Ngân sách không bỏ 1 đồng nào để can thiệp vào giá xăng dầu
Liên quan tới điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, xăng dầu hiện đang là một trong số ít những mặt hàng thiết yếu được điều hành dần theo cơ chế thị trường.
Chúng ta có 28 đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, sắp tới sẽ tăng lên vì hiện nay chúng tôi đang xét thêm một số đầu mối. Bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện của Nghị định 83 đều được cấp phép hoạt động, Thứ trưởng Hải cho biết.
Nói chi tiết hơn về việc tính giá xăng dầu tăng hay giảm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Nghị định 83 đã có công thức tính, trong đó quy định rõ các thành phần từ thuế cho đến các thành phần cấu thành khác. Cùng với đó, giá xăng dầu bình quân 15 ngày được lấy theo giá Singapore - thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
Phản hồi thông tin tất cả doanh nghiệp đều âm quỹ bình ổn khiến doanh nghiệp đầu mối gặp khó khăn trong hoạt động khi rơi vào tình trạng “càng nhập bán càng lỗ", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, theo số liệu gần nhất được thống kê tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 2/4/2019 chỉ có 9/28 doanh nghiệp đầu mối âm.
Giải thích nguyên nhân trong kỳ điều hành giá gần nhất (ngày 2/4) có mặt hàng như dầu diesel xu hướng thế giới là giảm, thuế nhập khẩu bình quân cũng giảm nhưng giá trong nước lại điều hành tăng, Thứ trưởng cho rằng, cần phải tính lại cả kỳ điều hành trước đó (ngày 18/3) thì mới đúng bản chất.
“Tại kỳ điều hành trước đó (18/3), muốn giữ được giá xăng dầu, chúng tôi phải báo cáo các cấp thẩm quyền để xin xả quỹ bình ổn tới 2.800 đồng cho 1 lít xăng E5RON92, 2.000 đối với RON95, dầu diesel và hoả đều phải xả quỹ hơn 1.000 đồng/lít để giữ giá. Còn tại sao phải giữ giá là theo chỉ đạo của Chính phủ vì không muốn tác động chồng chéo do giá điện cũng sẽ tăng từ ngày 20/3”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nếu ngày 2/4 vừa rồi không tăng giá xăng dầu thì vẫn phải bù hơn 2.000-2.800 đồng/lít với các mặt hàng xăng và hơn 1.000 đồng/lít với dầu. Riêng dầu diesel dù giá thế giới giảm 0,17% nhưng nếu bỏ xả quỹ đi thì vẫn phải tăng.
“Ngân sách không bỏ 1 đồng nào để can thiệp vào giá xăng dầu, giá thế giới tăng thì tăng, giảm thì giảm. Vừa rồi xăng E5 tăng 1.300 đồng/lít có ý kiến là tăng sốc nhưng nếu sốc thì có tăng 100 đồng/lít cũng vẫn nói là sốc. Nếu không dùng quỹ để bù hơn 2.042 đồng/lít thì xăng E5 phải tăng tới hơn 3.300 đồng. Tương tự RON 95, quỹ bình ổn cũng vẫn phải bù 1.300 đồng/lít”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Với riêng quỹ bình ổn, nhiều ý kiến cá nhân mong muốn “bỏ càng sớm càng tốt” nhưng Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lại cho biết: "Trong cuộc họp gần đây nhất, Chính phủ đã đưa ra bàn và thống nhất hiện nay khi Việt Nam chưa phải nền kinh tế thị trường nên vẫn cần vai trò quản lý nhà nước".
Cho phép các khách hàng lớn trực tiếp mua điện từ thị trường
Liên quan đến tình hình thị trường buôn bán điện cạnh tranh sau 3 tháng vận hành chính thức, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, từ năm 2012 Bộ Công Thương đã triển khai thị trường phát điện cạnh tranh và từ 1/1/2019, Bộ Công Thương chính thức vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Theo đó, các Tổng công ty điện lực được phép mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện, hiện tỷ lệ các tổng công ty được mua chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện thương phẩm từ các tổng công ty.
Kể từ 01/01/2019, bên cạnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị mua điện thì có 5 đơn vị khác được mua điện trực tiếp từ các đơn vị cung cấp. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ từng bước nghiên cứu mở rộng thêm các nhà máy điện tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đồng thời, nghiên cứu các cơ chế để cho phép các khách hàng lớn trực tiếp mua điện từ thị trường điện.
Qua 3 tháng triển khai, Bộ Công Thương nhận thấy, khi triển khai thị trường điện buôn bán điện cạnh tranh thì vướng mắc chủ yếu liên quan cơ chế chính sách, về thuế, hạ tầng cơ sở vì số giao dịch trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã tăng đáng kể so với các giao dịch trước đây (trước đây là thị trường 1 người mua).
Bộ Công Thương cũng phải giải quyết vấn đề phối hợp trong vận hành, điều độ các nhà máy điện để làm sao đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, cung ứng điện đầy đủ cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các quy định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức các khóa đào tạo huấn luyện cho các đơn vị mà vừa qua còn gặp những tồn tại, vướng mắc trong triển khai thị trường điện.
“Dự kiến, trong tháng 4/2019, Bộ Công Thương sẽ họp sơ kết 3 tháng vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh để tổng hợp các vướng mắc, vấn đề nào thuộc bộ thì triển khai tháo gỡ, còn vấn đề nào thuộc các đơn vị thì sẽ có chỉ đạo các đơn vị để triển khai tốt hơn thị trường này”, ông Tuấn nói.
Hoàn thiện bộ máy của Tổng Cục QLTT trong tháng 5/2019
Với việc kiện toàn bộ máy Tổng cục QLTT sau gần 6 tháng hoạt động, ông Trần Hữu Linh chia sẻ, việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy đang được hoàn thiện quyết liệt nhưng phải đúng quy trình, quy định.
Tổng cục được thành lập trên cơ sở nâng cấp các Chi cục thuộc Sở Công Thương, sau đó quyết định nâng cấp lên thành Cục QLTT trực thuộc Tổng cục. Do mới hình thành nên toàn bộ vị trí được nâng cấp, bổ nhiệm đều mới và là lần đầu tiên. Vì thế, việc bổ nhiệm sắp xếp cán bộ được thực hiện đúng quy định hiện nay của Chính phủ.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, theo quy định, muốn bổ nhiệm mới cán bộ phải kiện toàn việc tổ chức Đảng. Tuy nhiên, riêng tổ chức Đảng thành lập các Đảng bộ QLTT lại vẫn để ở cơ quan của tỉnh quản lý. Tính đến ngày 4/4/2019, đã có 57/63 Đảng bộ QLTT được thành lập.
Cách đây 2 tuần, Bộ Công Thương đã phê duyệt công tác tổng thể và 63 Cục QLTT địa phương đang tiến hành bổ nhiệm chính thức các vị trí. Quyền Cục trưởng đang tiến hành duy trì bổ nhiệm. Hơn nữa, vì là bổ nhiệm mới nên hiện nay các cán bộ được bổ nhiệm phải có đủ thời gian 5 năm công tác và làm việc trong ngành. Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã có văn bản chính thức cách đây hơn một tuần trình Thủ tướng xin bổ nhiệm cho các đồng chí chưa đủ thời gian công tác 5 năm.
“Tổng Cục QLTT đặt kế hoạch trong tháng 4, chậm nhất là tháng 5/2019 sẽ hoàn thành việc bổ nhiệm lãnh đạo các vị trí trong Tổng cục”, ông Trần Hữu Linh khẳng định.