loại nước mắm… Bên cạnh những tài nguyên du lịch tự nhiên, Phú Yên là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng. Hiện nay, tỉnh đã có 101 di tích được công nhận (2 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia và 79 di tích cấp tỉnh), trong đó di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn và Di tích danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều lễ hội gắn với cuộc sống của người dân, như: Lễ hội cầu ngư, các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ rất đặc sắc như: Hò bài chòi, Hò khoan, Hò bá trạo, Hò kéo lưới…, đặc biệt là hai nhạc cụ rất độc đáo: đàn đá và kèn đá có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Với tiềm năng phong phú và con người thân thiện, mến khách, Phú Yên là nơi rất phù hợp phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có một thị trường du lịch lớn với hơn 600 triệu dân, có 11 di sản thiên nhiên và 17 di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo tốc độ tăng trưởng của du lịch ASEAN giai đoạn từ 2020 - 2030 là 4,3%, đến năm 2025 đón được 152 triệu lượt khách, năm 2030 là 187 triệu lượt người. Bài viết này nhằm nhận dạng những cơ hội, thách thức của ngành Du lịch Phú Yên, từ đó khuyến nghị một số giải pháp để phát triển du lịch sinh thái tỉnh Phú Yên trong bối cảnh hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

2. Giới thiệu về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

Tháng 12/1997, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020: đặt nền tảng cho việc hình thành và thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN. Năm 2003, thông qua Tuyên bố về sự hòa hợp ASEAN II: Tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 9 (Bali, In-đô-nê-xi-a, tháng 10/2003), Tuyên bố khẳng định quyết tâm của các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội (ASCC); đồng thời cũng phác thảo những ý tưởng lớn của từng Cộng đồng. Năm 2007, lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhất trí vì mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 (thay vì vào năm 2020 như thỏa thuận trước đây).

Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) chính thức được thành lập vào ngày 31/12/2015 khi bản tuyên bố thành lập có hiệu lực. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập nhằm mục đích tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Mục tiêu của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao mà với năng lực cạnh tranh này, ASEAN có thể hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

3. Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của du lịch sinh thái tỉnh Phú Yên khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

3.1. Điểm mạnh

Phú Yên có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển du lịch: Phú Yên nằm trên trục giao thông xuyên quốc gia về đường sắt, đường bộ, đường không và đường thủy, là cửa ngõ ra biển đông của vùng Tây Nguyên thông với đường xuyên Á qua các nước trong Bán Đảo Đông Dương. Phú Yên được xem là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc; có phần đất liền nhô ra biển xa nhất của Việt Nam, có thể tiếp nhận những tàu du lịch lớn trên thế giới. Sân bay Tuy Hòa cách trung tâm Thành phố chỉ 5km, diện tích rộng trên 700 ha sẽ được nâng cấp thành sân bay quốc tế trong thời gian tới, rất thuận lợi cho việc di chuyển, đi lại giữa Phú Yên và các nước Asean. Đây là một điều kiện tốt cho phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập AEC.

Phú Yên có điều kiện thiên nhiên phong phú, giàu tài nguyên văn hóa, lịch sử: Phú Yên vừa có những nét tương đồng với các nước ASEAN về văn hóa, lịch sử, phong cảnh, lại vừa có những điểm đặc trưng, độc đáo, khác biệt. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái trong bối cảnh Hội nhập AEC.

Du lịch sinh thái Phú Yên chưa phát triển mạnh: Đây lại là điều kiện thuận lợi để du lịch Phú Yên phát triển bền vững nếu được quy hoạch và quản lý tốt. Chính sự “tự nhiên, hoang dã” của đất trời Phú Yên là điều kiện tốt để du lịch sinh thái phát triển trong thời gian tới. Với sự đa dạng về thiên nhiên và văn hóa, Phú Yên có tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc, đặc thù, riêng biệt, đảm bảo cho phát triển bền vững khi hội nhập du lịch AEC.

3.2. Những khó khăn, hạn chế trong phát triển du lịch sinh thái bền vững của Phú Yên khi hội nhập du lịch AEC

Ngành Du lịch Phú Yên còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Trong đó, nổi lên là kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bến cảng, phương tiện vận chuyển du lịch đường bộ, đường thủy. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng chưa hiệu quả. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của Phú Yên; thiếu các dịch vụ tại các điểm đến. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư có mặt chưa tốt. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu; nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, tại Phú Yên chưa có nhiều nhà hàng phục vụ các món ăn truyền thống của các nước, do đó chưa đáp ứng tốt nhu cầu ẩm thực của khách du lịch nước ngoài, trong đó có khách du lịch đến từ các nước ASEAN...

Mặt khác, các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… có kinh nghiệm và triển khai rất tốt việc phát triển du lịch sinh thái, do đó du lịch sinh thái của Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt về thị trường, sản phẩm, nguồn nhân lực phục vụ du lịch của các nước ASEAN khi hội nhập AEC.

3.3. Cơ hội

Thúc đẩy hợp tác toàn khối với một thị trường du lịch rộng lớn.

Việc thành lập AEC cũng đã thúc đẩy việc hợp tác du lịch giữa các nước trong khu vực nhằm các mục đích: (1) nâng cao lợi thế du lịch hướng tới ASEAN và trong ASEAN; (2) thúc đẩy hợp tác trong ngành Du lịch để nâng cao hiệu quả và cạnh tranh; (3) cắt giảm đáng kể các hạn chế đối với thương mại du lịch cũng như các dịch vụ trong du lịch; (4) thiết lập một mạng lưới du lịch và dịch vụ du lịch hội nhập để tối đa hóa các dịch vụ bổ sung hấp dẫn khách du lịch; (5) thúc đẩy phát triển và thúc đẩy ASEAN thành một điểm đến du lịch hấp dẫn; (6) thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển nguồn lực con người, hợp tác phát triển, nâng cấp và mở rộng du lịch cùng các cơ sở vật chất của ngành Du lịch cũng như các dịch vụ đi kèm; (7) tạo điều kiện thích hợp cho khu vực tư nhân và Nhà nước cùng hợp tác phát triển du lịch nói chung và du lịch nội khối ASEAN nói riêng, đồng thời đầu tư vào dịch vụ cũng như cơ sở vật chất của ngành Du lịch.

Hiện nay, các nước thành viên ASEAN đang thúc đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển các chiến lược marketing cho hoạt động du lịch ASEAN với mục đích đẩy mạnh và thay đổi các hoạt động trong “chiến dịch đến thăm ASEAN”. Đây chính là chiến dịch nhằm biến ASEAN thành một điểm đến du lịch hấp dẫn không chỉ dành cho khách du lịch nội khối ASEAN, mà còn cho khách du lịch quốc tế.

Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) năm 2018 diễn ra vào cuối tháng 1/2018 tại Thái Lan các nước trong khu vực đã thống nhất Chiến lược Phát triển du lịch ASEAN, xác định tầm nhìn “đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo; phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng; đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân trong toàn khu vực”.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), trong năm 2016, khách du lịch đến khu vực ASEAN đạt khoảng 111 triệu lượt người, chiếm 9% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 116,2 tỷ USD. Thị trường du lịch của ASEAN chủ yếu là khách du lịch nội bộ trong khối (chiếm 42%) và khách đến từ vùng Đông Bắc Á (chiếm 37%). Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến ASEAN tăng 8% so với 2016; con số này là cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn thế giới (7%), khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (5%). Trong số các nước ASEAN, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng cao nhất (hơn 28%). Năm 2022, có 917 triệu lượt khách du lịch trên toàn cầu, tăng so với con số 455 triệu của năm 2021 nhờ việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do Covid-19. UNWTO dự báo Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách du lịch quốc tế lớn thứ 4 thế giới với 187 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030. Với những con số ấy, nếu triển khai liên kết và phối hợp tốt về phát triển du lịch với các quốc gia khác trong ASEAN, việc hội nhập AEC sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho ngành Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch của Phú Yên nói riêng, kể cả việc thu hút, chia sẻ lượng khách du lịch ngoài ASEAN lẫn thúc đẩy khách du lịch trong nội bộ ASEAN.

Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế

ASEAN đặt ra mục tiêu cụ thể như sau: đóng góp GDP của ngành Du lịch tăng từ 12% lên 15%; đóng góp về số lượng việc làm tăng từ 3,7% lên 7%; chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 877 USD lên 1.500 USD; thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 6,3 đêm lên 8 đêm. Là một điểm đến mới, nổi bật của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây, việc hội nhập AEC sẽ giúp cho du lịch Phú Yên phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

3.4. Thách thức

Các yếu tố bên ngoài: nguy cơ khủng hoảng kinh tế; tình hình an ninh chính trị của một số nước trong khu vực có nhiều bất ổn; biến đổi khí hậu và thiên tai… tác động tiêu cực đến phát triển du lịch. Hơn nữa, trình độ phát triển kinh tế không đồng đều giữa các nước trong khu vực và tồn tại quá nhiều cơ chế hợp tác cũng là một rào cản. Đa phần khách quốc tế chỉ có nhu cầu đi du lịch 1 nước, do đó việc hình thành thị trường du lịch chung ASEAN còn nhiều khó khăn nhất định.

Chịu sự tác động mạnh hơn từ quá trình hội nhập, trong khi đó lợi thế bảo hộ của các doanh nghiệp trong nước dần loại bỏ, khả năng chống chọi với cạnh tranh kém, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lữ hành. Là một địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chắc chắc Phú Yên sẽ chịu rất nhiều tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập

Chịu sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực du lịch với các nước trong khu vực, khi mà các nước ASEAN đang xem xét vấn đề hướng dẫn viên của một nước có thể hành nghề tại nước khác, đội ngũ nhân sự hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh còn thiếu nhiều kỹ năng, hạn chế về chuyên môn, yếu về kinh nghiệm, chắc chắn Phú Yên sẽ gặp khó khăn về nguồn nhân lực du lịch.

Nguy cơ chậm trễ trong việc ban hành các văn bản, qui định pháp luật của Trung ương sẽ dẫn đến những bất lợi trong quá trình hội nhập du lịch AEC, tác động trực tiếp đến quá trình phát triển du lịch của tỉnh.

Thách thức trong việc quản lý và ứng phó với khủng hoảng xảy ra trong việc phát triển du lịch, nhất là liên quan yếu tố nước ngoài. Ở tầm quốc gia, kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp trong làm du lịch của Việt Nam còn hạn chế so với một số nước khác trong khu vực. Đối với tỉnh Phú Yên, đây là một thách thức lớn trong quá trình hội nhập AEC sắp tới.

Nguy cơ mất đi tính bền vững trong phát triển du lịch nhất là du lịch sinh thái, do lượng khách du lịch tăng nhanh kết hợp với đầu tư mạnh vào các khu vực có khả năng phát triển du lịch sinh thái, rất dễ dẫn đến mất cân bằng sinh thái nếu không được kiểm soát, quản lý chặt chẽ.

4. Thực trạng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Phú Yên

Với những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch sinh thái, những năm gần đây Phú Yên đã dần trở thành một điểm đến mới, hấp dẫn, thân thiện đối với du khách. Đa phần du khách đến Phú Yên là theo loại hình du lịch sinh thái, tham quan, ngắm cảnh, trải nghiệm văn hóa bản địa.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng lượt khách đến Phú Yên khoảng 7.218.000 lượt, trong đó khách quốc tế khoảng 169.257 lượt, khách du lịch đến Phú Yên năm 2020 khoảng 884 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế khoảng 7.400 lượt (do tác động của dịch bệnh Covid-19 năm 2020); ngày lưu trú bình quân là 1,5 - 2 ngày/khách.

Về doanh thu du lịch: Trong giai đoạn 2016 - 2020, doanh thu du lịch đạt khoảng 7.980 tỷ đồng. Năm 2020, tổng doanh thu hoạt động du lịch khoảng 678 tỷ đồng. Với dân số chỉ khoảng 900 nghìn dân, năm 2022, Phú Yên đón 2,22 triệu lượt khách, gấp 5,9 lần so với năm 2021, với doanh thu du lịch khoảng 2.790 tỷ đồng. So sánh với năm 2019 (thời điểm trước khi có dịch Covid-19), khách du lịch đến Phú Yên tăng 23%, doanh thu du lịch tăng 44%, trong đó doanh thu lưu trú tăng gấp 4 lần. Những số liệu này cho thấy du lịch Phú Yên đang phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19.

Tuy nhiên, du lịch sinh thái Phú Yên còn khá đơn điệu, chưa có nhiều tiện ích để phục vụ khách du lịch như sân Golf, chuỗi nhà hàng, cà phê, khách sạn đẳng cấp; khu vui chơi, công viên - khu giải trí… Mặt khác, số lượng buồng, phòng chất lượng cao tại các cơ sở lưu trú còn thấp, chưa đảm bảo đủ điều kiện để thu hút khách khi có những sự kiện lớn tổ chức tại Phú Yên. Chưa có nhiều khu du lịch sinh thái sang trọng, được đánh giá cao về chất lượng, cũng như có vị trí tách biệt để thực sự trải nghiệm cảm giác nghỉ ngơi đúng nghĩa cho du khách. Kinh tế đêm của Phú Yên chỉ mới bắt đầu phát triển, chưa có nhiều những điểm vui chơi, giải trí về đêm. Việc ứng dụng du lịch thông minh còn nhiều hạn chế, nên chưa mang lại tiện ích và hiệu quả cả cho người sử dụng và người cung cấp dịch vụ, như: thiếu các kênh thông tin, quảng bá sản phẩm để du khách tìm hiể̉u tham khảo và so sánh về giá cả, dịch vụ trước khi quyết định chọn mua một sản phẩm dịch vụ tại điểm đến; tiếp thị, quảng bá bán sản phẩm còn hạn chế...

Về khía cạnh văn hóa - xã hội, do là một tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế, nên Phú Yên chưa có đủ nguồn lực để đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh. Vai trò của cộng đồng - người dân trong phát triển du lịch sinh thái tại Phú Yên còn khá mờ nhạt; năng lực tổ chức triển khai hoạt động du lịch sinh thái của cộng đồng còn hạn chế: hạn chế về hiểu biết pháp luật, dẫn đến hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái tự phát, không có trong quy hoạch như tại Sơn Hòa, Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu. Ở Phú Yên chưa có những doanh nghiệp lữ hành lớn, mà chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp từ các địa phương khác để đưa khách về Phú Yên. Đội ngũ nhân viên dịch vụ tour, lưu trú, ăn uống, hướng dẫn viên du lịch tuy được đào tạo nhưng kinh nghiệm, kỹ năng còn hạn chế, chưa mang lại sự hài lòng cao nhất cho du khách. Vai trò của chính quyền địa phương các cấp cho đến nay cũng chưa thể hiện một cách tích cực đối với phát triển du lịch sinh thái. Chính quyền chỉ mới hỗ trợ về mặt chủ trương chung, trong khi vẫn thiếu những hỗ trợ cụ thể về pháp lý, thể chế, chính sách mang tính đặc thù của địa phương.

5. Một số giải pháp phát triển du lịch sinh thái tỉnh Phú Yên trong bối cảnh hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)

Để khắc phục kịp thời các khó khăn, yếu kém và vượt qua khó khăn, thách thức, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội nhằm phát triển du lịch sinh thái tỉnh Phú Yên trong bối cảnh hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, cần triển khai các giải pháp như sau:

Xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển du lịch sinh thái.  

Tỉnh cần lập sớm hoàn thiện quy hoạch các khu vực phù hợp với với từng loại hình du lịch, trong đó tập trung: du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển, tham quan thắng cảnh, vui chơi giải trí, thể thao khám phá biển, đảo (Khu Du lịch Quốc gia Vịnh Xuân Đài); Khu du lịch tắm biển, tham quan gắn với tổ chức các hoạt động thể thao giải trí (lướt ván, nhảy dù, leo núi) (khu vực Vịnh Vũng Rô); Khu du lịch khám phá địa chất gắn với văn hóa đá độc đáo (Gành Đá Đĩa); phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm (gắn với thể thao biển, leo núi, ngắm cảnh) ở khu vực Núi Đá Bia,…

Ngoài ra, cần xây dựng các quy hoạch chuyên ngành khác: quy hoạch hệ thống làng nghề nhất là những làng nghề đã được Nhà nước quy hoạch, hệ thống siêu thị, nhà hàng có món ăn dành riêng cho người châu Âu, người châu Á, nhất là trong khu vực ASEAN, cùng với các điểm mua sắm… làm phong phú dịch vụ du lịch Phú Yên.

Bảo vệ và phát huy môi trường thiên nhiên, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch.

Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của du lịch, tài nguyên thiên nhiên đối với hoạt động du lịch, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các tiện ích du lịch để phục vụ phát triển du lịch sinh thái.

Ưu tiên dành nguồn ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, nhất là tại Gành Đá Dĩa, Vịnh Xuân Đài, Hòn Yến; huy động các nguồn lực đầu tư, nhất là các nguồn lực xã hội hóa để từng bước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ven biển, các tuyến đường giao thông đến các điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng có tiềm năng phát triển du lịch; mở thêm các tuyến bay mới từ Phú Yên đi một số tỉnh, thành phố lớn trong nước và hướng tới một số nước có thị trường phù hợp, nhất là các nước ASEAN. Quy hoạch, kêu gọi đầu tư hình thành các khu dịch vụ, vui chơi, giải trí, nhất là dịch vụ du lịch ban đêm để đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm của Phú Yên.

Tăng cường xúc tiến du lịch, quảng bá những nét độc đáo, đặc trưng, riêng biệt về văn hóa, con người Phú Yên, vừa chú trọng những văn hóa tương đồng với các nước ASEAN để thu hút khách du lịch trong khu vực.

Tỉnh cần phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng gắn với di tích, lễ hội, lối sống địa phương, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực; kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa dân gian với văn hóa đương đại. Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Công viên địa chất tỉnh Phú Yên, phấn đấu đến năm 2024 được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu, làm điểm nhấn phục vụ phát triển du lịch.

Hoàn thiện chính sách quản lý du lịch và thúc đẩy mạnh liên kết vùng trong bối cảnh hội nhập AEC.

Xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước đã ký kết hoặc với các địa phương có khả năng kết nối mở tuyến du lịch đến Phú Yên (kể cả các địa phương nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực ASEAN).

Xây dựng chương trình du lịch sinh thái theo chủ đề mang đặc trưng riêng có của Phú Yên để tạo lợi thế cạnh tranh.

Nghiên cứu xây dựng các chương trình theo các chủ đề đặc trưng Phú Yên như “Về nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Tổ quốc”, “Lễ hội Tôm hùm”, “Lễ hội Cá ngừ đại dương”, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, chỉ có Phú Yên mới có, từ đó thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước.

Thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng người dân trong phát triển du lịch sinh thái.

Tỉnh Phú Yên cần quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn kết hợp bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đây được xem là mô hình phù hợp trong phát triển du lịch sinh thái cho tỉnh Phú Yên; là một loại hình du lịch hài hòa với thiên nhiên và văn hóa bản địa do người dân địa phương làm chủ và đứng ra tổ chức. Mô hình này có thể triển khai tại tất cả 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, trong đó tập trung tại Sông Cầu, Tuy An, Sơn Hòa.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Triển khai điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nhân lực phục vụ du lịch của tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bổ sung nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2025 và đến năm 2030.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch, tạo liên kết về du lịch trên không gian mạng với các nước khu vực ASEAN.

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ hoạt động chuyển đổi số ngành Du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch và kết nối dữ liệu với các ngành khác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, quản lý tài nguyên, môi trường du lịch và hỗ trợ du khách; nâng cao năng lực cơ quan hoạt động xúc tiến, quảng bá; tập trung số hoá các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, con người, ẩm thực, các sản phẩm du lịch để quảng bá, thu hút khách. Phát huy hiệu quả công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, website, quảng bá trực quan, các ấn phẩm du lịch.

6. Kết luận

Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN tạo ra thêm một thị trường khách du lịch rộng lớn cho Phú Yên nói riêng, Việt Nam nói chung. Phú Yên là một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Việc nhận diện được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của du lịch Phú Yên trong bối cảnh hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN là rất quan trọng, từ đó có đầy đủ cơ sở hơn để xây dựng các giải pháp phát triển du lịch sinh thái cho tỉnh Phú Yên, từng bước thực hiện thành công mục tiêu đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Phú Yên vào năm 2030.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2017). Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quy hoạch Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030.
  4. Tỉnh uỷ Phú Yên (2021). Chương trình hành động số 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.
  5. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên (2021). Kế hoạch số 198-KH/UBND thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.
  6. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên (2003). Địa chí Phú Yên. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  7. Cục Thống kê Phú Yên (2022). Niên giám thống kê tỉnh Phú Yên các năm từ 2016 đến 2021.
  8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên (2023). Báo cáo kết quả du lịch tỉnh Phú Yên từ năm 2016 đến năm 2022.
  9. Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Yên. Truy cập tại: phuyen.org.vn.
  10. Báo Phú Yên. Truy cập tại: baophuyen.vn.
  11. Du lịch Phú Yên. Truy cập tại: phuyentourism.gov.vn.
  12. Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam. Truy cập tại: vcci.com.vn và www.aecvcci.vn.

Developing the  ecotourism in Phu Yen province in the context of Vietnam’s integration process into the ASEAN Economic Community

Master. Bui Thanh Toan

Propaganda Department of Phu Yen Provincial Party Committee

Abstract:

This sutdy analyzes the current situation, the guidelines and policies of the Party and State on international integration including tourism integration, resolutions and policies of Phu Yen province on tourism development. This study analyzes the challenges and opportunities of Phu Yen province’s tourism sector, and proposes some solutions to develop ecotourism in Phu Yen province in the context of the country’s integration process into the ASEAN Economic Community (AEC).

Keywords: ecotourism, Phu Yen province, ASEAN Economic Community.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2023]